Chủ Nhật, 29 tháng 12, 2019

Chúa Nhật Lễ Thánh Gia_2019

Hằng năm một tuần sau lễ Giáng Sinh, Giáo hội dành một ngày đặc biệt để kính Thánh Gia: Chúa Giêsu, Đức Maria và Thánh Giuse. Giáo hội thiết lập lễ và mừng kính Thánh Gia để cho chúng ta thấy tầm quan trọng của đời sống gia đình. Từ nguyên thủy, Thiên Chúa đã tạo dựng người nam và người nữ để làm thành một gia đình. Ngài ban ơn và dùng những lời chỉ dẫn để gia đình sống trong hạnh phúc, yêu thương và hòa thuận. 

Bài Tin mừng hôm nay và những bài trong các tuần mùa vọng cho chúng ta biết những khó khăn, thử thách, gian truân và những sự dữ đe dọa Thánh Gia, và cũng cho chúng ta biết các Ngài đã xử trí như thế nào để tất cả gia đình chúng ta noi theo gương các Ngài. Trước hết, chúng ta biết thánh Giuse được gọi là người công chính. Người công chính tức là người có đầy đủ mọi nhân đức. Khi biết Đức Maria thụ thai và không phải là của mình, thì ngài dự tính lìa bỏ một cách kín đáo để khỏi làm tổn thương đến sinh mạng của Đức Maria và thai nhi.  Nhưng khi được Thiên thần báo mộng, ngài mau mắn chấp nhận thánh ý Chúa và đón Maria về nhà mình. Từ đó, ngài chu toàn bổn phận của một người chồng và người cha, chăm sóc và bảo vệ Đức Maria và Chúa Giêsu một cách chu đáo.

Chúng ta thấy sau khi thưa hai tiếng “Xin Vâng,” Đức Maria đã chu toàn bổn phận người vợ, người mẹ trong gia đình. Thật vậy, Đức Maria đã vâng theo thánh ý Chúa, về ở với thánh Giuse. Sau khi sinh hạ Chúa Giê-su, ngài cùng với thánh Giuse vượt đường xa, khó khăn đưa Hài Nhi trốn sang Ai cập. Các ngài đã tìm mọi cách để bảo vệ Hài Nhi Giêsu khỏi sự dữ, khỏi bị Hê-rô-đê đe dọa đến tính mạng.  Trong vai trò nội trợ, chúng ta tin Mẹ Maria đã tận tâm trong việc phục vụ gia đình. Vì thế Đức Maria là tấm gương sáng cho các người vợ, người mẹ noi theo. Thật vậy, để trở thành vợ chồng tốt, cha mẹ mẫu mực thì phải yêu thương, trung thành với nhau, chú ý đến đời sống đức tin của con cái, làm những gương sáng, dạy dỗ con cái những nhân đức, sẵn sàng hy sinh vì con cái, và bảo vệ chúng khỏi những sự dữ của Hêrôđê thời đại trong xã hội hôm nay.

Chúng ta biết gia đình là nền tảng của xã hội cũng như của Giáo hội, do đó tình trạng của các phần tử trong gia đình có một tầm ảnh hưởng quan trọng đến sức khoẻ và sự ổn định của gia đình, xã hội và Giáo hội. Chính vì thế mà gia đình nhất là các gia đình Công giáo phải được nuôi dưỡng bằng những giá trị, bằng tinh thần Kitô giáo đích thực không những để nuôi dưỡng đức tin, mà còn được hòa thuận, yêu thương và hạnh phúc. Trong bài đọc 2, thánh Phaolô khuyên bảo mọi người trong gia đình nhất là vợ chồng, phải có những đức tính thương yêu, chịu đựng và tha thứ cho nhau.  Chúng ta hãy nghe ngài nói: “Như những người được chọn của Thiên Chúa, những người thánh thiện và được yêu thương, anh em hãy mặc lấy những tâm tình từ bi, nhân hậu, khiêm cung, ôn hoà, nhẫn nại, chịu đựng lẫn nhau, và hãy tha thứ cho nhau.”  Trong các đức tính ấy, thánh Phaolô đặc biệt lưu ý đến việc tha thứ cho nhau. Ngài kêu gọi các phần tử trong gia đình hãy tha thứ cho nhau theo gương và theo mức độ của chính Chúa Giêsu: “Như Chúa đã tha thứ cho anh em, anh em cũng hãy tha thứ cho nhau.”  Và để có thể thực hiện các đức tính ấy phải có một nhân đức làm nền tảng, đó là đức yêu thương.
 

Chúng ta thấy ngày nay người ta thường nói đến những khủng hoảng của gia đình, và nhiều khi những khủng hoảng này xảy ra ngay trong chính gia đình của chúng ta.  Có những gia đình không hạnh phúc, hòa thuận đưa đến sự tan vỡ và ly dị.  Ở nhiều nơi, đặc biệt tại tiểu bang Oklahoma của chúng ta, tỷ lệ các gia đình li dị có thể lên tới một nửa, 50%!  Nhiều gia đình chỉ có một người mẹ hay một người cha, vì vậy con cái lớn lên cảm thấy như bị ‘mồ côi’ cha hoặc mẹ. Ngoài ra, có những đứa con phải sống trong những gia đình “thiếu tình thương” vì cha mẹ luôn chú ý và dùng nhiều thời giờ đến công việc kiếm thật nhiều tiền, hay có những sự bất hòa và xung đột.  Ngoài ra, chúng ta thấy gia đình vợ chồng còn phải đối diện với nhiều sự dữ Hê-rô-đê thời nay như tham lam tiền bạc, vật chất, nghiện ngập rượu chè, cờ bạc cassinô, ảnh hưởng tới đời sống đức tin, đe dọa phá hạnh phúc và hòa thuận của vợ chồng trong gia đình. Chưa kể đến những sự kết hôn tự do bất hợp lệ, sống chung chạ đi ngược lại với đức tin, đưa đến việc bỏ đạo, bỏ đức tin. 

Văn hào nổi danh người Nga có tên Leo Tolstoy đã nói rằng: “Đau khổ thì mỗi người, mỗi gia đình mỗi khác, nhưng những gia đình hạnh phúc thường có điểm tương đồng.”  / Khi nghiên cứu về gia đình, các chuyên gia tâm lý nhận ra trong các gia đình lành mạnh thường có những yếu tố giống, tương đồng sau đây:  thứ nhất là đàm thoại cởi mở. Thứ hai có niềm cảm kích và sự tôn trọng lẫn nhau.  Thứ ba có đời sống tinh thần, tôn giáo cao.  Thứ tư có khả năng thích nghi, uyển chuyển với các thay đổi trong cuộc sống.  Và thứ năm rõ ràng trong các quy luật gia đình.  Các chuyên gia đều đồng ý rằng, vấn đề đàm thoại là nguyên nhân hàng đầu gây đổ vỡ gia đình, thứ đến là các vấn đề như: tiền bạc, rồi đến thân thuộc nội ngoại hai bên, sau đó là tình dục, cuối cùng là quan hệ qúa khứ và con cái.
Để nhận diện gia đình có hoà thuận hay không, người ta có thể xem cách vợ chồng trò chuyện với nhau.  Khi hỏi người vợ: “Thế ổng ở đâu rồi?” và được trả lời: “Thằng chả ngồi ở đằng kia, đang uống cà phê với bạn bè.” Chúng ta thấy mối liên hệ giữa hai vợ chồng người đó đang có vấn đề, gia đình không có hạnh phúc. 

Một gia đình lành mạnh và hạnh phúc khi các thành viên trong gia đình có mối liên hệ chặt chẽ với nhau. Họ dành thì giờ cho nhau, thực sự muốn và thích thú khi gần nhau.  Các nghiên cứu còn tìm ra điểm lý thú là các gia đình lành mạnh thường thích sinh hoạt với nhau, và không bị chi phối bởi điện thoại, truyền hình hoặc các công việc nhà.  Các phát minh hiện đại như điện thoại cầm tay, đồ chơi điện tử bỏ túi là kẻ thù của các sinh hoạt gia đình. Một gia đình hạnh phúc và lành mạnh có xung khắc không?  Thật ra, xung khắc là điều không thể tránh được, nhưng cách họ đối phó với nó ra sao mới là vấn đề. Các nhà tâm lý nhìn nhận có sự khác biệt về cách giải quyết xung đột giữa gia đình lành mạnh và gia đình bất hoà. Khi có chuyện cãi cọ, những người trong gia đình vợ chồng bất hoà thường tìm cách tự vệ, không chịu lắng nghe, không có lòng thông cảm cho người khác, và dùng lối nói “lấy người đối diện làm chủ từ.” Ví dụ như người chồng nói: “Em làm anh buồn vì em đi làm về trễ.”  Lối nói nầy có ý trách, đổ lỗi nên làm người nghe tìm cách chống chế bào chữa cho mình, vì vậy mối căng thẳng càng gia tăng. Trong khi đó, khi có chuyện bất đồng, những người trong gia đình lành mạnh thường chú tâm vào vấn đề cần giải quyết, sẵn sàng nhận lỗi, biết lắng nghe, dùng lối nói “lấy tôi làm chủ từ.” Ví dụ, họ nói: “Anh cảm thấy buồn vì 9 giờ rồi mà chưa thấy em về.”  Đây là lối nói bộc lộ cảm xúc, trình bày sự kiện và không cố trách, đổ lỗi nên người nghe dễ tiếp nhận hơn.
 

Vì sự tôn trọng là một yếu tố thiết yếu trong các quan hệ con người, nên trong đàm thoại các hình thức tấn công người khác thường gây nên oán thù. Chúng ta không lạ gì khi vợ chồng bỏ nhau vì họ thiếu tôn trọng qua cách cư xử và đối thoại.  Khi có vấn đề, người trong gia đình lành mạnh không vội phản ứng, mà họ biết giữ bình tĩnh để tìm lối giải quyết. Đó là một cách lấy “Time-outs”—tạm nghỉ.
 

Trước thảm trạng, các gia đình vợ chồng Công giáo cần phải làm sao?  Phải hướng đến và noi gương Thánh Gia. Như đã đề cập ở trên, người chồng noi gương của thánh Giuse, sống đạo đức, công chính, trung thành, can đảm chấp nhận thánh ý Chúa trong mọi hoàn cảnh, và cùng với người vợ giáo dục, hướng dẫn con cái sống đức tin.  Người vợ biết noi gương Đức Maria có đời sống cầu nguyện gương mẫu, luôn biết hy sinh cho chồng, cho con, chung thủy trong tình yêu, giáo dục và hướng dẫn con cái tránh những sự dữ Hê-rô-đê thời đại.  Có nhiều cha mẹ cung cấp đầy đủ vật chất cho con cái, nhưng lại thiếu trách nhiệm hay không chú ý đến đời sống đức tin, tập luyện đời sống nhân đức cho con cái.  Các người con trong gia đình biết noi gương Chúa Giêsu vâng lời, thảo kính cha mẹ, và lắng nghe những lời hướng dẫn của cha mẹ, trở thành những người tốt trong gia đình, cho xã hội và Giáo hội.

Trong ngày kính Thánh Gia hôm nay, chúng ta hãy thành tâm nhìn vào đời sống đức tin, sự liên hệ vợ chồng và đời sống đức tin của con cái ra sao.  Cầu xin Thánh Gia ban ơn, giúp sức cho mỗi gia đình trong giáo xứ và hiện diện, luôn ý thức và tránh xa những sự dữ cám dỗ và đe dọa cuộc sống hôn nhân vợ chồng gia đình, can đảm sống đức tin và thánh ý Chúa.  Biết luôn tìm đến Thánh Gia, Chúa Giê-su, Đức Maria và Thánh Giuse để được Các Ngài soi sáng, để sống trong hạnh phúc, hòa thuận, trở thành chứng nhân cho tình yêu và lòng trung thành của Chúa cho những người chung quanh.  
Lm. Chánh xứ

 

Không có nhận xét nào:

Tìm kiếm ....