Chủ Nhật, 24 tháng 3, 2019

Chúa Nhật 3 Mùa Chay. Năm C_2019

 
Chúa nhật tuần này là Chúa nhật thứ ba trong mùa chay thánh. Lời Chúa hôm nay cho chúng ta biết Thiên Chúa là Đấng từ bi và thương xót. Vì yêu thương, Chúa kêu gọi chúng ta thực hiện công việc quan trọng nhất trong mùa này, đó là thành tâm nhìn vào đời sống đức tin, biết dùng ơn lành Chúa ban thay đổi cuộc sống,
ăn năn sám hối tội lỗi, để đời sống của chúng ta sinh hoa trái tốt như lòng Chúa mong ước. Chúa kêu gọi tất cả mọi người ăn năn sám hối không trừ một ai. Thế nhưng có người sẽ thắc mắc: người “tốt” cũng cần phải sám hối sao? Những người được gọi là “tốt”, họ vẫn phải sám hối vì những việc tốt mà Lời Chúa dạy phải làm như hy sinh, phục vụ, hiệp nhất, bác ái, công bằng lẽ ra họ có thể hay phải làm mà lại không làm.  Đời sống Ki-tô hữu của họ giống như cây vả trong bài Tin Mừng hôm nay, cành lá xanh tươi um tùm, nhưng lại không sinh hoa trái tốt cho chủ.  Nghĩa là Chúa ban cho cuộc sống, sức khỏe, thời gian, tiền bạc, vật chất, đức tin, nhưng không là gì lợi ích. Sử dụng và sống ích kỷ cho riêng mình. 

Bài đọc I cho chúng ta biết Chúa động lòng thương xót dân của Người, khi thấy họ sống trong đau khổ, và bị đối xử tàn nhẫn bên Ai-cập. Chúa đã hiện ra với ông Mô-sê, cho ông biết ý định của Người, và sai ông đến với dân Israel, để chuẩn bị đưa họ ra khỏi đất nô lệ để vào Đất Hứa. Khi biết ý định của Chúa muốn chọn mình để lãnh đạo và hướng dẫn dân Israel ra khỏi Ai-cập, ông Mô-sê nhìn thấy trước hai sự khó khăn to lớn trong sứ vụ. Khó khăn to lớn thứ nhất là việc vua Pharao đang tìm giết ông, vậy thì làm sao ông dám gặp và yêu cầu vua phóng thích dân Israel. Khó khăn to lớn thứ hai mà ông đối diện là ông biết dân Israel sẽ không tin ông, vì ông cô độc một mình, không có một sức mạnh nào để dựa vào hay làm hậu thuẫn.  Để củng cố niềm tin và đánh tan sự lo sợ của Mô-sê, Chúa đã cho ông chứng kiến một hiện tượng nhìn thấy bụi cây cháy bừng, nhưng bụi cây lại không bị thiêu rụi. Sau đó, Chúa mặc khải cho ông biết danh thánh của Ngài là Ðấng Tự Hữu.  Chúa còn hứa và khẳng định với ông: “Ta sẽ ở với ngươi.”  Thật vậy, vì lòng xót thương, Chúa đã dùng Mô-sê để giải thoát dân khỏi cảnh nô lệ lầm than khổ cực.  Vì thương xót và từ bi, Chúa đã và đang dùng nhiều phương cách để giải thoát chúng ta khỏi nô lệ tội lỗi và những thói hư tật xấu.

Trong bài đọc 2, thánh Phaolô muốn các tín hữu nhìn lại biến cố Xuất Hành để rút ra những bài học cụ thể cho đời sống đức tin. Thánh Phao-lô cho chúng ta biết dù dân Israel đã được Thiên Chúa yêu thương, dùng quyền năng giải thoát họ khỏi cảnh nô lệ, và dẫn đưa họ về Đất hứa, nhưng nhiều người trong họ đã vô ơn, phản bội phàn nàn kêu trách Chúa, và sau cùng họ đã phải chết trước khi vào Đất Hứa.  Giống như dân Israel trong biến cố Xuất Hành, thánh Phao-lô nhấn mạnh rằng người tín hữu cũng đã được thánh hóa, và hưởng mọi ơn sủng từ Chúa Giê-su Ki-tô.  Nhưng những điều này, thánh Phao-lô cho họ biết, sẽ không bảo đảm được phục sinh và hưởng hạnh phúc vĩnh cửu trong vương quốc của Chúa, nếu chúng ta không là những chi thể hữu ích, sống động trong Thân Thể Chúa Ki-tô, và biết dùng ơn sủng Chúa tuôn đổ xuống để sống những nhân đức, thánh thiện, hy sinh, bác ái và quảng đại sinh hoa trái tốt cho Chúa. 

Bài Tin mừng hôm nay nói với chúng ta về vấn đề sám hối. Nhưng tại sao phải sám hối và thế nào là sám hối?  Một cách đơn sơ, sám hối là hối hận về tội lỗi của mình, quay trở về với Chúa, sống lời Chúa dạy,  để có đời sống tốt lành, thánh thiện và sinh hoa trái tốt.  Như vậy, muốn có được lòng sám hối chân thật thì điều kiện quan trọng và cần thiết đầu tiên không thể thiếu là phải nhìn thấy, nhận ra được tội lỗi, lỗi lầm của mình.  

Thế thì làm sao để biết mình là người có tội?  Ngày xưa người Do thái cho rằng muốn biết ai là người có tội thì cứ căn cứ vào những dấu chỉ bên ngoài, thí dụ như bị tai họa, bị đau khổ hay bị trừng phạt, cũng như chúng ta thường thấy trong xã hội những người phạm tội, bị ra tòa xét xử, và nếu có tội thì bị phạt tù đày hay bị phạt cách này hay cách kia.   

Tin mừng hôm nay đề cập đến hai sự kiện: một là việc một số người Galilê bị Phi-la-tô giết, và thứ hai là 18 người bị tháp Siloe đổ xuống đè chết.  Có phải những người đó có tội nên bị giết và bị chết như thế không? Đối với người Do thái thì đúng là vậy. Nhưng đối với Chúa thì sao?  Chúng ta thấy Người không khẳng định mà cũng không phủ nhận, nhưng Chúa muốn coi đó như là một cơ hội để cảnh tỉnh mọi người chúng ta hãy nhìn vào đời sống của mình. Chúng ta hãy nghe lời Chúa nói hai lần: “Các ngươi tưởng họ tội lỗi hơn những người khác ư? Ta bảo các ngươi: không phải thế. Nếu các ngươi không ăn năn hối cải, thì tất cả các ngươi cũng sẽ bị huỷ diệt như vậy.”

Hay có thể nói cách khác, Chúa Giêsu muốn dạy chúng ta là phải biết nhìn vào các biến cố xảy ra trong cuộc đời của chúng ta hay chung quanh, để tìm ra thánh ý Chúa, tìm ra những điều quan trọng cho cuộc sống.  Khi thấy những điều đau khổ hay tai nạn hay sự chết xảy ra cho người khác, thì đừng nghĩ là vì tội của họ, hay vì họ có tội, nhưng hãy ý thức rằng những điều đó cũng có thể sẽ xảy ra cho mình.  Điều quan trọng là cố gắng sống đức tin, cố gắng sống lời Chúa dạy, để sống trong an bình đời này và giữ hạnh phúc Nước Trời đời sau. Phải biết thành thật nhìn vào và nhận ra cuộc sống, nhất là đời sống đức tin, đời sống Ki-tô hữu hiệp nhất trong Thân Thể Chúa Ki-tô, trong cộng đoàn của mình bây giờ như thế nào, để thay đổi, ăn năn sám hối, sinh hoa kết trái tốt cho Thiên Chúa. Vì thế điều quan trọng mà chúng ta cần tự hỏi hôm nay là: “Tôi là cây vả đang sinh hoa trái tốt, hay là một cây vả cành lá um tùm xanh tươi, nhưng không sinh hoa trái?”  “Hoa trái của cuộc sống đức tin của tôi là gì?” “Tôi có nhận ra, ý thức sự kiên nhẫn và lòng yêu thương, thương  của Chúa không?” “Tôi có nhận ra những ơn lành của Chúa và tôi sử dụng như thế nào?  Có sinh hoa trái tốt không?”

Mùa Chay là mùa ân sủng của Chúa ban cho mỗi người chúng ta, và cũng là thời gian giúp chúng ta thành thật nhìn vào đời sống đức tin của mình, để nhận ra tình trạng hiện tại ra sao. Chúa là Đấng từ bi và giàu thương xót.  Vì yêu thương, Chúa muốn chúng ta sống trong an bình và ân sủng của Người.  Xin Chúa ban cho chúng ta lòng khiêm nhường, biết mở tâm hồn lắng nghe lời Chúa kêu mời, và can đảm sống lời Chúa dạy, để cuộc sống của chúng ta sinh hoa trái tốt cho Chúa và như lòng Chúa mong ước.

 Lm. Chánh xứ


Không có nhận xét nào:

Tìm kiếm ....