Philip Kosloski
Thánh Faustina đã viết trong nhật ký, sau khi Chúa Giêsu hiện ra, rằng: “hơi lệch sang một bên trên ngực, có hai tia sáng lớn, một tia đỏ, tia kia hơi nhạt hơn” ( Nhật ký, 47).
Thị kiến này trở thành nền tảng cho hình ảnh Lòng Chúa Thương Xót, nơi những tia sáng đỏ và trắng tỏa ra từ trái tim Chúa Giêsu.
“Trong khi cầu nguyện, tôi nghe thấy những lời này trong tôi: “Hai tia sáng biểu thị Máu và Nước. Tia sáng nhạt tượng trưng cho nước làm cho các linh hồn trở nên công chính. Tia sáng màu đỏ tượng trưng cho Máu là sự sống của các linh hồn… Hai tia sáng này phát ra từ chính nơi sâu thẳm Lòng Thương Xót dịu dàng của Cha khi Trái Tim đau khổ của Cha bị mũi giáo mở ra trên Thập Giá”” (Nhật ký, 299).
Trước hết, hai tia sáng này tương ứng với trình thuật Kinh thánh về cuộc khổ nạn và cái chết của Chúa Giêsu.
“Khi đến gần Đức Giêsu và thấy Người đã chết, họ không đánh giập ống chân Người. Nhưng một người lính lấy giáo đâm vào cạnh sườn Người. Tức thì, máu cùng nước chảy ra” (Ga 19. 33-34).
Thứ hai, người ta tin rằng Chúa Giêsu ám chỉ đến bí tích Rửa tội khi nhấn mạnh “nước làm cho các linh hồn trở nên công chính”.
Máu đỏ thường được coi là biểu tượng của hy sinh của Chúa Giêsu, cũng như của Bí tích Thánh Thể.
Cả hai bí tích thường được mô tả là “được sinh ra từ cạnh sườn của Chúa Giêsu” trên thập giá.
Màu đỏ cũng là lời nhắc nhở thường xuyên về tình yêu mãnh liệt của Chúa Giêsu dành cho nhân loại và là biểu tượng cho Lòng Chúa Thương Xót của Chúa Giêsu.
Hình ảnh Lòng Chúa Thương Xót mang nhiều tính biểu tượng và nó cung cấp cho chúng ta một bản tóm tắt tuyệt vời của sứ điệp Tin Mừng.
G. Võ Tá Hoàng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét