Thứ Bảy, 30 tháng 4, 2016

Chúa Nhật 6 Phục sinh. Năm C_2016

Có một câu chuyện về một cố vấn chính trị nổi tiếng cho một vị tổng thống. Sau một vụ xì căng đan, bị truy tố và tống giam vào tù.  Trong tù ông đã trải qua một sự biến đổi tinh thần sâu đậm.  Ông đã chân thành cam kết cuộc đời còn lại của ông cho Chúa Giê-su. Một thời gian ngắn sau khi bị tù, ông thắc mắc tự hỏi “Tại sao Chúa bắt ông chôn vùi cuộc đời vào tình cảnh này, sau mấy lần “tái sinh” và “thay đổi” trong những lần tham dự giảng của các mục sư đạo Tin lành.” Ông cảm thấy cuộc đời không còn ý nghĩa, giá trị, và bị Chúa bỏ rơi.  

Một hôm tình cờ, ông dở cuốn Kinh thánh và đọc một đoạn trong thư của Phao-lô gởi người Do thái về Con Thiên Chúa, là Chúa Giê-su Ki-tô được sai xuống trần và sống giữa con người để mang ơn cứu độ đến cho nhân loại.  Thình lình ông cảm thấy tình trạng của ông giống như sứ mệnh của Chúa nơi trần gian.  Ông tự nghĩ phải chăng đây là thánh ý Chúa sai ông vào tù để sống giữa và mang hy vọng đến cho những người tù đày.  Ông cảm thấy Chúa đã cho ông biết thánh ý của Người kêu gọi ông trở thành người mục vụ cho tù nhân trong những nhà giam. Sau khi ra tù, ông đã khởi xướng một phong trào giúp đỡ tù nhân, cung cấp những cơ hội tìm việc làm, giúp đỡ tinh thần, tư vấn cho tù nhân và gia đình trong thời gian bị tù và sau khi ra tù.

Ông bà anh chị em thân mến.  Câu truyện trên đây giúp chúng ta hiểu rõ điểm quan trọng trong lời tâm sự của Chúa Giê-su với các tông đồ trong bài Tin mừng hôm nay.  Các ông xao xuyến và sợ hãi khi nghe Chúa nói sẽ từ biệt các ông một thời gian.  Các ông không biết cuộc đời của mình sẽ ra sao khi vắng bóng, không có sự hiện diện của Chúa.  Các ông tự hỏi cuộc đời của các ông còn có ý nghĩa và giá trị gì hay không?  Tại sao Chúa phải rời bỏ các ông, khi các ông vừa mới bỏ gia đình đi theo Chúa?  Tại sao Chúa để cho sự kiện này xảy ra khi các ông vừa mới trao cả cuộc đời cho Chúa?

Thế nhưng như chúng ta đã biết Chúa hứa sẽ sai Thánh Thần đến và giúp các ông thực hiện được những điều mới, tốt lành, to lớn và trọng đại hơn sức và lòng các ông mong muốn, cho dù không có Chúa hiện diện bên các ông.  Đây là điều thật quan trọng cho chúng ta, và điều quan trọng đó là: nhiều khi trong cuộc đời, chúng ta cảm thấy hình như Chúa bỏ rơi chúng ta, hình như Chúa để chúng ta xao xuyến và sợ hải một mình, khi phải đối diện với những khó khăn, thử thách và nguy hiểm.

Tôi xin đơn cử những thí dụ sau đây.  Có những lúc khi chúng ta cầu nguyện, chúng ta cảm thấy có nguồn an bình, vui mừng và hy vọng.  Nhưng cũng có những lúc, đặc biệt là những lúc khó khăn hay bây giờ, chúng ta không tìm được nguồn an bình và vui mừng trong sự cầu nguyện.  Có những lúc niềm tin của chúng ta vững chắc và mạnh mẽ có thể “chuyển dời” núi non, nhưng bây giờ không thể hay khó di chuyển dù chỉ là một cái ly giấy hay một cái rác, hay một tánh xấu.  Đã có những lúc chúng ta rất bác ái và quảng đại, có những lúc chúng ta rất hăng say, sốt sắng và nhiệt tình tham gia, giúp đỡ người khác hay giáo xứ, và chúng ta cảm thấy vui thích và thoải mái, nhưng bây giờ nâng cánh tay lên cũng khó và nặng nhọc, không có sự thúc đẩy và hứng thú.  Hình như Chúa đã bỏ rơi để mặc chúng ta một mình. Chúng ta tự hỏi tại sao Chúa lại để cho những sự kiện này xảy ra trong đời sống đức tin, đời sống Ki-tô hữu  chúng ta?  Chúng ta cảm thấy những sự kiện này không mang lại những ơn ích gì, hay tốt đẹp gì cho đời sống hiện tại chúng ta.

Ông bà anh chị em thân mến.  Thật sự, Chúa không bao giờ bỏ rơi chúng ta.  Có lẽ Chúa chỉ vắng mặt một thời gian ngắn, hay chúng ta không nhận ra Chúa thôi.  Và lúc này là thời điểm để chúng ta thăng tiến và trưởng thành về mặt tinh thần, về phương diện đức tin.  Chúa hiện diện với chúng ta qua một phương cách mới, và muốn chúng ta sống một đời sống mới như các tông đồ. Thí dụ, Chúa muốn dạy chúng ta hy sinh thời giờ tham dự Thánh lễ thờ phượng kính mến Chúa, khi chúng ta thấy lòng chúng ta khô khan và nguội lạnh.  Chúa muốn dạy chúng ta cầu nguyện khi chúng ta cảm thấy không có gì xảy ra qua sự cầu nguyện theo ý chúng ta.  Thật sự, lời cầu nguyện tốt lành và chân thành nhất xảy ra khi trái tim của chúng ta nguội lạnh và cảm thấy không có gì xảy ra hay không tiếp nhận được gì.  Vì đây chính là sự cầu nguyện với niềm tin, với đức tin chân thật. Ngoài ra, Chúa còn muốn dạy chúng ta biết đức tin không phải chỉ là một cảm nghiệm, mà còn là một sự cam kết, là một sự phó thác cuộc sống của chúng ta cho Chúa, và là một sự “xin vâng” theo thánh ý Chúa như Đức Mẹ Maria, mà chúng ta mừng kính trong Tháng 5 này, vì Chúa là Chúa của chúng ta. Cuối cùng, Chúa muốn dạy chúng ta bác ái và quảng đại, hy sinh tham gia và nhiệt thành giúp đỡ người khác hay giáo xứ không phải vì vui mừng và thích thú từ những công việc đó, như từ chính lời Chúa Giê-su kêu gọi, dạy và thúc đẩy chúng ta.

Nếu vì lý do hay hoàn cảnh nào đó làm cho chúng ta thắc mắc tự hỏi tại sao Chúa bỏ rơi chúng ta?  Hay như tình cảnh các tông đồ, tại sao Chúa từ biệt chúng ta?  Lý do đơn giản: Chúa muốn đức tin của chúng ta lớn mạnh, hay dẫn đức tin chúng ta đến một sự trưởng thành trong ân sủng và bình an của Chúa.  Hay nói cách khác, Chúa muốn đức tin của chúng ta bắt đầu lớn lên trong đường lối mà chúng ta không nghĩ có thể hiện thực được.  Chúa muốn ban cho chúng ta một đường lối sống mới, một cách thức sâu sắc hơn trong sự cầu nguyện, trong cuộc sống đức tin, trong việc bác ái và trong sự hy sinh tham gia giúp đỡ người khác, để đời sống Ki-tô hữu của chúng ta luôn sống trong tình yêu và bình an của Chúa.  

Ông bà anh chị em thân mến. Chúng ta nhận thấy chúng ta đang sống trong một quốc gia giàu có và tân tiến nhất thế giới, gần như có mọi sự.  Nhưng tiếc thay nhiều người lại không có một điều rất quan trọng và rất cần thiết cho cuộc sống, đó là bình an trong tâm hồn. Có đầy đủ dư thừa về vật chất như tiền bạc, nhà cửa và gia đình, nhưng lại rất lo lắng, sợ hãi và bất an.  Cho nên trong thâm tâm, chúng ta luôn khao khát tìm bình an. Nhưng sự bình an chân thật của Chúa chỉ đến từ sự liên hệ mật thiết với Chúa, từ Bí tích Thánh Thể và từ sự sống lời Chúa dạy mà thôi. Chúa  cho chúng ta biết ai yêu mến Chúa  thì giữ giới luật Chúa dạy, và Chúa ở trong chúng ta, và chúng ta ở trong bình an của Chúa. Thật vậy, bình an chân thật chỉ tìm thấy nơi và từ Chúa Giê-su, và cũng là quà tặng cao quý của Chúa Giêsu ban cho chúng ta, giữa những sóng gió và khó khăn trong cuộc sống, như Chúa đã nhắc nhở: “Thầy nói với các con những điều ấy, để trong Thầy các con  được bình an. Trong thế gian, các con sẽ phải gian nan khốn khó. Nhưng can đảm lên! Thầy đã thắng thế gian” (Ga 16, 33).  Xin Chúa ban bình an chân thật của Chúa để trong bất cứ hoàn cảnh nào, chúng ta luôn trung thành, sống thánh ý và lời Chúa dạy bảo. 

 Lm. Chánh xứ


Không có nhận xét nào:

Tìm kiếm ....