Bài Tin mừng hôm nay là câu
chuyện Chúa Giêsu thực hiện phép lạ đầu tiên hóa nước thành rượu theo lời thỉnh
nguyện của Đức Maria trong một bữa tiệc tân hôn. Thế nhưng tôi nghĩ rằng chúng ta phải chú ý
tới câu cuối cùng của bài Tin mừng: “Chúa Giêsu đã làm phép lạ đầu tiên này tại
Cana xứ Galilêa, và đã tỏ vinh quang Người và các môn đệ Người tin Người.” Đây là lần thứ ba vinh quang của Chúa Giêsu
được tỏ hiện ra, và là một phần về mầu nhiệm hiển linh, về sự mạc khải, tỏ hiện
thiên tính của Chúa Giêsu và vinh quang của Người cho muôn dân.
Thế nhưng lần tỏ hiện này có
một sự khác biệt lớn so sánh với 2 lần tỏ hiện vinh quang của Chúa trong những
bài Tin mừng mấy tuần trước đây. Trong những bài Tin mừng trước đây, sự kiện tỏ
hiện vinh quang của Chúa Giêsu đã được thể hiện bởi những người khác. Tại Belem
bởi ba nhà đạo sĩ và tại sông Gio-đan bởi hình chim bồ câu và bởi tiếng từ trời
phán ra. Nhưng lần này qua phép lạ hóa
nước thành rượu, chính Chúa Giêsu đã tự tỏ ra và đây cũng chính là điểm khởi
đầu cho sự hiện diện trong bản tính con người của Chúa mà Tin mừng thánh Gioan
đã ghi lại: “Từ nguyên thủy đã có Ngôi Lời. Ngôi Lời đã hóa thành nhục thể, và
Người đã cư ngụ giữa chúng ta.” Câu cuối
của bài Tin mừng cho chúng ta biết các môn đệ của Chúa đã tin vào Người, và đó
cũng là chủ điểm của sách Tin mừng thánh Gioan.
Câu cuối của sách Tin mừng Gioan được tóm tắt như sau: Chúa Giê-su đã
làm nhiều phép lạ dưới sự chứng kiến của các môn đệ nhưng không được ghi chép
lại trong sách này. Nhưng những phép lạ này
được ghi lại để những ai tin vào Chúa Giê-su là Đấng Cứu Thế, Con Thiên Chúa, sẽ
được chia sẻ sự sống đời đời với Người.
Ngày nay, chúng ta tin Chúa
Giêsu vẫn còn tỏ hiện vinh quang của Người cho chúng ta trong nhiều hoàn cảnh
cuộc sống. Có những lúc tỏ tường mà chúng ta cảm nhận một cách rõ rệt, nhưng có
những lúc âm thầm và nhẹ nhàng trong những hoạt động thường xuyên hằng ngày.
Bài đọc một và bài Tin mừng
hôm nay đề cập tới hôn nhân gia đình nơi Chúa tỏ hiện tình yêu và sự trung
thành của Người với nhân loại. Trong bài đọc một, ngôn sứ I-sa-i-a đã dùng hình
ảnh giao ước hôn nhân để nói đến sự liên hệ mật thiết trong tình yêu và sự
trung thành của Thiên Chúa với dân Chúa.
Thiên Chúa hiện diện một cách
rất thường tình trong cuộc sống con người, nhất là trong hôn nhân vợ chồng gia
đình. Nhìn chung, tôi phải thành thật
nhận thấy có rất nhiều gia đình hôn nhân vợ chồng trong giáo xứ rất gương mẫu. Có những người chồng cố gắng hy sinh làm việc
và lo lắng cho gia đình hay săn sóc tận tình cho người vợ đau yếu. Cũng có nhiều người vợ đảm đang, vất vả và hy
sinh để cùng với chồng xây dựng yêu thương, hạnh phúc và hòa thuận cho gia
đình, hay săn sóc chồng khi bệnh hoạn. Cả
hai vợ chồng cùng hy sinh, chia sẻ và cố gắng vượt qua những khó khăn, thử
thách để trung thành với nhau, dạy dỗ và hướng dẫn con cái lớn lên, rồi trưởng
thành có đời sống tốt lành và trung thành với đức tin cha ông để lại. Họ trung thành yêu thương, sống hòa thuận và hạnh phúc, và giúp nhau sống
đức tin, cùng thờ phượng Chúa, có cuộc sống hy sinh phục vụ, có lòng bác ái và
quảng đại. Thật là một điều vui mừng và là một ơn lành lớn lao của Chúa, và
chúng ta cùng dâng lời cảm tạ Chúa.
Thế nhưng, chúng ta cũng nhận
thấy hôn nhân gia đình vợ chồng trong xã hội Hoa kỳ này, nhất là được trưng bày
trên màn ảnh TV, mạng xã hội internet hay của các ngôi sao màn bạc và thể thao nổi
tiếng thì trái ngược lại. Quan niệm và
giá trị hôn nhân vợ chồng gia đình chú trọng vào hai chữ “thỏa mãn.” Bao lâu vợ chồng còn thấy thích nhau, còn làm thoả
mãn cho nhau, và còn được lợi ích thì còn sống chung. Ngược lại, khi không còn ưa nhau, hay không
còn được thỏa mãn, hay không còn ích lợi thì đưa nhau ra tòa ly dị. Hôn nhân vợ chồng gia đình ngày nay chỉ đặt
trên nền tảng thỏa mãn và lợi ích cá nhân.
Quan niệm hôn nhân vợ chồng gia đình hiện nay chỉ là một tờ hợp đồng
giữa 2 người, và mang tính cách ràng buộc luật pháp của xã hội, không đặt trên
nền tảng hay những yếu tố hay những giá trị cao quí là hy sinh và trung thành,
hay trên những tương quan tinh thần, luân lý, giá trị tôn giáo và đức tin. Hôn nhân vợ chồng không còn là một giao ước
tỏ hiện tình yêu trung thành của Thiên Chúa.
Một sự đáng buồn là một hiện
tượng đang xảy ra trong xã hội hôm nay là có những người sống thử trước khi
sống thật. Họ sống chung với nhau trước xem có được hạnh phúc và hòa thuận
không. Những nhu cầu của họ có được thỏa
mãn không. Hầu hết những gia đình này đưa
đến sự kiện chia tay, vì sao? Vì khi
sống chung họ chú ý và quan tâm đến sự kiện “nhận” hơn là “cho.” Đây là thái độ ngược lại với giá trị hôn nhân
Công giáo là vị tha, sống cho người khác. Bản chất của Bí tích Hôn nhân Công giáo là
hình thành một cuộc sống cho đi, và đó là một cuộc sống của tình yêu đích thực.
Có một người hỏi tôi: “Thưa
cha! Làm sao biết cô hay anh đó hợp với mình?”
Thưa: không ai biết được tương lai sẽ như thế nào. Con người chúng ta giới hạn và hay thay đổi. Vì thế người khôn ngoan thì biết dùng thời
gian quen biết để tìm hiểu lẫn nhau, và qua đức tin, cầu nguyện để kiến tạo một
tình yêu thương vị tha. Chúng ta nhận biết vì con người có giới hạn và những tật
xấu, nên cần một hướng đi tốt đẹp, một lý tưởng hôn nhân Công giáo để hướng dẫn
cuộc sống vợ chồng gia đình, kiến tạo và gìn giữ gia đình hạnh phúc và hòa
thuận.
Chúng ta phải thành thật nhìn
nhận rằng, cuộc sống hôn nhân vợ chồng gia đình hôm nay đang phải đương đầu với
những khó khăn và thử thách vì tự do cá nhân, cám dỗ vật chất, quan niệm xã hội
và những cạm bẫy của ma quỉ cám dỗ đưa đến. Bởi vậy cho nên muốn có hạnh phúc, yêu thương
và hòa thuận cần có sự hiện diện của Mẹ Maria và Chúa Giêsu trong gia đình. Phép lạ Chúa Giêsu thực hiện tại tiệc cưới
trong bài Tin mừng hôm nay nói lên sự quan tâm của Người muốn tỏ hiện vinh
quang của Người trong mọi gia đình, và muốn đem yêu thương, hạnh phúc và hoà
thuận đến cho mọi hôn nhân vợ chồng gia đình. Chúng ta cầu xin cho các gia đình
vợ chồng biết nghe lời Đức Maria chỉ dẫn tin và sống Lời Chúa dạy.
Lm. Chánh xứ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét