Bài Tin mừng hôm nay kể cho chúng
ta nghe câu truyện Chúa Giê-su chữa lành cho người bị câm điếc, hoàn toàn không
có khả năng nghe và nói được từ lúc anh được sinh ra. Anh bị bệnh tật đày đọa đã khổ rồi, nhưng còn
khổ hơn vì quan niệm của người Do thái thời đó cho rằng bệnh tật là do hậu qủa
tội lỗi của anh hay của cha mẹ anh. Vì
thế anh bị loại trừ khỏi cộng đoàn, xã hội.
Anh sống trong tình cảnh rất cô đơn và khổ đau của mình.
Chúa Giêsu hiểu được nỗi đau khổ của anh và đã chữa anh lành mạnh nghe nói được như người bình thường. Hành động nhân từ, thương xót chữa lành những người bệnh tật, bị câm điếc và bị quỉ ám là sứ mệnh của Chúa Giê-su khi Người đến trần gian. Chúng ta thấy sau những lần làm phép lạ, Chúa Giêsu thường cấm bệnh nhân hoặc ma quỉ không được nói gì về Người. Lần này, sau khi chữa lành người câm điếc, Chúa cũng căn dặn anh không được nói cho ai biết. Tin mừng thánh Mác-cô nhấn mạnh tới điểm này, vì Chúa Giêsu thấy tâm trạng dân chúng chưa thực sự hiểu, và có lẽ không muốn hiểu biết Người là Đấng thiên sai, là Con Thiên Chúa được sai đến cứu độ cho nhân loại. Họ chỉ thấy nơi Người chân dung là một người trần thế và sẽ trở thành vua, vì thế đã có lần họ tính tôn Người lên làm vua. Ngay các môn đệ theo Chúa, được nghe lời Người giảng dạy và chứng kiến những phép lạ Người làm cũng có tâm trạng đó. Vì thế Chúa ngăn cấm họ để đề phòng và giảm bớt sự hiểu sai lầm, ngộ nhận của dân chúng về Người. Và nhất là đối với các tông đồ, khi biết được sự thực về Người là “Tôi Tới Đau Thương”, phải chịu khổ hình, chết trên thập giá trước khi vinh quang phục sinh thì họ bớt chán nản và thất vọng.
Phép lạ Chúa Giêsu chữa người câm
điếc hôm nay có nhiều ý nghĩa, nhưng tôi muốn chia sẻ với ông bà anh chị em 2
bài học sau đây. Nhưng trước khi đi vào
2 bài học này, chúng ta biết nghe và nói là hai khả năng rất quan trọng và cần
thiết của con người. Nghe để hiểu đúng ý
của người nói. Ai không nghe được hoặc nghe không rõ thì thường không hiểu đúng
ý người nói cho nên trả lời hoặc phản ứng sai lệch. Và người không có khả năng nghe thì gọi là người
điếc. Khả năng nói để diễn tả tư tưởng
trong khi giao tiếp với người khác. Người
không nói được thì trở nên cô độc, và không có khả năng nghe thì gọi là người
câm.
Theo tự điển, có
2 định nghĩa của tình trạng điếc và câm. Thứ nhất là khi hoàn toàn không có khả năng
nghe và nói. Có nghĩa là có tai mà không
nghe được, có miệng mà không nói được. Và thứ hai là khi miễn cưỡng, không sẵn
lòng hoặc làm ngơ không muốn nghe, không muốn nói. Trong cuộc sống chúng ta thường gặp
nhiều người trong trường hợp thứ 2, và nhiều khi chính chúng ta cũng rơi vào
trường hợp thứ 2 này. Thí dụ như khi
chúng ta dửng dưng trước Lời Chúa, trước những lời
kêu gọi bác ái, quảng đại, dửng dưng trước lời kêu gọi hy sinh phục vụ, thờ ơ
trước những lời khuyên bảo của cha mẹ, ông bà, trước lời kêu gọi sống đạo sốt
sắng, sống đức tin chính đáng. Có người
đến nói với cha xứ, cha giảng kêu gọi giáo dân sống đạo đức, sốt sắng đi tham
dự Thánh lễ sớm, sống nhiệt tình, hy sinh, bác ái và quảng đại một số
người không nghe đâu. Thay vì dùng miệng lưỡi để cám ơn Chúa, cám
ơn cha đã cố gắng khuyên bảo họ, họ dùng lưỡi mới rước Mình Thánh Chúa nói xấu
cha, gây chia rẻ giáo xứ. Vì thế cả
chúng ta nữa cũng cần được Chúa Giêsu chữa trị bệnh câm điếc của chúng ta.
Thật vậy, Chúa Giêsu chữa lành cho
người câm điếc không chỉ có ý nghĩa với người đó, mà cũng còn có ý nghĩa, có
những bài học quan trọng và cần thiết hơn đối với chúng ta. Có ý nghĩa không phải vì chúng ta câm điếc, mà
vì chúng ta được Chúa ban cho hai khả năng quan trọng và quý báu đó. Tuy nhiên
nhận được hai ơn ban ấy, không hẳn là chúng ta biết xử dụng đúng hai ơn ấy, hay
đúng với thánh ý của Chúa. Trong chúng ta, nhiều người có đôi tai tốt nhưng
không biết lắng nghe, hay nghe những điều đáng nghe, ngược lại nghe những điều
không đáng nghe hay nghe điều xấu. Nhiều
người có miệng lưỡi tốt nhưng không biết nói những điều đáng nói, ngược lại,
nói những điều không đáng nói hay nói những điều xấu.
Bài học thứ nhất mà Chúa muốn dạy chúng ta
qua phép lạ chữa cho người câm điếc là để có một đức tin vững mạnh thì phải
dùng đôi tai Chúa ban để nghe Lời Chúa dạy bảo. Lời
Chúa là của ăn thiêng liêng làm cho linh hồn chúng ta được sống. Chúa Giêsu đã từng tuyên bố: “Người ta sống không nguyên bởi bánh, nhưng
bởi Lời do miệng Thiên Chúa phán ra.”
Chúng ta cũng biết và xác tín rằng Lời Chúa là sự sống, là ánh đèn soi
cho cuộc hành trình đức tin của chúng ta nơi dương thế. Chúng ta biết sống trong xã hội này chúng ta
dễ bị lôi cuốn bởi nhiều tiếng gọi của sự xấu, tham lam, gian dối, ích kỷ và ý
riêng hơn là lắng nghe Lời Chúa dạy. Là
những Ki-tô hữu, chúng ta phải ý thức Lời Chúa là của ăn thiêng liêng làm cho
linh hồn chúng ta được sống. Nếu chúng
ta yêu mến Chúa thì chúng ta phải nghe và sống Lời Chúa như Chúa nói: “Ai yêu
mến Thầy thì giữ Lời Thầy.”
Bài học thứ hai là phải dùng
miệng lưỡi để ca tụng tôn vinh và nhất là làm chứng cho Chúa trong xã hội này. Tôn vinh và làm chứng cho Chúa vì đây là bổn
phận và nghĩa vụ của người làm con Chúa như Chúa nói: “Các con hãy đi rao giảng
muôn dân.”
Lại nữa, trong đời sống giao
tiếp thường ngày, chúng ta cần chú ý lắng nghe để hiểu người khác và trao đổi
những ý tưởng. Nhất là trong gia đình vợ
chồng, con cái, cha mẹ phải lắng nghe tiếng nói của nhau, để xây dựng và bảo
toàn hạnh phúc, hòa thuận, và giúp nhau sống đức tin.
Qua bài Tin mừng Chúa chữa
lành người bị câm điếc hôm nay, chúng ta cảm tạ Chúa đã ban cho chúng ta 2 ơn
quí báu, nghe được và nói được. Xin Chúa giúp chúng ta nhận ra những bệnh câm
điếc thiêng liêng, thờ ơ không nghe Lời Chúa dạy, nhất là dùng miệng lưỡi nói
nói những lời sai dối. Biết can đảm chạy đến vị bác sĩ tài giỏi và nhân từ là
Giêsu càng sớm càng tốt, để Người chữa lành và phục hồi khả năng lắng nghe và
sống Lời Chúa dạy, để đời sống cá nhân, gia đình và cộng đoàn của chúng ta trở
thành những lời ca tụng, tôn vinh và sáng danh Chúa.
Lm. Chánh xứ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét