Câu chuyện
của ba nhà đạo sĩ trong bài Tin mừng lễ Chúa hiển linh hôm nay rất phong phú và
có nhiều ý nghĩa. Nhưng có 2 điểm quan
trọng và cần thiết cho đời sống đức tin của chúng ta. Những điểm này được thánh Mát-thêu lập đi lập
lại nhiều lần trong Tin mừng của ngài.
Điểm quan trọng thứ nhất là Thiên Chúa muốn mọi người được cứu rỗi hay ơn cứu độ được ban phát cho mọi người. Người Do thái, là dân được Thiên Chúa thương chọn làm dân riêng, tin rằng dân tộc họ độc quyền chiếm giữ ơn cứu độ. Không có dân tộc hay người nào được hưởng ơn cứu độ. Nhưng Ba đạo sĩ là những người đại diện cho mọi người được Thiên Chúa kêu gọi nhận biết Ngài qua Chúa Giê-su. Tin mừng thánh Mát-thêu cho chúng ta thấy điểm quan trọng này được nhắc đến khi Chúa Giê-su không từ chối chữa lành đứa con của viên đại đội trưởng của dân ngoại. Chính Chúa còn xác nhận và ngưỡng mộ lòng tin của ông: “Ta cũng nói cho các ngươi biết rằng: nhiều người từ phương Đông và phương Tây sẽ đến dự tiệc cùng Abraham, Isaac và Giacóp trong Nước Trời. Còn con cái trong nước sẽ bị vứt vào nơi tối tăm bên ngoài, ở đó sẽ phải khóc lóc nghiến răng.” (Mt. 8, 8-17) Có nghĩa là Chúa ban phát lòng nhân từ và ơn sủng cho cả dân ngoại. Trong một đoạn Tin mừng khác, Chúa cũng đã cứu đứa con gái của người đàn bà xứ Ca-na-an ngoại đạo vì đức tin mạnh mẽ và khiêm tốn của bà. (Mt. 15, 21-28). Ơn cứu độ được ban cho muôn người được minh chứng rõ ràng trong đoạn Tin mừng nói về thời điểm trước Chúa về trời, Người nói với các môn đệ: “Vậy các con hãy đi giảng dạy muôn dân, làm phép rửa cho họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần, giảng dạy họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền dạy các con.” (Mt. 28, 19)
Cuộc
thăm viếng và gặp gỡ Hài Nhi Giê-su của ba nhà đạo sĩ cho chúng ta biết Thiên
Chúa đã mở cánh cửa ơn cứu độ cho muôn người, nhưng điểm quan trọng đặc biệt thứ
hai là: không phải tất cả mọi người được cứu rỗi, được vào Nước Thiên Chúa. Câu trả lời là phải có niềm xác tín vào
Chúa. Vậy xác tín vào Chúa là như thế
nào? Cuộc hành trình của ba nhà đạo sĩ
giúp chúng ta biết những đặc tính của lòng xác tín.
Nếu muốn
có một niềm xác tín, thì thứ nhất, phải có lòng khao khát và tìm kiếm. Thời Chúa Giê-su giáng sinh, mọi người xa gần
đều lãnh đạm, thờ ơ, chỉ mải miết với công việc của mình, trong khi đó các đạo
sĩ có lòng khao khát và chờ đợi Đấng Cứu Thế.
Chúng ta thấy thái độ của các đạo sĩ trái ngược hẳn với thái độ của
Hê-rô-đê. Ông mải mê theo đuổi sự giàu
sang và quyền lực. Đấng Cứu Thế sinh ra ở
nơi không xa với nơi ông ở, nhưng ông chẳng hay biết gì. Kinh thánh đã tiên bào về Đấng Cứu Thế, nhưng
ông thờ ơ, lạnh nhạt với Lời Chúa. Thế
nên bài học quí giá là không khao khát thì không bao giờ được đáp ứng, không
tìm thì không bao giờ thấy.
Đặc tính
Thứ hai của lòng xác tín là phải lên đường thực hiện cuộc tìm kiếm. Chúng ta thấy khao khát chưa đủ. Khao khát mà ngồi yên để chờ thì không phải
là khao khát thật. Muốn đến nhà thờ để thờ phượng Chúa, mà cứ ngồi nhà ao ước
thì không phải là khao khát. Các đạo sĩ không
thụ động, ngồi chờ Chúa đến. Thấy ánh
sao lạ, họ quyết tâm lên đường ngay để thực hiện cuộc tìm kiếm. Trái lại, chúng ta thấy các giáo trưởng và luật
sĩ đọc, nghiên cứu và suy niệm Kinh thánh, và được Chúa mặc khải cho thời điểm
ngày giờ và nơi Đấng Cứu Thế sẽ sinh ra, nhưng họ đâu lên đường tìm kiếm. Như vậy, đức tin không phải là một tư tưởng,
mơ ước, nhận thức suông, mà là hành động, là thực hiện.
Đặc tính
thứ ba của lòng xác tín là khi gặp gian nan, thử thách không bỏ cuộc, không nản
chí. Chúng ta thấy trong suốt hành trình các đạo sĩ đã gặp không biết bao nhiêu
khó khăn, trở ngại và nguy hiểm. Nhưng
thử thách lớn nhất đối với họ là khi ngôi sao dẫn đường biến mất. Dầu vậy, họ đã không nản lòng, cứ kiên nhẫn
tiếp tục lên đường, và lòng kiên trì đã đưa họ tới đích. Như vậy lòng xác tín đòi hỏi sự trung kiên, sự
kiên trì, cương quyết.
Đặc tính
thứ tư của lòng xác tín là nhận ra Chúa qua tấm màn che lấp Người. Các đạo sĩ cứ nghĩ rằng ngôi sao sẽ dẫn họ tới
cung điện vua chúa nguy nga đồ sộ, hay tới khu nhà giàu sang, nhưng lại dẫn họ
tới máng cỏ nghèo nàn nơi đồng cỏ vắng vẻ.
Và khi tới bên máng cỏ, các đạo sĩ chỉ thấy một trẻ sơ sinh nghèo khó quấn
trong khăn. Họ tưởng sẽ gặp được một vị
hoàng tử nằm trên giường vàng nệm bạc, nhưng chỉ thấy một hài nhi nằm trong
máng cỏ trong một hang bò lừa cô đơn giá rét mùa đông. Họ tưởng sẽ gặp một ông hoàng bà chúa bên cạnh
hoàng tử mới sinh ra, như chỉ thấy hai ông bà Maria và Giuse nhà quê trong hoàn
cảnh đơn sơ, bơ vơ và nghèo khó. Nhưng họ
đã được Thánh Thần soi sáng nên đã nhận ra đó chính là Con Thiên Chúa, và đã
quì xuống thờ lạy, rồi sau đó quảng đại dâng cho Người những lễ vật quí báu cho
các bậc vua chúa. Đây chính là thực chất của lòng xác tín. Tin không phải là nhìn thấy bằng con mắt thể
xác, như bằng đôi mắt tâm hồn.
Và đặc
tính cuối cùng phải có là cuộc sống mới.
Sau khi ở Be-lem về các đạo sĩ đã sống một cuộc đời mới. Cuộc đời họ đã chuyển sang một hướng
khác. Cuộc gặp gỡ Hài nhi Giê-su ở
Be-lem đã đánh dấu một cuộc chuyển hướng vừa bất ngờ vừa cương quyết trong cuộc
đời của họ. Nếu không có cuộc đổi đời theo sau cuộc gặp gỡ với Chúa, thì tin chỉ
là một thái độ hờ hững bên ngoài, chứ không phải là một niềm xác tín đưa tới
phó thác và dấn thân. Những đặc tính trên không thể thiếu nơi người có và sống
đức tin, nơi người Ki-tô hữu đích thực.
Câu truyện
Ba đạo sĩ đi tìm và gặp được Hài Nhi Giê-su cho chúng ta những điểm quan trọng
cho đời sống Ki-tô hữu. Thật vậy, ơn cứu
độ và Nước Thiên Chúa được ban cho mọi người, nhưng không phải tất cả mọi người
đều được cứu rỗi. Chỉ những ai có lòng
xác tín, sống đức tin, thì mới được cứu độ và hưởng hạnh phúc Nước Trời. Chúng ta sẽ gặp và rước Chúa vào trong tâm hồn,
xin Chúa biến đổi chúng ta, biết từ bỏ con đường cũ, có cuộc sống mới, tốt lành
hơn, đạo đức hơn, quảng đại hơn, và có đời sống đức tin sống động hơn. Xin Chúa
ban cho mọi người chúng ta một niềm xác tín vào Người.
Lm. Chánh xứ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét