Thứ Bảy, 22 tháng 12, 2018

Chúa Nhật 4 Mùa Vọng. Năm C_2018.

Hôm nay là Chúa nhật thứ tư, Chúa nhật cuối cùng của Mùa Vọng.  Chỉ còn một thời gian rất ngắn nữa là chúng ta hân hoan đón mừng hồng ân lớn lao và một niềm vui đích thực vào trong tâm hồn. Niềm vui và hồng ân đó chính là mầu nhiệm Ngôi Hai Thiên Chúa xuống thế làm người đem bình an và ơn cứu độ đến cho nhân loại. Phải nói là việc
đón mừng hồng ân và niềm vui cao quí này tùy thuộc một phần lớn vào sự quyết định quan trọng của một người nữ vô danh, đơn sơ, đạo đức và khiêm nhường đã xảy ra cách đây hơn 2018 năm.  Người nữ ấy chính là Đức Maria, người đã cưu mang lời hứa và kế hoạch cứu độ nhân loại của Thiên Chúa.  Chính trong khung cảnh ấy mà hôm nay chúng ta được mời gọi, trước hết, chú trọng vào đời sống của Đức Maria, và thứ hai, chiêm ngưỡng dung nhan Đức Maria như là một mẫu gương khiêm nhường, vâng phục đón nhận Lời Chúa, và sốt sắng tham gia vào kế hoạch của Chúa qua hai Mầu nhiệm Truyền tin và Thăm viếng trong kinh Mân côi.

Tin mừng thánh Luca hôm nay diễn tả mầu nhiệm Thăm viếng. Mấy ngày trước, khi đọc bài Tin mừng này, tôi đã tự hỏi: “Tại sao thánh Lu-ca lại kể cho chúng ta nghe câu truyện này?”  Hy vọng những điều tôi chia sẻ sẽ giúp mọi người hiểu biết Đức Maria và Chúa Giê-su hơn.  Chúng ta biết lúc đi thăm viếng bà Ê-li-za-bét, Đức Maria đang mang một niềm vui lớn lao và hồng ân cao quí trong tâm hồn.  Để đón nhận tin vui mừng và hồng ân trọng đại ấy và trong lúc đang cầu nguyện, trong mầu nhiệm Truyền tin, thiên thần Gabriel hiện đến hỏi Đức Maria có đồng ý trở thành Mẹ Đấng Cứu Thế hay không?  Đức Maria đã trả lời bằng hai tiếng “Xin Vâng.”  Chúng ta tin một cách chắc chắn Đức Maria không bao giờ thưa “không” với Thiên Chúa điều gì.  Lúc đó thiên thần báo cho Đức Maria biết người chị họ, là bà Ê-li-za-bét, đã lớn tuổi nhưng đã có thai và nay đã được sáu tháng.  Sau đó, Tin mừng cho chúng ta biết Đức Maria đã vội vã lên đường để đi thăm giúp người chị họ.

Khi cầu nguyện bằng Kinh Mân côi, tôi thường suy niệm tự hỏi: “Tại sao Đức Maria, ngay sau khi được truyền tin, lại vội vã lên đường đi thăm, đi giúp người chị họ?” Ngày nay sự kiện nào xảy ra làm cho chúng ta vội vã lên đường?  Lúc đó, Đức Maria có thể tự nghĩ là mình cũng đang mang thai, cho nên phải giữ gìn sức khỏe, không cần phải vội vã lên đường đi thăm ai. Chúng ta hãy thử nghĩ một người đàn bà mang thai có bao giờ đi thăm ai không? Hiếm lắm! Hay Đức Maria lúc đó cũng có thể tự cao vì đang mang thai một người con sẽ được gọi là Đấng Tối Cao, sẽ nên cao trọng và kế vị triều đại của vua Đa vít. Hay tự coi mình là quan trọng không phải giúp đỡ người chị họ tuổi đã già.  Nhưng chúng ta thấy Đức Maria đã không nghĩ như vậy. Không có thái độ như thế. Vì yêu thương và quảng đại, Đức Maria đã vội vã lên đường đi thăm và giúp đỡ bà E-li-za-bét.  Nhưng tôi nghĩ rằng còn có một lý do quan trọng khác khiến Đức Maria vội vã lên đường, đó là, trong khi truyền tin, thiên thần còn báo cho Đức Maria biết: bà E-li-za-bét có thai là trong kế hoạch của Thiên Chúa, chứ không phải mang thai một cách bất đắc dĩ hay ngoài ý định.  Thiên thần cho Đức Maria biết: “Không có gì mà Thiên Chúa không làm được.”  Do đó, sự kiện Đức Maria vội vã lên đường là dấu chỉ sự sốt sắng vâng lời để cùng tham dự vào kế hoạch của Thiên Chúa, trở thành một mẫu gương của người môn đệ trung thành. Vì thế khi vào nhà bà E-li-za-bet đã thưa với Đức Maria: Phúc cho Bà là kẻ đã tin rằng lời Chúa phán cùng Bà sẽ được thực hiện.”  Đây là lần thứ hai bà Ê-li-za-bet nói Đức Maria được chúc phúc.  Lần thứ nhất khi vào nhà gặp mặt, bà Ê-li-za-bét đã ca tụng rằng: “Bà được chúc phúc giữa các người phụ nữ, và Con lòng Bà được chúc phúc!” Và để đáp trả, Đức Maria đã thốt lên cảm tạ ngợi khen Chúa: “Linh hồn tôi ngợi khen Chúa, và thần trí tôi hoan hỉ trong Thiên Chúa, Đấng Cứu Độ tôi, vì Chúa đã đoái nhìn đến phận hèn tớ nữ của Chúa.”

Ngoài những sự kiện về Đức Maria, chúng ta thấy Tin mừng thánh Lu-ca còn cho chúng ta biết những điều lạ lùng về Chúa Giê-su. Trong mầu nhiệm Truyền tin, chúng ta biết Chúa Giê-su được thụ thai bởi quyền năng của Chúa Thánh Thần. Bây giờ Chúa Giê-su mang Chúa Thánh Thần đến cho người khác. Bài Tin mừng cho chúng ta biết bà Ê-li-za-bét được đầy Chúa Thánh Thần và người con trong lòng bà cũng nhảy mừng qua cuộc thăm viếng của  Đức Maria và Chúa Giê-su. Chúa Giê-su xuống trần cũng đem Chúa Thánh Thần đến cho nhân loại chúng ta.

Ngoài ra còn có một sự kiện rất quan trọng về Chúa Giê-su được diễn tả trong câu hỏi của bà Ê-li-za-bét mà chúng ta cần chú ý, đó là: “Bởi đâu tôi được Mẹ Chúa tôi đến viếng thăm tôi?” Có nghĩa là cuộc thăm viếng của Đức Maria đã đem sự hiện diện của Chúa, sự an bình, vui mừng và hồng ân của Chúa, đến cho gia đình của bà Ê-li-za-bét. 

Qua sự cầu nguyện, Đức Maria đã được Chúa ban tin vui mừng, và qua hai tiếng “Xin Vâng”,  Ngôi Hai Thiên Chúa đã nhập thể trong lòng Đức Mẹ.  Đây chính là giây phút nhiệm mầu giao hòa giữa đất và trời, giữa Thiên Chúa với loài người, và hồng ân ơn cứu độ được ban xuống cho nhân loại. Nhờ Đức Maria mà Thiên Chúa đã đi vào lịch sử nhân loại một cách hiện hữu, đã trở nên Đấng Emmanuel, nghĩa là “Thiên-Chúa-Ở-Cùng-Chúng-Ta.” Lòng bác ái, thương yêu và sốt sắng trung thành với thánh ý Chúa đã thúc đẩy Đức Maria mau mắn lên đường, vượt qua những khó khăn, nguy hiểm đến thăm viếng và giúp đỡ người chị họ. Câu ca dao tục ngữ Việt Nam: “Đường đi khó, không khó vì ngăn sông cách núi, mà khó vì lòng người ngại núi e sống” thật chí lý! Nếu chúng ta có lòng bác ái, yêu thương, quảng đại, cũng như trung thành muốn thực hành Lời Chúa, và muốn chia sẻ ơn Chúa với người khác thúc đẩy, thì không có gì ngăn cản được, và chắc chắn Chúa sẽ ban sức mạnh.

Xin Đức Maria cầu bầu giúp chúng ta là những người con của Mẹ, vượt qua được những khó khăn hiểm trở trong cuộc sống, biết noi gương Mẹ, lắng nghe lời Chúa, và như Mẹ, biết thưa với Chúa hai tiếng “Xin Vâng”, sống theo thánh ý Chúa, sống bác ái và quảng đại với một niềm vui mừng, xác tín vào tình yêu và sự quan phòng của Thiên Chúa.  Để chuẩn bị tâm hồn đón mừng mầu nhiệm Ngôi Hai Thiên Chúa xuống thế làm người, hôm nay chúng ta cùng với bà Ê-li-za-bét tự hỏi và suy niệm: “Bởi đâu tôi được Mẹ Chúa tôi đến viếng thăm tôi?”


Lm. Chánh xứ



Không có nhận xét nào:

Tìm kiếm ....