
Hôm
nay cùng với mọi người trong Giáo Hội, chúng ta mừng lễ Dâng Chúa Giêsu trong Đền
thờ. Trước kia lễ nầy được gọi là lễ thanh tẩy cho Đức Trinh nữ Maria, và chú
trọng đến việc Đức Maria, theo luật Môsê là phải qua phép thanh tẩy sau khi
sinh con. Nhưng ngày nay, chúng ta mừng lễ nầy là lễ Dâng Chúa Giêsu vào Đền Thờ. Chủ điểm của lễ nầy là Chúa Giêsu. Hôm nay được
dâng vào Đền Thờ, Người tỏ hiện ra và hiện diện giữa dân Người.
Hằng
năm giáo xứ chúng ta cũng có nghi thức dâng tiến các em trong lớp Khai tâm, trước
khi các em lãnh nhận Bí tích Hòa giải và Thánh Thể. Nghi thức Dâng tiến có 3 mục đích. Thứ nhất như Đức Maria và Thánh Giuse dâng
Chúa Giê-su trong đền thờ, cha mẹ cũng dâng con em lên Thiên Chúa. Xin Chúa tiếp tục thánh hóa và ban ơn. Thứ hai nhắc nhở cha mẹ noi gương Mẹ Maria và
Thánh Giuse, chu toàn sứ mệnh dạy dỗ, hướng dẫn và làm gương cho các em về phần
đạo đức, đức tin, và cùng với các em sống đạo.
Khi các em lãnh nhận Bí tích Thánh tẩy, cha mẹ đã hứa trước mặt linh mục,
thân nhân và đặc biệt trước mặt Chúa sẽ chu toàn bổn phận, làm gương sáng cho
các em, cùng với các em tham dự Thánh lễ Chúa nhật và các ngày lễ buộc. Và thứ ba là cầu xin Chúa ban nhiều ơn lành
cho các em và cha mẹ luôn trung tín và sống đạo sốt sắng.
Theo
luật Mô-sê thời đó, người mẹ khi sinh con bị coi là ô uế, không được lên đền thờ
trong vòng 40 ngày. Sau thời gian này,
bà phải đến đền thờ trình diện là đã thanh tẩy xong. Cũng theo luật Mô-sê, trong ngày này, cha mẹ
phải đưa con đến đền thờ dâng lễ vật, và nếu là con trai đầu lòng, thì phải
dâng cho Thiên Chúa. Mọi con trai đầu
lòng đều thuộc về Thiên Chúa, như mọi gia đình người Do Thái, Đức Maria và
Thánh Giuse đã hoàn toàn vâng theo lề luật. Vì thế, sau khi đã đủ ngày thanh tẩy,
cha mẹ Chúa Giêsu là Mẹ Maria và
Thánh Giuse đã vui mừng đưa Người lên đền
thờ Giêrusalem để dâng lên cho Thiên
Chúa.
Chúng
ta thấy Đức Maria đã thi hành nghiêm chỉnh cả hai luật đó. Nhưng thực sự, Đức Maria chẳng có gì là ô uế
để thanh tẩy, vì Mẹ chịu thai bởi quyền phép Chúa Thánh Thần, và khi sinh con Mẹ
vẫn đồng trinh. Cả Chúa Giê-su cũng
không cần phải dâng vì Người chính là Con Thiên Chúa, Đấng Cứu Thế.
Ngoài
ra, trong ngày Thánh Gia lên đền thờ thi hành theo luật này, có mặt ông già
Si-mê-on. Ông không phải là tư tế, cũng
không phải là một kinh sư, mà chỉ là người công chính, có nghĩa là sống thánh ý
Chúa. Cùng với mọi người, ông đang trông
đợi Đấng Cứu Thế từ lâu. Hôm nay, được
ơn Chúa soi sáng, ông nhận ra Hài nhi này chính là Đấng Cứu Thế, nên ông sung
sướng ẵm bế Hài Nhi trên tay, và dâng lời chúc tụng tạ ơn Thiên Chúa, đồng thời,
chúc tụng ngợi khen Đức Maria và Thánh Giuse.
Chúng
ta có thể hình dung niềm vui trào dâng trên khuôn mặt và chắc chắn trong tâm hồn
của Đức Maria và Thánh Giuse, khi ông Si-mê-on nhận ra Con Trẻ Giê-su là chính Đấng Cứu Thế,
và “là Ánh sáng chiếu soi cho các lương dân, và vinh quang của dân Chúa.” Tôi nghĩ rằng nếu ai tuyên bố những lời này với
con cái chúng ta thì chúng ta cũng vui mừng, sung sướng như Đức Maria và Thánh
Giuse. Nhưng có lẽ niềm vui này đã chùng
xuống khi Si-mê-on tiên báo cho ông bà biết những điều Con Trẻ sẽ phải chịu,
ông tuyên bố: “Đây trẻ này sẽ khiến cho nhiều người trong Israel phải sụp đổ
hay được đứng dậy, và cũng để làm mục tiêu cho người ta chống đối.” Sau đó ông Si-mê-on còn tiên báo cho Đức Maria
biết những đau khổ mà Đức Mẹ sẽ phải trải qua, ông nói: “Một lưỡi gươm sẽ đâm
thấu tâm hồn bà để tâm tư nhiều tâm hồn được biểu lộ!” Vui chưa được bao lâu thì nỗi buồn lại dâng
cao. Chúa Giêsu đến để đem yêu thương,
và qua lòng nhân từ và thương xót, Chúa đã chịu đau khổ và hy sinh mạng sống để
cứu giúp mọi người. Ngài vốn là Thiên Chúa cao sang, nhưng đã vâng lời và khiêm
nhường trở nên thấp hèn để nâng đỡ con người lên. Nhưng cuối cùng Ngài đã bị
con người đóng đinh thập giá, bỏ mặc trong cái chết đau đớn và tủi nhục. Chúng ta thấy, Thánh gia cũng như gia đình của
mọi người chúng ta, có lúc vui sướng, và cũng có lúc sầu khổ, nhưng Các Ngài vẫn
luôn trung tín với Chúa.
Bài
Tin mừng hôm nay dạy chúng ta hai điều quan trọng cho cuộc sống Ki-tô hữu. Bài học thứ nhất, Thánh Giuse và Đức Maria đã
thi hành nghiêm chỉnh những điều luật dạy.
Hơn nữa, các ngài đã tuân giữ luật lệ vì lòng yêu mến chứ không phải vì
luật buộc. Còn chúng ta giữ đạo, giữ luật
với tinh thần nào? Yêu mến hay bó buộc? Chẳng hạn như luật buộc tham dự Thánh lễ Chúa
nhật, và các ngày lễ buộc, chúng ta có giữ đầy đủ, với một tinh thần sốt sắng
và yêu mến Chúa không? Chúng ta có đi trễ
về sớm không? Chúng ta có tham dự, hát,
đáp hay đọc những phần trong Thánh lễ một cách thành tâm và sốt sắng không, hay
chỉ như một người máy hay cái cột.
Có
một người khách xa tham dự Thánh lễ Chúa nhật tại giáo xứ. Sau Thánh lễ nói với tôi rằng: “Con thấy ở
giáo xứ đây một số người ngồi sau nhà thờ kéo nhau bỏ ra về trước khi cha xuống
.” Tôi thành thật thú nhận với ông bà anh chị em, tôi rất buồn và xấu hổ. Vậy xin ông bà anh chị em hy sinh một chút thời
giờ tham dự Thánh lễ cho đến hết.
Bài
học thứ hai mà bài Tin mừng dạy chúng ta hôm nay là ông Si-mê-on đã khao khát, kiên
nhẫn chờ đợi suốt đời để được xem thấy Chúa Giê-su Ki-tô. Đối với chúng ta hôm nay, ông là một tấm
gương trung tín, kiên trì, khao khát và hy vọng. Lòng trung tín và kiên trì của
ông đã được ân thưởng, đó là được hân hạnh ẵm Chúa vào lòng. Chúng ta cũng nhận được ân sủng đó mỗi lần rước
lễ. Vì thế, chúng ta hãy chuẩn bị tâm hồn
để nhận hồng ân này trong sự trung tín, mong chờ, khao khát và đón nhận với tất
cả tâm tình biết ơn và ca tụng như ông Si-mê-on.
Xin
Chúa giúp chúng ta thành tâm tuân giữ luật lệ, điều răn và Lời Chúa dạy một
cách chân thành và yêu mến, cũng như luôn chuẩn bị tâm hồn tốt đẹp và xứng đáng
mỗi khi rước lễ, để lãnh nhận hồng ân, sinh ơn ích và sống trong bình an của
Chúa.
Lm. Chánh xứ

Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét