Ông bà anh chị em thân mến. Tuần trước chúng
ta mừng mầu nhiệm cao cả Chúa Ba Ngôi.
Tuần này, chúng ta mừng kính một mầu nhiệm cao quí khác, sự hiện diện
thật của Chúa Giê-su dưới bánh và rượu trong Bí tích Thánh Thể. Có lẽ mầu nhiệm này làm cho nhiều người khó chấp
nhận hay khó tin hơn là mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi. Nhưng
mẩu nhiệm này được diễn tả một cách rõ ràng trong cả 4 sách Tin
mừng, và nhất là trong thư của Thánh Phao-lô gởi tín hữu Cô-rin-tô mà chúng ta
vừa nghe hôm nay. Thư đặc biệt này,
thánh Phao-lô viết vào khoảng 10 tới 15 năm trước cuốn sách Tin mừng được viết
sớm nhất. Vì vậy, đoạn diễn tả trong bài
đọc 2 là một đoạn văn xưa cũ nhất về Bí tích Thánh Thể mà chúng ta được biết cho
tới hôm nay. Ngôn ngữ mà thánh Phao-lô
dùng để diễn tả xác nhận rằng đây là một truyền thống chân thật và chính đáng. Thánh
Phao-lô nhận được từ nơi Chúa Giê-su và truyền lại cho người Cô-rin-tô y như
người đã nhận được. Chúng ta phải lưu ý điều này “lãnh nhận nơi Chúa” không cần
thiết là lãnh nhận trực tiếp từ Chúa, nhưng có nguồn gốc từ sự giảng dạy và
cuộc sống của Chúa Giê-su. Một điều quan trọng khác, tuy thánh Gioan không nói
rõ sự thiết lập Bí tích Thánh Thể, nhưng ngài đã cung cấp ý nghĩa rộng rãi và
sâu sa về Bí tích Thánh Thể, sau phép lạ hóa bánh và cá ra nhiều để nuôi ăn đám
đông dân chúng theo Chúa.
Tôi nghĩ rằng nếu người nào đó có trở ngại
hay khó tin vào Bí tích Thánh Thể là vì 4 trong 5 giác quan cho biết bánh và
rượu họ lãnh nhận vẫn là bánh và rượu. Chỉ có thính giác, chỉ có tai cho chúng
ta nghe và biết bánh và rượu không còn là bánh và rượu bình thường. Không còn bình thường vì đã được truyền phép,
đã được chúc phúc. Chúng ta nghe Chúa
phán “Này là Mình Ta”, “Này là Máu
Ta…hãy làm việc này mà nhớ đến Ta.” Nếu chúng ta có thấy được sự hiện diện của
Chúa trong Bí tích Thánh Thể, thì chỉ qua con mắt đức tin mà thôi.
Ông bà anh chị em thân mến. Nếu chúng ta có
thể tin Con Thiên Chúa đã xuống trần, mặc lấy bản tính yếu hèn của chúng ta,
thì có lẽ chúng ta cũng không khó tin Con Thiên Chúa đến với chúng ta như của
ăn, của uống. Chúng ta biết bên trong của sự vật không luôn như dáng vẻ bề
ngoài. Thí dụ như một viên kẹo sinh tố và một viên kẹo M and M nhìn bề ngoài thật
giống nhau. Nhưng một viên có sức gìn
giữ chúng ta mạnh khỏe, và một viên cho thêm một số ca-lo-ri mà chúng ta không
cần đến. Cho nên, giáng vẻ bên ngoài của một vật không luôn luôn cho chúng ta
biết số lượng hay phẩm lượng sức lực và ích lợi bên trong. Chúng ta biết thức ăn, thức uống mà chúng ta ăn
uống hàng ngày có sự bổ ích cho thân thể trong thời gian ngắn, nhưng thức ăn,
thức uống mà Chúa Giê-su ban cho chúng ta có sức mạnh để sửa soạn và bổ dưỡng
chúng ta cho sự vinh quang đời sau.
Ông bà anh chị em thân mến. Chúng ta đến với
Bí tích Thánh Thể, là chúng ta đến với hồng ân cao quí của Thiên Chúa ban tặng,
và đến với lương thực quí giá nuôi dưỡng chúng ta trên đường lữ thứ trần gian,
như mana xưa đã nuôi dưỡng dân Do thái tiến qua sa mạc tiến về đất hứa. Chúa Giêsu đã ban cho chúng ta chính Mình và
Máu Người để chúng ta được sống và được liên kết mật thiết với Người và với
nhau. Trong Bữa Tiệc Ly, Chúa Giêsu đã
cầm lấy bánh, đọc lời chúc tụng và trao cho các môn đệ và nói: “Đây là Mình
Thầy. Các con hãy cầm lấy mà ăn.” Sau đó, Người cũng đã nâng chén rượu và nói
với các môn đệ: “Đây là Máu Thầy sẽ đổ ra cho các con. Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Ta.” Lời Chúa
kêu mời chúng ta hôm nay hãy tin vào Người để chúng ta được sống và sống dồi
dào trong ân sủng, trong vui mừng và hạnh phúc của Chúa.
Trong ngày kính Mình và Máu Thánh Chúa Kitô
hôm nay, chúng ta nghe lời Chúa qua phép lạ hóa cá và bánh nhiều. Đây là phép lạ duy nhất được cả bốn sách Tin
mừng thuật lại. Và đây cũng là một phép
lạ Chúa làm một cách công khai trước mắt đám đông dân chúng. Năm chiếc bánh và hai con cá trở thành lương
thực nuôi hơn 5 ngàn người, mà vẫn còn dư mười hai thúng miếng vụn. Trong phép lạ này, chúng ta nhận ra vai trò
quan trọng của các môn đệ. Chính họ đã
nhận ra hoàn cảnh đói khát của đám đông dân chúng, và xin Chúa Giêsu giải tán,
để họ tìm chỗ ăn, chỗ ở, khi “trời đã xế chiều, ngày đã bắt đầu tàn.” Nhưng Chúa Giêsu muốn đưa ra một thách đố
cho Nhóm Mười Hai khi Chúa nói: “Các con hãy cho họ ăn đi.” Đây là một thách đố nhưng cũng là lời mời gọi
cộng tác với Chúa để đem tình thương và ơn sủng của Chúa đến cho mọi người,
nhất là những người trong hoàn cảnh khó khăn.
Ông bà anh chị em thân mến. Tôi phải thú
nhận, tới muôn đời, tôi vẫn luôn ca ngợi Chúa vì Chúa đã thương đến tôi, tôi tớ
hèn mọn của Người, ban cho tôi một hồng ân cao cả cộng tác với Chúa trong thiên
chức linh mục, để phục vụ dân Chúa, đem ơn sủng và lương thực của Chúa đến mọi
người. Tôi biết đây là một sứ vụ quan
trọng và to lớn. Trong bài Tin mừng, các môn đệ cảm thấy mình giới hạn và bất
lực trước nhiệm vụ to lớn, vì điều kiện duy nhất trong tay của họ chỉ là năm
chiếc bánh và hai con cá. Bao nhiêu đó thì thấm vào đâu so với nhu cầu của đám
đông dân chúng! Cũng như các môn đệ, tôi
biết tôi giới hạn, và nhiều lúc cảm thấy bất lực trước những khó khăn và thử
thách. Nhưng cũng như các môn đệ, tôi
luôn luôn tin vào tình yêu, sự quan phòng và quyền năng của Chúa. Người đã mời
gọi tôi cộng tác với Người, thì tôi tin Người sẽ tìm mọi cách để ban ơn thêm
sức và đỡ nâng tôi, vì vậy tôi không lo sợ, nhưng luôn vui mừng hân hoan vì có
Chúa đồng hành với tôi.
Tôi cũng tin chắc Chúa yêu thương tất cả ông
bà anh chị em, ban cho mọi người nhiều ơn lành hồn xác, và kêu mời cộng tác với
Chúa. Chúng ta có thể cảm thấy lúng túng
vì khả năng giới hạn. Nhưng là những Ki-tô hữu và môn đệ của Chúa, chúng ta tin
vào lời Chúa, tin vào quyền năng của Chúa và tin vào những việc lạ lùng Chúa
đã, đang và sẽ thực hiện nơi chúng ta. Và nếu chúng ta luôn trông cậy vào tình
yêu, quyền năng và lòng thương xót của Chúa như các tông đồ, Chúa sẽ thánh hoá
và gia tăng như Chúa đã hóa bánh và cá ra nhiều, và biến đổi bánh và rượu trở
nên Mình và Máu Người trong Bí tích Thánh Thể trên bàn thờ. Xin Chúa biến đổi,
thánh hóa chúng ta, và cùng dâng lời cảm tạ Chúa.
Lm. Chánh xứ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét