Để biểu lộ rõ con người với căn tính
toàn diện của mình, nhiều nhà Tâm lý học ứng dụng đặt ra hai tiêu chí: Liên tục
và thống nhất. Câu hỏi cụ thể đặt ra: Tôi là ai? Và tôi muốn mình là ai? Là hai
câu hỏi đồng quy về chính con người của mình.
Tôi là ai?
Thánh kinh giới thiệu Thánh Giuse là con
cháu vua Đavit theo gia phả Tin Mừng Thánh Mat thêu. Là một người thợ mộc, có
đời sống công chính.
Đó là những giới thiệu về ngài, còn
chính Thánh Giuse nhận biết mình là ai, điều này mới quan trọng để định hướng
cuộc đời.
Thánh Giuse nhận biết mình là dưỡng phụ thanh
sạch của Chúa Giêsu. Đây là nhận biết về mình cách chính xác sau khi được sứ
thần mời gọi trở thành dưỡng phụ của Chúa Giêsu, bảo đảm cho Đức Maria trong ơn
gọi đồng trinh và một gia đình ấm êm hạnh phúc. (Xem Mt 1, 18 – 25; Lc 2, 1 –
7)
Để biết về mình Thánh Augustine đã cầu
nguyện: “Xin cho con biết Chúa, để con biết con. Cho con biết con để con biết
Chúa”. Chúng ta có thể biết mình nhờ những thành tựu khoa học và nhận xét về
mình, nhưng nguồn gốc về việc biết mình đó còn hạn hẹp. Chúa cho biết thêm để
hiểu rõ con người của mình hơn nữa, vì “Lạy Chúa, Ngài dò xét con và Ngài biết
rõ, biết cả khi con đứng con ngồi. Con nghĩ tưởng gì, Ngài thấu suốt từ xa”
(Tv 139, 1 – 2)
Liên tục theo đuổi mục đích đời mình.
Biết rõ mục đích cuộc đời là cái biết để
cần thiết tiến tới không ngừng, dù bao khó khăn, bao thử thách.
Những thử thách đầu tiên đến trong hành
trình về Bêlem. Đức Maria tới ngày sanh nở mà không tìm ra nơi trú ngụ, Đức
Maria sanh con nơi máng cỏ. Vừa sinh nở xong, chẳng bao lâu, Thánh Giuse lại
được báo mộng đưa con sang trốn tại Ai Cập. Sau khi Herode băng hà, một lần nữa
Thánh Giuse lại đưa gia đình về lại quê hương.
Tất cả những lần thi hành theo hướng dẫn
của Chúa, Thánh Giuse chỉ được nghe qua lời báo trong mộng. Thánh Giuse liên
tục theo đuổi tiếng nói từ trong mộng báo đó.
Đây là điểm đặc biệt mà mỗi người đều có
thể nghe được tiếng nói của lương tâm ngay thẳng mách bảo, làm hay không làm.
Tuy nhiên, mỗi người chúng ta có thể chần chừ hoặc lách ra một chút, hoặc chẳng
nghe theo gì cả. Lỗi lầm và hậu quả lâu ngày mới thấy xuất hiện và đôi khi
không phát hiện ra được nguyên nhân từ lâu rồi đã quên mất. Lạc xa lý tưởng,
mất hẳn tính liên tục từ ban đầu dự định. Hệ quả dẫn đến xao xuyến bồn chồn
trước những đổ vỡ. Hoặc trốn tránh, tiếp tục lừa dối chính mình hoặc tích cực
sửa chữa để hoàn thiện.
Thánh Phaolô nói về tình trạng cuộc
chiến nội tâm và phương thức tháo gỡ:
“Tôi biết rằng sự thiện không ở trong
tôi, nghĩa là trong xác thịt tôi. Thật vậy, muốn sự thiện thì tôi có thể muốn,
nhưng làm thì không. Sự thiện tôi muốn thì tôi không làm, nhưng sự ác tôi
không muốn, tôi lại cứ làm. Nếu tôi cứ làm điều tôi không muốn, thì không
còn phải là chính tôi làm điều đó, nhưng là tội vẫn ở trong tôi.” (Rm 7, 18 –
20)
“Tôi thật là một người khốn nạn! Ai sẽ
giải thoát tôi khỏi thân xác phải chết này? Tạ ơn Thiên Chúa, nhờ Đức Giê-su
Ki-tô, Chúa chúng ta!” (Rm 7, 24 – 25).
Chính Thiên Chúa, Đấng tháo gỡ con người
ra khỏi cuộc chiến này bằng chiến thắng tội lỗi, sự xấu liên tục, để trưởng
thành hơn sau những lần vấp ngã, để bền bỉ hơn sau những lần rã rời. Không có
Chúa, con người sẽ lấy những giá trị giả tạo khác để lấp đi sai phạm và dần dần
lạc trôi giữa đời vô nghĩa.
Một con người thân thiện với nhiều người
và yêu thương cả kẻ thù địch, đó là dấu chỉ của một người đã được tháo gỡ khỏi
sự dữ, cái xấu. Con người đó thực sự sống trong tự do của Thiên Chúa ban tặng.
Mẫu gương các thánh trong gia đình
Nazareth biểu hiện niềm vui hạnh phúc lan tỏa trong Chúa. Các Ngài làm lan tỏa
niềm vui thánh thiện đến với mọi người và mọi người tìm đến các Ngài để tìm gặp
niềm vui, an ủi, khích lệ, chữa lành.
Đòi hỏi thăng tiến toàn diện con người,
phục vụ cho con người, cho cộng đoàn và cho đời sống riêng mình. Mỗi người
chúng ta cầu xin Thánh Giuse trợ giúp để hoàn thành sứ vụ Chúa trao trong ơn Chúa ban.
L.m Giuse Hoàng Kim Toan
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét