Tôi đã gặp rất nhiều những con người – trẻ có, già có – với những lời
ngụy biện muôn màu cho tất cả hành động ngang tàn của mình trước bậc
sinh thành.
Đứa giàu có nói: “Con không cần tiền, con cần tình thương!”
Nó giống như việc một đứa bé được tặng cây đàn piano nhưng vẫn mếu
máo đòi cây đàn viollin – toàn thứ xa xỉ, rồi tự cho rằng cuộc sống mình
thật nghèo nàn, bi kịch, vì không có được đúng thứ mình cần! Đời là
thế, có một thì phải có hai, ai cũng chỉ nhìn vào cái mình thiếu mà quên
đi cái mình đang có.
Thử lấy lại hết tiền chu cấp hằng tháng, quẳng
những con người ấy ra ngoài mà lăn lóc với đời. Một ngày đẹp trời nào
đó, kéo họ lại gần mình, hỏi rằng: “Đã hạnh phúc hơn chưa?” – câu trả lời có thể không bao giờ là “Yes”!
Tay vung tiền xoành xoạch, dùng tiền của cha mẹ đốt vào những thứ vô
bổ, 24 giờ mỗi ngày thì đã dùng tiền lót dưới chân những 23 giờ, còn mỗi
1 giờ ngồi trầm ngâm buồn khổ không lí do, ấy vậy mà đem cái 1 giờ đó
ra làm hình ảnh phản chiếu cho cả một quá trình tồn tại của mình, tự
đóng vai nạn nhân và trách cha mẹ không yêu thương con cái. Xét lại, có
phần quá vô lý và bất công!
Người nghèo khổ than: “Tại sao cha mẹ để con thiếu thốn như vầy?”
Những người xem thường vật chất, quan trọng tinh thần, có mấy ai nghe
người nghèo than vãn hay chưa? Không tiền khổ lắm, người ta nói “nghèo” đi cùng với “hèn”,
cha mẹ nghèo thì đôi lúc con cái “ngóc đầu không lên”! Mà nhất là với
những anh chị hay đua đòi cùng bạn bè, những cô chú có cái tôi cao ngất
ngưởng, thì lại càng hay chỉ trích cha mẹ về mặt thiếu sót này.
Cũng vẫn với cái lý thuyết “cha mẹ không đáp ứng được những gì chúng con cần”,
một khi đứa con nhà giàu và đứa con nhà nghèo ngồi “tâm sự” với nhau,
chúng sẽ không ngừng vuốt ve nỗi đau cho nhau, và cùng gật đầu chấp nhận
rằng chúng là một thế hệ đau thương nhất trong hàng ngàn năm qua. Vuốt
ve nỗi đau chính là vuốt ve cái tôi của mỗi người, những vết thương
không đáng có thay vì cần mạnh tay loại bỏ lại được chăm sóc chu đáo bởi
những con người dị thường ngu ngốc ấy, khiến nó ngày càng hoại tử, hết
đường cứu chữa!
Xin lỗi, cha mẹ không phải thần thánh! Họ là con người, nhưng là người biết hi sinh!
Những đứa con vô trách nhiệm, bất kì lúc nào và mãi mãi sau này, đều
đòi hỏi đầy đủ cả vật chất lẫn tinh thần, mà quên đi rằng cha mẹ chúng
cũng chỉ là những con người bằng xương bằng thịt. Chính bản thân cha mẹ
cũng không ngừng sống trong cảnh thiệt thòi nhưng nay lại phải hi sinh
một phần cuộc đời cho con mình. Vật chất và tinh thần – để có trọn vẹn
cả hai – thật sự rất khó! Cha mẹ là cha mẹ, cha mẹ không phải thần
thánh, đừng đòi hỏi bậc sinh thành những điều quá cao xa – những thứ mà
chưa chắc khi bạn trưởng thành, bạn có thể đem đến đầy đủ cho con mình!
Bạn nghĩ rằng bởi vì người ta đã tạo ra bạn nên người ta phải có
trách nhiệm với bạn hay sao? Liệu có bao giờ bạn tự hỏi mình rằng, bạn
lấy quyền gì để bắt cha mẹ mình hi sinh? Người ăn xin cần một chiếc áo
ấm, bạn cho người ta vài đồng và hi vọng những người khác sẽ cho nốt số
tiền còn lại, đủ để mua chiếc áo. Bạn, dĩ nhiên, thật khó trao cho người
ăn xin chiếc áo của mình! Là thế đấy, sự hi sinh luôn luôn có giới hạn,
và luôn luôn bị đặt trong khuôn khổ lý trí toan tính. Cha mẹ bạn cho
bạn nhiều hơn gấp vạn lần cách bạn cho tiền một người ăn xin, vậy tại
sao bạn không biết cám ơn mà còn đòi họ phải cho bạn cả một cuộc đời?
Nghĩ đi, bạn thua cả một người ăn xin hay sao?
Đừng quên cha mẹ cũng có cuộc đời riêng của mình, hãy để họ được hạnh phúc!
Nếu cha mẹ bạn không hạnh phúc trong cuộc hôn nhân hiện có và quyết
định tìm cho mình một lối đi riêng, bạn đừng oán trách! Cha mẹ có cuộc
sống riêng của mình và bất kì ai cũng có quyền đi tìm hạnh phúc. Đừng vì
bản thân mình mà bó buộc họ vào một vùng trời đau thương. Nếu bạn là
một đứa con có tấm lòng bao dung, có sức mạnh kiên cường và có đầu óc
sâu sắc, hẳn bạn sẽ tự hiểu rằng: “Từ khi tôi sinh ra đời, tôi đã sống
cuộc sống của riêng mình và không điều gì có thể ảnh hưởng đến con đường
tôi đi!”.
Đừng bóp chết hạnh phúc của người khác chỉ vì sự ích kỉ của bản thân!
Một đứa con tốt, nó biết quý đồng tiền do cha mẹ tạo ra dù họ có thường
xuyên vắng nhà, nó biết đi kiếm tiền để trải nghiệm sự khổ cực mà cha
mẹ nó đang gánh trên vai, nó cũng không hề oán trách nếu cha mẹ đột
nhiên ngưng trợ cấp để hất nó ra đường, tự bơi giữa dòng đời. Một đứa
con tuyệt vời, nó không mặc cảm vì có cha mẹ nghèo, nó không vịn vào
hoàn cảnh để trở nên hèn nhát, nó chỉ nghĩ rằng: “Tại sao trong mái nhà này, người hi sinh luôn là cha mẹ, chứ không phải là bản thân mình?”.
Đừng đổ lỗi cho những thiếu sót của cha mẹ. Đừng bắt cha mẹ hi sinh.
Tôi không dám nhận mình là một đứa con ngoan, cũng không đủ thánh thiện
đến mức nghĩ rằng “Cha mẹ không bao giờ có lỗi”. Tôi chỉ biết rằng, tất
cả những sai lầm mà cha mẹ gây ra là chuyện bình thường, vì cha mẹ cũng
là con người. Nếu bản thân mình đã vượt qua được những tổn thương, thì
đừng nhắc lại chuyện cũ, đừng phản ứng mãi với quá khứ, đó là một việc
làm vô nghĩa!
Và bạn hãy nhớ: sau này, khi đã có con, bạn sẽ hiểu!
Sưu tầm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét