Ông bà anh chị em thân
mến. Cuộc đời Ki-tô hữu và hành trình đức tin của mỗi người chúng ta được đánh
dấu bởi tội lỗi và ân sủng. Có những lúc
sống trong tội lỗi lầm lạc, có khi trong ân sủng tình yêu của Chúa. Khi sống trong tội lỗi, vì yêu thương, Chúa
dùng mọi phương cách như sầu, khổ và ơn lành để thức tỉnh, và dùng nhiều người
để khuyên bảo và chỉ dạy chúng ta ăn năn sám hối trở về với Chúa.
Nếu cứng lòng
thì sầu khổ sẽ làm cho chúng ta nghi ngờ Chúa, ơn lành sẽ trở thành sự kiêu
căng và tự cao, chúng ta sẽ từ chối, khinh chê những lời khuyên bảo và dạy dỗ của
người khác. Nếu thức tỉnh thì chúng ta
sẽ nhận ra tội lỗi của mình và can đảm ăn quay trở về với Chúa và cảm nhận được
hồng ân của Người như trong dụ ngôn Người con hoang đàng.
Nhìn vào lịch sử dân
Do thái, còn được gọi là Dân Chúa, qua Kinh thánh, chúng ta thấy lịch sử của họ
cũng được đánh dấu bởi ân sủng và tội lỗi, trung thành và bất tín, đón nhận và
từ chối, ánh sáng và bóng đen. Ðó là lịch sử một tình thương hải hà, nhưng vô
cùng mầu nhiệm của Thiên Chúa. Khi họ bất
trung, phản bội lại với Chúa, vì giàu lòng yêu thương nhân từ, Chúa dùng mọi
cách để cảnh tỉnh và đã sai nhiều sứ giả đến với họ, nhưng vì cứng lòng, họ giả
điếc làm ngơ, và hơn thế nữa, họ còn nhạo báng, chế diễu, hành hạ và giết chết
các tiên tri. Thiên Chúa, dù là Ðấng nhân ái từ bi, đã buộc lòng phải trừng phạt
để thức tỉnh họ trở về với Người. Chúa cho dân đi lưu đày, mất quê hương, mất đền
thờ, mất tất cả, để từ đó họ khám phá lại những hồng ân lớn lao của Chúa.
Thánh Phao-lô cũng ý
thức sâu xa về thực trạng tội lỗi của con người và hồng ân của Chúa. Người có những kinh nghiệm về ảnh hưởng của tội
trong chính bản thân khi còn là một người đi bắt bớ, hành hạ và giam cầm những
Ki-tô hữu, những người tin theo Chúa. Thánh Phao-lô cũng cảm nhận được hồng ân
tình yêu của Chúa Ki-tô Phục sinh qua sự bị té ngựa, bị mù và sau đó biến đổi
ngài thành tông đồ rao giảng Tin mừng cho dân ngoại. Sau khi trở thành một tông đồ thánh Phao-lô
còn nhận thấy tình trạng tội lổi trong chính con người ,trong môi trường người
sống và những nơi người đến rao giảng. Về bản thân, thánh Phao-lô đã phải thú
nhận rằng: “Tôi thuộc về xác thịt, bị bán làm tôi sự tội.” (Rm 7,14). Và “Không
phải tôi hành động, nhưng chính là tội lỗi cư ngụ trong tôi.” (Rm 7,17) Thánh Phaolô không những thấy rõ tội lỗi của
riêng mình nhưng còn cảm nhận được tình thương yêu vô biên và cao cả của Thiên
Chúa. Người xác định rằng: “Thiên Chúa là
Chúa của hồng ân, và tội lỗi phát sinh càng nhiều, ân sủng càng dồi dào gấp bội.”
(Rm 5, 30)
Thật vậy, chính Chúa
Giê-su Kitô là hồng ân trọn vẹn và cao quí của Thiên Chúa cho chúng ta. Người
là dấu hiệu của tình thương và chính là tình thương sâu thẳm bao la của Thiên
Chúa. Bài Tin mừng hôm nay cho chúng ta
biết: “Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một mình... để thế gian nhờ
Người mà được cứu độ.” Chúa Giê-su đã
dùng cây Thánh giá để mang hồng ân tình yêu và ơn cứu độ của Thiên Chúa cho chúng
ta. Thế nhưng khí cụ Thánh giá cứu độ này có liên hệ đến một số sự kiện đã xảy
ra và được kể trong sách Dân số thời Cựu ước.
Hồi ấy, sau khi ra khỏi
Ai cập để về đất hứa, dân Do thái phải qua sa mạc. Ngày thì nóng như thiêu, đêm thì lạnh như cắt.
Hơn nữa đời sống trong sa mạc đâu có phải là đời sống bình thường vì thiếu thốn
đủ thứ. Có lúc bị đói và khát, nhưng
Chúa đã làm phép lạ cho họ có thức ăn, thức uống, nhưng vì sống lâu trong sa mạc,
sức chịu đựng của họ có giới hạn, họ đã kêu trách Chúa và ông Mô-sê. Nhiều khi chúng ta cầu xin ơn này ơn nọ mà
Chúa chưa kịp ban cho, thì chúng ta cũng kêu trách Chúa như họ! Họ kêu trách Chúa không tiếc lời. Sự kiện đó
đã khiến Chúa phải dùng đến hình phạt để cảnh tỉnh họ. Chúa đã cho những con rắn
lửa bò ra gieo chết chóc và tang thương cho họ. Sau đó họ ăn năn hối hận, và Chúa lại thương
truyền cho Mô-sê đúc một con rắn đồng rồi treo lên một cây cột cao để như lời
Chúa nói với Mô-sê: “Ai nhìn lên con rắn đồng sẽ được cứu sống.” Và quả đúng như thế, tất cả những ai bị rắn lửa
cắn mà nhìn lên con rắn đồng đó thì đều được sống.
Trong bài Tin mừng hôm
nay, chúng ta thấy Chúa Giê-su đã nhắc lại câu truyện xưa để giúp cho ông
Ni-cô-đê-mô hiểu một việc Chúa sắp làm,
và nói với ông: “Như
Môsê đã treo con rắn lên ở sa mạc thế nào, thì Con Người cũng sẽ phải treo lên
như vậy, để tất cả những ai tin ở Người, sẽ không bị huỷ diệt, nhưng được sống
đời đời.” Hay nói một cách khác, Chúa muốn
bảo chúng ta con rắn đồng trong sa mạc xưa là hình bóng cho sự việc Chúa chịu
chết trên Thánh giá để ban ơn cứu độ cho con người, có nghĩa là làm cho con người
được hưởng sự sống đời đời.
Thế nhưng, ông bà anh chị em thân mến, ngày hôm nay muốn được
Chúa cứu độ thì chúng ta phải làm gì?
Thưa, trước hết chúng ta phải xác tín vào tình yêu thương vô
biên và cao cả của Thiên Chúa. Qua những
biến cố trong lịch sử, Thiên Chúa đã từ từ mạc khải cho dân Do thái thấy rằng
Người không phải là một Thiên Chúa hay phạt, nhưng là Thiên Chúa nhân từ hay
tha thứ. Mỗi lần họ phản bội, không
trung thành và cứng lòng ngoảnh mặt đi thờ thần khác, như trong bài đọc 1 hôm
nay, Chúa dùng mọi phương cách để cảnh tỉnh và nhiều ngôn sứ để dạy bảo họ ăn
năn trở về với Chúa. Khi họ thức tỉnh và
biết ăn năn sám hối thì Chúa sẵn lòng tha thứ và lại yêu thương họ. Dần dần họ
nhận ra Thiên Chúa là Đấng từ bi và nhân hậu.
Vì yêu thương và nhân hậu, Thiên Chúa đã ban cho chúng ta
chính Con Một Người là Chúa Giê-su, để những ai tin vào Người thì không phải hư
mất, nhưng được sống đời đời. Chúng ta
phải tin vào tình yêu của Thiên Chúa và Chúa Giê-su là Đấng Cứu Độ chúng ta. Chúa Giê-su đã nói lên tình yêu cao quí này
khi Người chết trên Thánh giá như lời Chúa nói: “Không có tình yêu nào cao quí
cho bằng chết cho người mình yêu.”
Nhưng tin vào Chúa thì phải làm gì? Thưa phải nghe lời Chúa dạy và thức tỉnh nhìn
ra và nhận tội lỗi của mình, ăn năn sám hối, quyết tâm quay trở về với Chúa và
sửa lại sống đời sống mới.
Tôi muốn chia sẻ với
ông bà anh chị em những phương cách ăn năn sám hối của thánh Gioan Kim khẩu sau
đây. Thứ nhất là lên án tội lỗi của
mình. Ngài khuyên chúng ta hãy là người
đầu tiên xưng tội lỗi của mình với Chúa để được Chúa tha thứ và trở nên công
chính. Vì chúng ta không thể nào che dấu Chúa tội lỗi của mình được, cho nên
hãy trước hết xưng tội ra với Chúa. Cách
thứ hai không kém gì cách thứ nhất là nếu người khác sỉ nhục, nói xấu, thù hằn
và ghen ghét thì đừng để tâm, hãy chế ngự tính giận hờn của mình và biết tha thứ
tội lỗi cho anh chị em mình. Như thế,
khi chúng ta xin Chúa tha thứ điều gì xúc phạm đến Chúa thì Chúa cũng sẽ tha thứ
cho chúng ta. Cách thứ ba là phải siêng
năng và sốt sắng cầu nguyện, và thành tâm lắng nghe Lời Chúa. Cách thứ tư là có
lòng yêu thương, hy sinh và quảng đại, làm những việc bác ái, phúc đức vì những
việc này có hiệu lực, ảnh hưởng tốt đến tâm hồn. Ngoài ra thánh Gioan Kim khẩu
cũng khuyên chúng ta có cuộc sống khiêm nhường, vì cuộc sống khiêm nhường sẽ
tiêu diệt tội lỗi tận căn.
Như ông bà anh chị em nhìn lên tấm băng rô trên đây, mùa Chay kêu gọi chúng ta ăn năn sám hối, sửa đổi đời sống. Chúng ta nhận biết chúng ta là những người tội lỗi và chúng ta xác tín vào tình yêu thương của Chúa. Chúa đã dùng cây Thánh giá để cứu chuộc chúng ta. Chúng ta tin rằng nếu chúng ta nhìn lên Cây Thánh Giá và thành khẩn xin Người tha tội, Chúa sẽ tha thứ cho chúng ta.
Như ông bà anh chị em nhìn lên tấm băng rô trên đây, mùa Chay kêu gọi chúng ta ăn năn sám hối, sửa đổi đời sống. Chúng ta nhận biết chúng ta là những người tội lỗi và chúng ta xác tín vào tình yêu thương của Chúa. Chúa đã dùng cây Thánh giá để cứu chuộc chúng ta. Chúng ta tin rằng nếu chúng ta nhìn lên Cây Thánh Giá và thành khẩn xin Người tha tội, Chúa sẽ tha thứ cho chúng ta.
Lm. Chánh xứ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét