Ông
bà anh chị em thân mến. Chúng ta đang ở
trong tháng 11, và trong tháng này Giáo hội kêu gọi chúng ta hy sinh thời giờ cầu
nguyện cho những người đã chết, ông bà, cha mẹ, thân thuộc và những người đã sống
trong cộng đoàn giáo xứ đã qua đời. Và
cũng trong tháng này, chúng ta được kêu mời suy niệm về sự chết và cuộc sống đời
sau, qua giáo lý của Giáo hội, và qua những bài Kinh thánh trong những tuần cuối
cùng của năm Phụng vụ.
Quả
thực, như chúng ta biết, chết là một thực tại đáng sợ nhất trong cuộc đời, chính
vì thế mà mọi người chúng ta cố gắng tìm đủ mọi cách tránh nói, tránh đề cập đến
hay nghĩ về sự chết. Và có nhiều người
phủ nhận cái chết sẽ không đến với họ.
Trong
ngôn ngữ Việt hay Mỹ, mọi người đều tránh nói đến hay đề cập đến sự chết. Tiếng Việt, người chết được gọi là người quá
cố, người khuất núi, người đã yên giấc nghìn thu hay người đã ra đi trước chúng
ta. Tiếng Mỹ, người chết được gọi là
passed away, deceased, deparded. Nhưng muốn hay không, cái chết là một sự thật,
là một định luật của tạo hóa, có sinh thì phải có tử. Sự chết đến bằng nhiều cách: bệnh, già, tai nạn
và thiên tai. Chúng ta đã chứng kiến không biết bao nhiêu người thân thương ruột
thịt chết, và chúng ta chứng kiến cái chết qua các qua những phương tiện truyền
thông, truyền hình, báo chí mỗi ngày.
Thật
vậy, đối với những người không có niềm tin, sự chết quả là một sự tuyệt vọng và
phi lý nhất trong cuộc sống, nhưng đối với những người có niềm tin, thì chính sự
chết mang lại ý nghĩa cho cuộc sống, và đó là thái độ mà mỗi Kitô hữu chúng ta khi
đứng trước phần mộ của người đã chết.
Cái chết mang lại ý nghĩa và hy vọng cho chúng ta, bởi vì chúng ta xác
tín rằng bên kia cái chết, cuộc sống vẫn tiếp tục, đó là cuộc sống vĩnh cửu đời
sau. Đây là niềm tin, là niềm hy vọng mà chúng ta được mời gọi sống mỗi ngày,
và cũng là lý do tại sao chúng ta cầu nguyện cho người thân yêu đã chết.
Lời
Chúa mời gọi chúng ta hãy vững tin và hy vọng vào cuộc sống vĩnh cửu đời sau. Chúa Giêsu không những rao giảng về sự sống lại
mà chính Ngài là sự sống lại. Sự phục
sinh của Chúa Giê-su là bảo chứng cho sứ vụ cứu độ, cho của cuộc sống và làm chứng
cho lời rao giảng của Ngài. Thật vậy, đức
tin của chúng ta được xây dựng trên sự phục sinh của Chúa Giê-su, như lời thánh
Phaolô khẳng định trong thư gởi giáo đoàn Côrintô: “Nếu Chúa Giêsu không sống lại
thì đức tin của chúng ta thật là hão huyền.” Trong Kinh Tin Kính chúng ta vẫn thường đọc:
“Tôi tin xác loài người ngày sau sống lại.
Tôi tin hằng sống vậy. Amen.” Chúng ta đọc và chúng ta vẫn tin như thế,
nhưng không phải tất cả mọi người đều tin như vậy.
Trong
bài Tin mừng hôm nay, những người Sa-đốc, không tin có sự sống vĩnh cửu đời
sau, không tin có thiên thần, không tin có linh hồn bất tử, không tin có thưởng
phạt, cho nên họ không tin có sự sống lại.
Chính vì vậy, họ đến gặp Chúa Giê-su với ý định muốn gài bẫy để làm nhục
Ngài trước mặt mọi người. Họ đưa ra câu
chuyện bảy anh em đều cưới một phụ nữ, và chất
vấn Chúa, khi sống lại, người phụ nữ này sẽ là vợ của ai? Đây quả là một câu hỏi khó và là cạm bẫy,
nhưng chúng ta thấy Chúa Giêsu đã trả lời cách rõ ràng cho họ dựa trên lý luận
và trên Kinh Thánh. Chúa cho họ biết những
ai được Chúa xét là đáng hưởng hạnh phúc đời sau và được sống lại từ cõi chết,
thì không cưới vợ cũng chẳng lấy chồng, nghĩa là họ đã trở nên con cái Thiên
Chúa, họ như những thiên thần, họ sẽ không còn chết nữa, họ được tham dự vào sự
sống của Thiên Chúa, sự sống phục sinh khác xa với sự sống ở trần gian này.
Ông
bà anh chị em thân mến. Đức tin vào sự phục
sinh sống lại của Chúa Giê-su mang lại ý nghĩa, niềm phấn khởi và hy vọng cho
cuộc sống Ki-tô hữu chúng ta hôm nay. Mặc dù phải đối diện hay phải trải qua
nghịch cảnh, phải qua sự khó khăn, nhục nhằn và khổ đau, mặc dù phải hy sinh
hay chịu thiệt thòi, với niềm xác tín vào Chúa Giê-su Ki-tô Phục sinh, chúng ta
tìm được can đảm để sống Lời Chúa và trung thành làm chứng cho Chúa. Sự phục sinh của Chúa cho chúng ta sức mạnh để
chúng ta hy sinh phục vụ tha nhân, cũng như bác ái và quảng đại để xây dựng Nước
Chúa và làm sáng danh Chúa. Và với niềm
xác tín vào sự phục sinh của Chúa, chúng ta tìm được bình an và vui mừng ở đời
này, và nhất là hạnh phúc vĩnh cửu trong cuộc sống đời sau, như lời Chúa quả quyết với chúng ta: “Thiên
Chúa không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, mà là của kẻ sống. Vì mọi người đều
sống cho Chúa.”
Vì là những người có đức tin vào sự phục sinh và lời của Chúa
Giê-su Ki-tô, chúng ta biết về sự sống lại và thưởng phạt vĩnh cửu trong đời sống
ngày sau, cho nên ngày hôm nay chúng ta hãy sống như những người con của Thiên
Chúa, và như những người quản lý khôn ngoan và tốt lành của Ngài, có lòng hy
sinh phục vụ, giúp đỡ, chia sẻ với người nghèo khổ, và có lòng quảng đại, bác
ái đóng góp xây dựng Nước Chúa và làm sang danh Chúa nơi trần gian.
Một câu chuyện dụ
ngôn kể về một người giàu có kia, khi gần chết lòng trí vẫn chỉ nghĩ đến tiền
của, là động lực đã thúc đẩy ông khổ cực suốt cả cuộc đời. Dùng chút sức tàn,
ông cố lấy chiếc chìa khóa dấu ở gầm giường và trao cho người con thương yêu
của ông. Ông nhà giàu ra dấu chỉ chiếc rương nằm trong góc nhà, và bảo người
con lấy những túi vàng và đô la ở trong đó bỏ vào quan tài. Sau khi chết, ông gặp thánh Phê-rô, và được
thánh Phê-rô chở vào khu ông sẽ cư ngụ.
Khi đi ngang qua khu nhà khang trang đẹp đẽ như ngôi nhà ông ở dưới trần
thế, ông liền nói với thánh Phê-rô ông muốn ở đây, nhưng thánh Phê-rô nói với
ông khu này đã có người ở và đặt cọc rồi.
Thánh Phê-rô tiếp tục chở ông đến khu nhà lụp xụp, và dẫn ông đến một
ngôi nhà tại đó. Ông nhà giàu bất bình phản
đối và nói: “Thưa ngài, tôi không thể sống nơi đây và trong ngôi nhà này được. Tôi xin xây một ngôi nhà khác với số vàng và
đô la tôi mang theo đây.” Thánh Phê-rô
mỉm cười và nói với ông: “Thưa ông, đô la và vàng không có giá trị ở trên đây.
Chúng tôi chỉ dùng tiền và những vật liệu mà trong cuộc sống trước đây, ông đã
gởi lên để xây nhà cho ông mà thôi. Nếu
ông không muốn ở khu này, thì dưới kia còn nhiều chỗ lắm.” Chúa hứa sẽ chuẩn bị
một chỗ cho chúng ta, nhưng chúng ta phải gởi tiền và vật liệu để xây khi chúng
ta còn ở dưới trần thế này.
Tóm lại,
qua bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu mạc khải và khẳng định cho chúng ta tín điều
về sự sống lại và đời sống đời sau. Chúng ta tự hỏi phải sống như thế nào, và thể
hiện niềm tin ấy bằng cách nào trong đời sống hôm nay để được hưởng hạnh phúc vĩnh
cửu Nước Trời ngày sau. Xin Chúa ban ơn
lành và sự khôn ngoan cho chúng ta.
Lm. Chánh xứ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét