Chủ Nhật, 28 tháng 4, 2019

Chúa Nhật 2 Phục sinh. Năm C_2019

 
Sau khi từ cõi chết sống lại, Chúa Giê-su đã hiện ra nhiều lần, ở nhiều nơi và với nhiều người cùng các môn đệ. Bài Tin mừng hôm nay cho chúng ta biết, Chúa Giê-su đã hiện ra với các môn đệ một lần không có sự hiện diện của Tô-ma. Tám ngày sau, Chúa Giêsu lại hiện ra với các môn đệ, lần này có cả Tôma. Trước hết Chúa Phục sinh đã chào chúc bình an cho các ông, và sau đó đã cho Tô ma thấy những vết thương ở tay, chân và cạnh sườn. Và sau khi được nhìn tận mắt, Tôma đã tin Chúa đã sống lại thật, và quì xuống tuyên xưng: “Lạy Chúa con, lạy Thiên Chúa của con.”


Chúng ta thấy sau khi sống lại và mỗi lần hiện ra với các môn đệ, Chúa Giêsu đều chào chúc các ông: “Bình an cho các con” như chúng ta chào chúc bình an cho nhau trong Thánh lễ. Quả thực, bình an là điều quý nhất mà chúng ta cần có trong cuộc sống, và cũng là điều tốt nhất mà chúng ta cầu chúc cho nhau. Nhưng bình an là gì, và làm thế nào để có được bình an?  Bài Tin Mừng hôm nay cũng cho chúng ta biết khi ấy các môn đệ đang sợ hãi, chán nản và thất vọng vì Thầy đã bị bắt và bị đóng đinh vào thập giá rồi.  Rất có thể tới phiên các ông cũng sẽ bị bắt và bị khổ hình như vậy, cho nên các ông sợ và trốn trong nhà đóng kín cửa.  Rồi Chúa Giêsu hiện đến ở với các ông, trò chuyện với họ, cho họ xem các vết thương, ăn uống với họ, khích lệ họ. Thế là các ông không còn sợ nữa. Các ông được bình an. Nhưng do đâu mà các ông được bình an?  Có phải là vì nguy hiểm đã qua đi rồi chăng?  Thưa không, nguy hiểm vẫn còn đó, kẻ thù vẫn còn vẫn đang tìm cách hãm hại các ông. Nhưng nay các ông không sợ nữa là vì họ biết đã có Chúa hiện diện.

Như vậy, bình an là một sức mạnh, một nơi nương tựa, một nguồn an ủi khiến chúng ta không nao núng, sợ sệt dù phải đứng trước bất cứ khó khăn, thử thách hay nguy hiểm nào. Bình an thực sự ấy có được khi chúng ta ý thức có Chúa hiện diện trong cuộc sống và sống theo thánh ý Chúa.

Có một gia đình nghèo, vợ chồng lao động vất vả suốt ngày để nuôi đàn con. Nhưng chiều về và sau khi ăn bữa tối, vợ chồng con cái đều quây quần trước bàn thờ cùng đọc kinh tối chung. Họ dâng lên Chúa những lao nhọc, vất vả, khổ cực trong ngày, họ xin Chúa thứ tha những lỗi lầm đã phạm, họ phó dâng cuộc sống cùng tất cả mọi âu lo cho Chúa. Sau đó họ lên giường ngủ. Bình an!  Chúng ta thấy ngày nay có biết bao gia đình giàu có, hay cũng lao động vất vả như họ, cũng lo âu toan tính công việc như họ, cũng phải lo cho con cái như họ, nhưng những gia đình đó bất an, hay không có sự bình an, hay không có được một giấc ngủ bình an. Thế thì chỗ khác nhau là gì? Chỗ khác nhau là một bên có Chúa, biết sống với Chúa, theo ý Chúa còn một bên thì không.

Chúng ta biết lý do Chúa hiện ra với các môn đệ nhiều lần là để thứ nhất minh chứng Người đã sống lại thật, thứ hai, Chúa chịu chết và sống lại là một, vì thế Chúa hiện ra vẫn còn mang những thương tích của cuộc khổ nạn, với những dấu chân, tay bị đóng vào thập giá, và thứ ba củng cố niềm tin cho họ, để họ luôn trung thành và can đảm thi hành sứ vụ rao giảng Tin mừng ơn cứu độ cho muôn dân, cũng như trở thành những chứng nhân cho sự thật, cho Chúa Giê-su chính là Con Thiên Chúa và là Đấng cứu độ trần gian.

Vì có sức mạnh và một niềm tin vững chắc vào Chúa Giê-su đã phục sinh, sống lại, cho nên các môn đệ đã can đảm ra đi thi hành sứ vụ Chúa trao ban như chúng ta vừa nghe trong bài đọc một. Họ đã hy sinh, can trường và không nao núng trước những sự vu khống, thù hằn, đe dọa, gian khổ và tù đày, để làm chứng cho Chúa và đồng tâm nhất trí và chung sức xây dựng Giáo hội của Chúa.  Đời sống hy sinh và quảng đại, yêu thương và hiệp nhất của họ đã thu hút nhiều người tin vào Chúa, và Giáo hội mỗi ngày càng thêm đông và lan rộng ra khắp nơi.  Các môn đệ nhận biết khả năng của họ giới hạn và sức lực quá ít, không thể nào hoàn thành được sứ vụ, vì thế họ tin có Chúa hiện diện, trợ sức, hướng dẫn và gìn giữ để lời rao giảng về Mầu nhiệm Thập giá, và lời rao giảng của họ có thần lực thu hút nhiều người. Niềm tin vào Chúa Giê-su Phục sinh và ơn của Chúa Thánh Thần cũng đã giúp cho họ làm được nhiều phép lạ như Chúa Giê-su đã làm.  Qua những dấu lạ kèm theo lời rao giảng của họ có sức mạnh biến đổi tâm hồn người nghe và chữa lành bệnh tật thể xác.      

Sau khi lòng tin của các môn đệ và đặc biệt là của Tô ma được củng cố, Chúa Giê-su Phục sinh đã tuyên bố: “Phúc cho những ai đã không thấy mà tin.” Hay nói một cách khác, những ai tin vào Chúa Giê-su đã chết và đã phục sinh, qua lời rao giảng và chứng nhân của các tông đồ thì có phúc đời này và đời sau. Có lẽ chúng ta từng nghe người khác nói: “Thấy thì mới tin.”  Điều này có nghĩa là không thấy thì không tin.  Nhưng đối với người Ki-tô Công giáo chúng ta thì điều ngược lại thì đúng hơn, vì tin sẽ giúp chúng ta sẽ thấy những điều chúng ta chưa thấy, và nhận được những điều chúng ta chưa có.  Vì thế chúng ta phải tin trước.  Chúng ta phải tin vào lời Chúa nói và dạy chúng ta trước, rồi chúng ta mới thấy, mới hưỡng được những điều Chúa nói với chúng ta. 

Chúng ta biết ngày nay một trong những sự thử thách to lớn cho đức tin là Bí tích Thánh Thể, là sự hiện diện thật sự của Chúa Giê-su Ki-tô trong Thánh Thể. Trong ngày Thứ Năm Tuần thánh, Chúa Giê-su đã lập Bí tích Thánh Thể. Người đã cầm lấy bánh và rượu phán: “Đây là Mình Thầy. Đây là Máu Thầy.” Chúa đã biến bánh và rượu để trở nên Mình và Máu Người. Vì chúng ta không thể đặt Thánh Thể Chúa dưới kính hiển vi để khám xét xem Chúa có thật sự ở trong đó không, cho nên một số người không tin và cho là biểu hiệu thôi, vì thế họ đã mất lòng tin nơi Bí tích Thánh Thể, và cũng vì thế họ không nhìn thấy Chúa, không có Chúa ngự trogn tâm hồn, đồng hành, và không nhận được ơn ích nào, nhất là ơn bình an, của Bí tích cao trọng này. 

Chúa nhật hôm nay cũng là Chúa nhật kính Lòng Thương Xót của Chúa Giê-su Ki-tô. Vì thương xót nhân loại, Chúa Giê-su đã chịu những sự thương khó, chết thập giá và khiêm nhường ngự trong Bí tích Thánh Thể, trở nên thức ăn thiêng liêng cho chúng ta. Cậy nhờ vào lòng thương xót của Chúa, đức tin của chúng ta sẽ được củng cố, và vững lòng trông cậy và phó thác nơi Chúa, để chúng ta luôn can đảm trở thành những chứng nhân, giúp chúng ta biết yêu thương hiệp nhất để xây dựng giáo xứ, và trở thành sứ giả lòng thương xót của Chúa trong xã hội ngày nay.   

Lm. Chánh xứ

 

Không có nhận xét nào:

Tìm kiếm ....