“Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây” là một trong những truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam. Thế nên, lòng biết ơn không chỉ là một đức tính tốt đẹp cần phải có nơi mỗi người, mà nó đã trở thành một đạo lý thuyền thống được truyền tụng và bảo tồn qua bao thế hệ cha ông chúng ta. Giờ đây, chúng ta cùng tìm hiểu đôi nét về lòng biết ơn qua những góc cạnh: Lòng biết ơn là gì? biết ơn ai? lợi ích của sự biết ơn? và gương sáng biết ơn.
1. Lòng biết ơn là gì?
– “Lòng biết ơn là một nhịp cầu để người đến với người. Qua nhịp cầu đó tôi đến với em và chị đến với anh” (Lm GB.Nguyễn Ngọc Thế SJ)
– “Lòng biết ơn là sự tỉnh thức của tâm hồn chống lại tất cả những thế lực có sức mạnh tàn phá” (Triết gia người Pháp Gabriel Marcel)
– “Lòng biết ơn là đẳng cấp cao nhất của văn minh và của một loại trí tuệ”. (không rõ tác giả)
– Lòng biết ơn là sự biết ơn và ghi nhớ công ơn của những người và những sự vật, đã góp phần vào sự hiện hữu, sinh sống và làm nên con người toàn diện của mình.
2. Biết ơn ai?
Là Ki-tô hữu, trước hết chúng ta phải biết ơn Thiên Chúa là Đấng đã tạo dựng và cứu chuộc chúng ta, cùng với muôn loài muôn vật để chúng ta hưởng dùng cách nhưng không. Thánh Tê-rê-sa Hài Đồng Giê-su nói: “Chúa Giê-su không đòi chúng ta làm những chuyện lớn nhưng chỉ xin chúng ta quên mình và có lòng biết ơn” ; còn Chân phước Solanus Casey nói: “Chúng ta hãy cám ơn Chúa trước”.
Tiếp đến, chúng ta phải biết ơn ông bà, cha mẹ và các thầy cô giáo. Ca dao Việt Nam có câu: “Con ơi ghi nhớ lời này. Công cha, nghĩa mẹ, công thầy chớ quên” ; Biết ơn các vị thừa sai đã đến gieo hạt giống Đức Tin trên đất Việt chúng ta; biết ơn các linh mục, tu sĩ, giáo lý viên, y bác sĩ, các nhà khoa học, những người đã xây dựng và bảo vệ quê hương đất nước chúng ta cùng với những công nhân, nhân viên trong các ngành nghề… Tóm lại, chúng ta phải biết ơn Chúa, Đức mẹ, các thánh, và biết ơn những người đã sinh thành, nuôi dưỡng, giáo dục đức tin, văn hóa, nhân bản, và chăm lo, giúp đỡ, tạo điều kiện và đồng hành với chúng ta trong mọi lãnh vực của cuộc sống làm người và làm con Chúa.
Ngoài ra, theo Thánh Phan-xi-cô Át-si-si “con người của tình huynh đệ”, thì tất cả tạo vật trên trần gian đều như người họ hàng, mà ngài gọi là: anh mặt trời, chị mặt trăng, chị sao, các anh gió, không khí, mây trời, anh lửa, chị nước, mẹ đất, và chị chết. Bài ca về các tạo vật này, đã được Lm nhạc sĩ Xuân Thảo và cố nhạc sĩ Hải Linh phổ nhạc với tên bài hát là “Trường ca các tạo vật”, một trong những bài thánh ca hợp xướng mà tôi rất yêu thích, ngay từ khi vừa chập chững tập hát cho ca đoàn giáo xứ tôi. Như vậy, một cách nào đó, chúng ta còn phải biết ơn cả những tạo vật Thiên Chúa đã dựng nên, mà chúng ta đã và đang hưởng dùng mỗi ngày.
3. Lợi ích của sự biết ơn.
Qua tìm hiểu và trải nghiệm, tôi nhận thấy mỗi khi chân thành bày tỏ lòng biết ơn qua lời nói, hành động hay qua bất cứ hình thức nào khác, chúng ta đều có được những lợi ích nhất định cụ thể là:
-Có thể biết được mình có là một trong số những kẻ được Chúa chọn lên thiên đàng? Đây là một ý trong bài giảng thánh lễ ban Bí tích Thêm Sức của Đức Cha GB Bùi Tuần, mà tôi đọc được khi tôi trẻ tuổi. Vì rất tâm đắc với ý tưởng này nên tôi nhớ hoài nhớ mãi, cho dù đã hơn 30 năm qua rồi. Đại ý vắn gọn Đức Cha nói có một tác giả uy tín đã viết: “Dấu chỉ để phân biệt những kẻ Chúa chọn lên thiên đàng, là có lòng cảm tạ biết ơn Chúa, người có thói quen cảm tạ Chúa trong mọi hoàn cảnh thì như mang trong mình một trái tim tỏa sáng. Đó là dấu chỉ họ được Chúa chọn”.
-Thể hiện được mình là một con người biết sống có tình, có nghĩa, có văn hóa của con người trong những lúc gặp khó khăn cần sự giúp đỡ, cũng như khi thuận lợi thành công mình sẵn sàng giúp đỡ người khác.
-Giúp cho mình mỗi ngày trở nên hoàn thiện hơn về nhân cách, về phẩm chất làm người và làm con Chúa của mình. Thật vậy, vì lòng biết ơn là một trong những chuẩn mực đạo đức, mà mỗi người, nhất là các Ki-tô hữu không thể thiếu trong mối tương quan với Chúa và tha nhân.
-Từng bước xa dần và có thể diệt trừ được kiểu cách sống tự phụ, kiêu hãnh giả tạo, bạc bẽo và ích kỷ. Thay vào đó bằng lối sống khiêm hạ, biết ơn, quảng đại và vị tha.
4.Gương sáng biết ơn
Trong đạo ngoài đời có nhiều gương sáng về lòng biết ơn. Nhưng thiết nghĩ, trước hết chúng ta nên tìm học biết và bắt chước các gương sáng đã được ghi trong Kinh Thánh, cụ thể là gương sáng của Mẹ Ma-ri-a (x.Lc 1, 43-55),và của người Sa-ma-ri mắc bệnh phong cùi được Chúa chữa lành (x.Lc 17,11-19). Chúng ta cùng tìm hiểu sơ lược về hai gương sáng này:
-Tin Mừng ghi lại lời của Mẹ Ma-ri-a: “Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa, thần trí tôi hớn hở vui mừng vì Thiên Chúa, Đấng cứu độ tôi. Phận nữ tỳ hèn mọn, người đoái thương nhìn tới” (Lc 1, 46-48). Với những lời này trong Bài ca Ngợi Khen (Ma-ni-fi-cat) của Mẹ Ma-ri-a, chúng ta thấy rõ Mẹ đã thực sự khiêm tốn, khi bày tỏ sâu sắc lòng biết ơn của Mẹ với Thiên Chúa. Một gương sáng biết ơn thật tuyệt vời.
-Về người Sa-ma-ri, Tin Mừng ghi: “Một người trong bọn, thấy mình được khỏi, liền quay trở lại và lớn tiếng tôn vinh Thiên Chúa. Anh ta sấp mình dưới chân Đức Giê-su mà tạ ơn. Anh ta lại là người Sa-ma-ri” (Lc 17, 15-16). Như thế, sau khi anh được Chúa chữa lành cho, anh ta đã hết lòng cùng với cả lời nói và hành động của anh, bày tỏ lòng biết ơn Chúa Giê-su. Thật đẹp một gương sáng biết ơn của một người dân ngoại.
Tiếp đến, chúng ta còn có thể học biết về gương sáng biết ơn qua đời sống và lời dạy bảo của những vị Thánh sau đây:
– Khi rơi vào hoàn cảnh chẳng còn gì để mất. Thánh Gióp sấp mình xuống đất và nói : “Thân trần truồng sinh từ lòng mẹ, tôi cũng trở về đó cũng trần truồng. ĐỨC CHÚA đã ban cho, ĐỨC CHÚA lại lấy đi: xin chúc tụng danh ĐỨC CHÚA!” (G 1, 21)
– “Hàng ngày anh chị em hãy nâng tâm hồn lên, hướng về Chúa trong tâm tình biết ơn. Bởi vì Chúa cho mình cái này cái kia. Bởi vì người khác sỉ nhục mình. Bởi vì mình có những gì mình có, nhưng cũng bởi vì mình không có những gì mình cần. Bởi vì Chúa tạo đựng mặt trời mặt trăng, cây cối muông chim súc vật. Bởi vì Chúa cho người này khéo léo, người kia vụng về. Xin cám ơn Chúa tất cả, vì tất cả đều tốt”. Thánh Losemaria Escriva
– “Lòng biết ơn của tôi không giới hạn nơi những gì Người ban cho tôi, và tôi có hàng ngàn cách để thể hiện lòng biết ơn đó” Thánh Tê-rê-sa Hài Đồng Giê-su
– “Chúng ta hãy nhớ đến quá khứ với lòng biết ơn, hăng say sống giây phút hiện tại và tin tưởng nhắm đến tương lai” Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II.
Để kết thúc bài chia sẻ về lòng biết ơn này, tôi không quên nói về gương sáng mà tôi học được từ chính gia đình tôi, nơi bà nội và cha mẹ của tôi khi tôi còn bé là, sau những lời hỏi thăm, sự giúp đỡ và nhận vật gì từ bất cứ ai, về bất cứ vấn đề gì, thứ gì. Câu trả lời đầu tiên trên môi miệng các ngài luôn luôn là: “Cám ơn Chúa, cám ơn ông bà, anh chị…” rồi mới nói tiếp những điều khác. Từ gương sáng này cùng với sự dạy dỗ về lòng biết ơn khi tôi khôn lớn nơi gia đình và học đường Công giáo. Nay tôi đã quá lục tuần, nhưng cám ơn Chúa tôi vẫn còn giữ được điều tốt đẹp ấy – Biết ơn Chúa biết ơn mọi người.
Mong sao mọi người đều có được tâm tình biết ơn, nhờ luôn ý thức rằng: Trong đời sống, mình rất cần đến Chúa và các ơn của Chúa, và cũng cần chịu ơn của bao người khác nữa.
“Lạy Chúa, chúng con cảm tạ Chúa vì vinh quang cao cả Chúa” (Kinh Vinh Danh). Và “xin Chúa trả ơn bội hậu cho những người đã làm phúc cho chúng con. Amen”
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét