Nhân ngày lễ Lao Động 7.9.2020 của Hoa Kỳ, Đức Tổng Giám mục
Paul S. Coakley - Chủ tịch Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ - đã gửi một sứ điệp,
trình bày tình trạng lao động rất khó khăn hiện tại do đại dịch gây ra và kêu
gọi mọi người liên đới và nâng đỡ nhau.
Ngài nói: Ngày lễ Lao động năm nay rất ảm
đạm. Đại dịch Covid-19 vẫn tiếp diễn. Hoàn cảnh kinh tế của nhiều gia đình rất
căng thẳng, thậm chí là thảm hại. Sự lo lắng tăng cao. Hàng triệu người không
còn việc làm và tự hỏi không biết làm thế nào để có thể thanh toán các hóa đơn.
Và đối với những người vẫn tiếp tục phải lao động, phải làm việc bên ngoài gia
đình, thì có nguy cơ phải tiếp xúc với virút.
Tuy nhiên, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chỉ ra
rằng: “Trong vùng đất hoang vu này, Chúa cam kết sẽ tái tạo vẻ đẹp và tái sinh
niềm hy vọng”, như Chúa đã nói với Gioan trong sách Khải Huyền: “Này, ta làm
cho mọi sự trở nên mới mẻ” (Kh 21,5).
Chúa biết những thử thách và những mất mát
của chúng ta. Câu hỏi đặt ra cho chúng ta là: liệu chúng ta có cầu nguyện và sẵn
lòng tham gia vào công việc của Chúa để chữa lành các vết thương không? Liệu
chúng ta có dâng cho Chúa tất cả những gì có thể được để “làm nên tất cả những
điều mới mẻ?”
Đức Tổng Giám mục Paul S. Coakley nhấn mạnh: Chính
quyền, Giáo hội và mỗi người đều có vai trò quan trọng trong việc chữa
trị các vết thương này. Để bảo vệ phẩm
giá và quyền lợi của người lao động, mỗi người đều được kêu gọi liên đới với
những nạn nhân của đại dịch. Mọi người Công giáo có thể thực hiện
những công việc từ thiện bác ái để giúp đỡ những người thất nghiệp trong thời
gian này bằng cách quyên góp cho các cơ quan từ thiện Công giáo. Tình hình các
bệnh viện Công giáo cũng rất căng thẳng khi các bác sĩ, y tá và nhân viên y tế
đang phải làm việc không ngừng, trong khi đó lại mất đi nhiều nguồn lực đáng
kể. Cần phải quan tâm nâng đỡ họ rất nhiều.
Đức cha Chủ tịch Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ kết luận: ĐTC
Phanxicô vẫn thường trích dẫn Hiến chế Lumen Gentium: “Không ai có thể
được cứu độ một mình.” Điều này đúng trong cả đời này và đời sau. Đại dịch hiện
nay cho thấy hậu quả của cá nhân chủ nghĩa chính là sự chênh lệch và bất công
xã hội. Vì thế, đừng chỉ nghĩ đến lợi ích của riêng mình. Hãy xem thời gian thử
thách hiện tại như một cơ hội để sống tình liên đới, chuẩn bị cho tương lai chung
của cả thế giới, một tương lai tươi sáng cho tất cả mọi người, không loại trừ
một ai.
ĐTGM Paul S.
Coakley / Mạnh Tú tóm ý
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét