Thứ Năm, 21 tháng 1, 2016

Xót thương và thống hối

Ngày 8 tháng 12 năm 2015 vừa qua, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã khai mở năm thánh đặc biệt Lòng Thương Xót, nội dung đặt tầm nhìn rất cao, đó là: “Hãy thương xót như Chúa Cha là đấng  xót thương”.
Đức Chúa Cha là Đấng vô hình, làm sao chúng ta thấy được, chiêm ngắm được để noi theo, để bắt chước? Chúa Giêsu Ngôi Hai Thiên Chúa đã trả lời cho chúng ta vấn nạn này: “Ai thấy Thầy là thấy Cha”.
Lần giở Kinh Thánh, chúng ta đọc lời Chúa dạy, thấy những việc Chúa làm hầu quyết tâm chỉnh sửa đời sống chúng ta cho phù hợp với điều Chúa muốn đó là hoán cải tâm hồn, đổi mới đời sống để mến Chúa và yêu mến tha nhân nồng thắm hơn.
 
Toàn thể Kinh Thánh kêu gọi sự trở về, sự hoán cải tâm hồn và muốn cho con người trung thành với Tình Yêu Thiên Chúa. Hầu hết các tiên tri điều kêu gọi dân trở về với Thiên Chúa Giavê. Rồi gần đến giờ cứu rỗi của Chúa Giêsu tiếng kêu gọi này trở nên cấp bách : Thánh Gioan Tiền Hô rao giảng: “Hãy ăn năn thống hối, vì Nước Trời đã gần đến”. Chúa Giêsu khi rao giảng, câu đầu tiên thốt từ miệng Ngài cũng không là gì khác hơn: “Hãy ăn năn thống hối và tin vào Phúc Âm”. Như vậy việc ăn năn thống hối, giao hòa với Thiên Chúa, với tha nhân, với Giáo hội là điều tối quan trọng.
 
 Chúng ta biết thiên tình sử giữa Thiên Chúa và loài người viết lên những trang lâm ly bi đát. Thiên Chúa là tình yêu, như thánh Gioan đã miêu tả, và vì yêu mà Thiên Chúa đã tạo dựng con người, đã thương ban cho con người tất cả những ân sủng của Ngài. Thiên Chúa đã muốn kết hôn với loài người. Nhưng con người đã nhiều lần phụ bạc tình Chúa, đã phạm tội, trong số các tội nhân đó có chúng ta.
 
Tội là gì? Ở đây chúng ta chỉ đề cập đến tội trọng, tội nặng. Tội trọng là những tội cắt đứt liên lạc giữa con người với Thiên Chúa, là thái độ của một người bạn ngoại tình, của một đứa con đãng tử dập cửa ra đi trước sự đau xót và sững sờ của cha già. Đó là tội gây chết chóc, đổ vỡ, tan nát. Với ý thức và tự do, con người đã quay lưng lại Thiên Chúa, để lao đầu vào vực thẳm tuyệt vọng. Tội nặng làm cho con người mất liên lạc với nguồn sống mình là Thiên Chúa, như nhành cây lìa khỏi thân cây trở nên khô héo, như chiếc đèn điện bị đứt cầu chì, không có dòng điện qua lại, trở nên vô dụng vì không chiếu sáng. Đang là con cái Chúa, tội nhân trở thành nô lệ cho ma quỷ.
 
Tội là một thực tại tai hại và xấu xa như thế, nhưng Thiên Chúa là Đấng luôn luôn khoan dung nhân hậu. Ngài đã bọc lộ tình Ngài trong Kinh Thánh, nơi Người con của Ngài là Chúa Giêsu, Chúa chúng ta. Ngài xót thương kẻ có tội, Ngài đưa má phải cho người vả má trái. Ngài sẵn sàng tha 70 lần 7, nghĩa là tha luôn. Đứa con đãng tử đã được tha ngay từ lúc nó bước chân ra khỏi cửa, được tha ngay khi nó phung phí tiền của do mồ hôi nước mắt cha già làm ra, bỡi lẽ nó được cha yêu thương và mong đợi. Con chiên lạc đã được yêu mến ngay trong khi nó đi hoang, vì chủ chăn nhân lành đã bỏ các chiên khác để lo ngày lo đêm đi tìm nó và khi đã tìm gặp vui mừng vác nó trên vai và đem về ràng. Nói cách khác Chúa yêu thương con người vô điều kiện, Ngài yêu dẫu không được yêu lại, đó là ý nghĩa tròn đầy của tiếng ân sủng, một tình yêu nhưng không. Ngài còn yêu bỡi vì Ngài không được yêu, đó là cả một tấm lòng mà người ta gọi là ái tuất. Lý do nào khiến cho Ngài yêu chúng ta đến như điên như dại ? Không có lý do nào khác ngoài lòng tốt vô biên của Ngài. Ngài không là người chồng lựa chọn vợ yêu thương mình, rồi chê bỏ vì vợ bất trung, rồi đem lòng tha thứ vì thấy vợ ăn năn hối cải. Không, tình yêu của Ngài không phải là sự đáp trả, không phải là một tiếng dội đơn thuần của một tình yêu khác, mà là một sáng kiến, một sự tỏ tình luôn đi nước trước như thánh Gioan đã viết : “Thiên Chúa yêu thương chúng ta trước”. Ngài chẳng những yêu thương mà còn luôn tha thứ, dẫu người yêu của Ngài thế nào đi nữa.
 
Chính con người, chính chúng ta mới là những kẻ thay lòng đổi dạ, mới là những kẻ thất nghĩa bất trung. Yêu thương rồi ghét bỏ, cho rồi lấy lại, hứa rồi nuốt lời. Nhận tiếng “xin vâng” lúc được rửa tội rồi thay đổi thái độ, rồi bỏ cuộc, rồi gây đổ vỡ, rồi đi hoang do tội phạm mà chúng ta gọi là tội nặng.
 
Thiên Chúa luôn luôn bỏ cửa ngõ trống để ta trở về. Ngài không đóng sầm chốt cửa trước đứa con đi hoang, trước người tình phụ đi theo tiếng gọi tình yêu bất chính, hằng ngày Ngài ra trước cửa để ngóng chờ, luôn ở trong tư thế thứ tha, đón nhận. Để tha thứ chỉ cần có một bên là đủ, nhưng muốn hòa giải phải có hai bên. Đồng tiền, con chiên là những vật không có lý trí và tự do, người chủ phải đi tìm, nhưng đứa con, có ý thức, cha già đành phải đợi để đứa con trở lại.
 
Và một ngày kia đứa con đãng tử đã trở về. Luca viết: “Khi đứa con còn ở xa xa, thấy nó, người cha động lòng thương, ông chạy đến ôm chầm lấy nó và hôn nó một hồi lâu”. Chính Đức Kitô đã thay Chúa Cha nói lên dụ ngôn này.
 
Hòa giải với Chúa là một điều dĩ nhiên, nhưng tại sao lại phải hòa giải với anh em? Làm sao hòa giải với Chúa, làm sao trở về nhà cha mà không hòa giải với những người con của Ngài? Thánh Phaolô khuyên dạy: “Ta khuyên anh em trong Thiên Chúa hãy phối hợp đời sống của anh em theo tiếng gọi mà anh em đã lãnh nhận. Trong hết sức khiêm nhường và hiền dịu, với sự nhẫn nại, hãy chịu đựng lẫn nhau trong tình mến, hãy cố giữ sự hiệp nhất tâm trí do dây an bình, chỉ có một thân thể và một tinh thần, cũng như ơn gọi anh em kêu mời anh em đến cùng một niềm cậy trông duy nhất” (Eph. 4,1-4).
 
Thiên Chúa muốn chúng ta yêu mến Ngài đồng thời cũng muốn chúng ta yêu thương nhau, do đó khi nào ta phạm tội nghịch với Chúa, thì ta cũng làm tổn thương anh em. Cho nên một khi hòa giải, chúng ta phải hòa giải không những với Chúa mà còn với tha nhân và với chính mình nữa.
 
Nhưng cành cây gãy lìa thân, khô héo không thể tự mình ghép vào thân cây được, cầu chì đứt, không thể tự nó nối lại được, phải nhờ một người khác, một bác làm vườn hay một thợ điện chẳng hạn. Cũng thế, ngoài Chúa Cứu Thế ra, không ai có thể giúp chúng ta giao hòa với Thiên Chúa, nối lại nhịp cầu đã đổ vỡ được. Chúa Giêsu giúp chúng ta cách nào? Hãy lần giở Kinh Thánh.
 
Gioan Tẩy Giả, theo tinh thần của đạo cũ, đã ngăm đe những tội nhân tuôn đến cùng ngài trên bờ sông Giodan. Ngài nói nặng lời với họ: “Hỡi loài rắn độc, cơn thịnh nộ của Chúa hòng trút xuống trên các ngươi, cái rìu đã đặt kề gốc cây”… Nhưng lạ thay trong nhóm tội nhân hôm đó, Gioan kinh ngạc thấy có Chúa Giêsu ở giữa. Ngài cũng xuống sông xin Gioan làm phép rửa. Để tránh sự ngộ nhận, Gioan đã vội giảng giải: “Đây Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xóa tội trần gian”. Gioan muốn nói Chúa là Đấng vô tội, nhưng Ngài đành hy sinh hòa mình trong đám tội nhân để lãnh phép rửa thống hối. Sau này khi rao giảng Tin Mừng, Chúa cũng lặp lại lời Gioan: “Anh em hãy ăn năn thống hối vì nước trời đã gần đến”, nhưng Ngài bỏ mất câu nói nặng lời của Gioan và cũng không nhắc lại lời ngăm đe trên kia, chỉ thêm “hãy tin vào Phúc Âm”. Thái độ khoan dung, cảm thông với những kẻ có tội đã làm cho Gioan nghi ngờ lúng túng, không yên lòng, nên trong chốn lao lung, nằm trong ngục thất, lo cho tương lai của nhân loại tội lỗi, Gioan đã sai các môn đệ mình đi hỏi Chúa Giêsu: “Thầy có phải là đấng thiên hạ trông đợi hay chúng tôi còn phải đợi đấng nào khác?” Chúa Giêsu trấn an Gioan bằng cách mượn lời tiên tri Isaia để trả lời: “Ngài đã sai tôi đi rao giảng tin mừng cho người nghèo khó: đó là những người đui mù, điếc lác, què quặc, phong cùi, chết chóc … Tất cả đều được nghe Tin Mừng, được chữa đã … Đó là những người tội lỗi đáng thương được biểu trưng bằng những nỗi khốn cùng trong nhân loại” (Lc 8,18).
 
Chưa hết, hãy theo dõi Chúa Giêsu trên con đường rao giảng tin mừng, Matthêô tự thuật đời mình như sau: “Chúa Giêsu thấy một người ngồi ở bàn thu thuế, một Matthêô Lêvi nào đó” (Mt 9,9). Một nhân viên thuế vụ đang làm việc khai thác dân, là cộng sự viên đắc lực của đế quốc La Mã, đang rình mò dân chúng qua lại để bóc lột, một người đang bị bắt phạm tội quả tang mà không biết xấu hổ và không có chút ý muốn bỏ cuộc.
 
Nhưng ông đã bỏ cuộc, ý nghĩ bỏ cuộc do chính Chúa Giêsu gợi lên khi Ngài đi ngang qua đó. Chính Ngài cũng đã gợi lên ý nghĩ bỏ cuộc đó cho người thiếu phụ xứ Samari, cho người đàn bà ngoại tình, cho Maria Mađalêna, cho Giakêu, cho Phêrô và cho người trộm lành.
 
Tại sao Chúa lại gợi lên ý nghĩ bỏ cuộc, bỏ nghề bỉ ổi để đổi đời cho những người tội nhân trên, những người đã hơn một lần làm mất lòng Chúa ? Bởi vì Chúa là hiện thân của Thiên Chúa, nguồn tình yêu thương, bởi vì Chúa Giêsu chính là tình yêu nhập thể.
 
Trước bàn giấy ghê tởm, con người bị dân chúng oán ghét, bàn tay thọc vào bao bạc được thu tích cách bất lương, người qua lại tránh né và như muốn bịt mũi bước nhanh nữa là khác, thế mà Thiên Chúa lại gần. Cung cách của Ngài, cái nhìn của Ngài, bàn tay đon đả giơ ra tất cả điều là chiếu cố, là vồn vã, là yêu thương, tất cả là tha thứ nhân danh Chúa và nhân danh nhân loại. Và đây Ngài còn cất tiếng ngỏ lời với người tội lỗi, cung giọng đầy tin tưởng, kính trọng, thân tình và mời gọi, ngắn gọn nhưng chí tình: “Hãy theo Ta”.
 
Ai hiểu được lòng Chúa yêu thương? Ngài tha thứ là một việc tốt rồi, thế mà còn kêu gọi người có tội theo Ngài? Ngay cả Matthêô cũng không hiểu nổi. Ông kinh ngạc: Tiên tri Giêsu biết ông, ngỏ lời với ông ngay trong lúc ông hành nghề bỉ ổi, ngay trong đớn hèn của ông. Chúa đã muốn hiện diện trong đời ông, mặc dù đời ông đang dãy dụa trong vũng bùn. Chúa đã muốn kéo ông ra, muốn lôi ông lên, ủy lạo, an ủi ông vì ông đang bị mọi người phỉ nhổ, bị cộng đoàn Do Thái khai trừ, bị coi như là một tên Do Thái gian cấu kết với ngoại bang đế quốc để bóc lột dân. Trong lúc đó chỉ có một mình Chúa cảm thông và đã cho ông biết Thiên Chúa yêu thương ông, một con người bất xứng.
 
Lập tức dẹp nghề, xô bàn ghế, đứng dậy đi theo Chúa dưới mắt căm phẫn của những người lành, họ bất mãn vì sao Chúa lại như thế. Trước mắt đầy kinh ngạc của những người tội lỗi, họ đâm bối rối và như vừa trải qua một giấc mộng, thật hay mơ đây.
 
Sau đó là cả một đám đông những người tội lỗi đổ xô đến với Chúa. Matthêô đãi tiệc tại nhà ông, bởi vì Tin Mừng Tha Thứ đã nổ tung trong đời ông và trên thế giới. Chúa Giêsu ở giữa, các tông đồ ngồi gần Chúa, vây quanh Ngài là cả đám tội nhân đủ cỡ, những người cảm thấy mình được chiếu cố. “Người ta xưng thú lỗi lầm với nhau và người ta tỏ lòng thống hối ăn năn với Chúa, người ta liên hoan, vì Thiên Chúa đã giao hòa chúng ta với Ngài qua Đức Giêsu Kitô” (2Cor 5,18).
 
Những người Pharisêu và Ký Lục, những người tự coi mình là những người lành, tức tối, nên Chúa phải giải thích: “Không phải những người khỏe mạnh cần thầy thuốc, nhưng những người đau yếu. Ta không đến để kêu gọi những người lành mà những người tội lỗi” (Mc 2,13-17).
 
Nếu Chúa đã nếm lấy những thất bại chua cay trong đời Ngài, đó chính là nơi những người tự xưng mình là người lành của thời Ngài.
 
Cũng những người tự xưng mình là đạo đức, ngay lành công chính này, một ngày kia phẫn nộ đến điên cuồng, đã lôi kéo đẩy xô một người đàn bà bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình, họ lôi bà ta đến cùng Chúa. Người đàn bà này đau khổ, xấu hổ rũ rượi vì nhận biết tội lỗi của mình, chắc bà đang dọn mình chết, vì theo luật Do Thái, người phụ nữ ngoại tình sẽ bị ném đá. Còn những ký lục và biệt phái cũng như đa số dân chúng đã không ý thức về tội lỗi của họ. Để nhắc cho họ lắng nghe những tiếng nói lương tâm, Chúa Giêsu cất tiếng: “Ai trong các ngươi thấy mình vô tội, hãy ném đá người đàn bà này trước” (Ga 8,7).
 
Trong yên lặng, đột nhiên Lời Chúa khai quang tâm trí mọi người, giúp cho mỗi người khám phá ra sự cứng lòng của mình, sự xấu xa, đớn hèn, sự bất toàn bất túc của mình và ngay cả sự đồng lõa phần nào thực sự và sâu đậm với tội ngoại tình của người đàn bà này, vì biết đâu họ đã không tạo điều kiện để lành mạnh hóa xã hội, đã đưa người đàn bà vào chỗ bế tắc, vào bước đường cùng, đành phải nuôi sống bằng cách bất chính …
 
Và mỗi người hổ thẹn, nhón gót rút lui êm thấm và Phúc Âm Gia lưu ý “những người già đi trước” Chúa hỏi người đàn bà “Không ai lên án chị sao?” Lời này không phải trực tiếp hỏi chị đàn bà, nhưng để công bố rằng giờ đây mọi người đều ý thức thân phận tội lỗi của mình và thay vì làm quan tòa đoán xét, lên án, họ đã rút lui. Hành động rút lui là hành động xưng thú lỗi lầm, tức họ cũng đã đứng về phía người đàn bà tội lỗi.
 
Chỉ có một người vô tội đó là Chúa Giêsu, nhưng Ngài cũng không lên án. Ngài nói với thiếu phụ “Không ai lên án chị” và như vậy không ai bị lên án cả, họ cũng không và chị cũng không, bỡi vì tâm hồn của tất cả đều thay đổi … “Hãy về đi và từ nay đừng phạm tội nữa”.
 
Thánh Gioan, người thuật lại câu chuyện này, đã viết trong thư thứ nhất của Ngài: “Nếu ta tự cho mình là người không có tội, chúng ta tự dối mình và sự thật không có trong chúng ta. Nếu chúng ta xưng thú tội chúng ta, Thiên Chúa, Đấng trung tín và thánh hóa, sẽ tha thứ tội lỗi chúng ta và sẽ rửa sạch chúng ta khỏi mọi tội lỗi” (1,8-9). Và Ngài tiếp bằng những lời rất thân mật: “Hỡi các con yêu quý của Cha, Cha cầu chúc các con đừng ai phạm tội, nhưng nếu có ai phạm tội, thì hãy chạy đến cùng Thiên Chúa, qua Đấng binh đỡ, là Chúa Giêsu Kitô, Đấng công chính” (Ga 2,1-2).
 
Như vậy giờ đây chúng ta đứng về phía nào, bên phía các biệt phái, ký lục hay bên phía tội nhân? Ngần ấy chứng từ trong Kinh Thánh đã quá đủ để ta thấy lòng Chúa yêu thương chúng ta bao la như thế nào, đủ để ta thấy dù ta đớn hèn đến mức độ nào, Chúa cũng dũ lòng thương, với điều kiện chúng ta nhận và xưng thú tội lỗi. Ngần ấy quá đủ để chúng ta phải biết cảm thông với những người có tội, không làm bộ giả hình lên án gay gắt những người theo quan điểm của Chúa, là đáng thương hơn đáng trách. Hãy khắc khe với chính mình, hãy yêu sách chính mình, hãy thành thật với Chúa, hãy khiêm nhường chấp nhận mọi yếu hèn và hãy khoan dung với người khác. Đó là những bài học chúng ta rút tỉa từ những đoạn Kinh thánh mà chúng ta suy niệm trên.
 
Hay có người bảo rằng đọc Kinh Thánh chúng ta chỉ thấy lòng khoan nhân vô bờ của Thiên Chúa, còn thái độ của con người thì đầy mặc cảm lặng yên? Không, Matthêô đã bỏ nghề cũ để theo Chúa, Maria Mađalêna đã đổi đời, Giakêu đã phạt tạ, đã chia sẻ gia sản mình cho kẻ khó để đền tội, Phêrô đã khóc lóc suốt đời mình và đã dùng cái chết treo lộn ngược đầu trên thập giá để minh chứng lòng trung kiên của mình đồng thời sửa chữa những lỗi lầm xưa.
 
Và đây, hãy xem tấm gương thống hối của Đavit: Vua Đavit là một người chăn chiên, đã được Chúa chọn làm vua Israel để thay thế Saul. Trong những ngày tháng vinh quang nhất đời ông, ông vui hưởng cảnh giàu sang phú quý và trong chính khi hưởng nhiều ơn Chúa như vậy, ông đã sa ngã phạm tội. Ông đã phạm hai tội. Tội thứ nhất là muốn khoe khoang, muốn kiểm tra dân số để biết công lao của mình đã chinh phục được bao nhiêu thần dân. Chúa đã sai tiên tri đến báo tin Chúa sẽ phạt tội kiêu ngạo của ông bằng cách trong một ngày cho thần tru diệt đến giết các con cái Israel. Khi thấy người ta chết quá nhiều, Đavit đã xin Chúa thà giết ông đi còn hơn là để cho thần dân của ông, những người vô tội phải vạ lây khủng khiếp như vậy. Trong khi ta phạm tội, liên đới trách nhiệm vẫn có trong cộng đoàn, trong xã hội của chúng ta, biết bao trẻ sơ sinh, biết bao người lành phải chịu cảnh khốn cùng để đền tội thay cho ta, nỡ nào ta kéo dài cảnh sống đau thương cho những người vô tội như vậy. Chưa hết, Đavit còn phạm một tội khác tầy trời đó là tội giết Uria, người Hittit, để sang đoạt Bersabê làm vợ. Ông đã làm việc này với một mưu mô xảo quyệt, đến độ không ai hay biết và ông tưởng rằng mọi sự đã qua, lương tâm cũng yên ngủ trong tội lỗi. Chúa sai tiên tri Nathan đến nhắc cho vua biết nhà vua đã phạm tội như vậy. Đavit đã không chối cãi, không biện minh, mà đã khiêm nhường cúi đầu xưng thú: “Quả thật tôi đã phạm tội mất lòng Chúa” và ông đã ăn năn thống hối thảm thiết, sẳn sàng nhận mọi hình phạt Chúa giáng xuống trong suốt cả đời mình. Chúng ta thán phục phản ứng của Đavit trước lời khiển trách và hình phạt của Thiên Chúa giáng xuống ông. Đọc lại thánh vịnh thứ 50, chúng ta thấy Đavit đơn sơ, khiêm tốn trong thống hối sâu xa và vẫn không ngã lòng một mực tin tưởng vào lòng lân tuất vô biên của Chúa. Chính vì vậy mà ông đã xin cho đứa con ngoại tình của ông khỏi chết. Chúa đã không thể nhượng bộ trước một sự dữ có tính cách xã hội. Ngài phải cất đi gương xấu do Đavit gây ra, đứa con đã chết, nhưng Ngài cho Salomon lên kế vị Đavit, Salomon sinh ra do Bersabê, người vợ cũ của Uria. Một lần nữa ta thấy lòng khoan dung của Thiên Chúa là kỳ diệu.
 
Nhưng đối với những người đang sống tình nghĩa với Chúa, sao lại đề cập đến tội lỗi? Trong quyển tự thuật “Một Tâm Hồn” Thánh Nữ Têrêxa Hài Đồng Giêsu đã ghi chép hai sự kiện rất hợp để nói về ý nghĩa của tội: có lần cha chị gọi chị lại, lúc ấy chị đang đánh đu, chị đã trả lời với cha: “thì cha lại đây, con đang bận”. Cha chị làm thinh bỏ đi, chị Pauline nói với em: “sao em vô phép với ba như thế?” lập tức Têrêsa nhảy bổ xuống khỏi đu chạy theo cha năn nỉ xin lỗi. Lần khác chị đang nằm trong giường, mẹ chị vào phòng muốn hôn con, nhưng thấy con đang ngủ, sợ đánh thức con nên thôi. Chị Pauline thấy vậy thưa với mẹ: “Em nó làm bộ ngủ đó, nó đang thức”. Mẹ liền đến bên Têrêxa cúi xuống toan hôn nhưng Têrêxa kéo mền phủ kín và lùng bùng: “Tôi không muốn cho ai hôn tôi hết”. Mẹ chị buồn bỏ ra đi. Chị Pauline lại một lần nữa dạy em. Chị nói với Têrêsa: “Em làm như thế là có lỗi với mẹ” Têrêxa lập tức chạy xuống lầu tìm mẹ van nài xin lỗi mẹ. Như vậy tội là khước từ tình Chúa thương ta, là không để Chúa hôn mình bằng những cử chỉ yêu thương của Chúa, mà lại che lấp mình bằng một lòng ích kỷ, tự mãn, kiêu căng.
 
Sau Công Đồng Vatican II, Giáo Hội dạy thêm vào kinh cáo mình câu: “Và những điều thiếu sót”. Tội to lớn nhất trong các tội là lỗi đức bác ái. Nhưng có nhiều người không để ý đến tầm quan trọng của hậu quả lỗi phạm. Chúng ta hãy đọc câu chuyện dân gian Nauy sau đây có tựa đề là “Chiếc lưới”:
 
Một bữa nọ, bác đánh cá gọi con gái mình là Hatta và bảo: Con hãy đan cho cha một chiếc lưới mới và nhớ mỗi gút phải cẩn thận gút thật chặt, vì lưới cần phải chắc. Còn cha thì vô rừng đốn cây để làm một chiếc thuyền đánh cá mới. Thật gay go khi phải làm một chiếc thuyền chống chọi được với ba đào, lướt được sóng gió dãi dầu sương nắng. Nhưng cha muốn có một tấm lưới to và mới để sau Noel, cha sẽ ra khơi với anh con là Axel. Con hãy lợi dụng những ngày hè để đan cho xong lưới. Con hãy dùng 10 ngón tay thành thạo và dẻo dai, với đôi mắt sáng để đan lưới. Cha rất cần chiếc lưới vừa mịn vừa chắc. Hãy đặt hết tâm hồn con trong việc đan lưới, một chiếc lưới không sai chạy. Hatta đã vâng theo lời cha bắt đầu đưa tay đan lưới, nhưng hai mắt cô có lúc mơ màng theo dõi những cánh chim bay tận đâu đâu. Trái tim cô lại càng đi xa hơn, xa tít mãi cõi mộng nào đó, đố ai mà biết được. Mặc dầu lưới vẫn được đan, nhưng đã có một số mắt sai chạy, những mắt lưới đã không thắt chặt, lại có những lỗi lầm sơ sót. Nhưng cô thầm nghĩ, đan lưới bắt cá mòi chứ có bắt cá voi cá mập đâu mà sợ, như thế cũng quá đủ chắc rồi. Làm chi mà gút chặt, đau tay lắm, làm vừa phải thôi…
 
Một chiều đông ảm đạm, chiếc thuyền mới rời bến cùng với một tấm lưới mới, trời tối như mực, tối khắp vùng biển cả, tối luôn cả con tim. Hatta đứng trên bến ghe, theo dõi con thuyền từ từ như một bóng ma rời bến, lướt ra khỏi cửa. Cô thở dài nghĩ thương cho cha già từng ấy tuổi phải cực nhọc, cố gắng đan lưới, dâng chút công khó của mình tuy chưa đủ nhưng cũng là một niềm an ủi. Còn ông già đánh cá, trán rộng hiên ngang, đương đầu với gió với sương mù, vai mang lưới nặng, lưới căng phồng niềm hy vọng, ông bảo người con trai: “Hãy thắp trên cột bườm cao nhất, chiếc đèn dầu cá thu, chịu đựng được gió to bão lớn, sáng tỏ trong sương mù. Hatta thấy từ bờ xa, một ngôi sao đang múa nhảy, lấp lánh trong đêm. Như vậy nó sẽ biết, vì bầu trời đen mực, rằng cha già đang lên tiếng cảm ơn.
 
Ba ngày qua, ba ngày thức suốt trong đêm đen, Axel la: “Cố lên các bạn bắt cá mòi, cá nhiều lắm, tôi thấy chúng bơi lội sáng rực trong đêm”. Vì quá vui mừng, Axel không kể gì nguy hiểm nghiêng mình quá thấp, ra khỏi thuyền, nên đã rơi tòm xuống biển. Người cha già đang kéo lưới, nghĩ thầm, nó có xuống nước, nằm trong lưới, thì chỉ ướt chút thôi, không hề gì, ta sẽ kéo nó lên, may quá, lưới của con gái Hatta của lão, đan chắc, không sai chạy… Nhưng, bỗng tay ông lão đang cố kéo sức nặng của con ông, vùng lên rồi ông cảm thấy nhẹ tưng. Thôi lưới đứt, con ông đã tuột khỏi lưới, qua những chỗ sơ hở Hatta đã đan.
 
Hatta không thấy anh mình trở về, chỉ thấy cha già lưng còm và sầu muộn.
 
“Con ơi, con đã làm gì cho anh con phải ra như vậy ?”
 
Đúng là câu Chúa hỏi Cain trong cơn khủng hoảng. Hatta trả lời : “Con đâu có phải là kẻ giữ anh con ?” ông lão nói : “Con nghe đây, nó rơi xuống biển nằm trong lưới con, cha cố vớt lên lưới đứt, nó đã chìm sâu trong đáy biển giữa đêm đen”.
 
Hatta rú lên một tiếng hãi hùng. Cô ân hận, nếu tôi biết trước, tôi sẽ cố gắng tối đa đan lưới và gút thật chặt. Tôi sẽ cẩn thận biết bao và đặt ở đó hết tình yêu thương…
 
Câu chuyện của người đánh cá xứ Nauy, một non nước cách xa ta hàng vạn dặm, thế mà có một tiếng dội thiêng liêng trong tâm hồn chúng ta. Biết bao lỗi lầm, biết bao điều thiếu sót, hữu ý hay vô tình mà ta đã làm thiệt hại người anh em chúng ta. Tiếng người cha già có đập vào tai chúng ta hay không ? “Hatta, con hãy cố đan lưới cho cẩn thận, gút thật chặt vào, vì cha cần lưới mới. Nhất là con hãy đặt vào đó hết lòng con… một tấm lưới không sơ sót, không sai chạy”. Trong cuộc sống, lạy Chúa, Chúa cũng nói với chúng con như vậy. Hãy làm việc với tất cả tâm tình, sơ sót là lỗi bổn phận và có khi hay nhiều khi giết chết người anh em chúng con. Hãy nhìn lên Chúa đã đốn gỗ, đã đẽo ra một chiếc thuyền mới, con thuyền thập giá, với hơi thở của Thánh Linh, căng buồm ra khơi với tấm lưới mới và chắc của chúng con. Liệu tấm lưới ấy có chắc thật không, có sơ sót không ? Nhưng “Thưa Chúa lưới chắc để làm gì ?” Con ơi hãy tránh những lỗi lầm và bỏ đi những mơ mộng viễn vông. Cha dùng lưới con để bắt các linh hồn đang đắm chìm, cứu vớt những người anh em con đang chơi vơi…”. “Con hiểu rồi, Chúa ơi, con sẽ cẩn thận hơn, sẽ đan lưới cuộc đời con bằng cả một niềm cẩn trọng và đặt vào đó hết tâm tình”.
 
Qui Nhơn, ngày 01 tháng 01 năm 2016
  Gm. Phêrô Nguyễn Soạn

Không có nhận xét nào:

Tìm kiếm ....