Ông bà anh chị em thân mến. Các Giám mục trong Hội đồng giám mục Hoa kỳ
thường, ngợi khen và tỏ lòng khâm phục sự đoàn kết, hiệp nhất, đời sống gia
đình và đức tin, cũng như những sự đóng góp tinh thần của người Công giáo Việt
Nam trong những cộng đồng, giáo xứ cho Giáo hội Hoa kỳ.
Cách đây mấy năm, Hội
đồng Giám mục Hoa kỳ đã cử một phái
đoàn sang Việt Nam để học hỏi phong tục tập quán, và nhất tìm hiểu đời sống đức
tin của người Công giáo. Sau khi trở về,
một linh mục Hoa kỳ đã làm tờ báo cáo tường trình tình hình Giáo hội và đời
sống đức tin của giáo dân Việt Nam bằng 3 câu ngắn gọn như sau: “trẻ trung”, “sinh
động” và “nhiệt tâm”, điển hình là một giáo xứ vùng Cao nguyên.
Vị linh mục này nói rằng biểu tượng của
giáo xứ quê nghèo này là tháp chuông to và cao để báo cho mọi người giáo dân
sống trong làng biết giờ lễ. Khoảng 20
phút trước Thánh lễ, một người trong ban hành giáo đến giật chuông. Vì cái chuông đã cũ cho nên tiếng chuông
không được thánh thoát lắm nhưng làm được việc.
Trong vòng 15 phút hàng trăm người tuôn đến tham dự Thánh lễ.
Một dấu hiệu đức tin lớn mạnh của người
Công giáo Việt Nam là số nam nữ tu sĩ tại các dòng, và các chủng sinh theo ơn
gọi làm linh mục tại các đại chủng viện rất đông. Một đại chủng viện có hơn 5 trăm chủng sinh trẻ
đang tu học.
Một tuần trước khi linh mục Hoa kỳ trở về
nước, tại một giáo phận nhỏ trên vùng Cao nguyên, Đức giám mục địa phận đã
truyền chức linh mục cho 11 thày đại chủng sinh. 3 tân linh mục trong số này được gởi sang Hoa
kỳ để tiếp tục học ngành Thần học, và 1 tân linh mục cũng được gởi sang Hoa kỳ
để làm mục vụ vì trước đó đã theo học ở đây.
Và sự kiện này là bằng chứng sống động của Giáo hội Việt Nam trong một
giai đoạn mới, gởi các nhà truyền giáo ra nước ngoài.
Một minh họa về sự sống động của Giáo hội
tại Việt Nam mà linh mục Hoa kỳ chứng kiến trong ngày lễ kính Mình Máu Chúa
Ki-tô tại một giáo xứ. Linh mục này viết
rằng: “Trong ngày lễ kính Mình Máu Chúa Ki-tô, giáo xứ đã có một cuộc tuần hành
cung nghinh Thánh Thể long trọng và Chúa đã gởi đến một cơn mưa to. Trong con đường khoảng hơn một cây số, đoàn
người tuần hành vừa đi vừa lần hạt và vừa hát trong tiếng trống kèn vang những
bài hát kính Thánh Thể. Quần áo của mọi
người đều ướt sũng nhưng thật khâm phục không một ai bỏ hàng ngũ để tránh mưa
và coi như không có chuyện gì xảy ra.” Linh mục Hoa kỳ này thú nhận trong tờ tường
trình rằng chưa bao giờ được chứng kiến hình ảnh lạ lùng này bằng chính con mắt
của mình ở bất cứ nơi đâu.
Ông bà anh chị em thân mến. Là những người Việt Nam Công giáo sống ở hải
ngoại, hay bất cứ người Công giáo nào sống ở đâu, chúng ta cần được nghe nhiều
bản báo cáo như vậy để chúng ta biết được sự lớn mạnh của Giáo hội, biết được
đời sống đức tin sống động của người Công giáo tại quê hương, và biết được lòng
kính thờ và mến yêu, cũng như biết được ý nghĩa của mầu nhiệm Thánh Thể như thế
nào trong đời sống của người Việt quê nhà.
Những bản báo cáo này không những đánh động vào tâm hồn người Công giáo
Việt Nam chúng ta sống tại Hoa kỳ và tại thành phố Tulsa này, mà còn thách đố
chúng ta tự hỏi: “Bí tích Thánh Thể có ý nghĩa gì với tôi?” “Bí tích Thánh Thể
có ảnh hưởng gì trong đời sống đức tin của tôi không?” “Tôi có lòng yêu mến và
tôn kính Bí tích Thánh Thể chân thành không?”
Chúng ta nhận biết vì bị lôi cuốn vào đời
sống vật chất, tiền bạc, hay vì quá bận rộn với công ăn việc làm, và nhiều khi
vì sự lười biếng, cho nên có người dần dần thờ ơ, đánh mất sự tôn kính và tri
ân cũng như lòng nhiệt tâm đối với Bí tích Thánh Thể, một hồng ân, một món quà
cao quí của Chúa ban. Có người đã đánh
mất niềm tin, và có người khinh thường hay từ khước tình thần hiệp nhất của người
Công giáo Việt Nam.
Những bài Tin Mừng cho chúng ta biết chính
Chúa Giêsu đã lập Bí Tích Thánh Thể vào chiều Thứ Năm Tuần Thánh trong bữa tiệc
ly. Chúa Giêsu đã ban và để lại cho các môn đệ và cho nhân loại một hồng ân,
một món quà cao quí. Tin mừng thánh Mác-cô diễn tả sự kiện này như sau: “Đang
khi ăn, Chúa Giêsu cầm lấy bánh, đọc lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho các môn
đệ và phán: ‘Các con hãy cầm lấy mà ăn, đây là Mình Thầy. Rồi Người cầm lấy
chén, tạ ơn và trao cho các ông và nói: ‘Đây là Máu Ta, sẽ đổ ra cho nhiều người.
Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Ta.’’’ Qua lời tuyên bố này, Chúa Giêsu đã
thiết lập Bí tích Thánh Thể để ở lại với chúng ta cho đến ngày tận thế. Bánh và rượu đã trở nên chính Mình và Máu Thánh
Chúa.
Đối với mọi Kitô hữu thời Giáo hội sơ khai,
họ đã có một niềm xác tín vào Lời Chúa phán.
Sự việc này xảy ra như thế nào đối với họ không thành vấn đề, vì đây
không những là một sự việc thuộc về đức tin, mà còn phát xuất từ sự cảm nghiệm
sâu xa về tình yêu thương hiệp nhất như những chi thể trong Thân Thể Chúa Kitô.
Bởi vậy cho nên chúng ta nghe thánh Phaolô nói: “Anh chị em thân mến. Chén chúc
tụng mà chúng ta cầm lên chúc tụng Chúa, chẳng phải là sự thông hiệp với Máu
Chúa Kitô sao? Tấm bánh mà chúng ta bẻ ra, chẳng phải là thông phần vào Mình Chúa
đó sao? Vì chỉ có một tấm bánh, nên
chúng ta tuy nhiều người, chúng ta cũng chỉ là một thân thể, vì hết thảy chúng
ta thông phần cùng một tấm bánh.”
Thánh Phao-lô còn khẳng định và cho chúng
ta biết Thánh Thể chính là mối dây tuyệt hảo của sự hiệp nhất. Và khi chúng ta hiệp thông với Mình và Máu
Chúa Kitô, có nghĩa là khi chúng ta cùng ăn một bánh và cùng uống một chén, thì
chúng ta cũng phải thể hiện sự hiệp thông ấy ra trong đời sống cộng đoàn bằng
tinh thần hiệp nhất, yêu thương, và lòng quảng đại. Cũng như chỉ có một tấm
bánh, chúng ta tuy nhiều người nhưng cũng chỉ là một thân thể hiệp nhất.
Ông bà anh chị em thân mến. Là những người Công giáo Việt Nam tại thành
phố Tulsa này, chúng ta hãnh diện về đức tin sống động và lòng yêu mến Thánh
Thể Chúa của cha ông để lại. Xin Chúa
giúp chúng ta luôn xác tín vào sự hiện diện của Chúa Giê-su trong Bí tích Thánh
Thể, kết hợp mọi người chúng ta lại trong tình yêu thương để chúng ta thể hiện
tinh thần đoàn kết hiệp nhất và sống đức tin làm sáng danh Chúa.
Lm. Chánh xứ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét