Cả niềm vui lớn lao và khổ đau khủng khiếp đều được liên kết trong ngày này, ngày Chúa nhật bắt đầu Tuần Thánh, ngày Chúa nhật báo trước khổ hình thập giá của Chúa chúng ta.
Đó là thời gian của sự thất vọng, bối rối và mâu thuẫn. Chính đoàn dân từng hân hoan chào đón Đức Kitô tiến vào Giêrusalem sáng hôm ấy, cất vang “Hosanna” cùng những lời sùng bái, nội trong một tuần, vẫn là họ, lại kêu gào “đóng đinh nó vào thập giá”. Họ sẽ đi từ chỗ tán dương Ngài như Tân Vương của Israel đến việc đem mạng sống Ngài ra đổi với một tên tội phạm đã bị kết án; họ sẽ ca ngợi Ngài trước và rồi sau đó lại nhạo báng Ngài. Ngay cả những người thân hữu cùng tiến vào Giêrusalem bên cạnh Đức Giêsu cũng sẽ rời bỏ Ngài. Toàn bộ những nét đối nghịch này sẽ xảy ra trong vòng một tuần bắt đầu từ Chúa nhật Lễ Lá.
Đám đông hồ hởi
Như chúng ta đọc thấy trong các Tin mừng, Đức Giêsu lên Giêrusalem để gia nhập với đám đông dân Do Thái cử hành lễ Vượt qua theo đúng quy định trong hai sách Cựu ước là Xuất hành và Đệ Nhị luật. Theo Tin mừng thánh Gioan, vào ngày Chúa nhật ấy, Đức Giêsu và một số môn đệ của Ngài đã thực hiện chuyến đi chưa đầy hai dặm từ Bêtania đến ngoài thành Giêrusalem. Theo phong tục, những người hành hương đã tiến vào thành phố trước đó, giờ đây sẽ ra để chào đón những nhóm mới đến; có một số người chưa từng gặp Đức Giêsu nhưng nghe biết về các phép lạ Ngài thực hiện và bị lôi cuốn vào cơn phấn khích.
Những người tiến ra và chào đón Đức Giêsu làm thành một đám đông lớn như Tin mừng Gioan giải thích: “Khi đám đông dân chúng… nghe tin Đức Giêsu tới Giêrusalem, họ cầm nhành cọ ra đón Ngài và reo hò: ‘Hosanna! Hoan hô Đấng ngự đến nhân danh Chúa! Chúc tụng vua Israel!’”(Ga 12,12-13).
Những người Pharisêu có mặt không bỏ qua sự tung hô này. Họ nói với Đức Giêsu, “Thưa Thầy, xin hãy quở trách các môn đệ của Thầy”. Ngài đáp, “Ta nói với các ngươi, nếu họ mà làm thinh thì sỏi đá cũng sẽ kêu lên” (x. Lc 19,39-40). Những người Pharisêu trình báo lại các sự việc cho thượng hội đồng Do Thái gọi là Sanhedrin, xem sự ủng hộ ngày một tăng dành cho Đức Giêsu như một mối nguy hiểm cho mối tương quan đang êm đẹp giữa họ với những người Rôma. Trên thực tế, họ đã vạch kế hoạch để sát hại Ngài.
Lúc trước, Chúa cố ý tránh né sự tung hô của dân chúng, thậm chí Ngài còn lẫn trốn, nhưng giờ đây, khi tiến vào Giêrusalem, Ngài đón nhận điều đó. Tuy nhiên, hành động của Ngài không giống như những gì dân chúng mong đợi. Ngài không biểu tỏ chính mình như một đối thủ của Caesar; Ngài không phải là đấng mêsia chính trị hay một vị vua chiến binh để đám đông ngưỡng mộ. Thay vì tiến vào Giêrusalem trên một chiến xa hay chiến mã, Ngài lại cưỡi trên lưng lừa, một dấu chỉ của hòa bình; và cũng chẳng phải một con lừa bất kỳ nhưng là con lừa chưa từng có ai cưỡi, đặc quyền của một vị vua. Khi chứng kiến Ngài ngồi trên lưng lừa, người Do Thái đang vây quanh Ngài nhắc lại những lời của Ngôn sứ Dacaria năm trăm năm trước:
Nào thiếu nữ Xion, hãy vui mừng hoan hỷ!/ Hỡi thiếu nữ Giêrusalem, hãy vui sướng reo hò! / Vì kìa Ðức Vua của ngươi đang đến với ngươi; / Ngài là vị cứu tinh, / khiêm tốn ngồi trên lưng lừa, một con lừa con vẫn còn theo mẹ. / Ngài sẽ quét sạch chiến xa khỏi Épraim / và chiến mã khỏi Giêrusalem” (Dcr 9,9-10).
Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI đã giải thích những câu Cựu ước này trong tương quan với Đức Giêsu: “Ngài là vị vua hủy bỏ vũ khí chiến tranh, vị vua hòa bình, vị vua đơn sơ, vị vua của người nghèo… Đức Giêsu không dựa vào bạo lực; Ngài không xúi giục một cuộc nổi dậy quân sự chống lại Rôma” (“Đức Giêsu thành Nazarét: Tuần Thánh”, Ignatius Press, 2011, tr. 81-82).
Cưỡi trên một con lừa được mượn, Đức Giêsu khiêm nhượng tiến vào thành trong khi đám đông dân chúng trải áo mình ra trước mặt Ngài và vung vẩy nhành cọ. Khung cảnh hân hoan này trái ngược với những hành động phản bội, với đau buồn và với cơn hấp hối diễn ra không lâu sau đó, nó gây một cảm tưởng không thực về việc vị anh hùng vinh thắng này sẽ bị đóng đinh như một tội nhân.
Thánh Bernard xứ Clairvaux (1090-1153) đã giảng về việc Đức Kitô tiến vào Giêrusalem: “Thật khác biệt biết bao những tiếng hô ‘Đem đi, đem nó đi, đóng đinh nó vào thập giá’ với ‘Chúc tụng Đấng ngự đến nhân danh Đức Chúa! Hoan hô trên các tầng trời!’. Thật khác biệt biết bao những tiếng hô lúc này gọi Ngài là ‘Vua Israel’ và rồi thời điểm sau đó vài ngày lại bảo rằng ‘Chúng tôi không có vua nào khác ngoài Caesar!’. Thật tương phản giữa nhành lá xanh tươi và thập giá, giữa vòng hoa và mão gai! Trước đó, họ trải áo mình ra để Ngài bước đi, rồi rất nhanh sau đó họ lại lột áo Ngài và đem ra bốc thăm”.
Hàm ý của nhành cọ
Nhành cọ là biểu tượng của sự sống nơi các bộ tộc du mục, những người, khi băng qua sa mạc, vui mừng lúc nhìn thấy cây cọ vì nó chứng tỏ rằng có một ốc đảo với nguồn nước mang lại sự sống ở gần đó. Nhành cọ từ xưa đến nay là một dấu chỉ của chiến thắng, thành công và vinh quang. Các lãnh đạo hay đội quân chiến thắng quay về từ chiến trận hoặc một chiến dịch quân sự dài ngày được chào đón bởi đám đông cầm nhành cọ tưng bừng vẫy chào. Bất chấp thái độ ôn hòa của Đức Giêsu, khi những người Do Thái vẫy nhành cọ chào Ngài và trải áo mình ra để Ngài đi qua, họ tạo cho Ngài những vinh dự của một vị anh hùng thắng trận và đồng thời thách thức những kẻ chiếm đóng người Rôma.
Vào Chúa nhật Lễ Lá, chúng ta vẫn tiến ra đón Ngài, mang trên tay những nhành cọ được làm phép, vui mừng hát lên hosanna và cùng Ngài vinh khải tiến vào Giêrusalem. Nhưng rồi chốc lát sau, niềm vui của chúng ta lại thành ảm đạm khi chúng ta, vẫn còn giữ chặt cành lá, lắng nghe trình thuật khổ nạn của Đức Kitô. Một lần nữa, chúng ta nhận ra cuộc khải hoàn của Ngài, một chiến thắng đích thực, sẽ đến qua thập giá. Chúng ta biết, cũng như Đức Giêsu đã biết, Tuần Thánh sẽ kết thúc như thế nào. Chúng ta biết rằng niềm vui sẽ hóa thành đau buồn nhưng rồi niềm vui sẽ quay trở lại. Chúng ta biết rằng thông qua cuộc khổ nạn thảm khốc Ngài nhận chịu, theo sau lại là vinh quang phục sinh, sự thiện sẽ chiến thắng sự dữ và sự sống sẽ chiến thắng sự chết.
Nhành cọ mà chúng ta mang về nhà và đặt ở một nơi trang trọng giúp nhắc nhớ chúng ta rằng Chúa nhật Lễ Lá không bị tiêu biến qua dòng thời gian nhưng nhờ chiến thắng của Đức Kitô, chúng ta cũng có thể đạt được sự sống đời đời. “Đối với chúng ta cũng thế, những nhành cọ phải là biểu tượng của vinh thắng, hiển lộ chiến thắng chúng ta đạt được trong trận chiến với sự dữ nơi chính bản thân chúng ta và với sự dữ rảo quanh chúng ta. Khi chúng ta nhận lấy nhành cọ được làm phép, chúng ta hãy canh tân lời cam kết của mình hầu chiến thắng cùng Đức Giêsu, tuy nhiên, chúng ta cũng đừng quên rằng chính trên thập giá mà Ngài đã chiến thắng” (“Sự Thần Hiệp”, Lm. Gabriel of St. Mary Magdalen, O.C.D., Tan Books, 1997, tr. 392-393).
Tái diễn Chúa nhật Lễ Lá
Chẳng bao lâu sau biến cố Phục sinh, các Kitô hữu đã muốn viếng thăm các địa điểm Đức Kitô chịu khổ nạn và thậm chí muốn tái diễn các tình tiết đã xảy ra, điển hình như việc Ngài tiến vào thành Giêrusalem. Nhưng việc này không thể thực hiện được cho đến thế kỷ thứ tư khi Constantinô trở thành hoàng đế của Đế quốc Rôma và chấm dứt mọi cuộc bách hại tôn giáo. Cuối thế kỷ này, một người hành hương gốc Tây Ban Nha có tên là Eigera đã viếng thăm Giêrusalem. Trong nhật ký của mình, bà đã ghi chép lại cách thức các Kitô hữu lập lại các biến cố của Tuần Thánh. Bà viết rằng họ quy tụ lại bên ngoài thành vào Chúa nhật trước Lễ Phục sinh và lắng nghe một trong các Tin mừng thuật về việc Đức Kitô khải hoàn tiến vào Giêrusalem. Sau đó, họ cùng nhau diễn hành qua các cổng thành trong khi cầm theo những nhành cọ hay ôliu. Các cuộc rước vào Chúa nhật Lễ Lá của chúng ta khá giống với điều Eigera chứng kiến ở mười bảy thế kỷ trước.
Đến thế kỷ thứ chín, cuộc rước với những nhành cọ được làm phép đã lan rộng ra khỏi Giêrusalem và phổ biến khắp cả Âu châu trong suốt thời Trung cổ. Vào thế kỷ thứ mười bảy, các Kitô hữu không những rước lá tiến vào nhà thờ mà họ còn cầm nhành cọ, trong Thánh lễ, vào lúc đọc bài Thương khó.
Trải qua nhiều thế kỷ, Chúa nhật Lễ Lá và cuộc rước của đoàn người cầm lá được cử hành theo nhiều cách thức đa dạng. Tại một số nơi, Bí tích Thánh thể là một phần của cuộc rước lá, ở nơi khác cộng đoàn xuất phát từ nghĩa trang giáo xứ rồi tiến vào nhà thờ. Các nhành cọ đôi khi được làm phép tại một nhà thờ và mọi người mang chúng cùng nhau đến một nhà thờ khác để cử hành Thánh lễ. Tiêu biểu nhất là việc làm phép cho mọi người và những nhành cọ ở một nơi bên ngoài nhà thờ rồi rước vào trong. Có nhiều thời điểm, thậm chí là đến giữa thế kỷ hai mươi, vị linh mục mặc phẩm phục đỏ trong lúc làm phép lá và cuộc rước, rồi sau đó thay áo lễ tím để dâng Thánh lễ.
Vào năm 1955, Giáo hội đã qui chuẩn và đơn giản hóa các hình thức kiệu lá khác nhau được sử dụng vào Chúa nhật Lễ Lá: hoặc một cuộc rước được tổ chức bắt đầu từ một nơi bên ngoài nhà thờ, hoặc một cuộc rước trọng thể xuất phát ngay trong nhà thờ, hoặc không có cuộc rước nào cả. Một cuộc rước kiệu bắt đầu tại một địa điểm bên ngoài nhà thờ chỉ được thực hiện một lần duy nhất cho các Thánh lễ cuối tuần; không được lặp lại vào mỗi Thánh lễ. Giáo hội gọi ngày này là Chúa nhật Lễ Lá tưởng niệm cuộc Thương khó của Chúa
Grêgôriô Võ Trần Nhựt chuyển ngữ
Tác giả: D.D. Emmons
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét