
Chúa
nhật tuần này bắt đầu vào mùa Thường niên 1 ngắn, chỉ có 6 hay 7 tuần tùy theo
năm. Sau mùa Phục sinh sẽ bắt đầu mùa
Thường niên 2 kéo dài cho đến hết mùa phụng vụ.
Trong mùa Thường niên ngắn này, chúng ta suy niệm về những sự kiện xảy
ra trong phần đầu sứ vụ rao giảng công khai của Chúa Giê-su.
Trong bài Tin mừng hôm nay, thánh Gioan, khi
thấy Chúa Giê-su tiến về phía mình, liền giới thiệu cho dân chúng biết: “Đây Chiên
Thiên Chúa”, và cũng cho mọi người biết sứ mệnh của Chúa Giê-su là xóa tội trần
gian, là Đấng Cứu Thế.
Tôi
muốn chia sẻ với ông bà anh chị em vài ý nghĩa và tầm quan trọng hình ảnh chiên
trong Kinh thánh. Nhưng trước khi vào đề
tài, tôi muốn nhất mạnh đến 1 điểm rất đáng chú ý, đó là, ngày xưa vào thời
Chúa Giê-su, người Do thái có thái độ khinh thường những người chăn chiên,
nhưng lại ưa thích chiên. Những người
chăn chiên được xếp vào hạng thấp nhất, hèn kém nhất trong xã hội, làm công việc
hèn hạ và thường bị nói xấu, vu khống là những người trộm cắp, nhưng họ rất
thương yêu, chăm sóc và bảo vệ chiên của mình.
Chúng ta thấy khi Ngôi Hai Thiên Chúa xuống
thế làm người, những người chăn chiên, nghèo hèn thấp kém trong xã hội, lại được
diễm phúc được các thiên thần hiện ra báo tin vui mừng và chỉ cho biết nơi Đấng
Cứu Thế sinh ra. Họ đã nghe và dẫn chiên
đến thờ lạy Chúa Hài Nhi nằm trong máng cỏ.
Chiên có một phần lớn trong nền kinh tế của
người Do thái. Chiên cung cấp lông để
làm quần áo và thức ăn, đặc biệt là trong những dịp lễ lớn. Chiên cũng thường được dùng làm hy lễ dâng tiến
lên Thiên Chúa, và có một ý nghĩa quan trọng trong Tin mừng hôm nay. Gioan Tiền hô giới thiệu cho mọi người biết Người đang hiện diện đây chính là Chiên Thiên
Chúa.
Có lẽ hình ảnh Chiên Thiên Chúa không quen
thuộc, xa lạ hay không có ý nghĩa với nhiều người không có đức tin Thiên Chúa
Giáo trong xã hội và thế giới ngày nay.
Nhưng Chiên Thiên Chúa lại là hình ảnh mà Giáo hội giới thiệu cho chúng
ta trong kinh Vinh danh đầu Thánh lễ, và nhất là trước khi rước Thánh Thể Chúa vào
trong tâm hồn.
Có
ba nơi trong Kinh thánh đề cập đến ý nghĩa và tầm quan trọng hình ảnh của chiên. Ý nghĩa quan trọng thứ nhất là Chiên Vượt
Qua. Khi Thiên Chúa muốn cứu thoát dân
Do thái khỏi ách nô lệ lầm than và khổ cực ở Ai cập, Ngài truyền cho Mô-sê nói
với dân chúng phải bảo trọng chính mình khỏi tai ương, bằng cách giết chiên và
dùng máu chiên bôi lên cửa, thần chết đêm đó xuất hiện nhận ra dấu chỉ này, vượt
qua nhà của họ và họ không bị tiêu diệt như những người Ai cập. Như vậy, họ không bị giết, được cứu thoát vì
máu của con chiên. Còn thịt chiên thì họ
đem nướng để mọi người trong gia đình cùng ăn.
Bữa ăn này đã trở thành bữa ăn vượt qua được người Do thái tưởng nhớ hằng
năm về việc Thiên Chúa đã giải thoát họ khỏi ách nô lệ Ai cập, dẫn đưa họ về Đất
hứa. Vào thời Chúa Giê-su, vào những ngày trước lễ Vượt qua, tất cả gia đình
người Do thái đã làm thịt chiên để chuẩn bị cho ngày lễ, cũng như ngày nay hàng
năm người Việt Nam chúng ta gói bánh chưng, bánh tét chuẩn bị mừng Tết Nguyên
Đán.
Hình
ảnh quan trọng thứ hai về chiên được diễn tả là người Tôi Tớ Đau Khổ trong sách
ngôn sứ I-sa-i-a. Bài đọc 1 hôm nay cho
chúng ta biết trách nhiệm tuyệt vời của người Tôi Tớ Đau Khổ là mang ơn cứu độ
của Thiên Chúa đến khắp nơi trên địa cầu. Trong chương 53, ngôn sứ cho biết: “Vì
đã chịu đau khổ, Người công chính, Tôi Tớ của Ta, sẽ làm cho muôn người được
công chính, sẽ gánh lấy tội lỗi của họ.” Khoảng hơn 500 năm trước Chúa Giê-su sinh ra,
dân chúng không bao giờ nghĩ rằng câu này ám chỉ vào Đấng Cứu Thế của họ đang
mong chờ, vì họ quan niệm rằng Đấng cứu thế phải là một vị vua uy quyền, không
bị đau khổ. Hình ảnh người Tôi Tớ Đau Khổ
này được Gioan Tiền hô, ngôn sứ cao trọng nhất trong các ngôn sứ, khẳng định và
giới thiệu cho mọi người biết Chúa Giê-su chính là Chiên Thiên Chúa, Đấng Cứu
Thế. Sau cuộc thương khó và sống lại,
hình ảnh người Tôi Tớ Đau Khổ, Đấng Cứu Thế, lại càng được ứng nghiệm và tỏ tường
nơi Chúa Giê-su KI-tô hơn.
Và tầm quan trọng thứ ba về chiên được
trình bày trong sách Khải huyền. Sách Khải
huyền đã kết hợp hai hình ảnh người Tôi Tớ Đau Khổ và chiên lại với nhau nơi
Chúa Giê-su. Chương 5 có đoạn nói rằng:
“Tôi lại thấy chính giữa ngôi và bốn
con sinh vật, cùng chính giữa các trưởng lão, có một Chiên Con ở đó như đã bị
giết.” Thật vậy, con chiên là danh xưng
chính của Chúa Giê-su được đề cập đến trong sách Khải huyền. Phần cuối và trong chương 19, thánh Gioan tác
giả của sách Khải huyền đã tuyên bố rằng: “Hạnh phúc thay những người được mời
đến dự tiệc cưới Con Chiên.” Trong Thánh
lễ và trước khi lên rước Thánh Thể Chúa Ki-tô, chúng ta cũng đọc câu tương tự:
“Đây Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xóa tội trần gian, phúc cho ai được mời đến dự
tiệc Chiên Thiên Chúa.”
Chúa Giê-su, Chiên Thiên Chúa, không chỉ là
lễ vật cao quí và hoàn hảo dâng lên Thiên Chúa Cha trên thập giá để xóa tội cho
chúng ta, nhưng còn là con đường dẫn chúng ta đến cuộc sống vĩnh cửu, đến bàn
tiệc Nước Trời. Chúng ta phải xác tín
vào Chúa Giê-su Thánh Thể, là Chiên Thiên Chúa, mà chúng ta lãnh nhận trong
Thánh lễ hôm nay. Xin Chúa Giê-su Thánh
Thể bảo vệ chúng ta khỏi sự dữ, ban sức mạnh, giúp chúng ta can đảm sống lời
Chúa dạy để cuộc sống đức tin, Ki-tô hữu của chúng ta trở thành hy lễ tình yêu dâng
lên Thiên Chúa Cha và luôn đẹp lòng Chúa.
Và xin Chúa biến đổi, giúp chúng ta trở thành những chứng nhân giới thiệu
Chúa cho những người chung quanh bằng cuộc sống đạo đức, bằng những việc hy
sinh phục vụ và bằng tấm lòng bác ái và quảng đại.
Lm. Chánh xứ

Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét