Mùa Chay
mở đầu với một nghi thức cảm động: làm phép và xức tro. Khi cúi mình
nhận một chút tro trên đầu, mỗi tín hữu, từ vị Giáo Hoàng trên ngai tòa
thánh Phêrô cho đến người giáo dân ở miền quê nhỏ bé, đều khiêm tốn nhận
mình là những tội nhân rất cần được ơn tha thứ của Thiên Chúa. Nghi
thức xức tro cũng nhắc nhở chúng ta thân phận hữu hạn mỏng manh của
mình, giống như bông hoa sớm nở chiều tàn.
Đi liền
với nghi thức này là lời mời gọi trở về. Trước hết là trở về với Chúa,
rồi trở về với tha nhân và trở về với chính mình. Lời ngôn sứ Giôen vang
lên, vừa đanh thép quyết liệt, vừa tha thiết dịu dàng: Hãy trở về với
Ta, trong chay tịnh, nước mắt và than van. Đây còn là lời hiệu triệu, là
lời “tổng động viên” để quy hướng toàn dân về một hướng đi mới, đó là
trở về với Chúa, canh tân cuộc đời. “Hãy xé lòng chứ đừng xé áo”, lời
kêu gọi của vị Ngôn sứ không dừng lại ở những thực hành bề ngoài, mà
phải thể hiện qua thiện chí sám hối, ăn năn và quyết tâm làm mới lại
cuộc đời.
Xé lòng
trước hết thể hiện một nỗi đau nghiêm trọng về thể lý. Người mẹ khi sinh
con, đau đến xé lòng. Người bệnh ung thư giai đoạn cuối, đau đến xé
lòng, phải cần đến các loại thuốc đặc trị giảm đau.
Xé lòng
cũng là nỗi đau tâm lý, khi chứng kiến một người thân đau khổ. Đó là nỗi
đau của những người mẹ có con bị giết trong cuộc truy sát của vua
Hêrôđê, vì sợ mất ngai vương hoàng. Đó cũng là nỗi đau của biết bao
người trong cuộc sống hằng ngày, khi chứng kiến bạo lực, tai nạn và
những sự dữ khác xảy đến cho người thân của mình.
Đối với
người tín hữu, xé lòng còn là nỗi đau thiêng liêng, khi cảm nhận sâu sắc
những sai lầm tội lỗi của mình, vì chúng xúc phạm đến Đấng Chí Thánh là
Thiên Chúa. Trong kinh Ăn năn tội, chúng ta đọc: “Thì con lo
buồn đau đớn, cùng chê ghét mọi tội con trên hết mọi sự. Con dốc lòng
chừa cải, và nhờ ơn Chúa thì con sẽ lánh xa dịp tội và làm việc đền tội
cho xứng”. Ngôn sứ Giôen đã dùng một ngôn ngữ biểu tượng để nói lên
chiều kích nội tâm của sám hối. Ông đã dùng hình ảnh từ một thói quen
của người Do Thái, đó là xé áo. Đây là một cử chỉ thể hiện sự kinh ngạc,
tức giận (như trường hợp thày Thượng tế trong vụ án Chúa Giêsu – x. Mt
26,65). Theo ngôn sứ Giôen, xé áo đôi khi chỉ là diễn kịch để đánh bóng
mình và tạo dư luận ồn ào. Tâm tình sám hối chân thành không dừng lại ở
một cử chỉ bề ngoài, như việc xé áo, nhưng phải là “xé lòng”, tức là đau
buồn và hối tiếc về tội lỗi đã phạm. “Xé lòng” là cảm nhận sâu sắc tình
thương của Chúa dành cho ta, nhưng ta đã lạm dụng và phản bội tình
thương ấy khi đi ngược lại với những giáo huấn của Ngài. “Xé lòng” là
tâm tình của vua Đavít sau khi phạm tội. Ông đã sám hối ăn năn và viết
nên bài thơ “Xin thương xót con” – Thánh vịnh 50 tuyệt vời. “Xé lòng”
còn là tâm trạng của người con thứ trong câu chuyện “Người cha nhân hậu”
mà Chúa Giêsu đã kể trong Tin Mừng thánh Luca. Sau khi hồi tâm suy
nghĩ, anh đã quyết tâm trỗi dậy, trở về với Cha mình, xưng thú lỗi lầm,
nối lại mối tình xưa đã bị quên lãng do cám dỗ của cơn sóng cuộc đời.
Mùa Chay
đã về. Đây là mùa sám hối ăn năn. Đây cũng là mùa lập công tích đức,
“như con chim biết mùa làm tổ” (Trích trong Ngắm Rằng). Đây đó, có những
cộng đoàn hoặc cá nhân chỉ dừng lại ở việc “xé áo” mà chưa “xé lòng”,
tức là chỉ dừng lại ở những nghi thức bên ngoài, mà chưa mở rộng tấm
lòng để cho ơn Chúa tác động thánh hóa bản thân mỗi người tín hữu. Thiếu
sự hoán cải nội tâm, Mùa Chay chỉ như một sự kiện văn hóa; nghi thức
sám hối chỉ là những công thức vô hồn; lễ nghi Tuần Thánh chỉ là một vở
kịch làm vui lòng người xem và gây ồn ào náo nhiệt.
Một cách cụ thể, “xé lòng” đối với người tín hữu hôm nay là gì? Chúa trả lời qua ngôn sứ Isaia: “Cách ăn chay mà Ta ưa thích chẳng phải là thế này sao: mở xiềng xích bạo tàn, tháo gông cùm
trói buộc, trả tự do cho người bị áp bức, đập tan mọi gông cùm? Chẳng
phải là chia cơm cho người đói, rước vào nhà những người nghèo không nơi
trú ngụ, thấy ai mình trần thì lấy áo che thân, không ngoảnh mặt làm ngơ trước anh em cốt nhục?”
(Is 58, 6-7). Thật là một áng văn chương tuyệt vời, rất cô đọng, thực
tế và sâu sắc. Được viết ở thế kỷ 8 trước Công nguyên, lời ngôn sứ đã
phảng phất giáo huấn của Tin Mừng: Hễ ai giúp đỡ những người bé mọn là
giúp đỡ chính Chúa (x. Mt 25). Những thực hành bác ái ngôn sứ Isaia đã
liệt kê trên đây là bằng chứng của một đức ái hoàn hảo, cụ thể hóa tình
yêu đối với Chúa, qua việc quan tâm đến những người cùng khổ. Tiếc thay,
trong cuộc sống của chúng ta, Mùa Chay vẫn cứ đến hằng năm, lời kinh
nguyện ngắm của Mùa Chay vẫn vang lên rộn rã trong các thánh đường,
nhưng vẫn còn những gông cùm của sự kỳ thị. Vẫn còn đó sự dửng dưng đến
mức tàn ác giữa những người cùng chung huyết thống hoặc giữa những thành
viên của một cộng đoàn đức tin. Tại một số xóm làng có Đạo, vẫn tồn tại
những người cô đơn ít được quan tâm chăm sóc để có những nhu cầu tối
thiểu cho cuộc sống. Phải chăng, chúng ta chỉ dừng lại ở việc “xé áo” mà
chưa thực sự “xé lòng”?
Tiếp nối
giáo huấn của Lời Chúa, vị chủ chăn của Giáo Hội Công giáo, Đức Thánh
Cha Phanxicô, cũng mời gọi chúng ta hãy quan tâm đến những người nghèo
khổ. Trong Sứ điệp Mùa Chay năm nay, 2017, Đức Thánh Cha đã nhắc lại câu
chuyện người phú hộ và anh Lagiarô trong Tin Mừng thánh Luca, để mời
gọi các tín hữu sống tinh thần Mùa Chay một cách cụ thể và hữu hiệu. Ai
trong chúng ta cũng biết câu chuyện này và hiểu thông điệp mà Chúa muốn
chuyển tải cho chúng ta qua những nhân vật của câu chuyện. Tuy vậy, một
cách nào đó, đôi khi trong chính con người của chúng ta vẫn tồn tại một
anh phú hộ dửng dưng kênh kiệu, cố ý lãng quên người nghèo khổ bên cạnh.
Câu chuyện của hai ngàn năm trước, vẫn là câu chuyện của ngày hôm nay.
Trong xã hội Việt Nam, có nhiều người giàu phung phí tiền bạc, trong khi
có những nông dân nghèo ở miền quê và miền núi thiếu thốn cơ hàn. Đức
Thánh Cha khẳng định: Tha nhân là một quà tặng đối với chúng ta. Tha
nhân ở đây không chỉ là người bên cạnh, mà còn là những người trong một
gia đình, một lối xóm, một cơ quan, một cộng đoàn. Nếu xác định tha nhân
là một quà tặng của Thiên Chúa, mỗi người hãy cố gắng đón nhận nhau với
sự trân trọng và cảm thông, xây dựng một tương quan hài hòa, thấm đậm
chất men Tin Mừng qua phương châm: yêu người khác như chính mình.
Con người
không thể sống một mình. Xa lánh mọi người làm sao ta sống? Giết hết
người thì ta ở với ai? Những người bên cạnh đau khổ, làm sao ta có hạnh
phúc? Con người hiện hữu không đơn thuần như cây cỏ hoang dã mọc bên
đường, cũng không như những viên đá vô tri vô giác, hoặc những loài động
vật giành nhau sống theo bản năng sinh tồn. Ngôn ngữ Việt Nam đã diễn
tả ý nghĩa phong phú trong khái niệm “người ta”. Trong “ta” có “người”
và trong “người” có “ta”. Giữa “ta” với “người” có dị biệt và tương
đồng, có riêng tư và hội nhập. Từ thời sáng tạo, Chúa dựng nên con người
theo hình ảnh của Ngài. Ngài cũng tạo cho họ một con tim biết yêu
thương, một tự do biết chọn lựa. Con tim ấy có những khi lỗi nhịp. Tự do
ấy có những lúc sai đường. Chính vì vậy, con tim phải chấp nhận chịu
“xé ra”, mở lối để ơn Chúa đi vào, nhờ đó ta được trao ban sức sống, an
bình thánh thiện và chan hòa yêu thương.
Mùa Chay
chính là “mùa thuận tiện” để chúng ta nối lại nhịp cầu trở về với Chúa,
hiệp thông yêu thương đối với anh chị em mình. Đừng nản lòng vì còn
nhiều khó khăn thử thách. Cứ mạnh dạn bắc cầu vì Chúa đang chờ đợi và
thêm sức cho ta. Cứ trao gửi yêu thương dù bất cứ hoàn cảnh nào, vì ai
gieo rắc yêu thương, sẽ gặt an bình và ân phúc.
Hải Phòng, Mùa Chay 2017
Gm Giuse Vũ Văn Thiên
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét