Thứ Bảy, 22 tháng 9, 2018

Chúa Nhật 25 Thường Niên. Năm B_2018.

Vào thời điểm khoảng 330 năm trước Chúa Cứu Thế sinh ra, hoàng đế Hy Lạp thống trị toàn cõi từ Ai cập cho đến Ấn độ, và kiểm soát tất cả vùng Trung đông kể cả Đất thánh.  Hoàng đế Hy lạp bắt tất cả dân phải theo văn hóa, phong tục và tôn giáo của họ. Người Do thái lúc đó cũng bị cưỡng ép bỏ đạo, chối Chúa, người nào không tuân theo thì sẽ bị bắt, tra tấn và giết.  Vì thế một số người Do thái đã bỏ đạo, sống theo phong tục và thờ thần của Hy lạp. 
Những người bỏ đạo này đã tìm cách nhục mạ, gài bẫy hãm hại những người trung thành với Chúa.  Họ chế diễu những người trung thành với Chúa là những người “công chính” như chúng ta nghe trong bài đọc 1 trích sách Khôn ngoan hôm nay. Người công chính trong bài đọc một ám chỉ Chúa Giê-su, Người Tôi Tớ Công Chính, trong bài Tin mừng, sẵn sàng chịu đau khổ để trung thành với Thiên Chúa Cha và với sứ vụ của mình.  

Bài Tin mừng hôm nay có 2 phần. Trong phần thứ nhất, Chúa Giê-su báo trước cho các môn đệ biết về sự đau khổ và cái chết của Người trong sứ vụ cứu chuộc. Trong phần thứ 2, Chúa hỏi các môn đệ về cuộc tranh luận giữa các ông trong khi đi đường. Một điều đáng trách là đang khi Chúa mạc khải cho các môn đệ biết một điều quan trọng trong sứ vụ của Người thì các môn đệ lại không quan tâm, chú ý, lại còn tranh giành ngôi thứ, đưa đến ghen ghét và ganh tị lẫn nhau. Thật là đáng trách và các môn đệ cũng đã nhận ra điều đó, bởi vì khi Chúa hỏi các ông về điều các ông đã tranh luận với nhau các ông đã làm thinh. Đối với Chúa, chúng ta thấy Người không buồn hay chán nản, vì Chúa biết rõ thực chất của con người là yếu đuối và tham vọng, và Chúa sẽ dạy dỗ và giúp các ông thắng vượt những thái độ tầm thường đó. Vì vậy sau đó Chúa đã dạy các ông và tất cả chúng ta một bài học quan trọng về hy sinh phục vụ trong tinh thần khiêm tốn, vì đó là giá trị đích thực của người môn đệ và của Ki-tô hữu. Hy sinh phục vụ không phải là để kiếm tiếng tăm, kiếm lời khen tặng, kiếm danh vọng cho mình hay để được vinh danh. Hy sinh phục vụ để rao giảng Tin mừng, xây dựng Nước Chúa và làm sáng danh Chúa. Và để nhấn mạnh, Chúa đã gọi một em nhỏ đến đứng giữa các môn đệ và nói: “Ai đón nhận một trong những trẻ nhỏ như thế này vì danh Thầy, tức là đón tiếp chính mình Thầy.” Tất cả chúng ta đều có thể hiểu rõ đón tiếp một em bé chắc chắn không phải là muốn em bé sẽ phục vụ mình, nhưng là phục vụ em bé đó.

Có câu truyện dụ ngôn sau đây: Trong một khu rừng nọ, hằng năm, cứ mỗi độ xuân về khi tiết trời trở nên ấm áp, muôn hoa khoe sắc và muôn thú khắp nơi tụ về, đó cũng là lúc một số cây non mọc lên. Năm nay có ba cây mọc lên gần nhau và cùng nguyện ước là để được sử dụng phục vụ con người. Cây thứ nhất mong ước rằng mình sẽ được sử dụng trong cung điện nhà vua, để được nghe những lời khen ngợi của những người sang trọng. Cây thứ hai mong ước rằng mình sẽ được sử dụng để đóng một con tàu đẹp dùng trong việc du hành xuyên lục địa, để được trông thấy nhiều cảnh lạ trên trái đất.  Còn cây thứ ba chẳng muốn gì hơn là được trở nên dấu chỉ vinh quang cho Thiên Chúa. Tất cả ba cây sau đó lớn lên trở thành những cây cổ thụ và đều đạt được những ước nguyện mong muốn. Cây thứ ba vì muốn trở thành dấu chỉ vinh quang Thiên Chúa, cho nên người ta đã cưa cắt xuống đóng thành cây Thập giá để treo một người trên ngọn đồi cao có tên là Gôn-gô-tha.

Chúa Giê-su Ki-tô, Ngôi Hai Thiên Chúa, vì yêu thương đã vâng lời và khiêm nhường hạnh mình sinh xuống trần, và hy sinh phục vụ chúng ta là những người tội lỗi và yếu hèn như thánh Phao-lô nói: “Người là Thiên Chúa nhưng đã chịu lấy xác phàm và trở thành nô lệ.”  Trong thời gian rao giảng Tin mừng, Chúa đã chịu chỉ trích, vu khống và chế diễu, và sau đó đã phải chịu những sự thương khó vác và chịu chết trên thập giá để hoàn thành sứ vụ cứu rỗi nhân loại. Chúa đã vượt thắng sự đau khổ để đem lại sự sống, ơn sủng cho chúng ta. Qua đó, Chúa Giê-su dạy chúng ta hãy noi gương Ngài, sống khiêm nhường và sẵn sàng hy sinh phục vụ lẫn nhau. Như vậy nếu chúng ta phục vụ ai trong sự yêu thương và khiêm nhường chính là phục vụ Chúa Giê-su, và nếu ai phục vụ chúng ta thì cũng chỉ vì họ sống lời Chúa dạy hy sinh phục vụ Chúa trong chúng ta. Cho nên, điều quan trọng là chúng ta có thành tâm sống lời Chúa dạy, sẵn lòng, hy sinh và nhiệt thành phục vụ không?  Và phục vụ với tinh thần và thái độ như thế nào?

Là con người, ai trong chúng ta cũng muốn tự cao, muốn cho mình là quan trọng, muốn được chú ý, thích được khen ngợi. Đó là cái tật của loài người từ ngày tạo thiên lập địa, chứ không phài chỉ là tật xấu của các môn đệ Chúa Giê-su. Thế nhưng tật xấu này trái ngược với tinh thần Tin Mừng, cho nên Chúa dạy chúng ta phải loại bỏ và phải sống khiêm nhường, có lòng quảng đại biết dùng những ơn lành Chúa ban để phục vụ Chúa và anh chị em, nhất là những người đau khổ, nghèo đói và yếu hèn, để xây dựng yêu thương hiệp nhất. Trong bài đọc 2, thánh Gia cô bê cho chúng ta biết ở đâu có kiêu căng, tranh chấp, ganh ghét, chia rẽ và giả dối ở đó có mọi thứ xấu xa. Ở đâu có hiền hòa, bao dung, nhân từ thì ở đó có an hòa, hạnh phúc và hoa quả tốt lành. Cho nên, là những Ki-tô hữu, chúng ta phải cố gắng hy sinh kiến tạo sự hiệp nhất trong yêu thương và phục vụ lẫn nhau. Đây là phương cách chúng ta vinh danh và làm sáng danh Chúa.

Thế giới và xã hội còn nhiều sự dữ và nhiều người xấu. Người ngay thẳng và sống công chính có thể sẽ còn phải hy sinh và chịu nhiều thiệt thòi, bị người khác ganh ghét, vu khống, hãm hại. Tuy nhiên, những khổ đau và hy sinh mà người công chính phải chịu sẽ sinh nhiều hoa trái tốt lành và ơn ích cho chính những kẻ làm hại mình. Thật vậy, con đường khiêm nhường, đau khổ và hy sinh phục vụ là con đường Chúa đã đi, và cũng là con đường Chúa dạy chúng ta, những người tin vào Chúa và được Chúa yêu thương, hãy can đảm bước đi, để hợp tác với Chúa trong sứ mệnh đem ơn cứu độ và tình yêu của Chúa đến cho mọi người. Xin Chúa ban nhiều ơn lành cho chúng ta.
Lm. Chánh xứ


Không có nhận xét nào:

Tìm kiếm ....