Sau khi sống lại, Chúa Giê-su đã hiện ra với các tông đồ nhiều lần để
minh chứng cho họ biết một cách xác thực Người đã sống lại thật, để củng cố
niềm tin giúp các ông can đảm thi hành sứ vụ rao giảng Tin mừng, làm chứng về
tình yêu và ơn cứu độ cho mọi người. Sau đó Chúa đã về trời ngự bên hữu Chúa
Cha. Nhưng trước khi về trời, Chúa hứa sẽ ban Chúa Thánh Thần và ở lại với các
ông cho đến ngày tận thế. Như vậy, Chúa Giêsu lên trời, chỉ có nghĩa là Người
không còn hiện diện trong thân xác con người, nhưng vẫn hiện diện bằng một cách
đặc biệt qua Lời Chúa, qua phép lạ, qua Bí tích và qua Chúa Thánh Thần.
Đúng như lời Chúa đã hứa, trong ngày lễ Ngũ tuần khi các tông đồ đang cầu
nguyện trong phòng đóng kín thì Chúa Thánh Thần hiện xuống trên các ông và
các ông được tràn đầy ơn sủng Chúa Thánh Thần. Bài đọc 1 trích sách Tông đồ Công vụ hôm nay tường thuật sự việc khi
Chúa Thánh Thần hiện xuống trên các tông đồ thì có nhiều hiện tượng xảy
ra. Hiện tượng thứ nhất là các tông đồ được Chúa Thánh Thần biến đổi
từ những con người yếu hèn và sợ hãi đã trở nên những con người can
trường, mạnh mẽ và tràn đầy ơn sủng.
Hiện tượng thứ hai là các tông đồ mở cửa ra ngoài rao giảng về
Chúa Ki-tô cho những người Do thái đến từ nhiều quốc gia và nói nhiều thứ tiếng
khác nhau thế mà ai cũng hiểu được. Thế thì chúng ta tự hỏi các Tông đồ đã nói thứ ngôn ngữ gì? Có
nhiều giải thích khác nhau. Giải thích
thứ nhất, chúng ta biết hàng ngày các tông đồ chỉ biết nói tiếng Do thái,
đúng ra là tiếng Aram, vài người cũng có thể biết và nói bập bẹ vài tiếng
Hy lạp. Nhưng hôm đó, do ơn Chúa Thánh Thần các ông đột nhiên nói được ngoại
ngữ khiến cho những người không phải Do thái mà cũng không phải Hy lạp cũng
hiểu được. Giải thích này không đúng, bởi vì dù các tông đồ nói ngoại ngữ thì
cũng chỉ một vài ngoại ngữ mà thôi. Thế mà hôm đó những người nghe thuộc
nhiều ngôn ngữ khác nhau. Bài đọc 1 đã
liệt kê mười mấy thứ ngôn ngữ. Làm sao các ông có thể nói một lượt mười mấy
thứ ngôn ngữ ấy được!
Giải thích thứ hai, các
tông đồ nói bằng một thứ tiếng hoàn toàn mới lạ, có nghĩa là không phải tiếng
Do thái, cũng không phải tiếng Hy lạp, cũng không phải thứ ngôn ngữ nào trong
mười mấy thứ ngôn ngữ kia. Nhưng Chúa
Thánh Thần khiến cho mọi người đều hiểu. Giải thích này cũng chưa hoàn toàn đúng, bởi
vì nếu các tông đồ nói được thứ ngôn ngữ lạ này, thì cũng phải có
người cũng được ơn đặc biệt của Chúa Thánh Thần giúp người đó hiểu và dịch lại
cho những người khác để họ cũng hiểu. Bài đọc 1 cho chúng ta thấy dân
chúng không cần ai dịch mà vẫn hiểu, cho nên ngôn ngữ các tông đồ nói
được không phải là ngôn ngữ lạ. Giải thích thứ ba, các tông đồ nói bằng tiếng
Do thái quen thuộc của các ông, nhưng Chúa Thánh Thần giúp cho dân chúng hôm
đó thuộc đủ mọi thứ tiếng khác nhau cũng hiểu được. Giải thích này có thể tạm chấp nhận
được.
Những giải thích chi tiết về
ngôn ngữ trên đây về lời rao giảng của các tông đồ hôm đó còn nhiều khó
khăn, nhiều bất đồng và đến nay vẫn chưa có một giải thích thỏa đáng. Nhưng có một điểm được hầu hết các nhà
chuyên môn về Thánh kinh nhất trí, đó là câu truyện về sự kiện Chúa Thánh
Thần hiện xuống là đối tượng của câu truyện tháp Babel ngày xưa. Ngày xưa ở
Babel, con cháu ông Noe đang nói cùng một thứ tiếng, nghĩa là đang hiểu nhau,
bỗng dưng vì tự cao, vì tội kiêu ngạo muốn xây một cái tháp cao hơn trời để
tỏ ra mình hơn Thiên Chúa nên bị phạt khiến họ nói nhiều thứ tiếng, làm cho
người này không hiểu người kia được nữa. Truyện tháp Babel ngụ ý rằng khi con
người không có ơn Chúa, không được Thiên Chúa quy tụ thì sẽ sinh ra chia rẽ
nhau, không hiểu nhau và không thông cảm được cho nhau. Sự kiện Chúa Thánh Thần hiện xuống với ơn
sủng đã sửa lại sự hư hại đó. Có
nghĩa là hôm lễ Ngũ Tuần, tất cả mọi người dù thuộc những dân tộc, quốc gia
và những ngôn ngữ khác nhau nhưng đã hiểu nhau. Nhờ đâu? Thưa nhờ Chúa Thánh Thần, nhờ những chứng
nhân can đảm, đầy tràn ơn sủng Chúa Thánh Thần và lòng xác tín vào
Chúa Ki-tô Phục sinh quy tụ và nối kết họ lại.
Do đó, bài đọc 1 còn cho
chúng ta một bài học rất quan trọng về sự đoàn kết và hiệp nhất trong đức
tin giữa những người vốn có nhiều điểm dị biệt và cuộc sống khác nhau. Chúng ta biết đoàn kết hiệp nhất rất cần
thiết, quan trọng và hữu ích trong bất cứ môi trường nào, nhất là để rao
giảng Tin mừng, làm chứng cho Chúa và xây dựng Nước Chúa, nhất là
đối với những người Việt Công giáo chúng ta sống tại thành phố Tulsa
này. Sách Tông đồ Công vụ cho chúng
ta biết sở dĩ Giáo hội thuở ban đầu phát triển nhanh rộng là nhờ các tín hữu
biết đoàn kết, hiệp nhất và yêu thương giúp đỡ nhau. Họ bỏ và vượt qua những sự tranh chấp,
khác biệt, có lòng hy sinh và quảng đại, và nhất là biết yêu thương
và giúp đỡ nhau sống đức tin và luôn trung thành với Chúa, làm cho người
lương, người không có đạo thấy cuộc sống hiệp nhất yêu thương ấy quá tốt đẹp
và đầm ấm, nên thích và xin gia nhập Giáo hội.
Nhưng câu hỏi quan trọng
là làm sao để có sự đoàn kết và yêu thương hiệp nhất? Trong bài đọc 2, thánh Phaolô cho
chúng ta biết một số điều quan trọng về sự hoạt động của Chúa Thánh Thần trong
đời sống đức tin của chúng ta. Thứ nhất, nguồn gốc mọi ân sủng của chúng ta là
từ Chúa Thánh Thần. Ngài ban các ân sủng
khác nhau cho từng người tùy theo nhu cầu và không ai giống ai. Tuy nhiên các ân sủng ấy không phải để làm lợi
hay vinh danh cá nhân, nhưng nhằm mục đích phục vụ lợi ích chung của cộng đoàn,
và xây dựng Giáo hội. Điều thứ hai, thánh
Phao lô cho chúng ta biết Giáo hội được so sánh như một thân thể, cần phải có sự
liên kết và cộng tác của các chi thể.
Thánh Phao-lô dạy mỗi Ki-tô hữu là những chi thể được kết hợp lại thành
một thân thể mà Chúa Ki-tô là đầu, vì thế, mọi chi thể hay mọi thành phần phải
cố gắng hợp nhất, hy sinh và quảng đại để chung sức xây dựng giáo xứ và Giáo
hội, là Thân Thể Chúa Kitô.
Hơn lúc nào hết, ngày hôm nay và trong xã hội này, tất cả chúng ta, người
Công giáo Việt nam sống trong thành phố Tulsa này, cần Chúa Thánh Thần và những
ơn sủng của Ngài, để rao giảng Tin mừng, làm chứng cho Chúa Giê-su Ki-tô Phục
sinh và xây dựng giáo xứ. Chúng ta ý thức rằng ngày nay Giáo hội, giáo xứ và mỗi
người chúng ta còn phải đương đầu với những khó khăn thử thách, những cám dỗ và
cạm bẫy, cho nên chúng ta cầu xin Chúa Thánh Thần gìn giữ che chở Giáo hội, và
tiếp tục biến đổi, thánh hóa mỗi người chúng ta, để luôn được kết hợp trong
Thân Thể Chúa Ki-tô, giúp nhau sống đức tin, xây dựng cộng đoàn giáo xứ và làm
sáng danh Chúa, để được sống trong bình an, che chở và ơn sủng của
Người.
Lm. Chánh xứ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét