Chúa nhật Lễ Lá hôm nay khởi đầu Tuần thánh, và suy
niệm những đoạn Tin mừng diễn tả những sự kiện xảy ra trong những ngày cuối
cùng trong chương trình cứu độ của Chúa Giê-su.
Một điều quan trọng mà chúng ta phải chú ý là tất cả lời nói và hành
động của Chúa Giê-su phát xuất từ một động lực và diễn tả một điều duy nhất là
tình yêu cao cả và tột đỉnh của Chúa cho chúng ta.
Bài Thương khó theo Tin mừng thánh Lu-ca có rất nhiều
ý nghĩa sâu sa về mầu nhiệm tình yêu của Chúa, nhưng ở đây tôi xin chia sẻ 3 ý
tưởng để chúng ta cùng suy niệm. Thứ nhất, Tin mừng nhất mạnh đến sự vô tội của
Chúa Giê-su. Khi Chúa Giê-su bị điệu đến
dinh tổng trấn Phi-la-tô, một người quyền lực và có tâm độc, có thể xét xử và
kết án bất cứ ai, nhưng ông đã tuyên bố Chúa Giê-su là người vô tội, không phải
một lần, nhưng tới 3 lần và ra lệnh giải Chúa đến Hê-rô-đê. Nhưng Hê-rô-đê cũng nhận ra Chúa vô tội và
gởi trả về cho Phi-la-tô. Người trộm
cướp bị đóng đinh cùng Chúa cũng khẳng định rằng: “Chúng ta chịu đóng đinh xứng
với việc chúng ta đã làm, còn Ông này, Ông có làm gì xấu đâu.” Và người sĩ quan cũng công nhận Chúa Giê-su
vô tội và ca tụng rằng: “Ông này quả thật là người công chính.”
Chúa Giê-su vô tội nhưng đã bị nhạo cười, phỉ
báng, đánh đập, chịu những bất công và bị lên án đóng đinh vào thập giá. Nếu
đặt mình trong đám đông dân chúng, chúng ta tự hỏi: “Chúng ta có là những người
hoan hô vinh danh Chúa? Hay là những
người đã kết án đóng đinh Chúa vào thập giá?”
Hay “Chúng ta là những người dửng dưng, lạnh nhạt và cứng lòng trước
những sự thương khó và đau khổ của Chúa?” Chúng ta thấy ngày nay có nhiều người kể cả
những Ki-tô hữu cứng lòng trước sự thương khó và thập giá của Chúa. Cuộc thương khó của Chúa không còn đánh động
vào con tim chai đá của họ. Tội lỗi đã làm cho tâm hồn họ trở nên chai cứng.
Không có lời nào có thể lay chuyển con tim chai cứng và thay đổi được đời sống
của họ.
Ý tưởng thứ hai là bản tính nhân từ và lòng
thương xót tha thứ của Chúa. Chúng ta đã
biết Tin mừng của thánh Lu-ca là Tin mừng của lòng thương xót tha thứ. Lòng thương xót của Chúa Giê-su được thể hiện
khi Người còn đang trên con đường thương khó, chữa lành tai phải của người đầy
tớ bị Phê-rô dùng gươm chém cụt mất, và đã giải sự thù nghịch giữa Phi-la-tô và
Hê-rô-đê, để họ làm hòa và trở nên thân thiết với nhau. Và khi chịu đóng đinh treo trên thập giá,
Chúa đã tha thứ cho người trộm cướp có lòng tin cùng chịu đóng đinh xin được
vào Thiên Đàng, và cho những người làm hại mình, Người đã cầu nguyện: “Lạy Cha,
xin tha thứ cho chúng, vì chúng không biết việc chúng làm.” Và Chúa cũng đã tha
thứ.
Chúng ta không là người vô tội như Chúa Giê-su, chúng
ta là những người có tội, nhưng cũng có thể theo gương Chúa trở thành sứ giả
của lòng thương xót và tha thứ của Chúa.
Chúng ta được kêu gọi lấy tình yêu chữa hận thù, và tha thứ cho người
khác thay vì mang nặng những sự thù ghen trong con người chúng ta.
Ý tưởng cuối cùng là tuy Tin mừng không đề cập
đến việc Chúa bị đội mão gai, nhưng cho chúng ta biết đến sự kiện Chúa bị sỉ
nhục, bị vả vào mặt trong sự nhạo cười và chế diễu. Chúa Giê-su là Con Thiên Chúa và là Thiên Chúa
cao cả nhận chịu những sự nhục nhã và đau khổ do con người gây nên. Tại sao Chúa nhận chịu những sự sỉ nhục này?
Thưa vì yêu thương cho nên Chúa muốn gánh lấy tất cả để chúng ta tin và yêu mến
Người.
Tôi phải thú nhận mỗi khi suy niệm cuộc thương
khó của Chúa Giê-su, tôi tìm được sức mạnh để đối diện và vượt qua những khó
khăn và thử thách trong cuộc sống. Và tôi
nghĩ rằng tất cả mọi người chúng ta cũng sẽ tìm được sức mạnh và niềm hy vọng
nếu hy sinh thời giờ suy niệm sự đau khổ, sự sỉ nhục và cái chết của Chúa
Giê-su trên thập giá. Và cũng sẽ cảm nghiệm được tình yêu thương của Chúa cho
chúng ta.
Tôi kêu gọi tất cả ông bà anh chị em hy sinh
chút thời giờ trong Tuần Thánh này để suy niệm và đặt mình vào cuộc hành trình
thương khó của Chúa Giê-su, để cảm nghiệm tình yêu và lòng thương xót của Người
cho chúng ta, trở nên sứ giả tình yêu và lòng thương xót của Chúa cho những
người sống chung quanh chúng ta.
Lm. Chánh xứ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét