![](http://www.40giayloichua.net/YearB/BLent3/BLent3Vs.gif)
Bài Tin mừng hôm nay kể lại cho chúng ta sự
việc Chúa Giê-su thanh tẩy Đền thờ. Thái
độ và hành động của Chúa hôm nay cứng rắn và cương quyết lạ thường. Đọc những sách Tin mừng chúng ta thấy chưa
bao giờ Chúa làm như vậy. Rõ ràng việc
Chúa làm có nhiều mục đích.
Chúng ta biết đối với người Do Thái ngày xưa
đền thờ Giêrusalem là nơi tôn nghiêm, thánh thiêng và vinh dự tự hào của cả dân
tộc. Ngôi đền thờ đầu tiên được xây cất
trong vòng 7 năm thời lập quốc dưới triều đại của vua Salômôn, và tồn tại được
300 năm, cho đến ngày quân Ba tư đánh chiếm và tàn phá thành bình địa.
Sau khi được giải thoát khỏi cuộc lưu đày tại
Babylon và trở về quốc gia, người Do Thái xây lại đền thờ ngay chính trên nền
đền thờ đã bị phá hủy trước đó. Trong suốt gần 350 năm, những người Do Thái
sống tha hương đã thường xuyên trở về quê hương để hành hương đền thờ. Sau đó, đền thờ đã bị quân Xy-ri do vua An-ti-ô-cô
Đệ nhị dẫn đầu đánh chiếm cướp phá đền thờ. Một lần nữa, đền thánh Giêrusalem bị
rơi vào cảnh hoang tàn đổ nát.
Gần 1 thế kỷ sau, vào năm 63 trước Chúa
Giê-su, người Do Thái lại thua trận và bị quân La Mã đánh chiếm và cai trị. Sau
đó Hê-rô-đê được phong làm quan tổng trấn cai trị vùng đất Giu-đê-a. Trong thời điểm này, dân Do Thái được phép
xây dựng lại đền thánh Giêrusalem, và phải mất 46 năm công cuộc tái thiết mới
hoàn tất.
Chúng ta biết là đền thờ được chia làm nhiều
khu vực, trong đó có khu vực được gọi là “Cực Thánh” nơi Chúa hiện diện, chỉ
các tư tế mới được vào dâng hương và của lễ.
Ngoài khu vực dành riêng cho tư tế, cũng có nơi để dân chúng tự do ra
vào thờ phượng.
Theo luật Do Thái, hằng năm tất cả mọi người
tới tuổi trưởng thành đều phải hành hương đền thánh ít là một lần trong các dịp
lễ. Thế nên vào những dịp lễ lớn như Vượt Qua, có vô số người từ khắp muôn nơi
đổ về, do đó ở khu vực bên ngoài đền thờ người ta dựng những gian hàng đổi
tiền, mua bán và ăn uống. Như chúng ta
đã biết, nơi đâu có ăn uống thì có rác, dơ bẩn, mùi hôi, nơi đâu có sự đổi tiền
và buôn bán thì có sự ồn ào, trả giá, đôi co, và không tránh khỏi gian dối, lừa
gạt, tham lam và bớt xén. Như thế thì
còn đâu là ý nghĩa cao đẹp và thánh thiêng của đền thờ. Người ta đã biến nơi cầu
nguyện và gặp gỡ Thiên Chúa thành nơi thương mại, gian dối và lừa đảo. Hơn nữa càng gần tới ngày lễ, quang cảnh đền
thờ càng ồn ào, náo nhiệt không khác gì một buổi chợ. Quang cảnh này đã làm cho Chúa Giêsu bực bội
khó chịu và không thể im lặng bỏ qua, vì vậy Ngài đã thanh tẩy đền thờ.
Qua hành động thanh tẩy đền thờ của Chúa
Giê-su, chúng ta ghi nhận được nhiều mục đích.
Trước hết, Chúa Giê-su muốn trả lại cho đền thờ sự tôn nghiêm và thánh
thiêng, vì thế, Chúa phải xua đuổi tất cả những vật và người làm dơ bẩn và xúc
phạm đền thờ. Đó là vấn đề thời Chúa
Giê-su, nhưng hôm nay chúng ta phải lưu tâm một chút về vấn đề này. Thứ nhất, nhà thờ là nơi tôn nghiêm và thánh
thiêng, là nơi chúng ta đến để cầu nguyện và lãnh nhận ơn Chúa qua các Bí tích,
và là nơi thờ phượng và gặp gỡ Chúa. Vì vậy, chúng ta phải hết sức trang
nghiêm, không nghêng ngang, không nói chuyện ồn ào trong nhà thờ, không nhai
sing-gôm, không xử dụng các máy điện tử, và nhất là nên tắt các điện thoại di
động.
Tiếp đến, khi xua đuổi các người buôn bán và
đổi tiền ra khỏi đền thờ, Chúa Giê-su muốn thanh tẩy khỏi đền thờ những việc
gian tham, lừa dối và không công bằng vì lợi lộc tiền bạc. Hay nói một cách khác, Chúa muốn thanh tẩy sự
nguy hiểm tôn thờ tiền bạc. Những con
buôn đưa súc vật vào đền thờ không phải vì lòng yêu mến Chúa hay vì lòng quảng
đại muốn tìm cách để xây dựng đền thờ, nhưng vì tham lam muốn kiếm tiền, coi
trọng tiền bạc hơn Chúa. Dùng Chúa và
đền thờ để phục vụ hay vì tư lợi của mình.
Chúng ta cũng phải coi chừng.
Nhiều người trong chúng ta, một cách nào đó, cũng lợi dụng nhà thờ như
thế.
Cuối cùng, khi đuổi xúc vật ra khỏi đền thờ,
Chúa Giê-su còn muốn thanh tẩy cả thái độ và cách thờ phượng của chúng ta. Thời xưa, người ta dâng xúc vật làm của
lễ. Lòng đạo đức được đo bằng sức nặng
của con vật hay bằng vật chất. Dâng vật
to, việc lớn hay nhiều vật chất sẽ được nhiều ơn phúc. Nay, Chúa Giê-su muốn chúng ta đến với Chúa
bằng chính tâm hồn của chúng ta. Lễ vật của
chúng ta dâng đẹp lòng Chúa nhất là thái độ khiêm nhường, là tấm lòng ăn năn
sám hối chân thật, hay tấm lòng bác ái, quảng đại vì Chúa và tha nhân.
Thật vậy, Chúa Giêsu thanh tẩy không chỉ đền
thờ bằng gỗ đá, nhưng Chúa muốn thanh tẩy đền thờ tâm hồn của mỗi người chúng
ta để xứng đáng là nơi Chúa ngự trị. Vì
thế, chúng ta phải gìn giữ đền thờ ấy luôn trong sạch, cao quí từ lời nói, tư
tưởng đến hành động. Chúng ta hãy thành
tâm thử hỏi: “Tâm hồn của chúng ta bây giờ có xứng đáng là nơi Chúa ngự không?” “Những người chung quanh có nhận ra sự hiện
diện của Chúa trong tâm hồn của chúng ta không?” Những lời nói và hành động có tính cách kiêu
căng, lừa dối, giam tham gây chia rẽ và ích kỷ sẽ làm cho đền thờ tâm hồn ra ô
uế, nhơ bẩn như đền thờ Giêrusalem xưa.
Tóm lại, qua việc thanh tẩy đền thờ trong bài
Tin mừng hôm nay, Chúa Giê-su kêu gọi chúng ta hôm nay phải có trách nhiệm, bổn
phận với nhà thờ và với giáo xứ. Quảng
đại đóng góp để bảo trì, gìn giữ ngôi nhà thờ sạch sẽ, khang trang và thánh
thiêng vì là nơi chúng ta đến cầu nguyện xin ơn và thờ phượng Chúa. Khi vào nhà thờ phải trang nghiêm và biết tôn
kính nhà thờ vì là nơi Chúa ngự. Xin
Chúa giúp chúng ta biết dùng mùa chay thánh này, qua sự cầu nguyện và tuần tĩnh
tâm, nhận ra những sự dơ bẩn và ô uế là tội lỗi và những nết xấu hiện diện
trong đời sống, thành tâm đến với Chúa trong Bí tích Hòa giải, một Bí tích cao
quí mà Thiên Chúa đã ban cho Giáo hội, để Chúa dùng ơn tha thứ để thanh tẩy và biến đổi tâm hồn chúng ta
trở nên thánh thiện hơn, xứng đáng là đền thờ Chúa ngự.
Lm. Chánh xứ
![](http://www.40giayloichua.net/YearB/BLent3/BLent3Es.gif)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét