BÀI HAI
PHAOLÔ NHẬN BIẾT
CÁI CHẾT CỦA NGÀI THẾ NÀO?
Ai
trong chúng ta cũng rất sợ hãi cái chết; cái chết là một phần không thể
tách rời tạo nên ý nghĩa của sự sống; nó là phần mang ý nghĩa mạnh mẽ
đến độ có thể trở nên kẻ đồng loã cho Sa-tan: tên quỉ này dùng nó để
lường gạt chúng ta, làm chúng ta suy nghĩ nông cạn điên khùng và làm
chúng ta thất vọng, tên quỉ đó cũng có thể thúc đẩy chúng ta nói và suy
nghĩ phi lý đến độ sống như thể không bao giờ chết, nó cũng đưa chúng ta
đến thất vọng, sự thất vọng làm chúng ta tìm đến cái chết trước bằng
nhiều cách khác nhau như nghiện ngập ma tuý xì ke, tự làm thương tổn, tự
tử, v.v.
Được
dạy cho biết về cái chết và sự sống lại của Đức Kitô, về mặc khải và sự
trông đợi Người lại đến trong vinh quang, Phaolô đã nhận biết cái chết
của ngài thế nào?
Phaolô
có rất nhiều thái độ khác nhau trước cái chết. Trong suốt cuộc đời tại
thế, tâm hồn ngài hoàn toàn thống nhất tự nội tâm, nên ngài sống thanh
thản và tự do, hoàn toàn phó thác cho Thiên Chúa khi cái chết đến gần.
Dựa vào thư thứ hai gởi cho Ti-mô-thê và các thư khác, chúng ta có thể
chọn lựa 5 thái độ sau:
1/ Cái chết trong tương quan với vĩnh cửu;
2/ Cái chết trong tương quan với Đức Kitô;
3/ Cái chết như hi lễ kết hợp với hi lễ của Đức Kitô;
4/ Cái chết vì ích lợi của Giáo hội và những người được chọn;
5/ Cái chết như kết thúc một hành trình.
1. Cái chết trong tương quan với vĩnh cửu
Đó
là chân trời đích thực làm cho chúng ta được tự do, không chỉ khi suy
nghĩ âm thầm trong đáy sâu tâm hồn, mà điều đó còn đến từ ân sủng chiến
thắng của Đức Kitô tràn ngập tâm hồn chúng ta. Cách nhận biết cái chết
như thế hình như ngày càng hiếm hoi trong các kitô hữu. Một số thăm dò
dư luận quả quyết rằng rất nhiều kitô hữu không tin vào sự sống sau khi
chết. Nên nhớ, đây là các kitô hữu hoạt động, đảm trách nhiều nhiệm vụ,
thế mà đối với họ, ý tưởng về vĩnh cửu, một ân ban của Thiên Chúa là một
điều gì đó rất xa lạ. Jean Guitton và các nhà tư tưởng khác không phải
là không có lý do khi nói đến “sự im lặng về cái chính yếu”, nghĩa là
người ta không còn nói về đời sống vĩnh cửu nữa. Điều đó đã trở nên quen
thuộc nhất là ở Âu Châu. Guitton còn nói rằng ngày nay, những bài diễn
văn trong các đám tang tràn ngập những lời ca tụng người chết, nhưng
không bao giờ nói tới đời sống vĩnh cửu, dường như đời sống đó không bao
giờ có.
Phaolô coi cái chết là một ân huệ bao la của Thiên Chúa và điều đó đáng cho chúng ta suy nghĩ. Cứ đọc Pl 3, 13-14 thì rõ: “Thưa
anh em, tôi không nghĩ mình đã chiếm được rồi. Tôi chỉ chú ý đến một
điều, là quên đi chặng đường đã qua, để lao mình về phía trước. Tôi chạy
thẳng tới đích, để chiếm được phần thưởng từ trời cao Thiên Chúa dành
cho kẻ được Người kêu gọi trong Đức Ki-tô Giê-su.”
Ngày
nay, dường như một cái nhìn đơn sơ ý thức về vĩnh cửu là đặc ân dành
cho những người nhỏ bé và khiêm tốn, chứ không dành cho những người học
thức, kể cả các linh mục. Chúa đã gieo hạt giống vĩnh cửu trong cánh
đồng của chúng ta, đó là điều không thể nghi ngờ. Nhưng đáng tiếc! một
số lượng cỏ dại lớn lao đã xâm chiếm biến đổi những lời về vĩnh cửu
thành một màn che dệt bằng những lời tự phụ, kiểu cách, trừu tượng;
không còn gì là tươi mới phát xuất từ ân sủng như suối nguồn sự sống.
Một điều lạ lùng: Chúa lại đổ tràn ân sủng này trên những người tội lỗi –
nếu xét về quá khứ của họ - những người này nhận biết ân huệ đó tốt
hơn. Ví dụ những người trẻ nghiện ma tuý, nạn nhân của aids, vào những
giây phút cuối đời, hiểu rõ và tin vào đời sống vĩnh cửu một cách thanh
thản và trong sáng; họ sống điều đó trong vui mừng và hi vọng, nói về nó
một cách tự do, tin tưởng. Mầu nhiệm này nhắc chúng ta nhớ đến lời Chúa
Giêsu: “Những người thu thuế và đĩ điếm sẽ vào Nước Thiên Chúa trước các ngươi.” (Mt 21, 31).
2. Cái chết trong tương quan với Đức Kitô.
Đọc lại Pl 1, 21.23: “Đối với tôi, chắc chắn, sống chính là Đức Kitô, và chết là một mối lợi.” Đây không phải là một câu nói văn chương chữ nghĩa mà là một mong ước mãnh liệt thực sự. “Tôi ao ước ra đi” để được “ở với Đức Kitô”, đó là điều tôi thích hơn.
Và 1 Tx 4,17: “Chúng ta sẽ được đem lên các tầng mây để gặp gỡ Chúa trên không trung. Như vậy, chúng ta sẽ luôn luôn ở với Chúa.”. Và còn ở Pl 3, 20-21: “Còn
chúng ta, quê hương chúng ta ở trên trời, và chúng ta nóng lòng mong
đợi Đức Giê-su Ki-tô từ trời đến cứu chúng ta. Người có quyền năng khắc
phục muôn loài, và sẽ dùng quyền năng ấy mà biến đổi thân xác yếu hèn
của chúng ta nên giống thân xác vinh hiển của Người.” “Ở với Đức Kitô” là cách nói điển hình của Phaolô để diễn tả cái chết.
3. Cái chết như hi lễ kết hợp với hi lễ của Đức Kitô.
2Tm 4, 6-7: “Còn
tôi, tôi sắp phải đổ máu ra làm lễ tế, đã đến giờ tôi phải ra đi. Tôi
đã chiến đấu trong cuộc thi đấu cao đẹp, đã chạy hết chặng đường, đã giữ
vững niềm tin.” và Pl 2, 17-18: “Nhưng nếu tôi phải đổ máu ra
hợp làm một với hy lễ mà anh em lấy đức tin dâng lên Chúa, thì tôi vui
mừng và cùng chia sẻ niềm vui với tất cả anh em. Anh em cũng vậy, anh em
hãy vui lên và cùng chia sẻ niềm vui với tôi.” Những lời trên giúp chúng ta hiểu cái chết, nhất là cái chết vì bách hại và tử đạo, giống như chính cái chết của Chúa Giêsu.
Hiểu
cái chết như của lễ hi sinh thì quan trọng. Nó biểu lộ Chúa đã chiếm
được con tim của Phaolô và biến đổi nó, đồng hoá nó với con tim của
Ngài. Con người chúng ta thường không thích hi sinh, hiến dâng, hiến tế.
Ngày nay, ai nấy đều tìm cách giữ gìn sức khoẻ bằng mọi giá, tìm cách
bảo vệ cuộc sống thoải mái, tìm kiếm thành công, không quan tâm đến
những điều khác, nhất là càng không có ý tưởng gì về hi sinh, dâng hiến,
nói gì đến hành động trong cuộc sống.
4. Cái chết vì lợi ích của người khác.
Nhờ
liên kết chặt chẽ với Đức Kitô, Phaolô có khả năng ý thức cái chết của
ngài như cái chết vì lợi ích của người khác. Ngài vui mừng hiến dâng
cuộc sống cho người khác. Chúng ta có thể đọc vài bản văn sau để thấy rõ
điều đó: Cl 1, 24: “Giờ đây, tôi vui mừng được chịu đau khổ vì anh
em. Những gian nan thử thách Đức Ki-tô còn phải chịu, tôi xin mang lấy
vào thân cho đủ mức, vì lợi ích cho thân thể Người là Hội Thánh.” 1Tx 2, 19-20: “Quả
thế, ai là niềm hy vọng, là niềm vui của chúng tôi, ai là triều thiên
làm cho chúng tôi hãnh diện trước nhan Đức Giê-su, Chúa chúng ta, khi
Người quang lâm, nếu không phải là anh em? Phải, chính anh em là vinh
quang và là niềm vui của chúng tôi.”; 2 Tm 4, 6: “Còn tôi, tôi sắp phải đổ máu ra làm lễ tế, đã đến giờ tôi phải ra đi.”
Nếu
thực sự sống với Đức Kitô và trong Ngài, chúng ta sẽ thấy mình được
thúc đẩy hành động vì lợi ích của Giáo Hội, để lễ hi sinh sống động của
Giáo Hội đạt tới sự viên mãn.
5. Cái chết như một kết thúc thanh thản.
Phaolô
coi cái chết như điểm cuối bình an của một hành trình, sự cán đích của
một cuộc chạy đua cực kỳ mệt nhọc, sự ngừng nghỉ của một cuộc đấu tranh
khủng khiếp, mà lối thoát hình như đôi khi vẫn còn hoài nghi, nhưng rồi,
kết thúc trong hạnh phúc. Những ẩn dụ trong 2 Tm 4, 6-8: “Vì
phần tôi, tôi là tửu tế đã tiến, buổi ra đi đã đến gần. Tôi đã chiến
đấu trong cuộc chiến chính nghĩa; tôi đã chạy đến cùng đường; tôi đã
kiên giữ lòng tin. Kỳ dư, triều thiên công chính đã được dành sẵn cho
tôi, và Chúa, Ðấng phán xét chí công, sẽ hoàn lại cho tôi trong Ngày ấy,
không chỉ cho tôi mà thôi, nhưng còn cho hết mọi người đã đầy lòng mến
yêu trông đợi cuộc Hiển linh của Ngài.”, (bản dịch cha Ng. Thế Thuấn)
cung cấp cho chúng ta một cái nhìn bình an về cái chết, bởi vì Phaolô
nhìn cái chết như một thực tại quen thuộc nhờ trải qua vô số những thử
thách và bách hại.
Lạy
Mẹ Maria, hàng ngày chúng con khẩn cầu Mẹ hiện diện với chúng con vào
giờ ra đi của chúng con, xin Mẹ hãy nhớ giờ chết đó chính là bây giờ.
Phải, cái chết ở trong chúng con, bây giờ là giờ chúng con quyết định
mình sẽ là gì vào giờ chết. Chúng con biết rõ điều đó, chúng con sẽ xét
đoán sai sự hiện hữu của chúng con bao lâu sự hiện hữu đó không được
đóng ấn niêm phong bởi cái chết. Nhưng chúng con cũng ý thức rằng đó là
một ân huệ đặc biệt và chỉ Thiên Chúa mới có thể ban
cho chúng con; ân huệ này thuộc về mầu nhiệm của ân sủng thần linh, suối
nguồn ơn cứu chuộc của thân xác chúng con và cuộc đời chúng con.
Chúng
con khẩn xin Mẹ, bây giờ, hãy ban cho chúng con cái nhìn trong sáng và
tỏ tường về sự sống, sự chết, sự kết hợp với Đức Kitô, mà nhờ đó, tất cả
hiện hữu trần gian của chúng con đón nhận ý nghĩa viên mãn của nó. Xin
cho chúng con có thể chiêm ngắm Kinh thánh và khuôn mặt của thánh
Phaolô, nhờ đó, chúng con sống theo “sự công chính” và sự thánh thiện
mỗi ngày trong suốt cuộc đời chúng con.
Linh mục Mỹ Sơn, Long Xuyên
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét