Tháng Hoa lại về, lại thêm một lần con tim dao động trước những lời kinh tiếng hát ngợi khen Mẹ Diễm Phúc (“ĐK. Đây
tháng hoa, chúng con trung thành thật thà. Dâng tiến hoa lòng mến dâng
lời cung chúc. Hương sắc bay tỏa ngát nhan Mẹ diễm phúc. Muôn tháng qua
lòng mến yêu Mẹ không nhòa. TK. Đây muôn hoa đẹp còn tươi thắm
xinh vô ngần. Đây muôn tâm hồn bay theo lời ca tiến dâng. Ôi Maria, Mẹ
tung xuống muôn hoa trời. Để đời chúng con đẹp vui, nhớ quê xa vời.” –
TCCĐ “Đây tháng hoa” – Duy Tân), cùng những đoá hoa muôn màu
tươi thắm toả ngát hương lòng dâng lên Mẹ Ngàn Hoa (“Hoa muôn sắc con
dâng trước toà, màu tươi thằm hương ngát tốt xinh. Hoa muôn sắc con dâng
trước toà, còn thua kém nhan Mẹ Chúa Thiên Đình.” – TCCĐ “Hoa Muôn
Sắc”).
Trong kinh cầu Đức Bà, có câu ví: “Đức Bà như hoa hường mầu nhiệm
vậy”. Ví Mẹ như một bông hoa hồng là thưòng tình, nhưng ở đây là bông
Hoa-hồng-mầu-nhiệm, thì quả là xứng hợp. Mẹ Maria là kết tinh những đức
tính dịu hiền, khiêm nhường, quảng đại và bao dung, luôn tin tưởng và
phó thác cuộc đời cho sự quan phòng của Thiên Chúa, đặc biệt nhất là Mẹ
đã dâng trót xác hồn đáp lại lời mời gọi cộng tác vào chương trình mà
Thiên Chúa đã hoạch định, ngõ hầu đem lại cho nhân loại nguồn ơn cứu độ
và hạnh phúc Nước Trời. Quả thật Mẹ chính là bông Hoa-hồng-mầu-nhiệm mà
Thiên Chúa đã mặc định từ trước vô cùng.
Phụng vụ Mùa Hoa tưng bừng nhộn nhịp với nhiều thể loại phong phú:
Kiệu hoa và Dâng hoa tuỳ mỗi tập quán mỗi đặc trưng văn hoá địa phương.
Những bài ca dâng Mẹ ngân nga khắp nơi:
KHAI HOA
Lạy ơn Đức Mẹ Chúa Giê-su,
Chúng con trông cậy cùng kêu van Bà.
Xin hằng bầu cử trước toà,
Tỏ ra lòng Mẹ rất là yêu con.
Trong nơi khổ ải chon von,
Cách xa mặt Mẹ hãy còn lầm than.
Chúa Con xưa xuống thế gian,
Chẳng từ bỏ kẻ gian ngoan tội tình.
Lại cam chịu khổ chịu hình,
Vì loài người thế liều mình đền xong.
Mẹ thương cũng hợp một lòng,
Vâng theo ý Chúa thông công như vầy…
(nguồn: Thanhlinh.net)
Nói tới hoa là nghĩ về một kỳ công của Thiên Chúa. Hoa muôn màu muôn
sắc, hoa tươi xinh, hoa thơm ngào ngạt. Hoa tô thắm vũ trụ nên xinh
tươi. Hoa mời gọi ong bướm đến hút mật. Hoa khoe sắc thắm, nhoẻn cười
với con người. Lời của hoa thật dịu huyền giữa thiên nhiên. Hoa hòa vào
lòng người dâng lời cảm tạ Thiên Chúa.
Nếu hiểu Thánh Kinh là Lời Chúa (“Thánh Au-gus-ti-nô đã minh xác về
điều này như sau: ‘Hãy nhớ rằng Thiên Chúa chỉ nói một lời; lời ấy đã
diễn biến trong toàn bộ Thánh Kinh, và lời duy nhất đó đã vang dội trên
môi miệng mọi tác giả thánh.” – T/H Lời Chúa, số 12), mà Lời Chúa là Tin
Mừng, thì ngay từ khởi thuỷ của lịch sử loài người đã có một “Tin Mừng
Tiên Khởi” (Protoevangelium) nói về Mẹ Maria: Khi người mẹ đầu tiên
(Eva) nghe lời cám dỗ của ma quỷ, bị tội lỗi thống trị, thì Thiên Chúa
đã phán với con rắn xảo quyệt là kẻ đã cám dỗ người nữ (Eva): “Ta sẽ làm
cho các ngươi thù nghịch nhau; mi và người nữ, dòng dõi mi và miêu duệ
người nữ. Miêu duệ người nữ sẽ đạp nát đầu mi và mi sẽ cắn gót chân
người đó.” (St 3, 15).
Miêu duệ người nữ ấy chính là người được đón nhận lời hứa của Thiên
Chúa: “Vì vậy, chính Chúa Thượng sẽ ban cho các ngươi một dấu: Này đây
người thiếu nữ mang thai, sinh hạ con trai, và đặt tên là Emmanuel.” (Is
7, 14). Người nữ ấy, nhờ lòng tin đã vâng phục tuyệt đối Thánh ý của
Thiên Chúa Cha, nên “Ngài đã sinh chính Con Chúa Cha nơi trần gian, mà
không hề biết đến người nam, nhưng được Chúa Thánh Thần bao phủ. Như một
Eva mới, Ngài đã đặt niềm tin vào sứ giả của Thiên Chúa, chứ không đặt
vào con rắn xưa, một niềm tin không bị một nghi ngờ nào làm phai nhạt.
Nhưng Người Con mà Ngài đã sinh ra, Thiên Chúa đã đặt làm Trưởng Tử
trong nhiều anh em (Rm 8, 29), nghĩa là các tín hữu, mà Ngài cộng tác
vào việc sinh hạ và giáo dục với tình thương của một người mẹ.” (Hc
“Lumen Gentium”, số 63).
Vì Tình Yêu, Thiên Chúa dựng nên loài người nên Người rất cần
sự cộng tác của con người trong mọi công trình Người thực hiện cho nhân
loại. Ngay từ nữ nguyên tổ Eva, vì được tự do nên thay vì cộng tác với
Thiên Chúa để “sinh sôi nảy nở cho đầy mặt đất và thống trị mặt đất”,
thì lại nghe lời xúi giục của ma quỷ mà cộng tác với tội lỗi và sự chết.
Kể từ lúc đó, Thiên Chúa đã tiền định một người nữ – một Eva Mới (Đức
Maria) sẵn sàng xin vâng để cộng tác mật thiết với Nguời trong chương
trình cứu độ loài người. Đúng như Hiến chế Tín Lý về Giáo Hội “Lumen
Gentium” (số 56) đã khẳng định: “Chúa Cha rất nhân từ đã muốn
sự ưng thuận của người mẹ được tiền định trước khi Chúa Con nhập thể, để
như một người nữ đã hợp tác cho sự chết, thì cũng một người nữ hợp tác
cho sự sống. Ðiều đó đặc biệt thích hợp với Mẹ Chúa Giê-su, vì Ngài đem
đến cho thế giới chính Nguồn Sống cải tạo mọi sự, và đã được Chúa ban
cho nhiều ơn cân xứng với sứ mệnh cao cả như thế.”
Câu chuyện “Truyền Tin” trong Tin Mừng đưa tín hữu đến trọng tâm của
vấn đề. Ngôi Lời mà Mẹ đón nhận vào cuộc đời Mẹ qua tiếng “xin vâng”
không những chỉ thành nhục thể trong lòng Mẹ, mà còn hình thành và tăng
trưởng trong đời sống của Mẹ một Lời Hằng Sống. Vì thế, Mẹ trở thành một
Kitô-hữu-môn-đệ đầu tiên. Đến câu chuyện “Thăm Viếng”, Người Ki-tô hữu
môn đệ đầu tiên này đã trở thành người Kitô-hữu-truyền-giáo đầu tiên,
vội vã ra đi chia sẻ Tin Mừng của Thiên Chúa với người chị họ. Chính
người chị họ Ê-li-da-bet công bố rằng Đức Maria đã được chúc phúc bội
phần vì đặc ân của Mẹ là được làm Mẹ Thiên Chúa (Lc 1, 42-43), và đức
tin của Mẹ vào Lời mà Thiên Chúa đã phán hứa (Lc 1,45). Khi đáp lời bằng
bài ca “Ngợi khen” (Magnificat), Mẹ đã chứng tỏ rằng Mẹ không những chỉ
là người Ki-tô hữu môn đệ và nhà truyền giáo đầu tiên, mà cũng là người
Kitô-hữu-Giáo-Lý-viên đầu tiên. Kinh Magnificat là một bài Giáo lý
gương mẫu, gợi lên câu chuyện Xuất Hành trong việc công bố “những kỳ
công mới” mà Đấng Toàn Năng đã làm, trong Mẹ và qua Con Mẹ, để cứu độ
Dân Thiên Chúa. Kinh Magnificat là một bài ca ngợi, một kinh nguyện, một
lời rao giảng, đồng thời cũng là một lời xác quyết đầy tin tưởng vào
công lý, chúc tụng Thiên Chúa vì đã nâng người hèn mọn lên và cho những
người đói khó được dư đầy phúc lộc (Lc 1, 52-53).
Và cũng từ tấm lòng vâng phục trung kiên ấy, Mẹ đã một lần nữa được
Thiên Chúa – qua miệng của Đức Giê-su Con Thiên Chúa và cũng là Con của
Mẹ – khẳng định Mẹ là Mẹ Thiên Chúa và là Mẹ Giáo Hội (bao gồm tất cả
dân Thiên Chúa). Đó chính là mầu nhiệm phó thác dưới chân thập tự (“Khi
thấy thân mẫu và môn đệ mình thương mến đứng bên cạnh, Đức Giê-su nói
với thân mẫu rằng: ‘Thưa Bà, đây là con của Bà’, rồi Người nói với môn
đệ: ‘Đây là mẹ của anh’. Kể từ giờ đó, người môn đệ rước bà về nhà
mình.” – Ga 19, 26-27). Chính Đức Giê-su Thiên Chúa – Trưởng Tử của Mẹ –
đã phó thác các môn đệ của Người (qua thánh Gio-an) được làm con của
Mẹ, mà người đứng đầu trong đám môn đệ ấy đã được truyền dạy: “anh là
Phê-rô, nghĩa là Tảng Đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của
Thầy” (Mt 16, 18). Như vậy, Giáo hội là thân mình, là các chi thể của
Đầu là Đức Giê-su Ki-tô, tất cả đều là con của Mẹ ("Ngài thật là Mẹ các
chi thể (của Chúa Ki-tô)... vì đã cộng tác trong đức ái để sinh ra các
tín hữu trong Giáo Hội là những chi thể của Ðầu ấy" – Hiến chế Tín lý về
Giáo Hội “Lumen Gentium”, số 53).
Vì được Thiên Chúa chọn làm người cưu mang, sinh hạ và dưỡng dục Đấng
Cứu Thế từ trước vô cùng, nên Mẹ đã được hưởng hồng ân Vô Nhiễm Nguyên
Tội, hồng ân Trinh Nữ. Mẹ được tuyển chọn, nên Mẹ là dân Thiên Chúa từ
trước khi Mẹ được sinh ra, nhưng Mẹ lại được cưu mang chính Con Một
Thiên Chúa và trong hành trình rao giảng Tin Mừng, Mẹ luôn sát cánh cùng
Trưởng Tử Giê-su để hướng dẫn, dạy dỗ các môn đệ, các tín hữu, cho nên
chính nơi Mẹ đã là dấu chỉ Dân Thiên Chúa. Mẹ là dân Thiên Chúa, dân
Thiên Chúa ở trong Mẹ; cũng vậy, Mẹ là Giáo hội, Giáo hội ở trong Mẹ, Mẹ
là Mẹ Giáo hội, Mẹ và Giáo hội là một thực thể bất biến, cùng đồng
hành, cùng tiến bước trên hành trình Cứu Độ của Trưởng Tử Giê-su – con
Thiên Chúa, Đầu của Giáo hội (“Ngày nay Mẹ Chúa Giê-su đã được vinh hiển
hồn xác trên trời, là hình ảnh và khởi thủy của Giáo hội sẽ hoàn thành
đời sau; cũng thế, dưới đất này, cho tới ngày Chúa đến (2Pr 3, 10), Ngài
chiếu sáng như dấu chỉ lòng cậy trông vững vàng và niềm an ủi cho dân
Chúa đang lữ hành.” – Hc “Lumen Gentium”, số 68).
Chính vì thế, “Tất cả mọi Ki-tô hữu hãy thiết tha khẩn nguyện Mẹ
Thiên Chúa cũng là Mẹ loài người, để như Ngài đã trợ giúp Giáo hội sơ
khai bằng lời cầu nguyện của mình, thì ngày nay được tôn vinh vượt trên
các Thần Thánh trên trời, Ngài cũng cầu bầu cùng Con Ngài trong sự hiệp
thông toàn thể các Thánh cho tới khi mọi gia đình dân tộc hoặc đã mang
danh hiệu Ki-tô hữu, hoặc chưa biết Ðấng Cứu Chuộc mình, đều hân hoan
đoàn tụ trong an bình và hòa thuận, hợp thành một dân Thiên Chúa duy
nhất, hầu vinh danh Ba Ngôi Thiên Chúa rất thánh và không phân chia.” –
Hc “Lumen Gentium”, số 69).
Ôi! Lạy Mẹ! Năm nào cũng vậy, cứ đến tháng hoa kính Mẹ, lòng con lại
hồi hộp nao nức chỉ muốn được đích thân hái những bông hoa tươi thắm
dâng lên Mẹ, nhưng ở nơi con sống hiện nay không có hoa ngàn cỏ nội, con
chỉ còn biết dâng lên Mẹ những vần thơ, những đoá hoa lòng, với một ao
ước thiết tha “Nhờ Mẹ, con đến với Chúa” (Ad Jesum per Mariam):
HOA LÒNG DÂNG MẸ
Con ao ước sống lại thời thơ ấu,
Tháng hoa về con nao nức hân hoan,
Chạy tung tăng trên cỏ nội hoa ngàn,
Hái những đoá hoa tươi về dâng Mẹ.
Ôi! Lạy Mẹ! Con mừng khôn xiết kể,
Được cầm trên tay những đoá hoa hồng,
Hướng dương vàng chen hoa huệ trắng trong,
Cúc vạn thọ nép bên hoa sứ đỏ.
Cùng với hồng nhung, mẫu đơn hé nở,
Muôn sắc màu, hương toả khắp không trung,
Và tất cả như những đoá hoa lòng,
Của những mảnh đời đàn con thơ dại.
Ôi! Lạy Mẹ! Con dốc lòng chiêm bái,
Mẹ Thiên Chúa cũng là Mẹ của con,
Hằng chở che, phù hộ, và ban ơn,
Và bầu cử con trước toà Thiên Chúa.
Chính nhờ Mẹ, con đến cùng Thiên Chúa,
Chính nhờ Mẹ, con vững một niềm tin,
Chính nhờ Mẹ, những điều con cầu xin,
Được Chúa đoái thương ban nhiều ân sủng.
Chính nhờ Mẹ, mà con được vui sống,
Trong bình an, trong hạnh phúc vẹn toàn,
Ôi! Lạy Me! Con vui sướng hân hoan,
Vì nhờ Mẹ, con đến cùng Thiên Chúa.
JM. Lam Thy ĐVD.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét