Ông bà
anh chị em thân mến. Chiều hôm Thứ Sáu vừa
qua, các hãng thông tấn như radio, internet, đặc biệt là các đài truyền hình lớn
như CNN hay Fox News đột nhiên ngưng các chương trình thông thường, để loan tin
và trực tiếp truyền hình về vụ khủng bố xảy ra tại thành phố Paris tại Pháp quốc,
làm nhiều người thiệt mạng.
Chủ đích của
các hãng truyền thông là cho khán thính giả biết những sự kiện đang xảy ra, và
cảnh giác chúng ta chú ý và đề phòng, nhất là những sự khủng bố giết người của
người Hồi giáo quá khích. Chúng ta biết
khủng bố có thể xảy ra bất cứ lúc nào và nơi nào, kể cả trong quốc gia Hoa kỳ
này, vì quân khủng bố Hồi giáo quá khích đang hiện diện và trà trộn trong tất cả
các thành phố.
Trong những tuần cuối của năm phụng vụ, Giáo hội, qua những bài Kinh thánh Lời Chúa, muốn nhắc nhở và cảnh báo chúng ta, là những Ki-tô hữu, đến một sự kiện sẽ xảy ra liên quan đến đời sống hiện tại, nhất là đến đời sống vĩnh cửu ngày sau, để chúng ta chú ý, nhìn vào đời sống và chuẩn bị một cách tốt đẹp theo thánh ý Chúa dạy, cũng như sống trong an bình, vui mừng và hy vọng. Sự kiện sẽ xảy ra là Ngày Tận Thế, mà theo như lời Chúa, sẽ đến bất cứ lúc nào mà chúng ta không biết.
Trong
bài đọc 1, Ngôn sứ Đa-ni-êu nói cho chúng ta biết về thời cùng tận, và liệt kê những điều sau đây sẽ xảy ra. Thứ nhất thời điểm đó Tổng Lãnh Sứ Thần Michael sẽ được Thiên Chúa sai đến để che chở
cho dân trong thời kỳ khốn khổ sau hết. Thứ hai đây là thời kỳ khốn khổ chưa từng thấy
trong lịch sử loài người, từ khi
có các dân cho đến bây giờ. Và sau cùng, những ai có tên trong Sách của Thiên Chúa sẽ được thoát nạn,
được giải thoát và được ban thưởng phúc
trường sinh. Sách này chỉ có Con Chiên, ám chỉ Chúa
Giê-su Ki-tô Chiên Thiên Chúa, đã bị giết nhưng vẫn đang sống, mới có thẩm quyền
để mở mà thôi. Vào lúc đó mọi người sẽ chỗi dậy và phải chịu phán xét về việc làm của mình. Người công chính và trung thành sẽ được
ban thưởng phúc trường sinh. Những người tội lỗi sẽ “chịu tủi nhục muôn đời.”
Trong
bài
đọc II, tác giả Thư
Do-thái cho chúng ta biết về ơn sủng Hiến Lễ của Chúa Giê-su Kitô trên thập giá. Tuy Hiến Lễ này chỉ xảy ra một lần, nhưng có sức mạnh
tẩy trừ mọi tội lỗi của con người mọi thời đại, và làm cho con người được trở
nên tinh tuyền thánh thiện mỗi ngày một hơn. Hiến
Lễ của Chúa Giêsu trên đồi Golgotha, được ban cho Giáo hội qua Bí-tích Rửa Tội
để tẩy sạch tội lỗi con người, qua Bí-tích Giao Hòa để ban ơn tha thứ, và sau
cùng Hiến Lễ của Chúa Giê-su Kitô được thể hiện qua Bí Tích Thánh Thể, ban ơn
thánh cho con người chúng ta trong giai đoạn hiện tại.
Bài Tin mừng hôm nay làm cho tôi nghĩ đến bài Tin mừng của thánh Luca
Thứ Sáu hôm qua,
khi những người Pha-ri-sêu đến hỏi
Chúa Giêsu “Khi nào Nước Thiên Chúa đến và khi nào Thiên Chúa sẽ ngự
đến?” Chúa Giê-su đã cho họ biết Thiên Chúa đang hiện diện ở giữa họ, và Người
đưa ra một dấu hiệu Chúa đến trong ngày tận thế một cách thình lình như chớp
sáng lòe bầu trời giữa sự vô lo của con người trần thế. Sau đó, Chúa đã đưa ra 2 sự kiện điển hình để
minh chứng. Sự kiện thứ nhất về những
người sống trong thời ông Nô-e. Thời đó
người ta đang sống trong phồn thịnh, ăn chơi phè phỡn, tội lỗi thả dàn. Họ chỉ lo về vật chất, không nghĩ và để ý gì
về đời sống tinh thần và lo cho linh hồn của họ nữa. Họ cũng không nghe, bỏ ngoài tai những lời
khuyên bảo của các ngôn sứ. Trong khi đó một mình ông Nô-e nghe lời Chúa bảo, lo
lắng đi đóng tàu để tránh đại hồng thủy.
Họ tiếp tục sống phè phỡn, ăn chơi, lo kiếm tiền thật nhiều và hưởng
thụ, nghĩa là chỉ lo tới vật chất. Nhưng
giữa lúc phồn thịnh và ăn chơi thì lụt đại hồng thủy xảy đến, cuốn trôi tất cả,
tiêu hủy tất cả. Thiên Chúa đến và đến
gọi chúng ta bất ngờ. Ngày tận thế và
ngày Chúa trở lại với loài người cũng bất ngờ như vậy.
Sự kiện thứ 2 mà Chúa đề cập đến xảy ra thời ông Lót, cả thành phố Sô-đô-ma
đang phồn thịnh, thịnh vượng, ăn chơi thả dàn, xây cất, mua bán, nghĩa là tất
cả đang sống trong một cuộc sống hưởng thụ bình thản, nhưng là một loại bình
thản giả tạo trong tội lỗi và lầm lạc. Giữa
lúc như thế thì lửa bởi trời đổ xuống thiêu hủy tất cả, chỉ một mình ông Lót
thoát chết. Còn bà Lót thì hóa thành
tượng muối vì đã quay đầu nhìn lại thương tiếc, ham đống của cải bỏ lại, thay
vì cứu lấy chính bản thân mình.
Ông bà anh chị em thân mến. Tất cả những sự kiện trên đây mãi mãi vẫn là
một bài học nhắc nhở chúng ta. Thiên Chúa đến và đến gọi chúng ta bất ngờ. Ngày Chúa trở lại phán xét nhân loại cũng bất
ngờ như vậy. Cũng như mỗi người không
biết khi nào mình chết, thì cả nhân loại cũng không biết khi nào Chúa trở lại. Tất cả đều bất ngờ. Nhưng vì yêu thương, Chúa đã dùng
lời của Người để dạy dỗ và hướng dẫn chúng ta không bị lâm vào cảnh bất ngờ như
những người bị thiệt mạng trong cuộc khủng bố ở Paris. Tin Mừng thánh
Gioan quả quyết rằng “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin
vào Con của Người, thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời.” Vì thế, nếu chúng ta muốn được cứu thoát khỏi
cảnh “tủi nhục muôn đời” thì chúng ta phải tin vào Chúa Giêsu Ki-tô Con của
Thiên Chúa, và sống giáo huấn của Chúa dạy.
Chúng ta hãy nhớ cuộc sống ở trần gian là một cuộc lữ hành, là một cuộc hành
trình về nhà Cha trên Trời. Chúng ta
đang sống giữa trần gian như một bông hoa sớm nở, trưa héo, chiều tàn, nghĩa là,
cuộc đời chúng ta ngắn ngủi và mong manh. Hơn nữa, giờ chết của chúng ta cũng như ngày
tận thế, chúng ta hoàn toàn không biết. Vì thế là những Kitô hữu, chúng hãy
lắng nghe Lời Chúa báo trước, và sống thế nào để đừng bao giờ sự chết đến với
chúng ta trong tình trạng đáng tiếc và đáng hội hận. Trái lại, chúng ta sống như thế nào để làm
sáng danh Chúa và để kết thúc cuộc đời một cách tốt đẹp. Xin Chúa giúp chúng ta
nhận những sự kiện chung quanh, để chúng ta chú ý đến cuộc sống đức tin, luôn
trung thành với Chúa, và sửa soạn cho ơn cứu rỗi, cũng như đời sống vĩnh cửu
của chính mình. Hôm nay chúng ta còn
thời giờ để sửa soạn và giúp người khác được, nhưng đến ngày và thời điểm sau
cùng đó, chúng ta sẽ không còn thời giờ và cơ hội. Chúng ta phải luôn ý thức
rằng, Chúa không muốn chúng ta sống trong lo âu, sợ hãi, nhưng muốn chúng ta
sống trong bình an, tin tưởng và hy vọng.
Lm. Chánh xứ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét