Người ta thường có một thái độ rất mông lung trước cái chết. Một đàng người ta không muốn nhắc đến nó, vì sợ rằng sẽ có điều không may xảy đến, nhưng đàng khác, người ta lại rất tò mò về nó, muốn tìm hiểu và khám phá nó. Dù sao đi nữa, dù có muốn hay không, chúng ta đều biết rằng một ngày nào đó mình sẽ phải đối diện với cái chết. Cái chết trở thành một phần của sự sống, của thân phận thụ tạo. Nó là điểm chấm hết cho một cuộc hành trình.
“Cái chết” là một từ ngữ buồn bã. Nó làm tắt đi tất cả nguồn sức sống, sinh lực. Nó đưa ta về với vùng trời u ám mà chẳng ai muốn vào. Tuy nhiên, giữa cuộc sống này, “cái chết” lại mang rất nhiều màu sắc. Nói cách khác, có rất nhiều loại “chết”, trong đó, có cái làm ta buồn, nhưng cũng có cái làm cho ta được trở nên giá trị hơn.
“Cái chết” là một từ ngữ buồn bã. Nó làm tắt đi tất cả nguồn sức sống, sinh lực. Nó đưa ta về với vùng trời u ám mà chẳng ai muốn vào. Tuy nhiên, giữa cuộc sống này, “cái chết” lại mang rất nhiều màu sắc. Nói cách khác, có rất nhiều loại “chết”, trong đó, có cái làm ta buồn, nhưng cũng có cái làm cho ta được trở nên giá trị hơn.
Kiểu chết mà ta nghĩ đến đầu tiên là cái chết sinh học. Cái chết này mang đến cho người ta sự tang thương chia cắt. Bản thân người chết lẫn người thân của họ đều phải đối diện với sự tang tóc, đau buồn. Cái chết này làm người ta đặt dấu hỏi về ý nghĩa của sự hiện hữu trên đời. Có đó rồi mất đó. Từ bụng mẹ chui ra rồi trở về lòng đất. Có một thời ta đã không hiện hữu, rồi sau một thời gian ngắn được hít thở chút không khí, ta lại trở về với cái “không hiện hữu”. Ta có thể còn tồn tại không ký ức, trong nỗi nhớ, nơi kỷ niệm, nhưng ta giờ đây chẳng còn là gì nữa. Một thoáng mây bay, một kiếp hoa dại. Cái chết này cho thấy sự mỏng dòn, yếu đuối của bản thân. Nó đập tan tất cả mọi tham vọng, ngạo nghễ. Nó sẽ ập đến bất cứ lúc nào nó muốn, không phân biệt thanh xuân hay tuổi già; giàu sang hay nghèo khổ; thông minh hay ngu dốt; khoẻ mạnh hay bệnh tật… Nó là kẻ thù đáng sợ nhất của con người và mãi mãi, con người chẳng bao giờ có thể chiến thắng được nó. Còn mang thân xác này, là còn phải đối diện với nó vào một khoảnh khắc nào đó ta chẳng hay.
Cái chết thứ hai là kiểu chết về tinh thần. Cái chết này không làm cho người ta tắt thở, không đưa người ta vào lòng đất, nhưng đục khoét con người và làm cho con người “sống không bằng chết”. Đó là khi người ta mất hết nhuệ khí, chẳng còn hy vọng. Người ta chỉ có đó, hít thở không khí, chứ chẳng hề “sống” thật sự. Từng ngày tháng dài trôi qua một cách vật vã. Người ta không thấy được ý nghĩa của cuộc sống, không biết mình hiện hữu để làm gì, không biết tại sao mình lại được sinh ra trên đời, và đặc biệt, họ không thấy mình được yêu thương. Họ chẳng biết yêu là gì. Không được sưởi ấm và che chở bởi tình cảm nhân sinh. Họ chỉ sống bằng một thân xác chơ vơ, ngày ngày kiếm sống như bao loài động vật khác. Họ bị cô lập hoặc tự mình cô lập trong thế giới này. Họ nhốt mình trong quá khứ buồn, trong những ký ức xa xưa, đến nỗi chẳng còn một ý chí thúc đẩy họ vươn tới, hướng về tương lai phía trước.
Cái chết thứ ba mang tính luân lý và tôn giáo. Đó là cái chết của người không còn sống theo tiếng lương tâm ngay lành mách bảo. Họ chẳng còn ý thức gì về sự chính trực, sự công bằng, về đạo đức. Họ phạm tội này đến tội khác nhưng cứ xem đó như là niềm hãnh diện của mình, chứ không ý thức rằng, cứ mỗi lần phạm tội là họ tự chà đạp nhân phẩm của mình, làm cho sự hiện hữu của mình mất đi ý nghĩa. Cứ để ý mà coi, người ta càng sống trong tội, càng cảm thấy bất an, sợ sệt. Còn người nào càng tích trữ nhân đức cho mình thì càng sống cách an nhiên, tự tại, vui sướng. Khi người ta thấy hạnh phúc, là khi sự sống trong họ trở nên trào tràn, họ thấy mình sung mãn năng lượng để vui hưởng cuộc sống. Người nào không đặt đời mình trên nền tảng các nhân đức thì sẽ thấy những gì mình làm chẳng có giá trị tốt đẹp nào cả. Càng sống trong đầm lầy của tội, người ta càng tự thấy mình dần chết đi. Chính họ, chứ không phải ai khác, kết án mình và huỷ hoại sự sống của mình.
Cái chết cuối cùng đáng được nhắc tới lại có âm vị khác hẳn. Nó là cái chết mà ai ôm ấp nó thì trở thành anh hùng và sống mãi trong trái tim của mọi người. Người ta thường gọi cái chết thứ tư này bằng hai chữ rất thân thương: hy sinh. Hy sinh là tiêu hao đi, là chịu thiệt thòi (vốn dĩ là những điều chẳng ai muốn), nhưng người ta chấp nhận nó vì một mục đích cao cả, và người ta chỉ có thể đón nhận nó bằng lực đẩy của tình yêu. Phải, cái gì gắn liền với tình yêu thì luôn cao đẹp. Điều kỳ lạ là, cứ mỗi lần người ta “chết” theo kiểu này, người ta lại càng cảm thấy như mình đang sống và sống cách sung mãn hơn, đến nỗi có thể nói như thế này: muốn sống thì phải biết hy sinh, phải biết chết đi để được sống. Sống giữa đời, nếu không có những kiểu “chết” này thì cũng sẽ chẳng còn ý nghĩa gì nữa. Cuộc sống của chúng ta có trở nên đẹp, chính là nhờ cái chết này. Dù là nhỏ nhoi, dù là ít ỏi, nhưng mỗi lần ta hy sinh lợi ích của mình cho người khác, sự mất mát đó lại trổ sinh hoa trái, sự sống trong ta lại trở nên dồi dào và ta cảm thấy có một niềm vui thiêng liêng nào đó tràn ngập tâm hồn không sao diễn tả nổi.
Chúng ta sẽ là “người” hơn khi biết hy sinh cho nhau. Đó không chỉ là bí quyết của cuộc sống mà còn là ơn gọi, là sứ mạng, là mệnh lệnh của Tạo Hoá dành cho chúng ta. Khi ta tự nguyện thực hành những hy sinh trong cuộc sống, sự sống của ta trở nên đong đầy, đến nỗi, cả khi phải đối diện với cái chết sinh học, ta chẳng còn cảm thấy sợ hãi nữa; ta sẽ thấy mình được đong đầy bởi tình yêu nên cũng không còn cái chết tinh thần; và nhờ tích góp nhiều nhân đức, ta cũng thoát khỏi cái chết luân lý. Một chút hy sinh ở đời này là góp phần dựng xây hạnh phúc ở đời sau. Hay đúng hơn, ngay khi ta biết hành động với tình yêu trong những sự hy sinh nhỏ bé, chính là ta đã nếm được sự viên mãn của tâm hồn rồi.
Pr. Lê Hoàng Nam, SJ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét