Thứ Bảy, 15 tháng 9, 2018

Chúa Nhật 24 Thường Niên. Năm B_2018.

 
Có câu truyện về một cậu bé tên Huy, mồ côi cha rất sớm, lúc vừa được 5 tuổi, ở với mẹ đang mang một chứng bệnh, tại một khu phố lao động nghèo nàn. Ngày ngày sau khi tham dự Thánh lễ buổi sáng cùng với mẹ, cậu một mình đi vào các tiệm ăn trong phố để đánh giầy cho khách kiếm tiền. Mỗi lần khách trả tiền, cậu đều làm dấu Thánh giá cám ơn Chúa. Tụi bạn nhìn thấy thế nhiều lần to nhỏ chế nhạo: “Gạo thì không lo mà lo giữ đạo.”  Nhưng cậu Huy vẫn cứ trung thành, can đảm hiên ngang giữ hình thức cầu nguyện đơn sơ ấy, minh chứng đức tin của mình vào Chúa Ki-tô.


Năm 17 tuổi, cậu được ban văn nghệ khu phố cho đóng vai thằng quỷ trong một vở kịch. Màn đầu vừa dứt, khán giả vỗ tay hoan nghêng nhiệt liệt. Sang màn thứ hai, trời đột nhiên đỗ mưa, sấm sét nổi lên ầm ầm. Như bao nhiêu lần trước, cậu Huy trong vai thằng quỷ trên sân khấu quên mất mình đang đóng kịch, vội quỳ gối xuống làm dấu Thánh giá.  Khán giả cười rồ lên tưởng thằng quỷ làm hề tin vào Chúa, không ngờ cậu Huy cầu nguyện thật! Sau đêm ấy, mọi người trong khu phố hiểu được hoàn cảnh của cậu, họ chung nhau quyên tiền để giúp cậu Huy ăn học. Đến sau, cậu Huy đã lấy được mảnh bằng tiến sĩ lúc mới 30 tuổi, trở nên một nhà giáo dực nổi danh.

Bài Tin mừng hôm nay cho chúng ta biết trên con đường tiến về Giê-ru-sa-lem, Chúa Giê-su hỏi các môn đệ: “Người ta bảo Thầy là ai?”  Dư luận dân chúng rất hoang mang về Người.  Họ chỉ nhận ra một khía cạnh nào đó của Chúa mà thôi.  Đối với họ, Chúa chỉ là một ngôn sứ nào đó như Ê-li-a hay Gioan Tẩy giả.  Nhưng đối với các môn đệ, các ông tin Chúa Giê-su thật là Đức Ki-tô, Con Thiên Chúa, Đấng Thiên Sai.  Vì thế chúng ta thấy sau khi Chúa hỏi các môn đệ: “Còn các con, các con bảo Thầy là ai?”, Phêrô đại diện lên tiếng đáp: “Thầy là Đấng Kitô.”  Có nghĩa là các ông biết rõ thân thế và sứ vụ của Người. 

Đối với chúng ta hôm nay, Chúa cũng hỏi mỗi người chúng ta: “Còn các con, các con bảo Thầy là ai?” Có nghĩa là Chúa Giê-su Kitô là ai đối với mỗi người chúng ta. Thật vậy, tất cả chúng ta ngày nay, tuy không được nghe tận tai những lời Chúa giảng dạy, hay chứng kiến những phép lạ Chúa làm, hay được sống gần gũi với Chúa như các môn đệ thời xưa, nhưng chúng ta tin vào Chúa Giê-su là Con Thiên Chúa và sứ mệnh của Người là cứu độ và ban sự sống đời đời.  Chúng ta thấy vì tin vào Chúa, cậu Huy đã không ngần ngại tuyên xưng đức tin của mình trong đời sống hàng ngày và ngay trong vai diễn trong vở kịch.

Và đặc biệt hơn nữa, hôm nay Chúa cũng hỏi mỗi người chúng ta: “Người ta có biết Thầy là ai không?” Có nghĩa là chúng ta có thể hiện, sống đức tin của chúng ta trong cuộc sống hàng ngày, để những người sống chung quanh nhận ra chúng ta là Ki-tô hữu không?  Đức tin không có việc làm hy sinh, phục vụ, bác ái và quảng đại là đức tin chết.

Sự hiện diện của chúng ta ở bất cứ nơi nào hay gặp gỡ ai, người ta có nhận ra chúng ta là Ki-tô hữu không?  Lời nói, thái độ, cách cư xử và việc làm của chúng ta có chứng tỏ cho mọi người biết chúng ta là Ki-tô hữu không?  Chúng ta không phải tự xưng, tự tuyên bố, hay tự giới thiệu mình, mà dùng chính đời sống Ki-tô hữu chính đáng khiến người khác cảm phục và nhận ra sự hiện diện của Chúa Giêsu Ki-tô trong chúng ta.

Sau khi hỏi các môn đệ “Còn các con, các con bảo Thầy là ai?”, Chúa Giê-su báo trước cho các môn đệ biết Người sẽ thực hiện sứ vụ thiên sai của Người như thế nào: sẽ bị chống đối, vu khống, bắt nộp cho người đời, sẽ bị hành hạ, vác thập giá và chịu chết nhục nhã rồi mới phục sinh sống lại trong vinh quang.  Chúng ta thấy tất cả mọi sự đã diễn ra đúng ý như lời Chúa nói. Chúa đã đi đúng con đường thập giá để thể hiện sứ vụ cứu độ nhân loại, và đó cũng là con đường của tất cả mọi Ki-tô hữu.

Chúng ta biết từ xưa đến nay có một vấn đề khó khăn, nan giải làm cho nhiều người thắc mắc và thất vọng. Đó là vấn đề đau khổ. Con người chúng ta sinh ra trong tiếng khóc, trải qua cuộc đời đầy nước mắt, rồi âm thầm nằm xuống trong tiếng khóc chân thật hay giả dối của người khác. Cho nên, Kinh Thánh nói: “Đời là thung lũng nước mắt.” Hay chúng ta thường nghe ví: đời là bể khổ, mà hết khổ là qua đời, vì sao vậy?  Từ xưa đến nay các nhà hiền triết đã nát óc để tìm một câu trả lời thỏa đáng. Không ai có thể có một câu trả lời thỏa đáng cho câu hỏi gai góc này.  Đau khổ đến với chúng ta qua nhiều các, có khi tự nhiên, có khi do người khác gây ra, có khi do quyết định, hành động của chính chúng ta gây ra cho chúng ta.  Đau khổ có khi xảy ran gay sau hành động, có khi xảy ra 2, 5, 10, 20 năm sau.  Như gieo hạt giống, gieo hạt tốt thì sinh hoa trái tốt.  Gieo hạt xấu thì sẽ gặt hái hậu quả xấu.

Thật vậy, nếu không tin vào Thiên Chúa thì người ta không làm sao có thể hiểu nổi vấn đề đau khổ này, và có thể đi đến tuyệt vọng khi không làm sao tránh được đau khổ. / Chỉ có một Đấng là Chúa Giêsu mới có thể cho chúng ta một câu trả lời thỏa đáng.  Chúa Giêsu đến trần gian, chấp nhận chịu đau khổ để gánh lấy tội lỗi nhân loại. Người đã dùng đau khổ làm giá cứu chuộc chúng ta, vì không có máu đổ ra thì không có ơn cứu chuộc. Vì thế nhờ sự chết và sống lại vinh quang của Người chúng ta được cứu rỗi và tìm được ý nghĩa, giá trị của sự đau khổ ở đời này.   Chúa đã biến thập giá thành Thánh giá ơn cứu chuộc, vì thế chỉ có Chúa mới biến đau khổ thành nguồn sức mạnh, bình an và hy vọng cho chúng ta. Xin Chúa ban cho chúng ta một niềm xác tín vào Chúa.

Lm. Chánh xứ



Không có nhận xét nào:

Tìm kiếm ....