Bài đọc một hôm nay
trích sách Lê-vi, cuốn thứ ba trong cuốn Kinh thánh. Sách Lê-vi có nhiều luật lệ cho tư tế trong Cựu
ước, và những hy lễ cử hành trong đền thờ, nhưng sứ điệp chính là kêu gọi dân
Chúa sống thánh thiện. Lời kêu gọi sống
thánh thiện trong chương này bao gồm 10 điều răn và những luật lệ khác, nhưng tất
cả được tóm lại trong giới luật yêu người như chính mình.
Chúng ta thấy trong
bài Tin mừng hôm nay, Chúa Giê-su, sau khi giảng dạy về Phúc thật Tám mối, đã
quảng diễn các giới răn này, đặc biệt 2 giới răn, thứ nhất là sự trả thù, và thứ
hai là yêu thương tha nhân, kể cả kẻ thù.
Vào một buổi tối, một
người tài xế xe vận tải ghé vào nhà hàng bên đường để kiếm gì ăn. Trong lúc
đang ăn, 3 người lái xe mô tô trông dữ dằn đi vào. Sau đó, không biết lý do tại sao, 3 người này
tiến đến bàn chỗ người tài xế xe vận tải đang ngồi ăn, một người rắc muối lên đầu
người tài xế xe vận tải, một người hất dĩa thức ăn xuống đất và người khác đổ
lý cà phê vào thùng rác. Người tài xế xe
vận tải đứng dậy trả tiền cho bữa ăn, không nói một lời đi ra cửa. Một người trong nhóm cười nhạo báng và nói với
nhau: “Tên này không phải là đối thủ.” Một
lát sau, người đàn bà chạy bàn nhìn ra cửa số thấy chiếc xe vận tải đang đè bẹp
3 xe mô tô, bà nói với nhóm này: “Ông ta cũng không phải là tài xế giỏi, đang
đè bẹp 3 xe mô tô ở bãi đậu xe.” Thì ra,
người tài xế xe vận tải biết mình không là đối thủ với 3 người dữ dằn này, cho
nên ông đã trả thù bằng cách dùng xe vận tải đè bẹp 3 chiếc xe mô tô của họ.”
Có lẽ chúng ta cũng
cảm thấy bằng lòng vui thích khi thấy những người xấu, những người độc ác, những
người phạm pháp trả giá cho những hành động của họ. Và chúng ta biết khuynh hướng tự nhiên
của con người là muốn trả thù người làm hại hay những người gây ra những
thiệt hại cho chúng ta. Sự trả thù
thì thường nặng, mạnh và to hơn sự thiệt hại, cho nên chúng ta nghe nói:
“Hòn đất ném đi, hòn chì ném lại.”
Chì thì nặng hơn đất, gây nguy hiểm và đau đớn hơn đất
nhiều. Nhiều khi người ta còn cầu
những sự dữ và thật dữ xảy đến cho người làm hại. Ngày xưa trong thời Cựu ước, luật trả thù cho
phép trả thù thăng bằng vì thế chúng ta nghe: “Mắt đền mắt, răng đền răng”, có
nghĩa là trả thù ít hay bằng thôi, không được hơn. Nhưng Chúa Giê-su dạy: không được trả thù,
mà còn phải yêu thương, tha thứ, làm ơn và hãy cầu nguyện cho những người
thù oán hay làm hại chúng ta.
Tha thứ cho kẻ thù rất
khó. Vì thế khi cảm thấy khó tha thứ và
yêu thương kẻ thù, Chúa dạy chúng ta hãy cầu nguyện. Cầu nguyện để xin Chúa ban cho chúng ta ơn
tha thứ. Khi chúng ta cảm thấy khó yêu
thương, là vì chúng ta không có sự tha thứ, vì vậy chúng ta phải thành khẩn cầu
xin ơn Chúa. Nếu Chúa dạy chúng ta giới
luật thương yêu kẻ thù, thì chắc chắn Chúa cũng sẽ ban cho chúng ta ơn tha thứ
để giúp chúng ta thực hành giới răn đó. Chúa
đã làm gương khi Ngài bị đánh đòn, đóng đinh và chết trên thập giá cho chúng
ta là những người tội lỗi, không xứng đáng. Chúng ta thấy Chúa đã cầu nguyện cho những
người đóng đinh Ngài vào thập giá “Lạy Cha, xin tha cho họ vì họ không biết điều
họ làm.” Do đó, một điều quan trọng và cần thiết là
chúng ta phải chân thành cầu xin ơn tha thứ của Chúa. Chúng ta phải cảm nghiệm được lòng nhân
từ, thương xót và tha thứ của Chúa cho chúng ta, thì chúng ta mới có
ơn tha thứ để thứ tha và yêu thương người khác, nhất là kẻ thù.
Giới răn thứ hai
Chúa dạy là yêu thương tha nhân, kể cả kẻ thù.
Đây là giới răn cao trọng nhất và cũng là giới răn khó thực hành nhất. Một điều Chúa giảng và dạy về giới răn này mà
tôi cảm thấy thực tế và dễ thực hành nhất đó là: “Cầu nguyện cho những kẻ bắt bớ và vu khống
các con.” Một người đã tâm sự rằng mấy năm trước đây đã
bị người khác lừa dối và làm hại, cho nên mỗi khi nghĩ đến và nhìn thấy họ thì
áp huyết máu bừng lên và sự oán thù bốc lên trong lòng. Ngày kia, khi người đó cảm thấy rất giận dữ,
oán thù, thì ngay lúc đó bỗng nhiên nhớ tới lời Chúa nói: “Cầu nguyện cho những kẻ bắt bớ và vu khống các con”,
liền thầm cầu nguyện cho họ, cho nên bây giờ mỗi khi nghĩ đến họ, thì cầu
nguyện và dần dần sự thù oán và cay đắng biến mất. Người đó cũng thú nhận rằng điều đó không làm
cho họ trở nên hoàn toàn thánh thiện, nhưng cảm thấy bình an và vui.
Tóm lại, khi chúng
ta cảm thấy khó tha thứ, khó yêu thương kẻ thù, Chúa dạy chúng ta ngoài việc
cầu nguyện xin ơn tha thứ, chúng ta có thể đặt mình vào trong tình cảnh
của người đó, hay đặt họ dưới ánh sáng mới. Một người khác cũng đã tâm sự
rằng: “Nếu tôi có thể đi vào con người và tâm hồn của họ, thì tôi có thể nhận
ra những nỗi đau buồn, khổ cực và bất an của họ, và cảm nhận này sẽ giúp
từ từ bớt đi sự muốn trả thù và
thù oán.” Chúng ta phải nhớ rằng:
người giữ những sự thù oán, ghen ghét trong tâm hồn hay cuộc sống, và
những người nuôi ý định trả thù thì sống trong sự bất an, và sẽ sinh ra
những bệnh tật. Chắc chắn chúng ta
không muốn làm hại chính chúng ta.
Còn người làm hại người khác thì sẽ luôn luôn sống trong lo sợ,
vì sớm hay muộn sẽ phải trả giá vì “gieo gió thì sẽ gặt bão.” Vì vậy, chúng ta phải cầu nguyện xin ơn
tha thứ cho mình, chân thành tha thứ cho người làm hại chúng ta, đặt
họ dưới ánh sáng mới, và nhìn nhận họ cũng là con cái của một Cha trên
trời. Chúng ta phải xác tín rằng Chúa
Giêsu đã chịu chết trên thập giá vì tội của họ và của chúng ta. Đức cố Hồng y Phan-xi-cô Nguyễn Văn Thuận,
Người Tôi Tớ Chúa, là một gương thánh thiện và tha thứ cho chúng ta noi
theo. Trong thời gian bị biệt giam trong
phòng kín, ngài bị hành hạ và đối xử một cách tàn nhẫn, nhưng sau đó khi được
thả ra và sống ở ngoại quốc, ngài không thù oán và không trả thù. Ngài thường chia sẻ là đã tha thứ hoàn toàn và
luôn luôn cầu nguyện cho họ.
Xin Chúa ban cho
chúng ta một tâm hồn quảng đại, một con tim tràn đầu yêu thương và tha
thứ, để chúng ta xứng đáng là đền thờ của Chúa ngự, luôn sống trong an bình
và ân sủng của Chúa.
Lm. Chánh xứ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét