Anh chị em thân mến,
Trong ngày Chúa nhật thứ hai Mùa Chay, phụng vụ cho chúng ta suy niệm về sự kiện Chúa Biến hình, qua đó Chúa Giêsu cho các môn đệ Phêrô, Giacôbê và Gioan cảm nếm trước vinh quang Phục sinh của Ngài : cảm nếm một chút Quê Trời trên trần gian.
Thánh sử Luca (x. 9,28-36) cho chúng ta thấy Chúa Giêsu biến hình trên núi, là nơi đầy ánh sáng, một biểu tượng có sức thu hút đối với kinh nghiệm đặc biệt dành riêng cho ba môn đệ. Họ đi lên núi với Thầy, họ thấy Ngài đắm chìm trong cầu nguyện, và tại một thời điểm “dung mạo Ngài bổng nhiên đổi khác” (c. 29). Đã quen nhìn thấy Chúa hàng ngày trong dáng vẻ đơn sơ của con người, nay đứng trước sự rực rỡ mới mẻ, bao trùm toàn bộ con người của Ngài, khiến họ kinh ngạc. Và xuất hiện bên cạnh Chúa Giêsu là Môsê và Êlia, đang đàm đạo với Chúa về cuộc “xuất hành” sắp tới, tức là về cuộc vượt qua cái chết và phục sinh. Đó là báo trước cuộc Vượt qua của Ngài. Lúc bấy giờ Phêrô lên tiếng : “Thưa Thầy, chúng con ở đây thật là hay” (c. 33). Phêrô muốn rằng khoảnh khắc ân sủng đó không bao giờ kết thúc!
Biến hình xảy ra vào một thời điểm rất rõ ràng trong sứ mạng của Chúa Kitô, nghĩa là sau khi Ngài thổ lộ cho các môn đệ biết rằng Ngài phải “chịu nhiều đau khổ, […] bị giết và ngày thứ ba sẽ sống lại” (c. 21). Chúa Giêsu biết rằng các môn đệ không chấp nhận thực tế này – thực tế của thập giá, cái chết của Chúa Giêsu – và vì thế, Ngài muốn chuẩn bị để họ chịu đựng được điều xảy ra liên quan đến cuộc khổ nạn và cái chết trên thập giá, để họ biết rằng đây là cách mà Cha trên trời sẽ đem lại vinh quang cho Con của Ngài, khi làm cho Chúa Giêsu sống lại từ cõi chết. Và đây cũng sẽ là con đường của các môn đệ: không ai đến với cuộc sống vĩnh cửu nếu không bước theo Chúa Giêsu, vác thập giá mình vào trong cuộc sống trần gian. Mỗi chúng ta đều có thập giá của riêng mình. Thiên Chúa cho chúng ta thấy đoạn cuối của cuộc hành trình này là Phục sinh, vẻ đẹp, bằng cách mang vác thập giá của chính chúng ta.
Do đó, Biến hình của Chúa Kitô cho chúng ta thấy viễn cảnh đau khổ của Kitô hữu. Đau khổ không phải là nỗi buồn: đó là bước đi cần thiết nhưng chỉ tạm thời. Điểm đến mà chúng ta được mời gọi là nơi đầy rạng rỡ như khuôn mặt của Chúa Kitô biến hình: nơi Ngài là sự cứu rỗi, là hạnh phúc, là ánh sáng, là tình yêu của Thiên Chúa không giới hạn. Bằng việc tỏ lộ vinh quang của mình như vậy, Chúa Giêsu bảo đảm với chúng ta rằng thập giá, những thử thách, những khó khăn mà chúng ta gặp phải đều có giải pháp cho nó và khắc phục nó trong sự Phục sinh. Do đó, trong Mùa Chay này, chúng ta cùng lên núi với Chúa Giêsu! Nhưng bằng cách nào? Bằng lời cầu nguyện. Chúng ta lên núi bằng lời cầu nguyện: cầu nguyện thầm lặng, cầu nguyện bằng con tim, cầu nguyện luôn luôn, bằng cách tìm kiếm Chúa. Chúng ta lưu lại một vài khoảnh khắc trong lúc hồi tâm, mỗi ngày một chút, chúng ta hãy ghi sâu cái nhìn nội tâm vào khuôn mặt của Chúa và hãy để cho ánh sáng của Ngài xâm chiếm và lan tỏa trong cuộc sống của chúng ta.
Thật ra, Thánh sử Luca đã khẳng định rằng Chúa Giêsu đã biến hình “trong khi Ngài cầu nguyện” (c. 29). Ngài đắm mình trong cuộc trò chuyện thân mật với Chúa Cha, trong đó cũng gợi lại Lề Luật và các Tiên tri – Môsê và Êlia – và trong khi Ngài kết hiệp trọn vẹn chính mình với ý muốn cứu rỗi của Cha, kể cả thập giá, vinh quang của Thiên Chúa đã bao phủ Ngài, biến đổi Ngài ngay cả bên ngoài. Vì thế, anh chị em thân mến, lời cầu nguyện trong Chúa Kitô và trong Chúa Thánh Thần biến đổi con người từ bên trong và có thể chiếu sáng cho nhiều người và cho thế giới xung quanh. Đã bao lần chúng ta tìm thấy những người chiếu sáng, những người tỏa ánh sáng từ đôi mắt của họ, những người có cái nhìn rực rỡ đó! Họ cầu nguyện, và lời cầu nguyện cho việc này là làm cho chúng ta nên rạng rỡ với ánh sáng của Chúa Thánh Thần.
Chúng ta hãy tiếp tục cuộc hành trình Mùa Chay với niềm vui. Chúng ta dành không gian cho việc cầu nguyện và cho Lời Chúa, mà phụng vụ chuẩn bị cho chúng ta rất dồi dào trong những ngày này.
Xin Đức Trinh Nữ Maria dạy chúng ta biết ở lại với Chúa Giêsu ngay cả khi chúng ta không hiểu và không thông suốt. Bởi vì chỉ khi ở lại với Ngài, chúng ta mới có thể thấy được vinh quang của Ngài.
Sau Kinh Truyền tin, chia buồn với các nạn nhân trong vụ tấn công vào các nhà thờ hồi giáo trong tuần qua, ĐTC nói :
Anh chị em thân mến,
Trong những ngày này, nỗi đau của các cuộc chiến tranh và xung đột không ngừng gây ra đau đớn cho toàn thể nhân loại. Đã có thêm những nạn nhân của cuộc tấn công kinh hoàng vào hai nhà thờ Hồi giáo ở thành phố Christchurch, New Zealand. Tôi cầu nguyện cho các nạn nhân đã qua đời, những người bị thương và cho gia đình của họ. Tôi gần gũi với anh em Hồi giáo và với tất cả cộng đồng ở đó. Lần nữa tôi kêu gọi hiệp nhất bằng lời cầu nguyện và những cử chỉ hòa bình để chống lại thù hận và bạo lực. Chúng ta hãy cùng nhau cầu nguyện, trong im lặng, cho những anh em Hồi giáo đã bị giết.
Chúc anh chị em ngày chủ nhật an lành. Đừng quên cầu nguyện cho tôi.
Tác giả bài viết: G. Võ Tá Hoàng chuyển ngữ
Nguồn tin: Vatican.va
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét