Một học sinh về nhà sau lớp
giáo lý và người mẹ hỏi em đã học gì trong lớp giáo lý hôm
nay. Cậu trả lời với mẹ cả buổi
học hôm nay học về ông Mô-sê và về việc Thiên Chúa sai ông xâm nhập
hậu cần của quân thù để giải thoát Dân Chúa đang bị nô lệ bên Ai
cập.
Cậu bé nói tiếp: “Giáo lý
viên nói với chúng con rằng ông Mô-sê đã dẫn dân chúng tiến xa tới
Biển Đỏ, rồi ông đã sai các kỹ sư xây một cầu nổi để tất cả dân
chúng có thể đi qua biển an toàn.
Sau khi tất cả dân đã đi qua, ông đã dùng chất nổ phá sập cầu
để quân đội Ai cập không thể đuổi theo dân Do thái. Sau đó tất cả dân chúng đã đi qua sa
mạc và vui mừng đến Đất Hứa an toàn.
Người mẹ của cậu bé ngạc nhiên hỏi: “Con! Có phải giáo lý viên thật sự dạy con
như vậy không?” “Không phải như vậy
đâu mẹ.” Cậu bé trai trả lời.
“Nhưng nếu con thưa với mẹ câu chuyện y như giáo lý viên đã nói với
chúng con trong lớp thì con biết mẹ sẽ không thể nào tin được.”
Ông bà anh chị em thân mến. Chúng
ta nhận biết thực sự phải có một niềm tin vững chắc thì chúng ta
mới hoàn toàn xác tín vào những phép lạ trong Kinh thánh. Hôm nay trong bài đọc 1 chúng ta nghe
phép lạ Thiên Chúa làm cho nước tuôn ra từ tảng đá cho dân chúng uống
để khỏi bị chết khát nơi sa mạc trong cuộc hành trình về Đất Hứa. Và trong bài Tin mừng, qua một lối diễn
tả kỳ diệu, thánh Gioan đã cho chúng ta biết về Chúa Giê-su, Người
sẵn sàng ban cho chúng ta nước hằng sống nếu chúng ta thật sự tin
vào Người.
Bài Tin mừng hôm nay rất phong
phú, có nhiều chi tiết và tôi có thể dùng 20 hay 30 phút để nói về
những điểm này, nhưng tôi không bắt ông bà anh chị em phải nghe bài
giảng 30 phút trong giấc ngủ! Nhưng
có mấy điểm quan trọng mà chúng ta cần phải chú ý đến. Điểm quan trọng thứ nhất là nước và
cũng là chủ đề chính của bài Tin mừng.
Chúa Giê-su xin nước và sau đó đã ban tặng người đàn bà xứ
Samaria nước hằng sống. Dĩ nhiên vào thời đó dân chúng không có nguồn
cung cấp nước tại nhà như hiện nay, cho nên mọi người phải ra giếng
gần đó để múc nước về nhà. Chúng
ta nhận thấy người đàn bà giải thích câu nước hằng sống trong câu
nói của Chúa, có nghĩa là chỗ phun nước, chỗ có nước chảy hay suối
nước, và không có một ý nghĩ gì về nước hằng sống mà Chúa đề cập
đến dẫn đến sự sống đời đời. Chúng ta biết nước là nhu cầu thiết
yếu cho sự sống, cho nên sự sống của con người tùy thuộc vào nước,
và có nước mới có sự sống. Tin
tức gần đây cho biết có dấu hiệu nước ở hành tinh Mars, và nếu
chứng minh hay tìm ra được sự hiện diện của nước ở hành tin này thì
sự sống đã có thể hiện hữu trước đó ở đây. Cũng giống như vậy, đời sống Ki-tô hữu
và những ân sủng của Chúa ban, bắt đầu từ nước, nước của Bí tích
Thanh tẩy hay Rửa tội. Và đời sống
Ki-tô hữu cần phải được tiếp tục tưới bằng Nước Hằng Sống là Chúa
Giê-su Ki-tô.Nếu không được liên kết với nguồn Nước Hằng Sống thì cây
đức tin sẽ từ từ chết đi.
Điểm quan trọng thứ hai của bài
Tin mừng mà chúng ta có thể nhận ra được đó là tiến trình nhận
biết Chúa một cách đầy đủ và sâu sa hơn. Chúng ta thấy lúc đầu trong
khi thưa chuyện với Chúa người đàn bà Samaria ngoại giáo dùng chữ
“ông” một cách lịch sự để đàm thoại.
Sau khi nhận ra Chúa là một ngôn sứ, bà đã dùng từ “Ngài” để
xưng hô với Chúa, cuối cùng bà đã nhận ra chính Chúa là Đức Ki-tô,
có nghĩa là Messia, Đấng Thiên Sai.
Trong niềm hân hoan vui sướng, bà đã quên lấy nước và chạy vào
làng báo tin cho mọi người biết.
Chúng ta thấy những người trong làng đã nhìn nhận ra Chúa
Giê-su không phải chỉ là Đấng Thiên Sai cho người Do thái, mà còn là
Đấng Thiên Sai cho mọi người.
Tiến trình từ từ nhận ra Chúa
Giê-su một cách hoàn toàn và sâu sa hơn của người đàn bà Samaria
ngoại giáo này cũng là tiến trình đức tin trong suốt cuộc đời của mỗi
Ki-tô hữu chúng ta, từ lúc lãnh nhận Bí tích Thanh tẩy cho đến ngày
chúng ta thực sự đứng trước mặt Chúa.
Mỗi ngày đức tin của chúng ta phải triển nở và lớn mạnh hơn
nhờ được kết hợp mật thiết với Chúa Ki-tô, Nước Hằng Sống.
Ông bà anh chị em thân mến. Những điểm nêu ra trên đây như nước và
tiến trình đức tin là những điều rất quan trọng chứa đựng trong bài
Tin mừng hôm nay. Nhưng tất cả những
điều này xảy ra bắt đầu bằng một cuộc gặp gỡ và đối thoại giữa
người đàn bà Samaria ngoại giáo với Chúa, và đây chính là điểm gây
ấn tượng và có thể nói là quan trọng nhất. Chúng ta sẽ không bao giờ biết Chúa hay
được kết hợp mật thiết với Chúa nếu chúng ta không hy sinh thời giờ
để gặp gỡ và nói chuyện với Chúa. Ở đây tôi không có ý nói về đọc
kinh hay lần hạt suông. Chúa sẽ
không hiện đến qua những tia hào quang rạng rỡ hay qua những tia sấm
chớp lòe sáng, nhưng Chúa đến và hiện diện trong những phương cách
rất thông thường như trong hình dáng của một người bạn, có khi ngay
trong một người đối nghịch với chúng ta, hay trong những lời của một
cuốn sách, đặc biệt là những lời trong cuốn sách mà chúng ta gọi
là Kinh Thánh. Chúa hiện diện trong
đám đông, trong cộng đồng của những người có đức tin, hay trong những
sự vật đơn giản như nước, cơm, bánh và rượu. Chúng ta phải nhận biết, xác tín và
yêu mến Chúa, thì mới nhận ra nước, cơm, bánh và rượu là tình yêu,
là ân sủng Chúa ban cho chúng ta. Điều quan trọng là chúng ta phải hy
sinh thời giờ để lắng nghe, để đáp trả, để trả lời hay để nói
chuyện, tâm sự, đàm thoại, để làm một cái gì đó sâu sa hơn là chỉ
nói với Chúa những điều chúng ta muốn Chúa làm hay ban cho chúng
ta. Chúng ta sẽ không bao giờ biết
đến người nào đó nếu chúng ta không dành thời gian và nói chuyện
với họ.
Có một thảm cảnh của gia đình
mà chúng ta có thể nhận ra ngày nay.
Nhiều cặp vợ chồng lấy nhau nhiều năm, nhưng vì dùng thời giờ
quá nhiều cho công ăn việc làm, cho nên không có thời giờ nhiều với
nhau, với gia đình, không nói chuyện với nhau nhiều, và vì vậy không
hiểu hay không biết nhau một cách sâu sa, và cũng vì vậy không có sự
liên hệ mật thiết, gia đình không hòa thuận, nhiều khi sống suốt đời
trong sự câm nín. Chúng ta sẽ không
bao giờ biết đến người nào đó nếu chúng ta không dành thời gian và
nói chuyện với họ, hay chỉ biết bề ngoài, không hiểu biết nhiều
trong tâm hồn của họ. Nếu chúng ta nghĩ rằng Chúa là người rất quan
trọng và chúng ta cần đến Chúa thì chúng ta phải dành thời giờ nói
chuyện, tâm sự với Chúa.
Ước gì tất cả chúng ta trong
mùa chay thánh này biết dành thời giờ với Chúa, tham dự Thánh lễ
để lắng nghe Lời Chúa nói, hay biết hy sinh thời giờ để tâm sự, nói
chuyện với Chúa, để chúng ta biết Chúa một cách sâu sa hơn, để đức
tin của chúng ta vững mạnh hơn và yêu mến Chúa tha thiết hơn, trở
thành những chứng nhân cho Chúa như người đàn bà trong bài Tin mừng
hôm nay.
Lm. Chánh xứ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét