Trong cuộc sống, chúng ta thường đối xử
với nhau theo tình cảm, thí dụ như nếu ai yêu thương chúng ta thì chúng
ta yêu thương người đó, hay yêu thương những người thân thuộc, bạn bè. Còn
ai thù ghét hay làm hại chúng ta, thì chúng ta lánh xa hay tìm cách trả
thù.
Đối với người Kitô hữu, Chúa dạy chúng ta
yêu mến Chúa như một người Cha, và yêu thương tha nhân như anh chị em. Tuy
nhiên, câu hỏi là: tình yêu thương đối với tha nhân cần phải đi xa tới đâu, cần
phải trải rộng tới đâu? Người thông luật trong Tin Mừng hôm nay hỏi Chúa Giêsu:
“Ai là anh em của tôi?” Chúa Giêsu không trả lời trực tiếp câu hỏi của ông,
nhưng đưa ra dụ ngôn người Samaria nhân hậu để trả lời cho ông, và dạy chúng ta
là những người tin vào Chúa rằng: tình
thương phải trải rộng đến tất cả mọi người, không phân biệt chủng tộc, mầu da,
ngôn ngữ, kể cả những người thù ghét chúng ta nữa.
Dụ ngôn trong bài Tin mừng cho chúng
ta thấy ba nhân vật, lần lượt là thầy tư tế,
rồi đến một thầy trợ tế, cuối cùng là một người Samaria. Cả ba, kẻ trước
người sau, đều đi trên một lộ trình từ “Giêrusalem xuống Giêricô.” Cả ba đều
nhìn thấy cảnh đáng thương của một người lữ khách bị bọn cướp lột sạch, đánh
nhừ tử và quẳng xuống bên vệ đường. Dù trông thấy người lữ khách đang nằm “nửa sống nửa chết”, nhưng
cả thầy tư tế lẫn thầy trợ tế đều “tránh qua bên kia mà đi.” Còn người Samaria
thấy cảnh đó và động lòng thương. Sự
động lòng thương của người Samaria không dừng ở đôi mắt, không dừng ở tấm
lòng, mà được thể hiện qua hành động hy sinh, giúp đỡ cụ thể của đôi
chân và đôi tay.
Vào thời đó, người Do thái và Samaria có
những sự thù nghịch với nhau. Người Do
thái khinh thường và coi người Samaria là kẻ thù. Nhưng thái độ của người
Samaria đối với người Do thái bị nạn, nửa sống nửa chết, hoàn toàn khác với
thái độ “tránh qua mà đi”, thái độ dửng dưng và vô cảm của người tư tế
và trợ tế đối với người cùng chủng tộc, cùng cộng đoàn của mình. Người
Samaria đã có lòng nhân ái và hành động yêu thương với những người
thù nghịch mình. Đó là bài học mà Chúa muốn dạy chúng ta.
Sau câu chuyện, Chúa Giêsu đã hỏi người
thông luật: “Vậy ai là anh em của người bị rơi vào tay bọn cướp?” Người thông luật trả lời: Kẻ đã tỏ lòng
thương xót với người ấy.” Chúa Giêsu bảo ông và dạy chúng ta: “Ông hãy đi, và làm như vậy.”
Có
câu truyện sau đây. Ngày 30.09.1978, một chuyến xe lửa đi Colombia bị tai nạn
trật đường rầy làm cho 10 người bị chết và nhiều người bị thương. Trong số
hành khách có một linh mục bị gãy chân, một phần ruột lòi khỏi bụng. Nhận ra
ngài, các y tá chạy đến ân cần săn sóc, nhưng ngài ra hiệu bảo họ đi săn sóc
các hành khách khác và ngài lấy khăn băng phần ruột. Nói xong, ngài xin người
ta đưa đến những nạn nhân bị thương nặng đang hấp hối để giải tội và xức dầu
cho những ai muốn. Làm xong công tác mục vụ, vị linh mục nói với các y tá:
“Cám ơn Chúa đã cho tôi thi hành chức linh mục đến giây phút cuối cùng, giờ đây
có thể mang xác tôi đi”. Người ta chở vội ngài đến nhà thương, nhưng chỉ vài
giờ sau, ngài đã trút hơi thở cuối cùng khi tuổi đời chưa tròn 36. Vị linh
mục này đã có lòng bác ái, vị tha với mọi người.
Yêu
thương không phải là chỉ cho đi một cái gì hay một chút tiền, nhưng còn là
hành động hy sinh, tha thứ và quên mình phục vụ tha nhân. Chính Chúa Giê-su
đã làm gương hy sinh, từ bỏ, hiến thân cho nhân loại. Trong Tin mừng thánh
Gioan, Chúa đã cho chúng ta biết: “Không có tình yêu nào cao quí bằng tình
yêu của người hiến mạng sống vì người mình yêu.”(Ga 15, 13). Như vậy, người
Ki-tô hữu chúng ta phải sống yêu thương như lời Chúa dạy thì mới có giá
trị, và đúng ý nghĩa với bản chất Ki-tô hữu của mình.
Nói tóm lại, bài Tin mừng hôm nay đề cập
đến ba điểm quan trọng là lề luật, tình yêu thương và cuộc sống vĩnh cửu. Điểm
chính yếu nhất là tình yêu thương bởi vì tình yêu thương có thể giúp chúng
ta đạt được hạnh phúc vĩnh cửu. Nếu chúng ta có lòng yêu mến Chúa với tất cả
tâm hồn và thể xác, thì chúng ta sẽ thành tâm thực hành lời Chúa, đức tin của
chúng ta sẽ sống động, sinh nhiều hoa quả tốt đẹp. Tình yêu mến Chúa sẽ là
động lực giúp chúng ta sống bác ái, yêu thương, quảng đại, hy sinh giúp
đỡ tha nhân trong niềm vui mừng.
Ngược lại, nếu không có lòng yêu mến Chúa chân thành thì luật lệ, lời
Chúa và quảng đại chỉ là một cái ách đè nặng con người. Chúng ta thi hành luật
và sống lời Chúa một cách miễn cưỡng và bề ngoài, không có giá
trị, ý nghĩa của người Ki-tô hữu.
Chúng
ta cũng phải ý thức yêu mến Chúa và nhân hậu với tha nhân là những yếu
tố rất cần thiết cho đời sống Ki-tô hữu của chúng ta. Vì thế, người Ki-tô
phải sống đức bác ái, thực hành tình yêu thương qua những việc làm cụ
thể, qua lòng bác ái, hy sinh và quảng đại với mọi người, kể cả kẻ
thù thì mới có bình an và hạnh phúc đời này và đời sau.
Lm. Chánh xứ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét