Ông bà anh chị em thân mến. Hôm nay chúng ta mừng kính phép
rửa của Chúa Giê-su Ki-tô. Trước khi
công khai thi hành sứ vụ rao giảng Tin mừng, Chúa Giê-su bỏ xứ Ga-li-lê-a đến sông
Gio-đan, và chịu phép rửa bởi Gioan Tẩy giả.
Chúng ta biết phép rửa của Gioan là phép rửa của sự ăn năn thống hối tội
lỗi. Chúa Giê-su, Con Thiên Chúa, mặc lấy bản tính loài người, trở thành một
phàm nhân với tất cả mọi cảm giác, ngoại trừ tội lỗi. Vậy tại sao Chúa phải lãnh
nhận phép rửa của Gioan?
Nếu ông bà anh chị em cảm thấy bối rối và khó hiểu về phép rửa của Chúa Giê-su thì ông bà anh chị em ở trong một “công ty tốt.” Giáo hội sơ khai cũng có những bối rối và cảm thấy không thoải mái và đồng ý với sự kiện này. Tin mừng thánh Mát-thêu cho chúng ta biết chính Gioan đã thưa với Chúa “Chính tôi phải được Ngài rửa, thế mà Ngài lại đến với tôi sao?” Trong Tin mừng thánh Luca mà chúng ta nghe hôm nay, không đề cập đến sự kiện Gioan làm phép rửa cho Chúa. Và Tin mừng thánh Gioan chỉ đề cập đến phép rửa một cách gián tiếp mà thôi. Nhưng tất cả các sách Tin mừng và Tông đồ Công vụ đều nhận biết sự kiện phép rửa của Chúa đã xảy ra, và đều phải cố gắng hết sức hiểu và giải nghĩa sự kiện này.
Chúng ta thấy Chúa Giê-su không có tội, cho nên phép rửa của Gioan Tẩy giả vô hiệu hay không chính đáng, cho nên một phương cách để hiểu phép rửa của Chúa bằng cách nhận biết đây là sự chiếu sáng bản tính của Chúa Giê-su, hay tỏ hiện Chúa Giê-su là ai. Chúa Giê-su là Con Thiên Chúa, Con yêu dấu và làm đẹp lòng Thiên Chúa Cha. Chúng ta không đặt câu hỏi hay thắc mắc về bản tính của Chúa Giê-su. Bản tính của Người đã được bày tỏ cho chúng ta biết trong Tin mừng thánh Luca khi thiên thần thưa với Đức Maria, trong mầu nhiệm Truyền tin, Mẹ sẽ thụ thai bởi Chúa Thánh Thần, và hài nhi sinh ra sẽ là Đấng Thánh, và được gọi là Con Thiên Chúa. Bản tính của Chúa Giê-su cũng đã được mạc khải trong câu chuyện Chúa ở lại trong đền thờ 3 ngày giữa các nhà tiến sĩ và thông thái. Chúa nói với cha mẹ “Mà tại sao cha mẹ tìm Con? Cha mẹ không biết rằng Con phải lo công việc của Cha Con ư?” Nhưng chúng ta nhận thấy bản tính của Chúa Giê-su còn bị che dấu, chỉ tỏ hiện ra với số người giới hạn. Ba đạo sĩ Phương Đông chỉ là biểu hiệu cho dân ngoại mà thôi, cho nên, khi Chúa Giê-su chịu phép rửa, Thiên Chúa đã tuyên báo cho tất cả trần gian biết: “Này là Con yêu dấu của Ta.” (Mt. 3.17) Và Chúa Thánh Thần đã ngự xuống trên Người để cho thế giới biết Người là ai.
Phép rửa của Chúa không những chiếu sáng bản tính của Người cho trần thế, mà còn loan báo một sứ mạng. Chúa Giê-su là giao ước của con người trần thế và là Ánh Sáng cho muôn dân. Sứ mạng đặc biệt của Người là xây dựng, thiết lập công lý và bình an dưới thế, và cũng là sứ giả lòng thương xót của Thiên Chúa Cha. Công lý ở đây có nghĩa là công chính, chính đáng, là trung thành với Thiên Chúa, là tốt lành, hy sinh, là công bằng, bác ái, là thương xót, tha thứ và quảng đại. Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa, đã trung thành chu toàn sứ mạng ấy một cách tuyệt hảo, làm đẹp lòng Thiên Chúa Cha.
Chúng ta cảm thấy hai tiếng “sứ mạng” có vẻ nghiêm trọng quá. Nhưng thực ra mọi người, mọi sinh vật, mọi thụ tạo nói chung đều có sứ mạng. Sứ mạng của mặt trời là sưởi ấm và sự sống cho các sinh vật trên mặt đất. Sứ mạng của cây lúa, cây mì là nuôi sống con người. Sứ mạng của vợ chồng là trung thành và xây dựng cũng như bảo trì hạnh phúc và hòa thuận trong gia đình. Sứ mạng của cha mẹ là nuôi nấng, dạy dỗ, hướng dẫn con cái. Mỗi người công dân trong một quốc gia đều có một sứ mạng tuân theo như tôn trọng luật, đóng thuế, bảo vệ an ninh trật tự và tự do. Mỗi Ki-tô hữu, già trẻ, nam nữ, giáo dân hay tu sĩ, đều có một sứ mạng. Vậy mỗi người hãy tự hỏi “Sứ mạng của tôi là gì đối với gia đình, đối với xã hội, đối với Giáo Hội, đối với giáo xứ, và mọi người chung quanh?”
Ở một quốc gia kia áp bức và có luật cấm đạo, có hai vợ chồng bị bắt đưa ra tòa vì tội là Kitô hữu. Để cứu vợ chồng này khỏi tội, luật sư đã hùng hồn biện hộ thân chủ như sau: “Thưa quan tòa! Hai thân chủ của tôi bị kết tội là Kitô hữu. Tôi xin chứng minh rằng sự thật không phải là thế. Họ có một cuộc sống đàng hoàng, siêng năng làm việc, không hề gian tham trộm cắp, không làm thiệt hại ai điều gì, không xích mích gì với hàng xóm. Thưa quan tòa! Như thế họ là những con người tốt, những công dân tốt. Không có gì sai trái. Ngày Chúa nhật họ đi dự lễ ở nhà thờ, họ thường đọc kinh ở nhà, họ đeo ảnh Thánh giá. Thưa quan tòa! Chính vì những biểu hiện bề ngoài này mà họ bị kết tội là Kitô hữu. Nhưng, thưa quan tòa, những biểu hiện bề ngoài ấy không đủ để kết luận họ thực sự là Kitô hữu chân chính. Tôi xin dựa vào Thánh Kinh của Kitô giáo đưa ra những tiêu chuẩn để xác định ai là Kitô hữu thật, ai là Ki-tô hữu chân chính, đích thực. “Cứ xem quả thì biết cây” (Mt 7,15) Thưa quan tòa! Hoa quả, theo Kinh thánh, chứng minh ai là Kitô hữu chân chính, là những việc hy sinh và phục vụ, là những việc bác ái yêu thương, đoàn kết và quảng đại. Một câu Thánh Kinh khác khẳng định rằng: “Người ta cứ dấu này mà nhận biết chúng con là môn đệ Thầy, là chúng con thương yêu nhau.” (Ga 13, 35) Thưa quan tòa! Nếu căn cứ vào những tiêu chuẩn này để xét, thì tôi dám khẳng định rằng thân chủ của tôi chắc chắn không phải là kitô hữu chân chính, đích thực. Mọi người chung quanh đều không thấy họ hy sinh giúp đỡ gì đến những công việc hay đóng góp trong giáo xứ của họ. Họ cũng không sống hiệp nhất yêu thương và liên kết trong giáo xứ. Họ chỉ tham dự Thánh lễ rồi về nhà. Họ cũng chẳng có chút quan tâm gì đến người nghèo khổ. Mỗi khi có cuộc lạc quyên, họ cũng đóng góp nhưng chỉ đóng góp cho có với người khác, chứ thực sự họ không có lòng chân thật. Vì những bằng chứng trên, thưa quan tòa và quí bồi thẩm đoàn, tôi xin quý tòa hãy hủy bỏ tội danh Kitô hữu của thân chủ tôi. Chánh án ra lệnh tạm ngừng vụ xử án để họp xét lại những bằng chứng. Sau đó tòa kết luận: Tội Ki-tô hữu không được thành lập và chính đáng. Hai vợ chồng được trả tự do!
Ông bà anh chị em thân mến. Bí tích Rửa tội hay Thanh tẩy cho chúng ta một bản tính: chúng ta là con cái Thiên Chúa, chia sẻ sự sống của Ngài, rất yêu dấu của Chúa Cha, và được kêu gọi sống cuộc sống làm đẹp lòng Cha trên trời. Vì ảnh hưởng của xã hội, chúng ta thường quên chúng ta là ai: là những người con yêu dấu muôn đời của Thiên Chúa Cha, và chỉ một người, một người duy nhất, có thể tẩy xóa khuôn mặt và bản tính này, người đó là chúng ta, chỉ chúng ta mà thôi. Chúa ban cho chúng ta nhiều ơn lành hồn xác và sức mạnh, để trung thành và chu toàn sứ mạnh đem ánh sáng, tình yêu Chúa đến những người chung quanh, bằng những việc lành phúc đức, bằng tấm lòng bác ái và quảng đại, sống yêu thương và hiệp nhất để làm sáng danh và đẹp lòng Chúa. Chúng ta là ai phải được định nghĩa và chiếu sáng trong đời sống hàng ngày của chúng ta.
Lm. Chánh xứ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét