Ông
bà anh chị em thân mến. Chúng ta không
bao giờ biết khi nào Chúa sẽ thăm viếng chúng ta. Có khi Chúa thăm viếng chúng ta qua những tư
tưởng tốt lành hay sự nhận biết rõ ràng chúng ta không cô đơn. Có khi Chúa đến qua những giây phút chúng ta cảm
thấy bình an trong tâm hồn, hay qua những người tốt lành thánh thiện, hay trong
những người cần đến chúng ta. Và dĩ
nhiên Chúa đến khi cuộc sống trần thế của chúng ta chấm dứt.
Trong
bài đọc 1 hôm nay, Chúa đến với ông A-bra-ham qua 3 người khách lạ, và đã được
ông thiết đãi một cách thân mật và ân cần.
Thật tình lúc đầu A-braham đã
không biết mình đang tiếp đón chính Thiên Chúa.
Nhưng sau khi nhận biết Chúa đến viếng thăm ông để ban cho ông và người
vợ là Sa-ra một ơn sủng mà ông bà hằng cầu mong là một đứa con trai. Qua ân sủng đặc biệt này, A-braham nhận ra vai trò trở ngược, ông chỉ là tạo vật,
được Thiên Chúa, Đấng tạo dựng nên mình đến thăm viếng, và ban cho ông bà một
ân sủng đặc biệt là đứa con trai nối dõng tông đường. Bài đọc một hướng dẫn chúng ta đón nhận bài
Tin mừng qua câu truyện Chúa Giê-su được hai chị em Mát-ta và Maria tiếp đón
vào nhà mình, và được Chúa ban cho lời sự sống.
Cách
đây không bao lâu tôi gặp lại một người bạn cũ lâu năm, và sau khi thăm hỏi,
chúng tôi nói chuyện với nhau một lúc thật lâu.
Anh là một người Công giáo và tuy đã biết, nhưng rất ngạc nhiên tôi trở
thành linh mục. Sau đó chúng tôi nói
chuyện với nhau về cầu nguyện. Tôi chia
sẻ với anh về một cách cầu nguyện của tôi mà tôi cảm thấy thích hợp và hiệu
nghiệm từ khi là linh mục đến nay. Ngoài
việc đọc kinh thần vụ, khi cầu nguyện, tôi nói với anh, tôi luôn hình dung có
Chúa hiện diện ngồi cùng bàn, bên cạnh, trước mắt, hay cùng đi bộ và cùng trò
truyện. Tôi nói với Chúa tất cả những gì
trong tâm tư như tôi đang thật sự nhìn thấy Ngài trước mắt. Và tôi tin một cách vững chắc Chúa luôn luôn
hiện diện mọi lúc trong cuộc sống. Qua sự
biểu lộ trên gương mặt, tôi biết đây là lần đầu tiên anh nghe được cách cầu
nguyện này, lần đâu tiên ý tưởng này xuất hiện trong đầu của anh. Anh nói với tôi “Tôi không biết phải nói gì nếu
Chúa Giê-su đến nhà tôi, muốn thăm tôi trong chốc lát.” Tôi nói với anh “Anh chỉ cần nói với Chúa những
gì trong đầu óc của anh thôi, nói với Chúa như nói với một người bạn hiền, hay
một người bạn tốt.” Và tôi đề nghị với
anh cố gắng dành 10 phút trong ngày và thử cầu nguyện như vậy một thời
gian. Từ đó tới nay, tôi chưa nghe anh
cho biết phương cách đó có thích hợp với anh không, nhưng tôi tự hỏi và muốn biết
có bao nhiêu người cảm thấy thoải mái và tự nhiên cầu nguyện bằng cách này.
Dĩ
nhiên, như ông bà anh chị em biết, có nhiều cách cầu nguyện như đọc và suy gẫm Kinh thánh, lần chuỗi, đọc kinh, đọc
sách các thánh, đọc Thánh vịnh, hay cầu
nguyện trước Thánh Thể. Tuy nhiên cách cầu
nguyện ngoại lệ, không theo cách thức nào chỉ ngồi tâm sự và trao đổi những suy
nghĩ, những ưu tư, lo lắng với Chúa, hay cảm tạ, tri ân Ngài, hay chỉ ngồi im lặng
lắng nghe trong sự hiện diện của Chúa, là một ơn sủng rất to lớn cho chính
tôi. Và tôi thú nhận tôi thực hành phương
cách cầu nguyện này mọi ngày, dù muốn hay không, và đó cũng là lời khuyên của
các bậc thánh nhân, những người viết sách đạo đức và tinh thần, và luôn luôn là
một sự tốt đẹp. Và đó cũng là lời Chúa
Giê-su nói với Mát-ta liên quan đến việc bà Maria làm, ngồi dưới chân Chúa và lắng
nghe lời Ngài trong bài Tin mừng hôm nay “Maria đã chọn phần tốt nhất và sẽ
không bị ai lấy mất.”
Ông bà anh chị em thân mến. Trong bài Tin mừng Chúa nhật tuần trước, một
nhà thông luật đến hỏi Chúa Giê-su “Thưa Thầy, tôi phải làm gì để được sự sống
đời đời?” Và để trả lời, Chúa đã kể cho
ông nghe câu truyện người Samarita nhân hậu bày tỏ tình yêu thương một cách quảng
đại với tha nhân. Và có thể, chủ đích của
thánh Lu-ca cho chúng ta nghe câu truyện hai chị em Mát-ta và Maria là để chúng
ta hiểu sâu sa hơn về câu trả lời của Chúa Giê-su. Cuộc sống của người Ki-tô hữu tin theo và yêu
mến Chúa là làm những việc tốt lành và trở nên người tốt lành, nhưng cũng còn
có một điều quan trọng khác là sự liên hệ mật thiết với Chúa. “Ngươi hãy yêu mến Chúa là Thiên Chúa ngươi hết
lòng, hết linh hồn, hết sức và hết trí khôn ngươi,” đây là câu trả
lời hoàn toàn cho câu hỏi “Thưa Thày, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời?”
Yêu mến Chúa là kết hợp mật thiết với Chúa để được sự sống đời đời.
Như chúng ta biết rõ ràng, hai chị em
Mát-ta và Maria có một sự liên hệ rất thắm thiết với Chúa, và mặc dầu thánh
Lu-ca không cho chúng ta biết, nhưng chúng ta biết hai chị em sống trong thành
phố Bét-tha-ni, cách thành phố Giê-re-sa-lem vào khoảng dặm. Nhà của hai chị em là nơi Chúa hằng đến thăm
viếng mỗi khi mệt nhọc trong khi thi hành sứ vụ rao giảng Tin mừng, và cũng thường
ngụ lại mỗi khi Chúa lên Giê-ru-sa-lem trong những dịp lễ lớn đông người. Chúng ta có thể hình dung Chúa nở một nụ cười
và nói “Mát-ta, Mát-ta.” Một lời đáp trả
thật thân thương. Và trong lời nói với
bà “có một sự cần mà thôi” Chúa không ý ám chỉ những nhu cầu cần thiết cho đời
sống như ăn và uống là không quan trọng.
Nhưng có một sự cần thiết hơn những công việc mà Mát-ta thật sự đang phục
vụ cho những người khách được thoải mái, là sự quá lo lắng về nhiều thứ, lấy mất
thời giờ quí báu để lắng nghe lời Chúa và để tâm sự với Chúa. Mát-ta đang làm những việc rất tốt lành, nhưng
đây là thời điểm phải chậm lại để lắng nghe lời sự sống. Và chúng ta cũng nhận thấy một điều khó có thể
tưởng tượng là Maria, một người mà Tin mừng thánh Gioan cho chúng ta biết rất
yêu mến Chúa, cố tình trốn tránh bổn phận công việc phục vụ Chúa và dồn hết mọi
công việc cho chị Mát-ta. Và tôi nghĩ rằng
Mát-ta biết và hình dung ra còn có một sự kiện quan trọng hơn phải đến và sẽ đến
sau tất cả những công việc phải làm để phục vụ cho khách, và đó chắc chắn là điều
mà Chúa Giê-su muốn ám chỉ.
Ông bà anh chị em thân mến. Câu truyện hai chị em Mát-ta và Maria có nhiều
điều quan trọng muốn chỉ dạy chúng ta liên quan đến đời sống Ki-tô hữu chúng ta
hôm nay. Chúng ta muốn làm những điều tốt
lành, nhưng một điều tốt lành chúng ta phải làm là phải cố gắng làm cho cuộc sống
chúng ta chậm lại, để có thời giờ cầu nguyện, lắng nghe lời của Chúa, lời ban sự
sống và những ơn lành hồn xác cho chúng ta, và đó cũng là việc chúng ta đang
làm trong thánh đường hôm nay. Vì vậy,
chúng ta cùng dâng lời cảm tạ Chúa đã dẫn và sẽ đến thăm viếng chúng ta trong
Thánh lễ này. Xin Chúa giúp chúng ta biết
trân quí sự thăm viếng của Chúa, để được Chúa ban ơn, thêm sức.
Lm. Chánh xứ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét