Trong
40 ngày mùa Chay, bắt đầu từ Thứ Tư Lễ Tro, Giáo hội cùng với Lời Chúa kêu gọi
mọi người cầu nguyện, ăn chay, hãm mình và làm những việc bác ái. Cố gắng và thành tâm lắng nghe và sống Lời
Chúa dạy, hy sinh thời giờ, sốt sắng và siêng năng làm những việc tốt lành, đạo
đức để sám hối và dần dần loại bỏ những tật xấu, để kết hợp mật thiết với Chúa
hơn, và để chuẩn bị tâm hồn mừng mầu nhiệm Vượt qua và Phục sinh của Chúa
Ki-tô.
Chúng
ta biết khi chúng ta hy sinh thời giờ cầu nguyện là khi chúng ta đến với Chúa,
để lắng nghe lời Chúa và thánh ý Chúa cho cuộc sống. Thành tâm từ bỏ những thói
hư tật xấu, và sự hy sinh thực hành những điều tốt lành, đạo đức và bác ái sẽ
có những kết quả tốt cho cuộc sống thiêng liêng và có sức biến đổi cuộc sống.
Trong
mùa Chay, chúng ta được kêu gọi cố gắng hy sinh thời giờ tham dự Thánh lễ hàng
ngày, đi Đàng Thánh giá vào những ngày thứ sáu và tham gia tĩnh tâm. Mấy tuần
nữa, giáo xứ sẽ có tuần tĩnh tâm do linh mục Nguyễn Luật Khoa dòng Phan-xi-cô
hướng dẫn. Xin đọc chương trình trong tờ Tin mừng. Tôi kêu gọi mọi người cố
gắng sắp xếp thời giờ và công việc để tham dự một cách sốt sắng. Ngoài ra như
ông bà anh chị em đã biết giáo xứ đang có công việc làm lá. Đây là công việc hy
sinh cho giáo xứ, cho Chúa. Trong hai tuần vừa qua tôi thấy nhiều người đã hy
sinh thời giờ giúp đỡ, kể cả các em học sinh. Xin kêu gọi mọi người tiếp tục,
và ai chưa tham gia được, thì xin kêu gọi hy sinh thời giờ giúp đỡ tuần tới. Xin Chúa, qua lời cầu bầu của Đức Maria và
Thánh Giuse, trả công và ban nhiều ơn lành cho mọi người.
Trong bài Tin mừng Chúa nhật Thứ hai mùa
chay hôm nay, chúng ta nghe câu chuyện
Chúa biến hình trên núi Ta-bo. Chúng ta tự hỏi: Chúa muốn dạy chúng ta điều gì
qua biến cố biến hình hôm nay?
Bài Tin mừng hôm nay trước hết muốn trả
lời cho một câu hỏi quan trọng, đã được
Chúa đặt ra với các môn đệ tại Cê-xa-rê Phi-líp-phê trên con đường lên
Giê-ru-sa-lem: “Phần các con, các con nói Thầy là ai?” Phê-rô đã trả lời: “Thầy
là Đấng Ki-tô.” Nhưng câu trả lời này chỉ là một phần về bản tính của Chúa. Tuy
Chúa đã khen câu trả lời của thánh Phê-rô, nhưng Phê-rô và các môn đệ còn phải
học và biết nhiều hơn. Vì thế bài Tin mừng hôm nay trả lời và cho chúng ta biết
một phần khác về bản tính của Chúa. Khi Phê-rô, Gioan và Gia-cô-bê trên đỉnh
núi cao với Chúa thì có một tiếng từ trong đám mây phán rằng: “Đây là Con Ta
yêu dấu. Các ngươi hãy nghe lời Người.” Có nghĩa là Chúa Giê-su không những là
Đấng Cứu Thế mà còn là Con Thiên Chúa hằng sống.
Ngoài ra còn có một điểm đáng chú ý đó là
ngoại cảnh hay nơi Chúa biến hình. Tuy
Tin mừng không để cập đến núi Ta-bo, nhưng theo truyền thống thì Chúa biến hình
ở núi Ta-bo. Núi Ta-bo nằm giữa thung lũng của miền Trung Do thái và cách hồ Ti-bê-ri-a
khoảng hơn 10 cây số. Trên đỉnh núi này có một ngôi thánh đường do dòng
Phan-xi-cô quản trị. Trong chuyến hành hương Đất thánh vừa qua, tôi có dịp được
đến viếng thăm và cử hành Thánh lễ trong thánh đường trên đỉnh núi này. Núi là
nơi gặp gỡ giữa Thiên Chúa và con người chúng ta. Núi còn là nơi Thiên Chúa mạc khải về chính
Người và thánh ý của Người cho chúng ta. Vì vậy núi hay nhà thờ nơi thờ phượng còn là
nơi có sự hiện diện của Chúa, và khi chúng ta đến để thờ phượng thì niềm tin
của chúng ta được củng cố vững mạnh hơn, nhận được thánh ý qua lời Chúa, được sự
thanh thản và an bình trong sự hiện diện của Chúa.
Qua biến cố biến hình, Chúa muốn củng cố
niềm tin của các môn đệ và qua các môn đệ, Người muốn cho mọi người chúng ta
thấy trước phần vinh quang của Người sau phục sinh. Cũng có nghĩa là
Chúa muốn cho chúng ta biết rằng cuộc thương khó và khổ nạn mà Người sắp chịu
không phải là tận cùng, là hết, nhưng chính là bước đường dẫn tới vinh
quang. Như vậy, Chúa biến hình để cho
mọi người chúng ta thấy thân xác vinh hiển của Chúa. Chính Chúa Giê-su cũng đã
tuyên bố rõ rệt điều đó trong Tin mừng thánh Mát-thêu: “Bấy giờ kẻ lành sẽ sáng
chói như mặt trời trong Nước của Cha mình.” (Mt. 13, 43) Vì thế, sự kiện biến hình của Chúa Giê-su cho
chúng ta hiểu được ý nghĩa và giá trị đích thực của người Ki-tô hữu là phải qua
những sự hy sinh và đau khổ vì đức tin, vì Tin mừng và vì Chúa, thì mới được
thông phần vinh quang của Chúa. Chúng ta phải hướng cuộc sống trần gian về sự
vinh quang Nước Trời. Vì vậy, sống sự
biến hình là một đòi hỏi hằng ngày của người Kitô hữu. Nói cách khác, cuộc sống
Kitô hữu của chúng ta phải không ngừng biến đổi để được trở nên đồng hình, đồng
dạng với Chúa Kitô hơn. Đây cũng là điều thánh Phaolô dạy chúng ta trong bài
đọc 2, ngài nói: “Phần chúng ta, quê hương chúng ta ở trên trời, nơi đó chúng ta mong đợi
Ðấng Cứu Chuộc là Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. Người sẽ biến đổi thân xác hèn
hạ của chúng ta nên giống như thân xác hiển vinh của Người.” Thánh Phao-lô cũng
rất đau buồn khi nhận thấy có những Ki-tô hữu sống thù nghịch với thập giá. Vì thế thánh Phao-lô khuyên chúng ta hãy góp
phần vào sự biến thân xác của mình bằng cách khử trừ tội lỗi, sửa đổi lại những
thói hư tật xấu, thay đổi cuộc sống lầm lạc, biết hãm mình, hy sinh và chịu
thiệt thòi, đau khổ để trong ngày sau hết chúng ta sẽ được mặc lấy ánh vinh
quang phục sinh của Chúa Ki-tô.
Sự kiện Chúa biến hình còn dạy chúng ta
phải lắng nghe và vâng lời Chúa. Thiên Chúa muốn mạc khải, nói hay dạy điều gì cho
chúng ta thì Người nói và dạy qua Chúa Giê-su. Lời Chúa là sự sống và là ánh
sáng soi đường dẫn chúng ta đi. Nếu
chúng ta muốn có ơn Chúa, muốn sống trong an bình, vui mừng và hạnh phúc đời
này, và hưởng vinh quang đời sau thì chúng ta phải lắng nghe và sống lời Chúa
dạy.
Xin Chúa giúp chúng ta sống thời điểm mùa
chay này can đảm sống lời Chúa dạy, để có sức mạnh chiến đấu và chiến thắng tội
lỗi và thói hư nết xấu, biết canh tân và biến đổi đời sống, trở nên tốt đẹp,
thánh thiện hơn, cũng như để sống trong bình an, vui mừng, hạnh phúc đời này và
hưởng vinh quang của Chúa đời sau.
Lm. Chánh xứ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét