Nhân loại đã trải qua một thập kỷ vẻ vang với hàng loạt những thành công rực rỡ trong nhiều lĩnh vực khác nhau của cuộc sống. Tuy nhiên, ngay trong buổi bình mình của một thập kỷ mới, nhân loại ấy đang phải gồng mình chống trả với một “tên tử tù” Covid-19. Hơn nữa, chúng ta cũng đừng “cố tình” quên đi một thập kỷ đáng báo động về môi trường, chúng ta đang “ăn mòn” trái đất. Dường như trong chuyện Cô Vy, con người khó thoát khỏi phần trách nhiệm của mình. Phải chăng chính con người đang phải trả giá cho những đã diễn ra? Đó có phải là một giá quá đắt không?
Cô Vy xuất hiện, bao người phải hứng chịu, bao kẻ phải đợi trông. Người ta đâu dám ra ngoài chặt phá rừng trên từng cây cả bóng giày lâu năm. Thế là, cây cỏ có chỗ đứng, động vật có chỗ nằm. Người ta đâu được đi du lịch, nghỉ dưỡng ngoài bãi biển nữa. Hóa ra, bãi kia vắng bóng người, giảm chất thải, tự nhiên trả lại làn nước trong bầu khí lành cho các loài sinh vật tha hồ vui đùa mà không lo bị lừa vì ăn nhầm bao bì, ni-lông, rác thải nhựa. Công nhân đâu dám đi làm, các nhà máy gần như hết hoạt động, các KCN dần đóng cửa. Thành ra, điều ấy trả lại cho bầu trời vẻ trong lành, xanh mát vốn có của nó. Người dân hạn chế đi lại, tụ tập, đồng nghĩa với chuyện giảm khí thải bớt tiếng ồn, nhất là trên bầu trời không còn “vết chân” CO2 của những chuyến máy bay nữa. Đường phố bỗng trở nên tĩnh lặng lạ thường, nhường chỗ cho thiên nhiên mặc sức thể hiện, những làn gió chiều nhè nhẹ, tiếng chim ca thánh thót, từng đàn sóc lượn quanh…Giờ này, ta có thể nghe rõ tiếng thầm thì của thiên nhiên trong yên bình, lặng thinh. Hay chăng băng sẽ bớt tan, hiệu ứng nhà kính sẽ “im tiếng”, nước biển “biết điều” hơn. Thế ta mới hiểu:
Nắng mưa đâu chỉ chuyện trời
Đó còn là chuyện của người của ta.
Nắng mưa đâu chỉ chuyện trời
Đó còn là chuyện của người của ta.
Vì Cô Vy, phần lớn các sự kiện, hoạt động có sự hiện diện của đông người đều bị hoãn hay hủy bỏ. Cô Vy đặt ngay cái biển to tướng “GIẢM TỐC ĐỘ” ngay trước mặt mọi người, làm người ta tránh xa chỗ ồn ào, náo động, khiến họ chậm lại hơn với nhịp bước “PHÓNG NHANH VƯỢT ẨU” đã từng tước đi của họ bao cơ hội như vàng như ngọc. Cô Vy khiến bao người phải dẹp bỏ lợi ích của bản thân mình, sống tình liên đới với tha nhân. Cô Vy khiến họ phải dẹp cái tôi “chính hiệu to tướng” của mình, nhường chỗ cho tinh thần cộng tác yêu thương. Giờ đây, “tinh thần cộng đồng” vốn là nét đẹp của Văn hóa Việt xưa này được sống lại lần nữa.
Do Cô Vy, người ta “phải” ở nhà, vì nó an toàn hơn ra ngoài phố. Có thể “nhà” vốn chỉ là chốn dừng chân, nơi nghỉ trọ của không ít người, nay lại được trở về với vẻ nguyên vẹn thuở xưa của nó, một tổ ấm. Người bôn ba, kẻ tha hương nơi xứ người nay trở về với mái nhà thân yêu thuở nào. Kẻ có cơ hội đoàn viên “bất đắc dĩ”, hay là chuyện có một không hai. Người được ngủ đầy giấc, tận hưởng từng bữa cơm mà lâu nay vô tình quên ngoài đường quá, phố xá xa lạ. Kẻ đỡ cái gánh, cái áp lực nơi công sở, căn thẳng chốn thương trường…Trong chính thời “loạn lạc” này, thất nghiệp, lương thiếu khiến bao người cần hiểu triết lý tiết kiệm phải hiện diện trong nhà mình. Thế mới tránh phung phí nhu cầu hưởng thụ, lãng phí đồ ăn, thức uống theo thói quen “dư giả” của ta, vì kiếm đâu ra tiền để mua, tìm đâu ra chỗ để bán. Đúng là, “thà vô sự mà ăn cơm hẩm còn hơn đâu bệnh mà uống sâm nhung”. Cũng có người dành nhiều thời giờ hơn cho cha mẹ, người thân. Biết đâu những rạn nứt lâu nay lại được gắn hàn. Biết đâu lúc đã vương chút mùi đời, ta mới hiểu tình cha tình mẹ thương ta thế nào. Biết đâu lúc đã nếm vị nhớ nhà, ta lại tha hồ hưởng vị ngọt của công cha, hương thơm của nghĩa mẹ. Biết đâu khi đã xa mùi anh hương chị, ta được đi lại những kỷ niệm tháng năm thuở nào. Biết đâu khi đang thèm câu kinh gia đình, đang khát lời nguyện cùng mẹ cha, ta có dịp tìm về cội nguồn đức tin, cảm thức ngày nào dưỡng ta khôn lớn. Lẽ nào ta đang phải trả cái giá quá đắt vì “chẳng may” quên mái nhà thân yêu, lãng phí lời mẹ, phung phí sức cha. Giờ đây, có thể là cơ hội “vàng ngọc” để học lại bài biết ơn, ôn lại bài yêu thương ngày trước.
Có Cô Vy, ta không thể cùng nhau tham dự Thánh Lễ. Không Thánh Lễ, có thể nhiều người sẽ tiếc nuối một thời “bỏ lễ” vì dễ dãi với chính mình, có người thèm lời kinh điệu hát, khát bài giảng có lúc bỏ ngơ. Không Thánh Lễ, có người lỡ “đánh rơi” ân sủng của Lời Chúa, vô tình “làm rớt” tình yêu trong Thánh Thể dành cho riêng mình. Giờ đây, ta mới trân quý giá trị của Thánh Lễ, ta mới hiểu đỉnh cao của Phụng vụ Giáo Hội là thế nào.
Đúng là phải trả giá! Cái giá đáng giá bao nhiêu? Nhưng trong chuyện này, có lẽ nhân loại cũng đang vác thánh giá cùng với Đức Giê-su lên đồi Can vê năm xưa.
Chiêm ngắm cuộc thương khó của Chúa Giê-su:
Phải chăng nhân loại đang lãnh bản án “Covid-19” trong cuộc thương khó mùa chay 2020 này?
Thế ai là tên phản bội Giu-đa? Ai là những người thuộc nhóm Pha-ri-sêu hay người dân Do thái kết án, buộc tội nhân loại? Nhân loại có đáng phải chịu bản án này?
Những vết thương của nhân loại như thế nào?
Những người môn đệ ở đâu trong giờ này?
Trong hành trình 14 chặng đàng thánh giá, nhân loại đang ở chặng thứ mấy?
Tôi và bạn ở đâu, là ai trong cuộc thương khó này của nhân loại?
Nhưng “nếu chúng ta cùng chết với Đức Kitô, chúng ta cũng sẽ cùng sống với Người: đó là niềm tin của chúng ta” (Rm 6,8)?
Phải chăng nhân loại đang lãnh bản án “Covid-19” trong cuộc thương khó mùa chay 2020 này?
Thế ai là tên phản bội Giu-đa? Ai là những người thuộc nhóm Pha-ri-sêu hay người dân Do thái kết án, buộc tội nhân loại? Nhân loại có đáng phải chịu bản án này?
Những vết thương của nhân loại như thế nào?
Những người môn đệ ở đâu trong giờ này?
Trong hành trình 14 chặng đàng thánh giá, nhân loại đang ở chặng thứ mấy?
Tôi và bạn ở đâu, là ai trong cuộc thương khó này của nhân loại?
Nhưng “nếu chúng ta cùng chết với Đức Kitô, chúng ta cũng sẽ cùng sống với Người: đó là niềm tin của chúng ta” (Rm 6,8)?
Lyeur Nguyễn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét