Không phải ngẫu nhiên, Hội Thánh chọn ngày đầu năm để cử hành lễ Mẹ Thiên Chúa. Mẹ là Mẹ của Đấng làm chủ thời gian và lịch sử. Tuy nhiên điều gợi lên cho chúng ta là việc Mẹ là Mẹ Thiên Chúa có ý nghĩa gì trong cuộc đời của chúng ta? Mẹ là Mẹ Thiên Chúa giúp cho chúng ta hiểu được sự vi diệu của công trình cứu độ mà Chúa đã thực hiện trên cuộc đời Mẹ và trên cuộc đời chúng ta.
Thiên Chúa đã chuẩn bị kế hoạch cứu độ của Ngài và Ngài mời gọi Mẹ cộng tác vào công trình cứu độ ấy. Thiên Chúa đã chuẩn bị cho Con mình một nơi xứng đáng để hạ sinh. Mối liên hiện của Mẹ với Đấng cứu thế xác định vị trí của Mẹ trong lịch sử cứu độ và trong đời sống phụng vụ. Mẹ là Mẹ của Đức Ki-tô mà Đức Giê-su Ki-tô là Thiên Chúa cho nên Mẹ là Mẹ Thiên Chúa. Giáo Hội tôn kính Mẹ vì Mẹ là Mẹ của Đấng cứu thế. Lẽ ra chúng ta nên gọi Mẹ là Mẹ Chúa Ki-tô thì đúng hơn nhưng vì tránh đi cách hiểu sai lạc của một số lạc thuyết cho rằng Chúa Giê-su không phải là Thiên Chúa và Đức Mẹ chỉ là mẹ của Chúa Giê-su, con vua Đavid chứ không phải là Mẹ Thiên Chúa nên Giáo Hội tuyên tín Mẹ là Mẹ Thiên Chúa nhằm khẳng định rằng Đức Ki-tô là Thiên Chúa thật và con người thật. Điều này cũng khẳng định rằng Mẹ là Mẹ của Ngôi Lời nhập thể mang lấy thân xác con người. Như thế, Ngôi Lời nhập thể tượng thai trong lòng Đức Trinh Nữ Maria, được sinh ra bởi Đức Maria nên chúng ta tin Mẹ là Mẹ của Thiên Chúa. Hiệu quả tất yếu của việc Ngôi Lời nhập thể và Mẹ Maria là Mẹ Thiên Chúa là Ngôi Lời nhận lấy bản tính hư hoại của chúng ta và chúng ta nhận lấy sự bất diệt của Ngài. “Tất cả sự kiện xảy ra như thế để khi Ngôi Lời nhận lấy bản tính chúng ta và hiến dâng làm hy tế, thì Người nhận lấy hết làm của mình, và Người mặc cho chúng ta bản tính của Người, do đó thánh Phao-lô đã có thể nói được rằng: cái thân sẽ hư nát này phải mặc lấy sự bất diệt; cái thân sẽ chết này phải mặc lấy sự bất tử.”[1] Cũng thế, việc Ngôi Lời nhận lấy thân xác nơi Đức Maria không ảnh hưởng đến tín điều và sự toàn hảo của về Thiên Chúa. “Sau khi Ngôi Lời nhận lấy thân xác bởi Đức Ma-ri-a, Ba Ngôi vẫn nguyên thế, không thêm cũng chẳng bớt chút nào. Ba Ngôi vẫn luôn toàn hảo. Nơi Ba Ngôi, người ta nhận biết chỉ có một Thiên Chúa. Vì thế, trong Hội Thánh, người ta rao giảng một Thiên Chúa duy nhất là Cha của Ngôi Lời.”[2] Như thế, việc tuyên tín tín điều Mẹ Thiên Chúa nhằm khẳng định chân lý cứu độ của Thiên Chúa nơi Đức Ki-tô, mối tương quan thân tình của Mẹ với Con của Mẹ và sự tôn kính của chúng ta dành cho người Mẹ yêu dấu.
Có lẽ nói về tín điều mẹ là Mẹ Thiên Chúa, Thánh Phao-lô đã khẳng định rất rõ về cách thức Con Thiên Chúa làm người và ý nghĩa của việc nhập thể. Thiên Chúa cho con mình tới làm con một người phụ nữ, sống dưới lề luật, để cứu những ai sống dưới lề luật. Nhờ Ngài, chúng ta được trở nên con cái Thiên Chúa, được gọi Thiên Chúa là Cha và được sống tự do. “Khi thời gian tới hồi viên mãn, Thiên Chúa đã sai Con mình tới, sinh làm con một người phụ nữ, và sống dưới Lề Luật, 5 để chuộc những ai sống dưới Lề Luật, hầu chúng ta nhận được ơn làm nghĩa tử. 6 Để chứng thực anh em là con cái, Thiên Chúa đã sai Thần Khí của Con mình đến ngự trong lòng anh em mà kêu lên: “Áp-ba, Cha ơi !” 7 Vậy anh em không còn phải là nô lệ nữa, nhưng là con, mà đã là con thì cũng là người thừa kế, nhờ Thiên Chúa.[3] Như thế, thánh Phao-lô khẳng định về nguồn gốc của biến cố nhập thể của Chúa Giê-su. Thiên Chúa sai Con Mình đến thế gian và làm con một người phụ nữ. Chúa Cha sai Con của Ngài đến thế gian. Ngài được sinh bởi người phụ nữ nên Ngài là con người thật. Nói cách khác chính mối tương quan của Chúa Giê-su với Thiên Chúa và của Chúa Giê-su với Mẹ làm cho Đức Maria có vị trí đặc biệt trong lịch sử cứu độ và trong niềm tin của Giáo Hội.
Biến cố nhập thể và giáng sinh có lẽ là một biến cố in đậm trên cuộc đời của Mẹ. Biến cố đó vừa chứng thực những gì Ngài đã hứa với con người suốt dòng lịch sử, vừa cho thấy tình yêu của Chúa dành cho Mẹ và cho nhân loại. Chính vì những hồng ân cao cả đó nên Mẹ đã không ngừng tạ ơn Đức Chúa. “Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa, thần trí tôi hớn hở vui mừng vì Thiên Chúa cứu độ tôi, phận nữ tỳ hèn mọn, người đoái thương nhìn tới, từ nay hết mọi thời sẽ khen tôi diễm phúc, Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi biết bao điều cao cả, Danh Người thật chí thánh chí tôn.”
Sau biến cố truyền tin, Mẹ hằng suy đi gẫm lại kế hoạch kỳ diệu của Thiên Chúa thực hiện trên cuộc đời Mẹ để suy tôn Đức Chúa và tán tụng Ngài. “19 Còn bà Ma-ri-a thì hằng ghi nhớ tất cả những điều ấy, và suy đi nghĩ lại trong lòng.”[4] Mẹ Maria giữ lại tất cả biến cố xoay quanh cuộc đời Chúa cứu thế và suy đi nghĩ lại trong lòng. Biến cố truyền tin và tiếng xin vâng mở đầu cho kế hoạch của Thiên Chúa được thực hiện trên cuộc đời Mẹ. Mẹ Maria sẵn sàng đón lấy ý Chúa và lấy ý Chúa làm lương thực cho đời sống mình. Mẹ đã đồng nhất ý chí tự do của mình với ý Chúa và kế hoạch của Ngài.
Trong qúa trình mang thai Chúa Giê-su, Mẹ lắng nghe nhịp đập con tim của Hài Nhi, và tiếp tục khám phá con tim của Chúa trong cuộc đời của Mẹ. Sự gần gũi về mặt thể lý, tâm hồn và đức tin với Chúa Giê-su khiến mẹ dễ dàng hiểu hơn về ý Chúa và tâm tư của Con mình.
Mẹ giữ gìn tất cả những gì Chúa đã nói và thực hiện trong cuộc đời Mẹ trong tin tưởng và yêu mến. Mẹ tập chú vào cái nhìn của Chúa, chăm chú để tâm đến kế hoạch của Thiên Chúa, giữ gìn lửa yêu mến, hiện diện và nâng đỡ cộng đoàn tiên khởi, đồng hành với con Mẹ trên đường thập giá. Chiêm ngắm Hài Nhi Giê-su, Mẹ cảm thấy ngỡ ngàng về công trình kỳ diệu của Thiên Chúa. Mẹ thầm cảm ơn về Hài Nhi bé bỏng đang hiện diện trước mặt và suy gẫm lời của thiên sứ truyền tin về tương lai của Con Trẻ thuộc dòng dõi vua David.
Mẹ đã mang hơi ấm của tình mẫu tử và đã khắc họa nét mẫu tử trong hình ảnh của Thiên Chúa. Ngôi Lời hóa thành nhục thể và giúp cho con người học lấy tình mẫu tử của Thiên Chúa. Một xã hội vắng bóng mẹ là một xã hội lạnh giá, con tim đông cứng và mất đi hương vị của đời sống gia đình. Đặc tính của người mẹ là người ban sự sống, nâng niu và thúc đẩy sự sống phát triển. Nơi trái tim của người mẹ luôn nâng niu sự sống và trao ban sự tha thứ. Cho dù đứa con có làm chi sai trái, thậm chí là có những lúc nó lợi dụng lòng tốt và sự từ bi của mẹ, người mẹ vẫn không nỡ dứt bỏ nó.
Tình mẫu tử mang khuân mặt của Thiên Chúa nên cũng mang hình ảnh của Giáo Hội. Giáo Hội là mẹ hiền sinh ra con cái trong đức tin, dưỡng dục đức tin và đón người con của mình khi nó hoàn tất cuộc đời này. Điều làm cho bạn và tôi phải suy nghĩ là đôi khi vai trò làm cha mẹ có thể bị phai nhạt hoặc dễ bị đánh đổi bởi những vai trò và nhu cầu khác. Xã hội hiện đại cho con người nhiều tự do và sự tiện ích, tuy nhiên cuộc sống cũng đặt ra sự cạnh tranh khốc liệt và tính bền vững trong hôn nhân gia đình, những quan niệm thông thoáng và sơ sài về mặt luân lý cũng làm cho con người mất đi “đặc tính mẫu tử” trong xã hội hiện đại. Sự cạnh tranh và khẳng định vị thế thay vì sự bao dung, tha thứ và hòa giải. Hoặc đôi khi người ta sẵn sàng hy sinh tình mẫu tử cho những lợi ích và nhu cầu của bản thân. Sẽ là quá đáng nếu sự qui kết một hành vi mà không dựa trên sự mách bảo của con tim và lý trí. Tuy nhiên bản chất của sự sống vẫn là một sự trao hiến và một sự đòi hỏi việc ra khỏi chính mình. Sự sống có thể chưa có một hình hài nhưng hành vi trao ban tình yêu vẫn là nguyên lý cấu thành nên sự phong phú và ý nghĩa của cuộc sống.
Một tâm hồn mồ côi là một tâm hồn thiếu vắng tình mẹ. Một cuộc đời mồ côi là cuộc đời không nhìn nhận người khác là anh em của mình. Một xã hội mồ côi là một xã hội thiếu vắng sự bao dung, tha thứ. “Con không biết em con,” “còn thằng con của Cha đó” là thái độ của người không nhìn nhận tương quan phụ tử, cũng có thể là mẫu tử và tương quan hynh đệ. Như thế, khi bạn và tôi ý thức mình là ai, mình thuộc về đâu, mình sống cho điều gì, ai làm chủ trái tim tôi là cách giúp tôi sống tốt mối tương quan hiếu tử với Thiên Chúa.
Gioan Phạm Duy Anh SJ
[1] Trích thư của thánh A-tha-na-xi-ô, giám mục, Nhờ Đức Ma-ri-a, Ngôi Lời nhận lấy bản tính của chúng ta, Kinh Sách, Lễ Mẹ Thiên Chúa
[2] Ibidem
[3] Gl 4, 4-7
[4] Lc 2, 19
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét