Sức
mạnh mà không có tình thương là bạo lực. Tình thương mà không có công
bình là cảm tính. Công bình mà không có yêu thương là chủ nghĩa Mác. Và …
yêu thương mà không có công bình là vô nghĩa
“Tốt hơn là một ai đó nên chết đi vì người khác.”
Tại
sao câu nói trên vang lên quá ám ảnh? Tại sao nó nghe như điệp khúc của
một kinh cầu? Nó ám ảnh, không phải vì bất kỳ giá trị thơ ca đặc thù
nào, nhưng vì nó diễn tả một sự thật sai lầm mê hoặc chúng ta. Cách này
hay cách khác nó cố gắng giải quyết, hợp lý hóa và biện hộ cho cái chết.
Thượng
tế Caipha là người đầu tiên sử dụng cách nói này để biện hộ cho cái
chết của Đức Ki-tô. Con người và thông điệp của Đức Ki-tô đã gây bối rối
cho nhiều người, cho nhiều cuộc đời, cho sự cân bằng mong manh của
những tương giao đã được xây đắp, như một hệ sinh thái phức hợp, trong
nhiều năm.
Thượng
tế Caipha và những người cầm quyền khác vào thời đó thật sự không có
nhiều chuyện cá nhân chống lại Đức Ki-tô. Họ chỉ sợ hãi. Có nỗi sợ nhiều
hơn là sự hiện diện của ác tâm khi Đức Ki-tô bị kết án. Đó là nỗi sợ đã
xúi giục thượng tế Caipha thốt ra câu nói này và biện hộ cho sự bằng
lòng của mình với một cái chết vô tội.
Nỗi
sợ, và cách nói đó, luôn luôn là sự hợp lý hóa to lớn cho cái chết và
biện hộ cho sự bằng lòng của chúng ta với rất nhiều cái chết; nhiều đến
mức có thể viết nên một kinh cầu cho sự chết với câu nói này như một
điệp khúc:
Khi
chúng ta ủng hộ án phạt tử hình và ý tưởng rằng một số người nào đó,
bất chấp cuộc sống của họ có như thế nào đi nữa, cũng nên chịu cái chết,
chúng ta đang nói: tốt hơn là một ai đó nên chết đi vì người khác.
Khi
có một hành động phá thai, khi sự sống của một sinh linh bị lấy đi, xã
hội của chúng ta đang nói: tốt hơn là một ai đó nên chết đi vì người
khác.
Khi
chúng ta khước từ quan tâm một cách đúng đắn đối với người nghèo trong
xã hội, khi chúng ta nói chúng ta không có khả năng đáp ứng phúc lợi,
bảo hiểm cho người già, sự chăm sóc con cái, sự giáo dục tự do và ủng hộ
các bà mẹ ở nhà với con nhỏ, khi chúng ta để người nghèo ngã xuống vì
những gãy đổ chứ không để tiêu chuẩn sống của mình bị ảnh hưởng, chúng
ta đang nói: tốt hơn là một ai đó nên chết đi vì người khác.
Khi
một ai đó bị nói xấu trong một cuộc nói chuyện và chúng ta, vì sợ hãi,
không dám nói gì, chúng ta đang nói: tốt hơn là một ai đó nên chết đi vì
người khác.
Khi
đất nước chúng ta ném bom nước láng giềng để bảo đảm sự an toàn cho
chính mình, khi đất nước chúng ta sử dụng những khoản tiền vô lý, tài
năng và tài nguyên để trang bị vũ khí phòng thủ, chúng ta đang nói: tốt
hơn là một ai đó nên chết đi vì người khác.
Khi
đất nước chúng ta không tiếp nhận những người tị nạn bởi vì chúng ta e
sợ họ sẽ lấy đi công việc của chúng ta và gây ảnh hưởng bất lợi lên tiêu
chuẩn cuộc sống của mình, chúng ta đang nói: tốt hơn là một ai đó nên
chết đi vì người khác.
Khi
đất nước chúng ta từ chối thừa nhận sự bất mãn và chủ nghĩa khủng bố
của thời đại chúng ta là sản phẩm tự nhiên của một lối sống, một hệ
thống, mà người giàu hưởng lợi từ người nghèo, khi chúng ta làm ngơ
chuyện này bởi vì nó có nghĩa là sẽ có một vài thay đổi xáo trộn, chúng
ta đang nói: tốt hơn là một ai nên chết đi vì người khác.
Khi,
vì những áp lực của lối sống, chúng ta khai thác quá mức tài nguyên của
thế giới, khi, cùng lý do, chúng ta không thể tôn trọng một cách đúng
đắn thiên nhiên và bằng sự tiêu dùng vô độ và sự ô nhiễm đi cùng với nó,
chúng ta hủy hoại môi trường sống của các thế hệ tương lai, chúng ta
đang nói: tốt hơn là một ai đó nên chết đi vì người khác.
Khi
một toán thanh niên sát hại tàn nhẫn một người đàn ông đồng tính mắc
bệnh AIDS trong một đường hầm ở Montreal, cả người tấn công và những
người ngoài cuộc (vì nhiều lý do khác nhau) đều đang nói: tốt hơn là một
ai đó nên chết đi vì người khác.
Khi
Martin Luther King, Malcolm X, Oscar Romero, Jerzy Popieluszko, Stan
Rather, Michael Rodrigo, và Anne Frank bị sát hại, khi đảng KKK (Ku Klux
Klan) giết hại ba công nhân đòi quyền bầu cử ở Mississippi những năm
đầu thập kỷ 60, khi các chế độ đàn áp khắp thế giới đe dọa và triệt tiêu
con người, có một ai đó đang nói: tốt hơn là một ai đó nên chết đi vì
người khác.
Lời
kinh cầu cho cái chết vang vọng hàng thế kỷ, từ thời thượng tế Caipha
đến chúng ta – tốt hơn là một ai đó nên chết đi vì người khác, tốt cho
cái chết này hơn là cuộc sống của chúng ta bị xáo trộn, tốt hơn cho cái
chết này hơn là chúng ta phải thay đổi!
Đức hồng y Jaime Sin từng bình phẩm về nhiệm vụ của lòng can đảm trong hình ảnh của đức hạnh:
Sức mạnh mà không có tình thương là bạo lực
Tình thương mà không có công bình là cảm tính
Công bình mà không có yêu thương là chủ nghĩa Mác
Và … yêu thương mà không có công bình là vô nghĩa
Tất
cả chúng ta cần có lòng can đảm lớn hơn. Chúng ta cần cầu nguyện về
điều đó. Chúng ta cần cầu nguyện để ít bị đe dọa hơn bởi chính sự yếu
đuối và sợ hãi của mình, để can đảm hơn trong việc dịch chuyển cách xa
những tiện nghi của sự sung sướng, đặc ân và tiếng tốt, để bớt rụt rè,
tầm thường, nhỏ nhen hơn, sẵn sàng hi sinh hơn và có lẽ thậm chí là chịu
chết hơn là bằng lòng với cái chết của một người vô tội bằng cách phát
ra, một cách thiếu suy nghĩ và nhận thức, câu nói: tốt hơn là một ai đó
nên chết đi vì người khác.
Ronald Rolheiser
Nguyễn Kim An dịch
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét