Thứ Bảy, 27 tháng 7, 2019

Chúa Nhật 17 Thường Niên. Năm C_2019.

Có câu chuyện về một em bé được cha mẹ dạy đọc kinh trước khi đi ngủ, và đã trở thành thói quen của em. Ngày kia em bị bệnh nặng phải vào nhà thương. Các bác sĩ cho biết em phải qua một cuộc giải phẫu. Trước khi cho thuốc mê, các bác sĩ cho em biết em sẽ ngủ một giấc ngủ dài. Nghe đến ngủ, em vội vàng quỳ gối cầu nguyện: “Xin Chúa cho con
được chóng lành bệnh.” Sau đó em nằm xuống và xin bác sĩ tiến hành cuộc giải phẫu.  Hôm sau khi thức dậy câu hỏi đầu tiên của em là: “Thưa bác sĩ, cháu có lành bệnh không?”  Bác sĩ nhìn em cảm động và mỉm cười nói : “Cháu hãy để cho Chúa lo liệu.  Bác tin chắc là lời cầu nguyện của cháu có hiệu nghiệm, vì cháu đã cứu được một người, đó là bác. Vì từ lâu bác không còn đến nhà thờ, không nhớ đến Chúa. Nhưng hôm qua khi nhìn cháu quì cầu nguyện, Chúa đã đánh động tâm hồn bác. Sáng nay bác đã đến nhà thờ xưng tội và tham dự Thánh lễ.

Câu chuyện em bé có thói quen cầu nguyện trước khi đi ngủ trên đây là một sự khích lệ cho chúng ta, và cho chúng ta biết kết quả và ảnh hưởng tốt đẹp của sự cầu nguyện như thế nào. Cầu nguyện rất cần thiết cho đời sống tinh thần, đức tin của Kitô hữu như thân thể cần thức ăn, nước uống để sống.

Tin mừng cho chúng ta biết Chúa Giêsu luôn đặt sự cầu nguyện ưu tiên trên hết trong cuộc đời của Ngài. Trước khi thi hành sứ vụ công rao giảng tin mừng, Chúa Giêsu đã vào sa mạc 40 đêm ngày để ăn chay, cầu nguyện. Chúa đã dành nhiều giờ để cầu nguyện với Cha của Ngài sau mỗi lần rao giảng và làm phép lạ. Chúa đã thức thâu đêm cầu nguyện và hỏi ý Chúa Cha trước khi tuyển chọn các môn đệ. Trước khi chịu chết, Chúa đã vào vườn cây dầu để cầu nguyện. Chúng ta thấy trong ba năm rao giảng, Chúa Giêsu đã dành rất nhiều thời giờ để cầu nguyện tâm sự với Thiên Chúa Cha. Có lẽ các môn đệ đã cảm nghiệm được lòng sốt sắng và cần thiết cầu nguyện của Thầy, cho nên sau khi thấy Chúa cầu nguyện, các ông đã mạnh dạn xin Chúa dậy các ông cầu nguyện. Và như chúng ta vừa được nghe trong bài Tin mừng, Chúa Giêsu đã dậy các môn đệ cầu nguyện bằng những lời kinh mà chúng ta gọi là Kinh Lạy Cha.  Thật vậy, ngoại trừ Kinh Lạy Cha, Chúa không dậy bất cứ một lời cầu nguyện nào khác nữa, vì thế Kinh Lạy Cha rất quan trọng và thiết yếu.

Qua Kinh Lạy Cha, Chúa dạy chúng ta cách tâm tình với Chúa Cha, cách sống thế nào cho đáng là con cái và xin điều gì.  Phân tích ra chúng ta thấy trong Kinh Lạy Cha gồm có một lời mở đầu, ba lời ước nguyện và 4 điều cầu xin.  Mở đầu, Chúa Giê-su dạy chúng ta thưa “Lạy Cha” với Thiên Chúa. Đây là một điều tự nhiên mà con người chúng ta thường làm khi thưa hay xin gì cùng ai. Thí dụ như khi con cái xin sự gì cùng cha mẹ, thì thường bắt đầu bằng câu nói: “Thưa ba hay thưa má.”  Hay khi chúng ta đối thoại hay muốn xin sự gì cùng ai thì thường nói rằng: “Thưa ông, thưa bà hay thưa cha.” Ở đây chúng ta thấy câu: “Lạy Cha chúng con” đặt chúng ta vào tâm tình tôn kính và yêu mến vì Chúa là cha chúng ta, chúng ta là con cái Chúa và chúng ta là anh chị em với nhau.

Tiếp đến là 3 lời ước nguyện.  Trước hết, chúng ta cầu mong cho mọi người nhận biết danh Chúa và nhìn nhận Chúa là Đấng tạo dựng.  Thứ hai, chúng ta cầu nguyện Danh Cha luôn được vinh hiển và Nước Cha lan rộng ra khắp nơi. Có nghĩa là chúng ta nguyện xin cho số người nhận biết và tin vào Chúa tăng lên đông đảo. Và thứ ba, chúng ta xin cho mọi người trong đó dĩ nhiên là có cả chúng ta biết vâng theo ý Chúa, sống những điều Chúa dạy bảo, để qua cuộc sống đức tin của chúng ta những lời cầu xin được thể hiện.

Phần cuối của Kinh Lạy Cha, Chúa dạy chúng ta cầu xin với Chúa Cha những điều cần thiết cho chúng ta và cho mọi người: xin lương thực hằng ngày, xin ơn tha thứ và xin sức mạnh tránh xa điều tội lỗi.

Sau khi dạy các môn đệ Kinh Lạy Cha, Chúa đã dùng dụ ngôn “Xin Bánh Ban Đêm” để nhắc nhở chúng ta về sự kiên trì và nhẫn nại trong sự cầu nguyện. Có thể nói sống trong xã hội vật chất và bon chen này, nhiều người thờ ơ hay thiếu kiên trì, tin tưởng và nhẫn nại trong khi cầu nguyện. Nhiều khi chúng ta đợi đến những lúc gặp khó khăn, trở ngại, mới chạy đến Chúa hay Mẹ Maria để cầu nguyện hay xin ơn, và muốn Chúa, muốn Mẹ phải ban những điều chúng ta xin ngay tức khắc, mau lẹ như cái máy, hay như một người phù thủy hay một nhà ảo thuật. Nhiều khi chúng ta cầu nguyện nhưng thiếu tin tưởng và phó thác vào sự quan phòng và yêu thương của Chúa.  Chúa Giêsu dạy chúng ta cầu nguyện với thái độ kiên trì và nhẫn nại như vậy, không phải là Chúa không nghe hay biết chúng ta kêu xin, hay làm ngơ hay không muốn ban cho chúng ta, nhưng Chúa muốn tăng thêm đức tin, muốn đức tin của chúng ta trở nên trưởng thành hơn. Chúng ta cần phải chú ý và phân biệt 2 điều quan trọng, đó là: “Chúa nghe lời chúng ta” và “Chúa cho điều chúng ta xin.”  Chúa có thể không ban điều chúng ta xin, mà vẫn nghe lời chúng ta. Bởi vì khi chúng ta cầu xin, Chúa đáp ứng lại bằng nhiều cách theo thánh ý Người, hoặc ban điều chúng ta xin, hay chúng ta xin một ơn, Chúa ban cho chúng ta một ơn khác. Vì lẽ điều chúng ta xin có thể sẽ không đem lại lợi ích thiêng liêng, nhiều khi còn có hại cho cuộc sống bây giờ hay trong tương lai. Cũng có khi chúng ta không xin điều gì đó mà chúng ta lại cảm thấy xảy ra trong cuộc sống. Chúa ban ơn làm những việc lạ lùng và Chúa biết chúng ta cần gì và Người nhìn rộng xa trong cuộc sống. Chúa ban cho chúng ta nhiều ơn lành hồn xác cần thiết mà chính chúng ta không nghĩ tới hay không xin. Cũng có thể chúng ta cầu hoài mà Chúa chưa cho, là vì Chúa muốn tăng thêm đức tin, dạy chúng ta biết phó thác hay dùng chúng ta như một khí cụ đem ơn đặc biệt đến cho người khác như vị bác sĩ được ơn hoán cải, ăn năn trở lại trong câu truyện em bé ở trên.

Bởi thế khi cầu nguyện điều quan trọng là luôn tin tưởng, cậy trông, phó thác vào tình thương và sự quan phòng của Cha chúng ta, biết “Xin vâng” sống thánh ý Chúa.  Chúa yêu thương và muốn chúng ta có cuộc sống tràn đầy vui mừng và hy vọng, trở thành khí cụ làm Danh Chúa cả sáng, và Nước Chúa trị đến. Xin Chúa chúc lành và ban nhiều ơn lành cho tất cả chúng ta để chúng ta sống xứng đáng là con của Chúa, sinh nhiều hoa trái tốt đẹp, làm sáng danh Chúa. Đây là tin mừng.  Đây là lý do và ý nghĩa của Thánh lễ chúng ta cử hành hôm nay.


Lm. Chánh xứ


Không có nhận xét nào:

Tìm kiếm ....