Mọi người đều phải thừa nhận: chiến thắng của Donald Trump là một chiến
thắng không ngờ. Có người ví nó với chiến thắng của những người vận động
để Anh rút chân ra khỏi Liên Hiệp Âu Châu (Brexit). Các nhà bình luận
của CNN thì cho rằng: Trump đã nắm được điều mà cả giới truyền thông,
giới học thuật, chính trường, giới khoa bảng, giai cấp ưu tú của xã hội
không nắm được trong suốt hai năm qua.
Phải chăng, như một
truyền đơn đã nói, ông nắm được “đa số thầm lặng” của Mỹ? Những người
xưa nay âm thầm, đớn đau nhìn mọi giá trị cổ truyền bị bọn tự coi là
thức giả, thậm chí như các tiên tri cứu đời, trâng trâng tráo tráo tạo
ra đủ thứ thăm dò dư luận với những phần trăm kỳ quá để đẩy nhanh các
nghị trình ý thức hệ, không ăn uống gì tới thực tại? Đúng như nhận định
của chủ tịch quốc hội Hoa Kỳ, dân biểu Ryan: chiến thắng của Trump có
nghĩa là cáo chung của các chính sách tự do cấp tiến! Có điều chính Ryan
đã không góp phần gì vào việc cáo chung này khi tuyên bố không ủng hộ
Trump.
Trump thắng bất chấp các thiếu sót của chính ông, một
thiếu sót hết sức rõ rệt, có lúc sỗ sàng, bất chấp báo chí, dư luận, bất
chấp truyền thanh truyền hình, bất chấp quốc tế, bất chấp mọi dự đoán
bất lợi, bất chấp sự chống đối của giai cấp lãnh đạo của đảng ông. Nếu
thế thì đây không hẳn là chiến thắng của ông, cũng không phải là chiến
thắng của Đảng Cộng Hòa, mà là chiến thắng của đa số thầm lặng, chiến
thắng của lương tri…
Có điều, hình như chiến thắng này làm nhiều
người quan ngại. Đức Phanxicô, người được tạp chí Dòng Tên Mỹ America
tính lợi dụng vào phút chót để hù họa người Công Giáo Mỹ đừng bỏ phiếu
cho Trump đã chạy một hàng tít: “Mấy ngày trước cuộc bầu cử (Mỹ), Đức
Phanxicô cảnh cáo chống lại nền chính trị sợ sệt”, tỏ ra e dè, chưa lên
tiếng chúc mừng Trump như thủ tướng Ý Renzi. Điều này cũng dễ hiểu vì
Trump là người chủ trương xây tường ngăn cách Mỹ Mễ, ngược với đường lối
của ngài. Thay vào đó, ngài để Quốc Vụ Khanh Parolin lên tiếng, dù sao
Đức Hồng Y Parolin cũng được coi như thủ tướng một quốc gia, không thua
gì tư cách của Renzi.
Quốc vụ khanh Tòa Thánh chức mừng Donald
Trump được bầu làm tổng thống thứ 45 của Hiệp Chúng Quốc, hy vọng Thiên
Chúa soi sáng ông và nâng đỡ ông trong chức vụ tổng thống.
Có
điều, quốc vụ khanh Tòa Thánh lên tiếng như thế với các nhà báo nhân dịp
tham dự một hội nghị tại Đại Học Lateran ở Rôma. Ngài cho biết: ngài
tôn trọng ý nguyện của nhân dân Hoa Kỳ. Sau đây là nguyên văn các trao
đổi giữa ngài và các nhà báo, do Đài Phát Thanh Vatican ghi lại:
Phát biểu của Hồng Y Quốc Vụ Khanh Parolin
Đức Hồng Y Parolin:
Trước nhất, chúng tôi ghi nhận việc thực thi dân chủ, với lòng tôn
trọng ý nguyện do nhân dân Hoa Kỳ bầy tỏ. Họ cho tôi biết việc bầy tỏ
này được biểu lộ với số người tham gia đông đảo. Thành thử, chúng tôi
xin nguyện chúc tân tổng thống những điều tốt đẹp nhất, mong chính phủ
ông có thành quả thực sự và chúng tôi cũng đoan hứa sẽ cầu nguyện để
Chúa, lẽ dĩ nhiên, soi sáng và nâng đỡ ông trong việc phục vụ xứ sở ông,
nhưng cũng để ông làm việc cho phúc lợi và nền hòa bình của thế giới.
Tôi tin rằng hôm nay chúng ta cần làm việc để thay đổi tình hình thế
giới, vốn là một tình hình đầy vết thương trầm trọng, tranh chấp nặng
nề.
Phóng viên: Người ta gi nhận rằng Đức Giáo Hoàng từng nhận định [hồi tháng Hai, trên chuyến maý bay từ Mễ Tây Cơ trở về]: “Ai xây tường đều không phải là Kitô hữu…” Rồi sau đó, có lời minh giải. [Đức Giáo Hoàng cũng đã đưa ra một nhận định tương tự cuối tuần rồi]. Tuy nhiên, ta hãy cho rằng đây là nói về vấn đề di dân…
Đức Hồng Y Parolin:
Ta sẽ xem xem Tổng Thống sẽ tiến ra sao. Thông thường người ta vẫn nói:
làm ứng cử viên là một chuyện, làm tổng thống lại là một chuyện khác,
vì có trách nhiệm mà. Đối với tôi, xem ra theo chiều hướng này, cũng do
điều tôi nghe được, dù tôi không đi nhiều vào chi tiết, tổng thống tương
lai đã tự phát biểu bằng ngôn từ của một nhà lãnh đạo… Rồi về các vấn
đề chuyên biệt, ta sẽ xem xem các quyết định nào sẽ được đưa ra và theo
đó, ta mới có thể phán đoán. Hình như đưa ra phán đoán bây giờ là điều
quá sớm.
Phóng viên: Trong bài diễn văn hôm nay của Đức Hồng Y để khai mạc năm học quan trọng này…
Đức Hồng Y Parolin:
Vâng, tôi sẽ đề cập tới nền ngoại giao giáo hoàng trong bối cảnh hoàn
cầu mới, nhất là liên quan tới điều tôi đã nói trước đây, nhu cầu tìm ra
các công thức mới. Có lẽ, nền ngoại giao ngày nay, nền ngoại giao giáo
hoàng được mời gọi tìm ra các công thức mới để đáp ứng các vấn đề mới
đang đặt ra cho cộng đồng quốc tế.
Tuyên bố của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ
Phải
chăng trong đó, có các công thức mới để nói chuyện với Trump? Và cả với
Trung Hoa? Rất có thể. Trở về với Trump. Một ngày sau cuộc tổng tuyển
cử, Chủ Tịch Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ, Đức Tổng Giám Mục Joseph E. Kurtz
của Louisville, Kentucky, đã ra tuyên bố sau đây liên quan đến việc bầu
Ông Donald Trump làm tổng thống.
Nhân dân Hoa Kỳ đã đưa ra quyết
định của họ liên quan đến vị tổng thống kế tiếp của Hiệp Chúng Quốc,
các thành viên Quốc Hội cũng như các viên chức tiểu bang và địa phương.
Tôi xin chúc mừng Ông Trump và mọi người được bầu hôm qua. Nay là lúc
hướng vế phía trách nhiệm cai trị vì ích chung của mọi công dân. Chúng
ta đừng nhìn nhau dưới ánh sáng chia rẽ Dân Chủ hay Cộng Hòa hay bất cứ
chính đảng nào khác, mà đúng hơn, chúng ta hãy nhìn thấy gương mặt của
Chúa Kitô nơi người lân cận của chúng ta, nhất là những người đau khổ
hay những người chúng ta rất có thể bất đồng.
Là công dân hay
đại diện dân cử, chúng ta nên nhớ lời lẽ của Đức Giáo Hoàng Phanxicô khi
ngài đọc diễn văn tại Quốc Hội Hiệp Chúng Quốc vào năm ngoái: “mọi sinh
hoạt chính trị phải phục vụ và phát huy thiện ích của con người nhân
bản và phải đặt căn bản trên việc tôn trọng phẩm giá của họ”. Hôm qua,
hàng triệu người Hoa Kỳ đang lao đao tìm kiếm cơ hội kinh tế cho gia
đình đã bỏ phiếu để tiếng nói của họ được nghe thấy. Lời đáp lại của
chúng ta chỉ nên đơn giản như thế này: chúng tôi đã nghe qúy vị nói.
Trách nhiệm phải giúp củng cố các gia đình là trách nhiệm của mỗi người
chúng ta.
Hội Đồng Giám Mục mong mỏi được làm việc với tổng
thống đắc cử Trump để bảo vệ sự sống con người từ lúc khởi đầu dễ bị
thương tổn của nó tới lúc nó kết thúc tự nhiên. Chúng ta sẽ bênh vực các
chính sách tạo cơ hội cho mọi người, mọi tín ngưỡng, mọi lối sống.
Chúng ta vững vàng trong quyết tâm này: các anh chị em di dân và tỵ nạn
của chúng ta sẽ được tiếp đón nhân đạo mà không hy sinh sự an ninh của
ta. Chúng ta sẽ kêu gọi mọi người lưu tâm tới việc bách hại đầy bạo lực
đang đe dọa các đồng Kitô hữu của chúng ta và người của các tín ngưỡng
khác khắp thế giới, nhất là ở Trung Đông. Và chúng ta sẽ trông đợi cam
kết của tân chính phủ đối với tự do tôn giáo ở trong nước, bảo đảm để
mọi người có tín ngưỡng được tự do tuyên xưng và lên khuôn đời sống
chúng ta theo sự thật về con người nam nữ, và dây hôn phối độc nhất họ
có thể hình thành.
Mọi cuộc tuyển cử đều đem đến một khởi đầu
mới. Một số người thắc mắc liệu đất nước có thể hoà giải, làm việc với
nhau và chu toàn lời hứa sẽ đoàn kết hoàn hào hơn không. Nhờ niềm hy
vọng do Chúa Kitô đem đến, tôi tin Thiên Chúa sẽ ban cho chúng ta sức
mạnh để hàn gắn và đoàn kết.
Chúng ta hãy cầu xin cho các nhà
lãnh đạo sinh hoạt công để họ có thể ứng phó các trách nhiệm được ủy
thác cho họ một cách uyển chuyển và đầy can đảm. Và xin cho mọi người
Công Giáo chúng ta giúp đỡ nhau thành các nhân chứng trung thành và hân
hoan của tình yêu chữa lành của Chúa Giêsu.
Vũ Văn An
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét