Có
lẽ vì có lòng sốt sắng quá mà sứ điệp “Lòng Chúa Thương Xót” của Thánh
Nữ Faustina Kowalska (1905- 1938) lại trở thành phong trào, nó làm người
ta liên tưởng đến những phong trào trong chính trị,
văn hóa, xã hội… Vì theo Xã hội học, tất cả mọi phong trào, nó sẽ tiến
tới một cao trào (đỉnh điểm) rồi đi xuống và chấm dứt, triệt tiêu hoặc
mai một đi, dù là phong trào của triết học, văn học hay những vấn đề của
tôn giáo. Theo thánh Tôma Aquinô, “Lòng
Chúa Thương Xót là thuộc tính cao cả nhất của Thiên Chúa”, nó bất biến,
có giá trị muôn thủa, là trái tim của Hội Thánh Đức Kitô. Vì vậy nó đâu
có thể theo cảm tính để trở thành phong trào được, nếu chạy theo phong
trào thì nhất định nó chỉ mang tính nhất thời.
Phải
chăng con người giữ đạo chỉ căn cứ trên cảm tính nay còn mai mất, như
sách thiêng liêng và tu đức nói: con người giữ đạo dễ bị rơi vào những
trường hợp hình thức, giả hình, vụ lợi, lập dị, kiêu kỳ, đồng bóng…
Thiên
Chúa là tình yêu, là nguồn mạch sự thiện, nên Lòng Chúa Thương Xót thì
vô giới hạn, vượt trên mọi tội lỗi. Đối với tội nhân chỉ cần có lòng sám
hối là nhận được sự thứ tha của Thiên Chúa. Nhưng để hưởng được những
ân sủng của Lòng Chúa Thương Xót theo như Sứ điệp mà Chúa Mạc khải cho
thánh Faustina thì cần có những điều kiện là: Nhận Ra Lòng Chúa Thương
Xót, Cầu Khẩn Lòng Chúa Thương Xót, Thực Thi Lòng Chúa Thương Xót và Tín
Thác Vào Lòng Chúa Thương Xót. Đây là quy luật và là trật tự của siêu
nhiên, nguyên lý của các ân sủng chứ không ngoại lệ, mặc dù cách trình
bày thì khác nhau.
- NHẬN RA LÒNG CHÚA THƯƠNG XÓT
Nhận
ra lòng thương xót của Chúa là khởi đầu từ chính con người, bằng cách
phải biết đối diện với Thiên Chúa bằng sự thành thật với chính mình, như
thế mới nhận ra con người thật của mình, chỉ là yếu đuối, tội lỗi. Khi
đối diện với Thiên Chúa hoặc tiếp xúc với Người, ta sẽ trở nên khiêm
nhường chứ không như con người với nhau, chỉ biết so sánh, để rồi ghen
tị, mặc cảm hoặc tự kiêu.
Trước
mặt Thiên Chúa, mọi người chỉ là tội nhân, điều mà khởi đầu Thánh Lễ
trong Kinh Cáo Mình, từ chủ tế, dù là Đức Giáo hoàng, đến mọi người đều
phải đấm ngực sám hối, xin Thiên Chúa thứ tha tội lỗi: “lỗi tại tôi, lỗi
tại tôi, lỗi tại tôi mọi đàng”. Điều này xem ra thật phi lý trước lý
trí và thực tế như con người sống và hiểu. Lý trí cho rằng, mọi lỗi lầm,
thậm chí cả tội ác đều có những nguyên nhân xa và gần đưa đến, trong đó
mỗi người liên quan phải gánh lấy cái phần của mình, chứ khó mà chấp
nhận “lỗi tại tôi mọi đàng” như trong kinh cáo mình. Có lẽ con người dễ
chấp nhận câu “lỗi tại tôi một phần” hơn, xem ra hợp lý hơn. Để nuốt
trôi được điều này có lẽ không phải dễ dàng, nó đòi hỏi con người phải
có sự khiêm nhường thẳm sâu để nhận ra chính mình (chứ không ai khác) là
căn nguyên của mọi tội lỗi và mọi chia rẽ xung đột.
Cảm
nhận được lòng thương xót Chúa phải khởi đi từ kinh nghiệm tội lỗi nơi
bản thân, mới thấy được sự trao ban nhưng không tình yêu của Thiên Chúa,
đồng thời nhận ra sự yếu đuối nơi bản thân để khám phá ra lòng thương
xót của Thiên Chúa qua sự tha thứ vô giới hạn của Người.
Thực
tế cho thấy, dường như con người quá giả dối khi đấm ngực sám hối, khó
có thật tâm để đối diện với Thiên Chúa và trước cộng đoàn mà nhận rằng
“lỗi tại tôi mọi đàng”. Một khi điều chưa thành tâm thiện chí này diễn
ra, chỉ là sáo ngữ, liệu con người có nhận ra và hưởng được lòng Chúa
Xót Thương hay không? Điều tiên quyết mà sứ điệp Lòng Chúa Thương Xót
đòi hỏi.
- CẦU KHẨN LÒNG CHÚA THƯƠNG XÓT
Cầu
khẩn lòng Chúa Thương Xót là điều chẳng ai xa lạ hay thắc mắc gì, nó
quá quen đến nỗi trở thành sự vị kỷ như một vụ lợi chính đáng trong việc
cầu khẩn, nếu nó bị tách ra khỏi lòng tin yêu và cậy trông vào Đấng
Toàn Năng và Giàu Lòng Thương Xót.
Trong
mọi kinh nguyện, nhất là những kinh trong phụng vụ Thánh Lễ – Thánh Thể
– tất cả đều trực tiếp hoặc gián tiếp thờ lạy, ca ngơị, tôn vinh, cảm
tạ và xin ơn nơi Thiên Chúa, là Đấng Toàn Thiện, Toàn Ái, Toàn Mỹ nhờ
Đức Kytô, trong Chúa Thánh Thần để xin Người rủ lòng thương (Lòng Chúa
Thương Xót) mà ban ơn cho con người. Và lúc đó, Thiên Chúa sẽ tỏ lộ sự
toàn năng của Ngài qua lòng thương xót, như thánh Tôma Aquinô nói: “Thực thi lòng thương xót là đặc điểm riêng của Thiên Chúa, và đó là cách thức đặc biệt để Ngài bày tỏ sự toàn năng của Ngài”.
Qua
quá trình, rất nhiều kinh nguyện nền tảng, rất kinh điển, thật hay và ý
nghĩa, nhưng Chúa Giêsu đã truyền cho thánh Faustina một câu kinh thật
cô đọng, khơi nguồn, đi sâu và đụng chạm tới Bản Tính ưu việt của Thiên
Chúa, nại vào giá máu của Đức Kytô đã cứu chuộc nhân loại, xin Người ban
ơn tha thứ và rủ lòng thương cứu vớt con người tội lỗi. Chắc hẳn Thiên
Chúa không thể từ chối khi nghe con cái Người cầu khẩn: “Lạy
Cha Hằng Hữu, con xin dâng lên Cha: Mình và Máu, Linh Hồn và Thần Tính
của Con rất yêu dấu Cha, là Đức Giêsu Kitô Chúa chúng con. Để đền vì tội
lỗi chúng con và toàn thế giới”; Và: “Vì cuộc khổ nạn đau thương của Chúa Giêsu Kitô. Xin Cha thương xót chúng con và toàn thế giới”… Còn kinh nguyện nào của con người hay hơn được kinh này.
Con
người theo đạo, giữ đạo vẫn cảm thấy mình thiếu thốn hoặc lo sợ đủ
điều, bởi vậy có nhiều lúc họ cầu khẩn Thiên Chúa ban ơn này ơn nọ,
nhưng thường chỉ là chuyện “xin xỏ”, chứ ít khi xuất phát bởi lòng Tin –
Yêu và Cậy Trông, nên nó giống như chuyện nằm mơ rồi đi đánh số và nuôi
hy vọng có kết quả như ý muốn. Cầu khẩn lòng Chúa Thương Xót không thể
như thế, vì Ngài không phải là công cụ theo ý của con người mà là vị Cha
Toàn Năng, Toàn Thiện, Toàn Ái, luôn biết chăm sóc con cái của Người
như thế nào là tốt nhất, nên “Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ kia, Người sẽ thêm cho” (Mt 6, 33).
- THỰC THI LÒNG CHÚA THƯƠNG XÓT
Là
thi hành Đức Ái được khơi dậy bởi lòng trắc ẩn với người đau khổ, người
tội lỗi, người nghèo nàn về tinh thần hoặc vật chất. Thực Thi Lòng Chúa
Thương Xót cũng là luật công bình, bởi vì ai cũng là tội nhân, vì thế
ai cũng cần đến Lòng Chúa Thương Xót. Được thương xót rồi thì phải biết
thương xót người khác, chứ đừng như con nợ không biết xót thương (Mt.
18. 23-35). Một khi con người nhận ra Lòng Thương Xót của Thiên Chúa thì
dễ dàng có lòng trắc ẩn để xót thương người khác, và dễ dàng đáp lại
mời gọi của Đức Giêsu: “Hãy thương xót như Cha các con là Đấng đầy lòng thương xót” (Lc 6,36)
Nhưng
không thể dừng lại ở lòng trắc ẩn mà đủ, vì nếu con người chỉ “cảm
thông” với nỗi khổ của người khác và “chia sẻ nỗi đau khổ của họ” mà
không tìm cách thức hiệu quả để giúp đỡ họ, thì nhân đức Thương Xót
không tồn tại, vì nguyên lòng trắc ẩn thì chưa phải có Đức Ái thực sự.
Do Đức Ái là nhân đức siêu nhiên được kết hiệp với Thiên Chúa, chứ không
căn cứ bởi cảm xúc thuần túy, nên nhiều khi không thấy cảm xúc xuất
hiện mà lại là Đức Ái cao cả. Bởi vậy Thực Thi Lòng Chúa Thương Xót là
điều hệ trọng và buộc phải có trong Đức Ái, vì “Phúc thay ai xót thương người, vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương” (Mt. 5, 7).
Có
khi chạy theo “phong trào” Lòng Chúa Thương Xót hoặc gia nhập Cộng đoàn
Lòng Chúa Thương Xót mà chưa biết hoặc chưa Thực Thi Lòng Chúa Thương
Xót mới chỉ là giữ cái vỏ mà cái ruột thì rỗng không. Hoặc đôi khi làm
việc bác ái lại mang tâm trạng của kẻ ban ơn hoặc vị kỷ, như Lm. Anthony
De Mello nói: “Bác ái thường chỉ là ngụy trang: Loại thứ nhất là ta
dành cho mình cái khoái lạc của việc làm thỏa mãn chính mình, gọi là
quy ngã. Loại thứ hai là ta dành cho mình cái khoái lạc được làm thỏa
mãn người khác, loại này tinh tế hơn. Đây chưa phải bác ái mà là vị kỷ
sáng suốt. Loại thứ ba là làm điều tốt để tránh cảm giác khó chịu, hành
động để khỏi bứt rứt. Đó là loại bác ái tệ hại nhất. Không có sự bác ái
nào tuyệt vời hơn khi người ta không hề hay biết rằng mình đang thi hành
việc bác ái” (Thức Tỉnh, Lm. Anthony de Mello, S.J.).
Đức
Ái mà mà không có sự tha thứ thì chưa phải Đức Ái, mà làm việc bác ái
mà không có tha thứ cũng chưa phải bác ái. Làm việc từ thiện người ta
vẫn có quyền nghi ngờ về mục đích của nó, nhưng có sự tha thứ với người
khác thì không ai nghi ngờ gì cả, nó chứng tỏ có Đức Ái thực sự. Tha thứ
là biểu hiện Lòng Thương Xót của Thiên Chúa, nên khi con người tha thứ
cho nhau cũng chính là Thực Thi Lòng Chúa Thương Xót, khi mà con người
kiềm chế cơn giận dữ, đè nén sự phẫn uất, hủy bỏ mọi cách trả thù, quên
đi lỗi lầm và sự xúc phạm của người khác. Đó mới là sự vĩ đại và là đỉnh
cao của tình yêu – bác ái – như thánh Thomas nói: “Tha thứ cho người khác là thương xót họ, đó là việc to lớn hơn việc tạo dựng thế giới”. Điều mà trong kinh Chúa dạy mà ai cũng biết: “Xin Cha tha nợ chúng con như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con”. Như Đức Giêsu đã biểu lộ trên cây Thập Tự: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23,34). Đây cũng là cốt lõi của sứ điệp “Lòng Chúa Thương Xót”.
- TÍN THÁC VÀO LÒNG CHÚA THƯƠNG XÓT
Còn
gì thâm sâu hơn sự Tín Thác, đó là sự tin tưởng, tín nhiệm, cậy trông,
phó thác vào tình yêu và quyền năng của Thiên Chúa. Nó bao gồm cả Đức
Tin và Đức Cậy. Đức Tin luôn trở thành phép lạ, như mỗi lần Đức Giêsu
chữa bệnh cho ai Người đều nói: “Đức tin của con đã chữa con”. Còn Đức
Cậy làm nên các vị thánh vĩ đại, vì các ngài phó mặc mọi sự trong tay
Chúa, dù vui, buồn hay đau khổ. Nhưng nó lại ẩn tàng một Đức Mến cao độ,
vì nếu Đức Mến ít thì Đức Tin và Đức Cậy cũng chỉ là èo ọt.
Thánh Tiến sĩ thiên thần (St. Thomas Aquinas) nói Tín Thác là một hình thức của Đức Cậy Trông, và ngài định nghĩa: Tín thác là một niềm cậy trông được vững mạnh nhờ một sự xác tín vững vàng. Ở một chỗ khác, thánh nhân còn nói: “Từ tín thác có nghĩa là niềm cậy trông mà ta có vì tin vào lời của ai đó đã hứa giúp đỡ ta”.
Tín
Thác Vào Lòng Chúa Thương Xót là điều vô cùng quan trọng trong đời sống
thiêng liêng, là sự khôn ngoan và phải lẽ của người con đối với Người
Cha Nhân Hậu và Giàu Lòng Xót Thương. Không có sự tín thác là không cần,
chưa tin vào quyền năng và tình yêu của Thiên Chúa. Thiếu sự tín thác
là nghi ngờ, coi rẻ quyền năng và tình yêu của Thiên Chúa. Ý thức mà bất
cần sự tín thác là coi mình như một Thiên Chúa.
Sự Tín Thác còn là luật dạy của Thiên Chúa: “Hãy có lòng thương xót như Cha của anh em là Đấng hay thương xót”
(Lc 6,36), một sự công bằng và phải lẽ của tự nhiên cũng như siêu
nhiên, nhưng lại mang lại sự an bình và cứu rỗi cho người biết tín thác.
Bởi
vậy Thông điệp của thánh Faustina kêu gọi con người phải tích cực hơn
nữa, mang tính khẩn trương bằng sự tín thác vào Ngài, vì Thiên Chúa tỏ
lộ sự toàn năng của Ngài qua lòng thương xót để mang sự tha thứ và bình
an cho con người và thế giới. Nếu thiếu sự tín thác này thì dù có đọc
bao nhiêu kinh, bao nhiêu chuỗi Lòng Thương Xót, thậm chí làm việc bác
ái thì kết quả chẳng ăn thua gì, chỉ đạt được mức độ nào đó tùy thuộc
vào sự tín thác nhiều hay ít vào Thiên Chúa.
Chúa
biết rõ sự yếu đuối của con người dễ ngã lòng, nên có những người được
ơn này ơn nọ, chưa hẳn là họ có sự tín thác mạnh mẽ, mà là do tình yêu
của Thiên Chúa ban phát để cứu vớt họ thoát khỏi sự thất vọng, nguy hiểm
đến linh hồn mà thôi, và họ phải trả lẽ cân xứng với ơn họ được lãnh
nhận. Thực tế cho thấy con người hầu như luôn nghi ngờ vào Lòng Chúa
Thương Xót, nên luôn phòng hờ đủ chuyện, để nhỡ Chúa không cứu, không
giúp, không ban ơn thì còn liệu cách khác, như chuyện “có bệnh thì vái
tứ phương thiên hạ” vậy.
KẾT
Những
điều kiện trên thực ra nó không thể tách rời, có điều này sẽ được điều
kia, nó đan xen và tương tác hữu cơ với nhau như chuyện “bốn trong một”
của món ăn bổ dưỡng. Tin – Cậy – Mến là ba nhân đức đối thần không thể
tách rời, nó đều tập trung để hướng đến Một Thiên Chúa Ba Ngôi.
Năm
Thánh Lòng Thương Xót đã qua được hai phần đường, nhưng liệu có mấy
người quan tâm để hưởng được lòng thương xót của Thiên Chúa và cho thế
giới. Đôi khi người ta chạy theo Lòng Chúa Thương Xót gọi là theo phong
trào, để cầu lợi, xem và tìm kiếm phép lạ. Người ta có thể bỏ tiền bạc,
thời gian, mọi công việc để đi mấy trăm cây số đến làm giờ Lòng Thương
Xót và nghe giảng với hy vọng phép lạ sẽ đến với mình như một cuộc đọ xổ
số. Còn tâm hồn có biết thương xót người, biết bác ái vị tha, đời sống
có thay đổi trong tình yêu mến hay không thì chẳng cần biết đến.
Năm
1673, chính Chúa Giêsu hiện ra với thánh nữ Margarita Maria Alacoque
(1647–1690) tại tu viện Thăm Viếng ở Parayle Monial và trao cho chị việc
truyền bá lòng tôn sùng Trái Tim Người: “Trái Tim đã yêu dấu loài người
quá bội.” Việc Tôn Sùng Thánh Tâm Chúa là mời kêu gọi tha thiết, dịu
dàng qua việc cầu khẩn “Lạy Thánh Tâm Chúa Giêsu, con tín thác vào Ngài”. Nhưng dần dần con người đã sao nhãng.
Nối tiếp, Chúa Giêsu lại trao cho thánh Maria Faustina Kowalska (Ba Lan, 1905-1938) về Lòng Chúa Thương Xót: “Con
chuẩn bị cho thế giới về lần đến cuối cùng của Ta… Hãy làm cho cả nhân
loại nhận biết Lòng Thương Xót sâu thẳm khôn dò của Ta. Đó là dấu hiệu
của thời cuối cùng, sau đó sẽ là ngày công lý”. Sứ điệp mang tính cấp bách, khẩn trương, báo hiệu thời gian chỉ có hạn.
Thánh GH. Gioan Phaolo II trích sứ điệp, trong bài giảng phong thánh cho chị Faustina ngày 30/4/2000 nói rằng: “Trong
thời Cựu Ước, Cha đã sai các tiên tri sử dụng những lời đe dọa đối với
dân Cha. Ngày nay Cha sai con đến với dân chúng trên toàn thế giới với
tình thương của Cha. Cha không muốn trừng phạt nhân loại nhức nhối mà là
muốn chữa lành nó, ghì lấy nó vào Trái Tim Nhân hậu của Cha. Cha sử
dụng hình phạt khi chính họ bắt Cha phải làm như thế; bàn tay của Cha
lưỡng lự sờ đến thanh gươm công lý. Trước Ngày Công Lý Cha đang gửi tới
Ngày Xót Thương” (Nhật Ký 1588)
Đây là vài sứ điệp của Chúa:
–
Hãy nói với thế giới về LCTX… Đó là dấu hiệu của “thời cuối cùng”; sau
đó là Ngày Công Thẳng (Day of Justice). Con sẽ chuẩn bị cho thế giới về
lần đến cuối cùng của Ta. Hãy nói với mọi người về LTX của Ta, vì ngày
kinh khủng là Ngày Công Thẳng đã gần kề.
–
Trước Ngày Công Thẳng, Ta sẽ gởi đến Ngày LCTX (Day of Mercy). Ta sẽ
gia hạn thời gian của LCTX vì những người tội lỗi. Nhưng khốn cho họ nếu
họ không nhận biết thời gian này Ta sẽ đến thăm.
– Khi vẫn còn thời gian, hãy để họ cậy nhờ LTX của Ta. Ai từ chối qua Cửa của LTX đều phải qua Cửa Công Thẳng của Ta.
Đức
Mẹ cũng đã nói với thánh nữ Faustina về sự cấp bách loan truyền lòng
sùng kính LCTX: “Con phải nói với thế giới về LTX của Cha và chuẩn bị
cho thế giới về lần đến thứ hai của Cha, không đến như Đấng Cứu Độ nhân
hậu mà như Thẩm phán công bình. Ngày ấy thật khủng khiếp! Ngày Công
Thẳng đã được ấn định, ngày phẫn nộ của Thiên Chúa (day of divine
wrath). Các thiên thần run sợ trước ngày này. Hãy nói với các linh hồn
về LCTX khi vẫn còn thời gian dành cho LCTX”.
Liệu
qua năm Thánh Lòng Thương Xót, con người có thay đổi không, hay ơn
Thánh đã bị khóa sổ để “tồn kho” và công lý sẽ được thi hành, ngày mà
các thiên thần phải run sợ.
Ngày
nay, Xã hội hiện đại luôn được ca tụng bởi sự tiện nghi và hào nhoáng,
nhưng chiến tranh và nạn khủng bố đe dọa thế giới, nhiều tội ác, mafia,
nạn ly dị, nạn tự tử, phá thai (trên 50 triệu thai nhi bị giết mỗi năm),
hợp thức đồng tính luyến ái, kỹ nghệ sex, hiệp hội trao đổi vợ chồng,
bạo lực trong gia đình và xã hội, kích dục trong phim ảnh và quảng cáo,
những trang Web đen, vũ khí hủy diệt hàng loạt, ô nhiễm và tàn phá thiên
nhiên, hàng ngàn giáo phái thần bí phi nhân bản ra đời, chủ nghỉa cực
đoan, khủng hoảng và tha hóa tinh thần (không tìm thấy niềm tin và ý
nghĩa của cuộc sống), sự tục hóa tâm linh, làn sóng bỏ đạo, chủ nghĩa
thực dụng, duy hưởng thụ… Những vấn đề này được gọi là “văn hóa của sự
chết” (Đức Gioan Phaolô II), “văn hóa tận số” (Đức Phanxico), “vô minh
văn hóa (Phật). Toàn cảnh đã tạo cho thế giới một bức tranh ảm đạm, xám
xịt, lên tới báo động đỏ, như đang sống trên vùng hỏa diêm sơn, nhưng
mấy ai quan tâm.
Nhưng
dù tội lỗi có đến đâu, Đức Kitô đã chiến thắng thế gian, nên Người vẫn
giúp con cái Người thoát khỏi ách nô lệ của tội lỗi bằng cách cải tạo
thế giới bằng tình yêu qua Lòng Thương Xót của Ngài, như chủ đề của Năm
Thánh: “Thương xót như Chúa Cha”. Đạo Chúa là đạo tình yêu, đạo của
Tin Mừng, đạo chứa chan hy vọng và niềm vui, nên có Chúa ai còn lo buồn
và sợ hãi chi.
Hàn Cư Sĩ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét