Trong bài phát biểu với các hồng y trước mật nghị bầu giáo hoàng, Đức Phanxicô khi ấy đã trích lại một câu trong sách Khải Huyền, nơi đó Chúa Giê-su nói: “này đây Ta đang đứng trước cửa và gõ.” Tuy vậy, ngài không lấy hình ảnh này như là hình ảnh tiêu biểu. Ngài đã hình dung Chúa Giêsu đang đứng bên trong Giáo Hội, ngay trước cửa và gõ với mong muốn bước ra để đi vào thế giới hầu ở với con người, nơi mà họ đang sống.
Giáo Hội đang có một bước đi quan trọng theo chiều hướng này với việc ban hành văn kiện quan trọng đầu tiên về thể thao. Văn kiện này lưu tâm cẩn thận tới những gì đang diễn ra trong đời sống con người với các sự kiện thể thao và đặt vấn đề về điều gì dẫn dắt sự phát triển toàn diện hay dẫn tới sự suy thoái và sầu thảm. Văn kiện này cũng suy xét về ảnh hưởng của thể thao đối với xã hội, mưu cầu ích chung và sự nối kết gia đình nhân loại.
Khi đọc qua văn kiện, một trong số đặc điểm gây ngạc nhiên cho nhiều người có lẽ là các phần nói về trò chơi và thể thao như một khía cạnh của di sản văn hóa và thần học của Giáo Hội. Điểm quan trọng đáng chú ý là các trò chơi và thể thao như được kinh nghiệm trong lịch sử Giáo Hội thì người giáo dân đóng vai trò chính yếu. Giáo dân đã tham gia các trò chơi và môn thể thao vào các ngày lễ mừng trong suốt thời Trung cổ: học sinh chơi những môn thể thao trong các trường nhân văn và những trường Dòng Tên thời kỳ đầu, và sau là các trường công giáo; trong bối cảnh đương thời thì cả những cầu thủ và huấn luyện viên ở những vùng khác nhau trên thế giới. Do vậy, thật thích hợp khi văn kiện được ban hành bởi Ủy Ban Giáo Dân, Gia Đình và Đời Sống vốn có trách nhiệm khơi dậy và cổ võ ơn gọi giáo dân trong Giáo Hội và trên thế giới.
Văn kiện chỉ ra rằng, trong khi các sử gia trong lãnh vực thể thao có khuynh hướng mô tả đặc điểm về thái độ của Kitô hữu đối với thân thể có phần tiêu cực, thì trên thực tế, truyền thống các Kitô hữu đã từng nhấn mạnh tới sự tốt lành của thế giới vật chất và nói về con người như là một sự thống nhất của thân thể, linh hồn và tinh thần. Tác giả nhân văn Montagne đã rút ra từ truyền thống này khi ông viết một bài luận về giáo dục: Chúng ta không giáo dục một linh hồn, cũng không giáo dục một thân thể, nhưng giáo dục một con người. Chúng ta không chia tách từng phần ra được.”
Văn kiện cũng chỉ ra rằng, thánh Tôma Aquinô đã từng đặt ra trong Tổng luận thần học của ngài, “Có thể có một nhân đức về các trò chơi không?”. Ngài trả lời: “có”. Với thánh Tôma, nhân đức được liên kết với sự điều độ và do đó, làm việc hay học tập trong mọi lúc là đi tới thái cực thái quá. Có một nhu cầu chơi và tái tạo trong đời sống con người trọn vẹn. “Đạo đức trò chơi” này là ảnh hưởng chính trong giáo huấn thời kỳ Trung cổ về các trò chơi và môn thể thao, đồng thời đưa những nhà nhân văn và các tu sĩ Dòng Tên thời kỳ đầu tới việc dành khoảng thời gian cho các trò chơi và thể thao trong giờ học ở trường; các trường Công Giáo cũng như cả ở Hoa Kỳ sau này cũng thực hiện tương tự.
Tuy nhiên, với thánh Tôma, trò chơi không chỉ đơn thuần là “tạm dừng và thư giãn”, để con người có thể trở lại điều thực sự quan trọng – tức là công việc. Điều này cho thấy giá trị của trò chơi ở bên ngoài nó. Nhưng đúng hơn, ngài nhấn mạnh rằng trò chơi được thúc đẩy vì chính nó. Tuy nhiên, niềm vui của một người trải nghiệm qua trò chơi nhắm tới mục đích là sự tái tạo và phục hồi.
[…]
Vấn đề đặt ra là khi tự thân trò chơi không được thực hiện cách nghiêm túc, các hoạt động trò chơi như là những môn thể thao có thể bị tổn hại khi xem chúng chỉ như phương tiện cho các mục đích khác.
Đức Phanxicô đã đề cập đến loại vấn đề này khi ngài nhớ lại những buổi chơi đầy niềm vui thời còn trẻ nơi sân bóng đá, một mình hay với gia đình. Ngài chia sẻ với một phái đoàn các đội bóng đá Ý rằng, có một không khí hân hoan về những ngày này và “cha hy vọng rằng, bóng đá và mọi môn thể thao phổ biến khác có thể trở về với yếu tố hân hoan đó. Bóng đá ngày nay còn hoạt động trong một thế giới kinh doanh, thị trường, truyền hình,… Nhưng khía cạnh kinh tế không nên vượt trên môn thể thao đó; [khi như vậy] nó có nguy cơ làm hư hỏng mọi thứ trên bình diện quốc tế, quốc gia hay ngay cả phạm vi địa phương.”
ĐTC nói: “Điều quan trọng là, các môn thể thao hãy vẫn là một trò chơi! Chỉ khi nó là một trò chơi, nó mới có lợi cho thân thể và tinh thần.”
Một cách mà các đội thể thao thực hiện điều tốt cho con người là chuẩn bị một khung cảnh mà trong đó, con người trải nghiệm cộng đoàn tính. Như Đức Phanxicô viết trong bức thư giới thiệu văn kiện này: “Nhu cầu dành cho người khác bao gồm không chỉ đồng đội, nhưng cả những nhà quản lý, huấn luyện viên, cổ động viên, gia đình nữa. Tóm lại, tất cả mọi người mà với sự dấn thân và cống hiến, họ có thể ‘trao ban điều tốt nhất của chính mình.’ Tất cả điều này làm cho các môn thể thao trở nên chất xúc tác cho những trải nghiệm về cộng đồng, về gia đình nhân loại… Trong các môn thể thao cũng như trong cuộc sống, chúng ta đạt được những kết quả to lớn cùng với nhau, như một đội.”
Một trong số những khía cạnh tích cực của thể thao trong thời đại internet chúng ta là, nó cung cấp cho người trẻ những cơ hội gặp gỡ diện đối diện khi họ dấn thân vào một hoạt động vốn tạo nên niềm đam mê. Trong một bối cảnh như vậy, họ cần học cách để tập kiểm soát chính mình và làm thế nào giải quyết những xung đột trong đội của mình.
Văn kiện cũng chỉ ra rằng, sự liên đới bằng ý thức Kitô giáo cần vượt ra ngoài những thành viên đội của mình. Những cuộc thi đấu trong hòa bình có thể là một khung cảnh cho người ta gặp gỡ người khác vốn rất khác với họ và thậm chí, giúp họ có được một lối nhìn tổng thể về sự nối kết của gia đình nhân loại. Như Đức Phanxicô đã viết, “điều này khả dĩ, vì ngôn ngữ của thể thao mang tính phổ quát; nó mở rộng ra toàn bộ những biên cương, ngôn ngữ, chủng tộc, tôn giáo và ý thức hệ; nó sở hữu khả năng nối kết con người lại với nhau, qua việc cổ võ đối thoại và sự đón nhận.”
Văn kiện cũng nói rằng vì có những điều tốt liên kết với thể thao nên tất cả những người muốn tham dự cũng nên làm điều tốt. Văn kiện đề cập đặc biệt tới những trẻ em nghèo hay không nơi nương tựa, những con người khuyết tật về thể lý hay trí tuệ, và cả những người không có nhà cửa, những người tị nạn. Văn kiện cũng nói đến một số vùng trên thế giới nơi mà phụ nữ không được phép tham gia các môn thể thao, do đó không thể trải nghiệm niềm vui và lợi ích từ những hoạt động như vậy. Văn kiện cũng đề cập tới sự kiện đặc biệt như Olympics và Paralympics, cũng như World Cup của những người vô gia cư và sự sáng tạo của một đội Olympic Tị Nạn vào năm 2016 như những dấu chỉ của niềm hy vọng để tạo nên một văn hóa đón nhận nhau trong các môn thể thao.
Tác giả: Patrick Kelly, S.J.,
Lược dịch: Joseph Trần Ngọc Huynh, S.J.
Nguồn: https://www.americamagazine.org/arts-culture/2018/06/07/why-catholic-church-cares-about-sports
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét