Lời Chúa trong Chúa nhật thứ 2
mùa chay hôm nay rất phong phú và có nhiều ý nghĩa, nhưng tôi xin chia sẻ với
ông bà anh chị em 2 điểm thôi. Điểm thứ
nhất là cho chúng ta biết bản tính và chân dung thật của Chúa Giê-su, và điểm
thứ hai là con đường sứ mệnh của Người, qua đau khổ thì mới tới vinh quang.
Có một câu chuyện về người họa
sĩ nổi tiếng. Một buổi sáng khi mặt trời
vừa lố dạng, ông đi bộ để tìm nguồn cảm hứng sáng tác. Khi đến một khúc quẹo,
ông chợt nhìn thấy một bé trai có khuôn mặt hồn nhiên dễ thương. Ông muốn vẽ lại
khuôn mặt của em và nói với cậu bé muốn vẽ chân dung của em. Cậu bé gật đầu đồng
ý. Sau khi hoàn thành, họa sĩ đặt tên cho bức tranh này là: “Tuổi thơ trong trắng”
và treo trong phòng khách. Mỗi khi gặp
điều gì bực mình, ông nhìn lên bức tranh kia và lập tức lấy lại được sự bình
an. Một số người muốn mua bức tranh với giá cao, nhưng họa sĩ nhất định không
bán.
Hai mươi năm sau, một hôm tình cờ đang đi bộ, họa sĩ nhìn thấy một người ăn xin
ngồi bên vệ đường áo quần bẩn thỉu, có bộ mặt lì lợm nhưng đau buồn! Họa sĩ xin người ăn xin làm người mẫu để ông
vẽ một bức tranh và hứa sẽ tăng cho ông một số tiền. Người ăn xin lập tức đồng ý. Khi vẽ xong, người họa sĩ mời người ăn xin về
nhà mình. Khi vào phòng khách, người ăn
xin nhìn bức tranh “Tuổi thơ trong trắng”
đang treo trên tường, ông liền dừng lại im lặng nhìn vào bức tranh một lúc
lâu. Hai dòng lệ từ từ lăn trên gò má. Người
ăn xin chỉ lên bức tranh và nói với họa sĩ rằng: “Thưa ông, đây chính là khuôn
mặt của tôi hồi còn nhỏ mà tôi nhớ là đã do chính tay ông vẽ. Hôm nay khuôn mặt
của tôi đã biến dạng!”
Sau đó, người ăn xin kể lại cuộc
đời bất hạnh của mình. Lúc còn nhỏ, vì
cha mẹ quá chiều chuộc và bận rộn làm ăn không chú ý đến cho nên ham chơi bỏ học. Lớn lên rơi vào tình trạng nghiện ngập, trộn
cắp phạm pháp và sau đó vào tù. Cha mẹ
li dị, gia đình tan nát. Bây giờ trong
tình trạng bơ vơ ăn xin lại mang thêm bệnh lao phổi thời kỳ thứ ba.
Người họa sĩ rất xúc động khi
nghe tâm sự của một người đã trót phung phí cả tuổi thanh xuân của mình, chỉ biết
khuyên bảo hãy cố gắng ăn ở lương thiện và tặng cho người ăn xin một số tiền. Ít lâu sau, người họa sĩ được tin người ăn xin
đã chết cô đơn hẩm hiu tại một góc phố.
Họa sĩ đã đặt tên bức tranh vẽ
người ăn xin là “Hối tiếc đau buồn” và treo bên cạnh bức tranh “Tuổi thơ trong
trắng.” Ông thường giải thích cho bạn bè
và những ai thắc mắc về hai bức tranh biết hai khuôn mặt trong hai bức tranh
này thực ra chỉ là của một người.
Ông bà anh chị em thân mến. Thiên Chúa không muốn chúng ta sống trong đau
khổ, bất hạnh và vô vọng. Thiên Chúa
cũng không muốn chúng ta chết trong tội lỗi và lầm lạc. Vì yêu thương, Thiên Chúa đã ban cho loài người
chính Con của Người xuống trần đem an bình, vui mừng, hy vọng và ơn cứu độ. Bài Tin mừng hôm nay cho chúng ta biết chân
dung thật của Chúa Giê-su là Con Thiên Chúa, Đấng Cứu Thế và là Thiên Chúa vinh
quang, và kêu gọi chúng ta hãy nghe lời Người dạy bảo. Chúng ta phải xác tín vào Chúa Giê-su là nguồn
ơn cứu chuộc và là sự sống lại của chúng ta.
Chúng ta phải tin Lời Chúa dạy đem lại cho chúng ta bình an và hạnh phúc
đời này và đời sau. Vì thế, trong mùa
chay thánh này, chúng ta phải ăn năn sám hối, chân thành lắng nghe và sống lời
Chúa dạy, cầu xin Chúa phục hồi khuôn mặt và tâm hồn trong trắng đã bị tội lỗi
và bóng tối che phủ đi.
Bài đọc 2 kêu gọi chúng ta hãy
tin vào tình thương vô bờ bến của Chúa, như lời thánh Phaolô khẳng định: “Một
khi Thiên Chúa đã ban Con Một của Người cho chúng ta, thì lẽ nào Thiên Chúa lại
không ban tất cả cho chúng ta?”
Câu truyện Chúa Giê-su hiển
dung là một mầu nhiệm trong 5 mầu nhiệm Sự sáng trong Kinh Mân côi. Trong khi Chúa hiển dung, Tin mừng cho chúng
ta biết có sự chứng kiến của 3 môn đệ Phê-rô, Gia-cô-bê và Gioan. Trong khi Chúa hiển dung, có hai nhân vật nổi
tiếng của thời Cựu ước là Mô-sê và Ê-li-a, hiện diện làm chứng cho các môn đệ
biết: Chúa Giê-su chính là Đấng Mô-sê đã đề cập đến trong sách Luật và các ngôn
sứ đã dọn đường cho Người. Trong lúc
Chúa hiển dung, có tiếng Chúa Cha phán và xác nhận Chúa Giê-su là Con Thiên
Chúa, và truyền cho các môn đệ hãy nghe lời Người, như lời phán tại sông
Gio-đan khi Chúa chịu phép rửa. Chúa hiển
dung nghĩa là thế nào? Có nghĩa là Chúa
thay đổi hình dạng, tỏ lộ chân dung đích thực của Người cho các môn đệ biết Người
là vinh quang của Thiên Chúa, là Thiên Chúa vinh quang. Vì vậy mục đích của sự hiển dung là củng cố
niềm tin của các môn đệ, và khích lệ các ông vững tâm đón nhận biến cố khổ nạn
và phục sinh vinh quang của Người. Và
đây cũng là điểm thứ hai, qua đau khổ thì mới tới vinh quang. Chúa Giê-su đã báo trước cho các môn đệ biết
về cuộc khổ nạn của Người, nhưng các môn đệ không chấp nhận, từ chối không muốn
nghe, vì thế qua sự kiện hiển dung này, Chúa cho các ông biết sau cuộc khổ nạn
đau thương Người sẽ vinh quang như thế nào.
Nói tóm lại là muốn đến vinh quang thì phải trải qua một cuộc biến đổi
trong thử thách đau khổ.
Đây cũng là bài học quan trọng
và cần thiết trong cuộc đời Ki-tô hữu chúng ta.
Chúa đã chọn con đường thập giá để đi đến vinh quang, Chúa cũng muốn mời
gọi chúng ta đi theo con đường Người đã đi như Chúa từng nói: “Ai muốn theo Ta,
hãy từ bỏ mình, vác thập giá mình mà theo Ta.”
Trong cuộc sống Ki-tô hữu, chúng ta sẽ phải đối diện và trải qua thập
giá, những khó khăn, khổ cực và thiệt thòi khi cố gắng sống lời Chúa dạy và sống
đức tin. Hay khi chúng ta phải hy sinh,
bác ái, quảng đại trong việc phục vụ xây dựng Nước Chúa và làm sáng danh Chúa.
Xin cho chúng ta có một niềm xác tín
vào Chúa Giê-su Ki-tô là Con Thiên Chúa, can đảm sống lời Chúa dạy, cũng như
xác tín vào những sự đau khổ vì Chúa, vì đức tin, nhưng việc lành phúc đức, những
sự hy sinh phục vụ, cũng như lòng quảng đại và bác ái chúng ta làm sẽ là những
của lễ làm sáng danh Chúa, và đó cũng là con đường Chúa kêu gọi chúng ta theo
Người.
Lm. Chánh xứ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét