Ông bà anh chị em thân mến. Trong
bài Tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu dùng dụ ngôn tiệc cưới để ám chỉ Nước Trời. Và qua dụ ngôn này, Chúa cũng muốn cho chúng
ta biết tình yêu thương cao cả của Thiên Chúa, và dạy chúng ta hãy thành tâm tiếp
nhận lời mời của Chúa.
Chúng ta biết dụ ngôn thường có ít
nhất 3 lớp ý nghĩa. Dụ ngôn tiệc cưới
trong bài Tin mừng hôm nay cũng vậy. Lớp
nghĩa thứ nhất là nghĩa đen. Đơn giản là
câu chuyện Chúa kể. Một vị vua mở tiệc
cưới cho hoàng tử. Khi những người khách
được mời không đến dự, vị vua đã sai đầy tớ ra ngoài đường mời tất cả mọi
người, không trừ một ai.
Lớp nghĩa thứ 2 của dụ ngôn còn được
gọi là nghĩa bóng, đó là Chúa Giêsu muốn dạy điều gì cho con người nhân loại.
Thí dụ hình ảnh tiệc cưới để ám chỉ điều gì?
Vị vua biểu hiệu cho ai? Ai là
những khách được mời mà không đến? Ai là
những khách thay thế họ? Chúng ta biết
tiệc cưới ám chỉ Nước Trời. Vị vua ám chỉ Thiên Chúa. Hoàng tử là Chúa Giê-su. Những khách được mời là “Dân riêng” hay dân
Do thái, được Thiên Chúa chọn. Khách thay thế là những người tội lỗi và ngoại
giáo thời đó. Bài học mà Chúa Giêsu muốn
dạy là: Nước Trời được mở ra cho mọi người, không phải chỉ cho Dân riêng mà
thôi.
Đến đây chúng ta chú ý đến lớp nghĩa
thứ ba của dụ ngôn, và đó cũng là bài học quan trọng có tính cách cá nhân và
thực tế cho mỗi một người chúng ta đang sống trong thế giới và xã hội hôm
nay. Hay nói một cách khác, chúng ta
phải áp dụng bài dụ ngôn này vào đời sống Ki-tô hữu của chúng ta hôm nay như
thế nào?
Tôi phải thú nhận, khi đọc bài dụ
ngôn này tôi rất ngỡ ngàng trước tình yêu cao cả của Thiên Chúa. Thiên Chúa là vị vua cao sang, quyền quí, cho
nên, những khách được mời dự tiệc cưới của hoàng tử thì chắc chắn phải là những
người trong hoàng tộc, những người giàu sang, quyền quí hay có danh vọng. Còn chúng ta chỉ là những người dân không
những hèn hạ, đầu đường xó chợ, mà còn què quặt, đui mù và hôi hám nữa, thế mà
Chúa lại mời chúng ta. Chúa có được lợi
gì đâu khi mời chúng ta. Chúng ta có gì
để đền đáp lại cho chủ nhân.
Chúng ta thấy ngày nay, khi đi dự
đám cưới thì phải mang theo một phong bì tiền tương xứng và trội hơn phần ăn
cho chủ mời, để tỏ tình thân hữu. Chúng
ta chẳng có gì để đền đáp đủ lại cho Chúa và cũng chẳng đem lại vinh dự gì cho
Chúa, mà Chúa lại mời chúng ta. Rõ ràng là do tình yêu cao quí của Chúa, và đó
cũng là tình yêu nhưng không. Vì tình yêu, Chúa muốn nâng loài người hèn mọn
chúng ta lên bậc thượng khách đồng bàn cùng với các thánh và thiên thần. Chúa
muốn chia sẻ niềm vui mừng và hạnh phúc Nước Trời với chúng ta khi sai Con
Thiên Chúa xuống trần mặc lấy bản tính loài người chúng ta. Chẳng có gì có thể
giải thích được thái độ và hành động của Thiên Chúa. Chúng ta không thể nào hiểu thấu được thánh ý
Chúa. Tất cả chỉ vì tình yêu vô cùng cao
quí và hoàn toàn vô vị lợi, nhưng không của Chúa.
Đến đây chúng ta trở về câu hỏi,
chúng ta phải áp dụng ý nghĩa dụ ngôn vào đời sống Ki-tô hữu như thế nào? Hay áo cưới ám chỉ điều gì? Thứ nhất, chúng ta là những người khách thay
thế được Thiên Chúa mời vào dự tiệc cưới Nước Trời, ngồi đồng bàn với các thiên
thần, các thánh, với Đức Maria và Chúa Giêsu. Nhưng Chúa muốn chúng ta hiểu rõ là
nếu chúng ta muốn dự tiệc cưới thì phải mặc áo cưới, đó là phải sống đời sống
Ki-tô chính đáng. Phải sống đúng với
nhân phẩm của 1 Ki-tô hữu chân chính.
Phải thay đổi cuộc sống, cởi bỏ chiếc áo bẩn thỉu tội lỗi và xấu xa của
xã hội, để sống theo thánh ý Chúa, không phải theo ý chúng ta. Chúng ta phải mặc cho mình một chiếc áo cưới
là chính Chúa Giê-su Ki-tô, bằng cách sống lời Chúa dạy để trở nên đồng hình
đồng dạng với Người.
Chúng ta còn tìm được ý nghĩa của
chiếc áo cưới trong dụ ngôn Ngày Tận Thế mà tất cả chúng ta đều quen thuộc.
Trong ngày tận thế phán xét chung, tất cả mọi người nhân loại được chia làm hai
nhóm bên hữu và bên tả trước mặt đức vua là Thiên Chúa. Đức vua nói với những
người đứng bên hữu: “Hãy đến hỡi những kẻ được Cha Ta chúc phúc, hãy lãnh lấy
phần gia nghiệp Nước Trời đã chuẩn bị cho các ngươi, vì xưa Ta đói các ngươi đã
cho ăn, Ta khát các ngươi đã cho uống, Ta mình trần các ngươi đã cho mặc, Ta
không chỗ ở, các người đã cho ở, Ta đau yếu các ngươi đã thăm viếng, Ta bị tù
đày các ngươi đã thăm viếng.” Và đức vua
nói với những người bên tả: “Hỡi phường bị chúc dữ, hãy lui khỏi mặt Ta mà vào
lửa muôn đời đã đốt sẵn cho ma quỉ. Vì
xưa Ta đói, các người không cho ăn, Ta khát, các người không cho uống, ta khách
lạ, các người chẳng tiếp rước, Ta mình trần, các người không cho đồ mặc, Ta đau
yếu và ở tù, các người đâu có viếng thăm Ta.” Như vậy chúng ta thấy áo cưới ám chỉ những
việc bác ái, yêu thương đối với tha nhân, nhất là đối với những người nghèo khổ
và sống trong sự khó khăn. Hay nói một cách khác, chúng ta phải sống yêu
thương, bác ái, biết hy sinh phục vụ, và có lòng quảng đại để trở nên đồng hình
đồng dạng với Chúa Giê-su Ki-tô, trở thành những chứng nhân cho Chúa, làm sáng
danh Chúa và xây dựng Nước Chúa trần gian.
Hôm nay, chúng ta được Chúa mời đến dự
bàn tiệc Thánh Thể trong ngôi thánh đường này. Và trong giây phút nữa chúng ta
sẽ lãnh nhận chính Chúa Giêsu Thánh Thể vào trong tâm hồn. Xin Chúa giúp chúng
ta can đảm lột bỏ chiếc áo nhơ bẩn tội lỗi, tánh hư nết xấu, để can đảm sống
thánh ý Chúa dạy, mặc vào một chiếc áo cưới Chúa đòi hỏi. Và ngày nào đó khi đứng trước mặt Đức Vua,
chúng ta được nghe Người nói: “Hãy vào hưởng bàn tiệc Nước Trời đã dành sẵn cho
ngươi.”
Lm. Chánh xứ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét