Thứ Tư, 22 tháng 9, 2021

8 điều nhỏ nhặt khiến bạn trở nên có văn hóa hơn

Trong cuộc sống, có rất nhiều điều tưởng chừng như “nhỏ nhặt” mà nhiều người không xem trọng, nhưng chính những thứ nhỏ nhặt ấy lại khiến chúng ta trở thành một người có văn hóa hơn.

1. Biết cách cảm ơn

Trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta không tránh được việc nhờ người khác giúp đỡ, hoặc được người khác chủ động giúp đỡ và khích lệ. Lúc này, việc bày tỏ sự cảm kích sẽ trở thành kỹ năng giao tiếp không thể thiếu. Nhưng bạn có thật sự biết “cảm ơn” chăng?

Khi nhận được những thứ về vật chất hoặc tinh thần từ người khác, nhiều người luôn thuận miệng nói một câu “cảm ơn”, nhưng trong lời nói không thật sự mang lòng biết ơn, về lâu dài sẽ trở thành thói quen nói “cho có lệ” và thiếu thành ý. Và qua cách nói cùng âm điệu của bạn, người nghe cũng sẽ cảm nhận được rất rõ ràng.

Vì vậy, khi nói cảm ơn với người khác, trong tâm bạn nên thật sự bày tỏ lòng biết ơn, mọi người sẽ cảm nhận được thành ý của bạn.

2. Biết xin lỗi

Bên cạnh việc biết cảm ơn, chúng ta cũng cần học cách xin lỗi. Khi làm điều gì đó sai trái, hãy dũng cảm nhận lỗi và chân thành xin lỗi người khác. Từ trong tâm họ sẽ biết được bạn là người biết nhận sai khi mắc lỗi lầm và có bản lĩnh khi thừa nhận lỗi lầm đó. Nhận lỗi không khiến người khác coi thường hay đánh giá thấp bạn, mà hoàn toàn ngược lại. Họ sẽ cảm nhận được bạn là người có trách nhiệm và đáng tin tưởng.

3. Biết lắng nghe, không ngắt lời

Khi giao tiếp, một đối tượng trò chuyện như thế nào sẽ gây khó chịu cho người khác? Đó là những người hoàn toàn không cần biết đến cảm nhận của người khác, hễ mở miệng là nói không ngơi nghỉ, dù đến lúc người khác bày tỏ suy nghĩ cũng không quên chen vào vài câu.

Biết lắng nghe chẳng những là một tố chất có được do dày công rèn luyện hàng ngày, mà còn là một kỹ năng giao tiếp đặc biệt quan trọng, có thể nắm bắt được chính xác quan điểm của đối phương khi trò chuyện, biết được tâm lý và mục đích trò chuyện của họ, cũng như giúp bạn có cách đáp lại một cách phù hợp.

Trong xã hội ngày nay, khả năng biểu đạt bằng ngôn ngữ là một kỹ năng quan trọng cần phải có, nhưng không phải là “ai nói nhiều thì người đó thắng”. Hãy rèn luyện cho mình khả năng biết lắng nghe!

4. Biết suy nghĩ cho người khác

Trong mối quan hệ giữa người với người, có rất nhiều nguồn cơn của sự mâu thuẫn, tranh cãi nằm ở việc không biết suy nghĩ cho nhau. Chúng ta ghét việc bị lãnh đạo phê bình khi làm sai, ghét bị người khác góp ý, ghét bị bố mẹ rầy la, khi đi xe buýt thì ghét người bên cạnh chen lấn, khi lái xe nhanh lại mắng người đi đường, lúc qua đường thì mắng tài xế v.v… Tuy nhiên, chúng ta đã đặt mình vào vị trí của người khác, biết suy nghĩ cho người khác chưa?

Kỳ thực, chúng ta cũng có thể đặt mình vào vị trí của người khác để nghĩ đến cảm nhận của họ, thì rất nhiều sự mâu thuẫn đều sẽ tự nhiên được hóa giải, bạn cũng sẽ dần trở thành một người rộng lượng trong mắt mọi người.

5. Giữ tâm thái bình tĩnh khi tức giận

Muốn biết một cá nhân có là người “hào phóng, rộng lượng” hay không, phải xem lúc người đó nghèo; muốn biết liệu một người có trầm tĩnh, nho nhã hay không thì phải xem lúc họ tức giận.

Có người bình thường cười nói vui vẻ, có vẻ như rất hiểu chuyện, nhưng khi gặp bất đồng thì lập tức trở nên đùng đùng sát khí. Còn có người khi đối diện với những lời tai bay vạ gió hay mâu thuẫn với người khác, họ chỉ nhẹ nhàng mỉm cười cho qua, không quan tâm đến được hay mất. Đây là người sẽ được người khác nể phục và kính trọng nhất, bởi người ấy có một sự tu dưỡng đạo đức rất cao.

6. Giữ sự tôn trọng đối với những người “thấp hơn mình”

Từng có một bài khảo sát như sau: Những việc làm nào có thể khiến bạn ngay lập tức tăng thiện cảm với người khác? Trong đó có một câu trả lời là: Cảm ơn người phục vụ. Nghe qua thì có vẻ kỳ lạ, nhưng thực ra điều này rất có lý.

“Kẻ mạnh” thực sự hoàn toàn không phải người nghênh ngang kiêu ngạo, địa vị cao sang, mà là những người có EQ cao, cư xử đúng mực, có tấm lòng khoan dung độ lượng.

Người giữ được sự khiêm tốn đối với địa vị và quyền thế không hiếm, nhưng liệu họ có giữ được sự tôn trọng đối với những người “thấp hơn mình”, có lịch sự với nhân viên phục vụ, có kinh rẻ người nghèo, có cảm ơn khi nhận được tờ rơi hoặc có thể khoan dung và nhẫn nhịn đối với những người có khiếm khuyết về cơ thể hay không? Những điều này có thể tiết lộ nhân phẩm của họ cao hay thấp.


(Ảnh: Shutterstock)

7. Đầu óc tỉnh táo, nói năng cẩn trọng

Khi giao tiếp với người khác, đôi bên truyền đạt qua lại chẳng qua là hai điều, một là thông tin, hai là ý kiến. Thông tin không cần nói nhiều, nói đúng là được. Khi trao đổi quan điểm sẽ khó tránh xảy ra xung đột, mâu thuẫn. Lúc này, “tranh luận” trở thành một kiểu giao tiếp thường gặp.

Khi chúng ta trao đổi ý kiến với người khác, đừng quá vội vàng, hãy để người ta nói xong rồi bày tỏ ý kiến. Hơn nữa, khi giao tiếp, hãy nói với tốc độ vừa phải, cẩn trọng trong từng lời nói, tránh nổi nóng. Hãy giữ cho mình một cái đầu tỉnh táo!


(Ảnh qua Yesterday.tw)8. Cung cấp đầy đủ thông tin khi trao đổi

Điều cuối cùng mà mọi người cần chú ý đó là: Khi giao tiếp, cần phải nói đầy đủ thông tin. Một trong những điều khó giải quyết nhất trong cuộc sống là gì? Đó là hiểu lầm. Do đâu mà hiểu lầm? Là vì trao đổi thông tin không đủ.

Có đôi khi, chỉ cần chúng ta kiên nhẫn hơn một chút, trao đổi đầy đủ hơn một chút thôi, thì rất nhiều việc đều sẽ không còn là vấn đề lớn không thể giải quyết nữa. Đừng tin là “người mạnh mẽ sống thì không cần lý do”, những gì cần giải thích thì vẫn cần phải nói ra rõ ràng. Như vậy thì mọi việc hiểu lầm sẽ mau chóng được giải quyết một cách tốt đẹp nhất.

Thanh Vân

Không có nhận xét nào:

Tìm kiếm ....