Lời
Chúa trong Thánh lễ Thứ Năm Tuần Thánh hôm nay chất chứa nhiều ý nghĩa và mầu
nhiệm cao quí, nhưng ít nhất chúng ta phải suy niệm về ba đề tài chính trong ba
bài đọc, để cảm nghiệm sâu sắc hơn về các mầu nhiệm cử hành hôm nay. Bài đọc I nhắc đến ngày mừng lễ Vượt qua của
người Do thái, bài đọc II thuật lại việc Chúa Giê-su Kitô đã lập Bí tích Thánh
Thể trong bữa ăn vượt qua này; và bài Tin Mừng qua sự kiện Chúa rửa chân cho
các môn đệ thúc giục chúng ta bắt chước gương Chúa khiêm nhường và hy sinh phục
vụ cho anh chị em, đó là sứ vụ của một Ki-tô hữu.
Trong
bài đọc một trích sách Xuất hành Chúa dạy dân Do thái hằng năm phải long trọng
cử hành lễ Vượt qua như là một sự nhắc nhở, cũng như sống lại hồng ân trọng đại
mà Chúa đã ban cho họ. Khi dân do thái sống bên Ai cập, Chúa quyết định giải
phóng họ khỏi cảnh nô lệ lầm than. Vì thế, Môsê nghe lời Chúa phán và truyền
cho dân cứ làm lễ Vượt qua, chuẩn bị lên đường, xuất hành. Và chính lúc dân ăn
lễ ấy, thần tiêu diệt của Chúa đã sát hại mọi con đầu lòng người Ai cập, cho
nên vua Pharao vội vã giục dân Do thái ra đi. Thế là lễ Vượt qua năm ấy trở
thành hồng ân muôn đời đáng ghi nhớ.
Sau
đó, người Do thái ở bất cứ nơi nào hàng năm đều cử hành lễ Vượt qua, để nhắc nhở
cuộc giải phóng lạ lùng đồng thời tái xác tín vào tình yêu thương và lòng nhân
từ của Chúa. Lễ Vượt qua vì thế không những
nhìn về quá khứ, mà còn để vững lòng tin ở tương lai. Ðó cũng là lý do và ý
nghĩa rất cao quí để Chúa Giê-su cử hành lễ Vượt qua khi Người ăn bữa Tiệc ly với
các môn đệ, và trong bữa tiệc ly này, Chúa đã thiết lập Bí tích Thánh Thể.
Chúng
ta thấy không tác giả Tin mừng nào đã kể lại đầy đủ bữa ăn trọng đại lịch sử ấy.
Thánh Phaolô trong bài thư hôm nay chỉ giữ lại phần tối thiểu và cốt yếu. Ðối với
ngài, cũng như đối với Giáo hội, bữa Tiệc ly đã trở thành bữa ăn Thánh Thể. Từ
nay, lễ Vượt qua chỉ còn nhắc nhở một việc: hôm ấy Chúa Giê-su Kitô đã cầm lấy
bánh rượu để ban Thịt Máu Người cho môn đệ. Chúa Giê-su đã đem mọi ý nghĩa của Lễ Vượt qua
vào Bí tích Thánh Thể. Chúng ta thấy ngay
khi bước vào bàn tiệc, Chúa Giê-su đã ý thức và đã tuyên bố: Người từng ao ước
ăn bữa Vượt qua này với các môn đệ. Rồi lập tức Người đã cho họ hiểu ngay, đây
không còn là lễ Vượt qua của người Do thái nữa, nhưng là Vượt qua của chính Người.
Vì thế, Người cầm lấy bánh và nói: Ðây là Mình Ta sẽ bị nộp vì chúng con. Người
cầm chén rượu và bảo: Ðây là Máu Ta sẽ đổ ra ký Giao ước mới.
Thế
nên từ việc bánh rượu các yếu tố tự nhiên trong Thánh lễ không còn là lương thực
tự nhiên nữa, mà trở nên Thịt Máu Chúa để ban sự sống đời đời. Ngày Chúa Giê-su lập phép Thánh Thể là ngày
dân Chúa được tham dự vào sự sống của Chúa, được liên kết với nhau, như những
chi thể trong Thân Thể Chúa Ki-tô, và như những người con trong gia đình của
Chúa. Cho được nối kết mật thiết như vậy, hôm nay Phụng vụ muốn chúng ta phải cử
hành nghi lễ rửa chân.
Ðây
là hành động hi hữu và lạ lùng mà Chúa Giê-su Kitô đã làm mà thánh Gio-an cho
chúng ta biết trong bữa Tiệc ly. Khi biết đã đến giờ Vượt Qua để về cùng Chúa
Cha, Chúa Giê-su liền đứng dậy khỏi bàn ăn. Người cởi áo, thắt lưng, đổ nước
vào chậu và bắt đầu đi rửa chân cho môn đệ.
Cử chỉ ấy thật lạ lùng vì từ xưa tới nay Chúa có bao giờ làm như vậy đâu!
Chẳng ai có thể tưởng tượng được một việc như thế. Gia nhân có rửa chân cho khách thì cũng làm
vào lúc khách mới đến nhà, nhưng bây giờ thì khách đang ngồi ăn rồi. Không ai
hiểu được, nhưng chỉ một mình Phêrô dám cất tiếng hỏi: “Thầy mà lại rửa chân
cho con sao?” “Phải! Bây giờ con chưa hiểu,
nhưng sau này con sẽ hiểu.” Phêrô chỉ hiểu
biết hiện tại, mà hiện tại thì không thể nào có việc Thầy rửa chân cho môn đệ.
Ngược lại thì có. Cho nên Phê-rô cương
quyết từ chối. Nhưng đó là giây phút dạy bảo, cho nên Chúa nói: “Nếu Thầy không rửa cho con, thì con không được
dự phần với Thầy.” Thế là “không những Thầy cứ rửa chân, mà rửa cả mình
con nữa.”
Tất
cả ý nghĩa của câu chuyện rửa chân có lẽ nằm trong mấy câu đối đáp này. Chúa
Giê-su Kitô rửa chân cho môn đệ để họ được dự phần với Người. Và muốn dự phần với
Người, họ phải chấp nhận Người cúi mình rửa chân cho họ. Việc Chúa làm đây thật
ý nghĩa, thật lạ lùng và mầu nhiệm. Rửa
chân là mầu nhiệm diễn tả hay nói lên 2 sự kiện sâu xa và cao cả hơn. Thứ nhất là sự đau thương và cái chết nhực nhã
trên thập giá để cứu chuộc nhân loại của Người. Thế nên lúc này, không ai hiểu được. Phải đợi
khi Người đã chết và đã phục sinh, các môn đệ mới khám phá ra được ý nghĩa và mầu
nhiệm của việc rửa chân. Vì thế không để cho Người rửa chân, có nghĩa là không
chấp nhận việc Người chịu chết và sẽ không dự phần vào cuộc tử nạn của Người. Sự kiện sâu sa thứ hai là Phêrô cũng như bất
cứ ai nếu không để cho Chúa rửa chân sẽ không được dự phần với Người, nghĩa là không
được dự phần Nước Trời với Người như Lời Người đã hứa về sự sống hạnh phúc đời
đời.
Như
vậy, chúng ta thấy lời Chúa Giê-su Ki-tô giải thích và dạy bảo sau này rằng:
Người đã rửa chân để làm gương cho chúng ta, có nghĩa là như Chúa Giê-su Kitô
đã hy sinh phục vụ, bỏ mạng sống mình chịu chết vì chúng ta, thì chúng ta cũng
phải biết hy sinh phục vụ và sống cho anh chị em thì chúng ta mới được dự phần
vào sự sống, vào chương trình cứu độ cửa Người, và dự vào phần thưởng Nước Trời
với Người.
Vì
thế, ông bà anh chị em thân mến, lễ nghi rửa chân mà chúng ta làm bây giờ không
tầm thường đâu. Ðây không phải là một
nghi thức làm cho qua. Và cũng vì thế trước
hết tôi xin mọi người hãy nhìn nhận hành vi chủ tế và là chánh xứ của tôi rửa
chân cho 12 người tiêu biểu đây như là cử chỉ biểu lộ tâm tình chân thật muốn đền
bù những tội lỗi của tất cả mọi người trong giáo xứ đối với những người khác.
Nhưng còn hơn thế nữa! Nghi lễ rửa chân này còn biểu tượng hành vi từ bỏ mình
chịu thương khó và chịu chết của Chúa Giê-su Kitô, để chúng ta cùng chấp nhận
và đi vào mầu nhiệm tử nạn và phục sinh của Người. Vì thế tôi kêu gọi mọi người cũng chấp nhận
và từ bỏ chính mình, để thật sự hòa mình, trở thành những chi thể trong cùng một
Thân Thể Chúa Ki-tô, trở thành anh chị em trong một gia đình của Chúa, yêu
thương hiệp nhất, sống bác ái và quảng đại, hy sinh phục vụ vì Chúa và phần thưởng
Nước Trời.
Có
như vậy, chúng ta mới thật sự cử hành nghi lễ rửa chân như Chúa Giê-su Kitô đã
làm. Có như vậy, chúng ta mới có tâm tình để tái thể hiện mầu nhiệm Tiệc ly, cũng
như Bí tích Thánh Thể và sứ vụ yêu thương phục vụ mà Chúa Giê-su Kitô đã thiết
lập chiều thứ Năm Tuần Thánh. Có như vậy, buổi tối hôm nay, chúng ta mới thật sự
tham dự với Chúa trong cuộc vượt qua giải phóng, tức là từ bỏ con người và nếp
sống cũ, để đi vào tinh thần và sự sống mới tự do của con cái Thiên Chúa.
Lm. Chánh xứ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét