Thứ Bảy, 31 tháng 8, 2019

Chúa Nhật 22 Thường niên. Năm C_2019

 
Qua các bài Kinh thánh tuần này, chúng ta có thể nhận ra rõ ràng Chúa dạy chúng ta một nhân đức quan trọng và cần thiết cho cuộc sống Ki-tô hữu, đó là nhân đức khiêm nhường.  Ngược lại với nhân đức khiêm nhường là tội kiêu căng hay kiêu ngạo, là tội nặng nhất trong 7 mối tội đầu, tiếng Mỹ gọi là Deadly sin. 
Tội kiêu ngạo là căn nguyên của những tội khác, và cũng là một thứ tội mà con người dễ mắc nhất.  Chúng ta biết tội kiêu ngạo làm hại chúng ta nhiều cách, và gây ra cho chúng ta nhiều cái đau và ngượng ngùng.  Tội kiêu ngạo cản ngăn chúng ta sống đức tin, và làm mất sự liên hệ giữa chúng ta với Chúa và với tha nhân.

Nhưng trước khi chúng ta tìm hiểu sâu sa về đức tính khiêm nhường, chúng ta nên phân biệt ý nghĩa của sự kiêu ngạo và hãnh diện.  Có những sự hãnh diện rất tốt đặt trên nền tảng sự thật, như chúng ta những người Việt Công giáo hãnh diện về ngôi thánh đường mới sắp xây, hay những tài năng mà chúng ta có hay những thành quả mà chúng ta đạt được trong cuộc sống.  Hãnh diện lành mạnh là khi chúng ta nhận ra rằng những thành công và những gì chúng ta đạt được là do sự hỗ trợ hay giúp đỡ của người khác.  Còn khi Chúa ban cho người nào đó những tài năng thí dụ như hát hay, hay có năng khiếu hay có tài về một phương diện gì đó, mà chúng ta từ chối không nhận những năng khiếu đó và nói: “Tôi không biết hay tôi không làm được” thì người đó không có sự khiêm nhường đúng hay giả vờ hạ mình xuống cố ý để người khác nâng mình lên. 

Còn kiêu ngạo là sự tôn sùng bản thân hay tự ái quá đáng, là một sự tự phụ, tự nâng mình cao hơn, cho mình là hay hơn, tốt hơn hay quan trọng hơn chính bản năng của mình. Chúng ta có thể cho rằng sự kiêu ngạo bắt đầu từ cha mẹ tổ tông đã nghe lời Satan cám dỗ làm điều Thiên Chúa cấm để trở nên bằng Chúa.

Có một nhà triết học đã nói: “Mỗi con người đều muốn mình là Chúa.  Chỉ có một ít người thú nhận là không thể trở thành được.”  Cho nên, đối với người tự cao, kiêu ngạo Thiên Chúa là người mà họ cạnh tranh, không phải là người mà họ phải tôn thờ, vâng lời và yêu mến.

Trong Tin mừng, Chúa dạy chúng ta nhân đức khiêm nhường: “Ai hạ mình xuống sẽ được nâng lên.”  Vậy thế nào là khiêm nhường đích thực để chúng ta sống như ý Chúa muốn?  Phải chăng khi dạy nhân đức này, Chúa có ý dạy một mưu kế, một sự lừa dối hay một mánh lới, hay giả vờ hạ mình xuống để được tôn lên?  Hay ngồi ở cuối hay xa xa, để được chú ý hay mời lên trên?  Câu trả lời chắc chắn là không.  Chúa biết rõ con người chúng ta, và Chúa không dạy chúng ta lừa dối hay dạy chúng ta một mánh khoé, vì như vậy đi ngược lại với giáo huấn và sứ mệnh của Người. Và Chúa cũng không dạy chúng ta tự hạ mình xuống với chủ ý là để được chú ý, để được mời lên hay để kiếm tiếng tăm, danh vọng cho chính mình.

Đức khiêm nhường mà Chúa dạy chúng ta hôm nay cũng không có nghĩa là một hình thức an phận, hay hạ thấp bản thân để trốn  trách nhiệm, bổn phận là một Ki-tô hữu, là một giáo dân, là một chi thể trong Thân Thể Chúa Ki-tô.  Tôi tin chắc chắc đó không phải là đức khiêm nhường mà Chúa muốn dạy chúng ta.  Đức khiêm nhường mà Chúa dạy chúng ta là, thứ nhất, thành tâm nhìn nhận giá trị đích thực của mình, là những người được Chúa tạo dựng nên, được Chúa yêu thương và cứu chuộc.  Thứ hai, là nhận biết qua Bí tích Thánh tẩy, được Chúa chọn vào làm “Dân Riêng”, trở thành một chi thể trong Thân Thể Chúa Ki-tô. Và thứ ba thực sự biết mình, biết  những ưu điểm cũng như khuyết điểm, và nhất là nhận ra những ơn lành hồn xác Chúa ban. Vì thế “sự hạ mình xuống” có nghĩa là khiêm nhường chân thành , sốt sắng tôn thờ Chúa, có lòng bác ái, quảng đại và hy sinh sử dụng những ơn lành để phục vụ Chúa, xây dựng Giáo hội, giáo xứ, Thân Thể Chúa Ki-tô, và nhất là khiêm nhường sửa đổi những khuyết điểm như người thợ máy chui xuống gầm xe để sửa những bộ phận hư nơi khó thấy khó tìm, để cho cái xe chạy tốt lại, cho cuộc sống tốt đẹp lại.

Trong cuốn “Rèn luyện nhân cách”  tác giả Hoàng Xuân Việt đã viết như sau: “Người khiêm nhường không phải là người tự ti mặc cảm, thu hẹp, thiếu tự tin, khinh rẻ mình một cách vô lý đến nỗi không sử dụng tài năng của mình.  Người khiêm tốn là người sáng suốt nhìn nhận mình có khuyết điểm, có ưu điểm và khôn ngoan xử dụng ưu điểm để làm đẹp xã hội.”

Đối với người Kitô hữu chúng ta, đức khiêm nhường không những là một nhân đức quan trọng mà còn là một điều kiện cần thiết, cần phải có, để được vào tham dự bàn tiệc Nước Trời.  Chúng ta biết sống trong xã hội này đức khiêm nhường là một đức tính khó học, khó thực hành bởi vì thứ nhất là trong con người chúng ta đầy tự ái, và thứ hai là sự tự cao, chúng ta luôn bị cám dỗ, như con rắn ma quỉ ngày xưa cám dỗ tổ tiên là ông Adong và bà Eva, muốn đưa mình lên chứ không muốn hạ mình xuống.  Cho nên, chúng ta phải sống như thế nào?  Chúng ta phải năng chạy đến với Chúa Giêsu và học cùng Người.  Khiêm nhường có nghĩa là trở nên giống như Chúa Giêsu như Người đã nói: “Hãy học cùng ta vì Ta hiền lành và khiêm nhường trong lòng.”  Khiêm nhường có nghĩa là trở nên giống như Chúa Giêsu như khi Người nói: “Ta đến không phải để được phục vụ, nhưng để phục vụ và ban mạng sống mình làm giá cứu chuộc cho nhiều người.”  Khiêm nhường có nghĩa là sống như Chúa Kitô đã sống, đó là không phải chỉ sống cho chính mình nhưng còn cho người khác, như Chúa Giêsu đã sống, sử dụng, để làm sáng danh Chúa và hữu ích cho tha nhân.  

Đức khiêm nhường quả thực không chỉ là đức tính cần thiết cho đời sống hiện tại của Kitô hữu mà còn là chìa khóa mở cánh cửa Nước Trời. 
Lm. Chánh xứ
 


 

Không có nhận xét nào:

Tìm kiếm ....